Mẹ dặn tôi: "Lần đầu tới nhà bạn trai, tuyệt đối không vào rửa bát" và cái kết

19:05, Thứ tư 09/07/2025

( PHUNUTODAY ) - Trước khi đi, mẹ không dặn tôi phải thế này thế kia mà chỉ dặn đừng vội vào rửa bát. Cho tới sau này tôi càng thấm thía.

Gia đình tôi không giàu có nhưng không nghèo túng. Tôi quen anh khi cùng học đại học. Khi chúng tôi đi làm thì anh muốn tôi về ra mắt để sau đó hai bên gia đình gặp gỡ.

Tôi còn nhớ như in ngày ấy, khi lần đầu tiên chuẩn bị đến chơi nhà bạn trai, mẹ tôi đã dặn dò rất kỹ. Trong số nhiều điều mẹ nói, có một câu khiến tôi sửng sốt và nhớ mãi đến tận bây giờ:“Lần đầu đến nhà bạn trai, tuyệt đối không vào rửa bát.”

Thoạt nghe, tôi thấy lời mẹ thật kỳ lạ. Bởi theo lẽ thông thường, khi con gái về ra mắt nhà người yêu, ai cũng muốn ghi điểm với gia đình bên kia. Việc xắn tay vào bếp, giúp nấu ăn, rửa bát dọn dẹp là chuyện rất đỗi bình thường, thể hiện sự ngoan ngoãn, đảm đang. Sao mẹ lại dặn ngược lại?

Lần đầu làm khách nhà bạn trai không nên rửa bát
Lần đầu làm khách nhà bạn trai không nên rửa bát

Mẹ tôi không phải người cổ hủ, cũng không chiều con quá mức. Bà nghiêm khắc, sống chân thành và luôn dạy tôi biết điều, biết cư xử. Vậy nên tôi lắng nghe tiếp lời mẹ:

“Con cứ ngồi chơi, nói chuyện, quan sát. Lần đầu gặp, con là khách. Đừng vội vàng thể hiện mình bằng việc rửa bát hay lau nhà. Không phải ai cũng coi đó là điểm cộng. Có nhà sẽ nghĩ con chưa là gì mà đã tự tiện. Có người lại xem đó là dấu hiệu con hạ mình dễ sai bảo. Con chỉ nên giúp khi người ta thành tâm nhờ hoặc sau này đã thật sự thân quen. Còn hôm nay còn chỉ là 1 vị khách.”

Gia đình anh sống ở vùng ngoại thành, có bố mẹ và một em gái đang học cấp ba. Mọi người rất niềm nở đón tiếp tôi. Mẹ anh chuẩn bị một mâm cơm tươm tất, tôi có ý muốn vào phụ nhưng bà nhẹ nhàng bảo: “Con cứ ngồi chơi, để bác nấu là được.”

Sau bữa ăn tôi cùng em gái thu dọn bàn ăn nhưng tôi không bưng vào bếp khi bác gái nói con ra ngồi uống nước, bát để em rửa sau.

 Tôi lễ phép cảm ơn và ngồi nói chuyện thêm với mọi người, cố gắng giữ thái độ nhã nhặn, không làm quá, không tỏ ra quá nhiệt tình.

Hôm sau anh nói với tôi rằng bố mẹ nói cuối tháng có thể sắp xếp để hai bên bố mẹ gặp nhau không. Tôi có hỏi bố mẹ nói gì về tôi thì anh bảo họ khen tôi chín chắn và cư xử chừng mực, nói năng lễ phép, ăn mặc lịch sự dễ nhìn. 

Em gái có cau có vì sau đó phải rửa nhiều bát. Em nói "sao bạn gái anh không rửa cùng đã về" thì mẹ anh bảo "chị ấy hôm nay tơid làm khách, không phải để con so tị".

Khi tôi kể lại với mẹ, bà chỉ cười:

“Con thấy không, đâu phải cứ rửa bát là ghi điểm. Quan trọng là con thể hiện sự lễ phép, hiểu chuyện và biết giữ giới hạn. Gia đình nào có thiện cảm với con, họ sẽ quý con vì tính cách, không phải vì đôi tay lấm lem. Hơn nữa hôm đó con mặc trang phục tới làm khách không phù hợp đeo tạp dề rửa bát”

Sau này, tôi hiểu sâu sắc hơn bài học đó. Một người phụ nữ thông minh không phải là người lao đầu vào bếp để chứng minh mình “biết làm việc nhà”, mà là người biết quan sát hoàn cảnh, biết lựa lời ăn tiếng nói, và quan trọng nhất là giữ tự trọng.

Rất nhiều cô gái nghĩ rằng: về nhà người yêu mà không rửa bát thì sẽ bị đánh giá là lười, không biết phép tắc. Nhưng sự thật không hẳn như vậy. Có gia đình tinh tế sẽ hiểu rằng một cô gái mới đến lần đầu, còn lạ lẫm, không cần phải “xông pha” vào vùng tế nhị. Ngược lại, nếu cô gái quá sốt sắng, họ lại có thể nghĩ: “Chưa gì đã lo chiều chuộng, liệu có phải muốn níu kéo con trai mình không?”

Mẹ tôi từng nói thêm một câu mà tôi rất tâm đắc:

“Sự đảm đang không nằm ở cái bát, cái đũa. Nó nằm ở cách con cư xử, cách con đối nhân xử thế. Người tinh tế sẽ nhận ra điều đó. Con muốn cuộc đời không quẩn quanh trong bếp thì đừng lấy điều đó làm tiêu chuẩn"

Giờ đây, khi đã làm vợ, làm dâu, tôi vẫn luôn nhớ lời mẹ. Không phải để từ chối trách nhiệm, mà để nhắc mình rằng: Phụ nữ cần có giới hạn, cần giữ phẩm giá. Không nên biến mình thành người “chạy vặt” trong những lần gặp gỡ, cũng đừng vội vàng thể hiện bằng hành động mà chưa hiểu rõ lòng người.

Sau này mẹ tôi còn nói trong lần đầu tiên, mình là khách chưa phải người nhà thế nên hãy cư xử là khách. Kể cả các lần sau nếu hai bên đã thân thiết mình cũng chỉ là người phụ  trợ giúp đỡ việc ăn uống nấu nướng, rửa bát, đó không phải việc chính của mình. Hãy xem cách gia đình họ nhìn nhận đối đãi về việc này để biết họ thế nào. 

Nếu họ là người muốn con rửa bát ngay và xem đó mới là ưng bụng thì dừng lại đừng tiếp tục, bởi như thế sau này con và các con gái của con cũng chỉ bị xem là người nội trợ, người dưới. Đặc biệt nếu khi con hỗ trợ, họ để con làm 1 mình, biến đó thành công việc của con thì gia đình đó khó có tương lai là một gia đình biết sẻ chia hòa thuận. Nếu người bạn trai của con cũng muốn con vào rửa bát lấy lòng, thậm chí để con rửa một mình thì chấm dứt sớm khỏi khổ đau, bởi ở đó tiềm ẩn sự gia trưởng lớn.

Tôi chia sẻ câu chuyện này không phải để khuyên ai cũng làm theo mình. Mỗi gia đình có nếp sống khác nhau. Nhưng nếu bạn là một cô gái đang chuẩn bị về ra mắt, hãy nhớ rằng: Tốt bụng là điều cần có, nhưng cư xử thông minh và giữ được giá trị của mình còn quan trọng hơn.

Hãy lắng nghe trái tim, nhưng cũng nên lắng nghe lời khuyên từ người đi trước – như tôi đã lắng nghe mẹ mình.

Trong cuộc sống, chúng ta phát ra tín hiệu thế nào sẽ nhận được sự đối xử như thế. Nếu bạn xem việc rửa bát là tiêu chí để gần gũi để thể hiện với họ thì cả đời người phụ nữ cũng lại chỉ gắn liền với bếp và bị mặc định đó là việc phụ nữ.

Khi về làm dâu, chồng tôi cũng thường xuyên làm việc nhà với tôi trước mặt gia đình chồng. Tôi cùng chồng chia sẻ gánh vác kinh tế và cùng nhau chia sẻ việc nhà, chăm con. 

Khi mới làm dâu, còn ở chung thì mẹ chồng cũng không để việc rửa bát cho mình tôi, mà luôn cùng tôi làm và luôn nhắc em gái chồng cùng tôi làm việc nhà. Khi nào tôi về muộn hoặc tôi yếu người thì bà bảo em chồng làm hết và kêu chồng tôi vào làm cùng để tôi nghỉ ngơi.

Việc rửa bát tưởng nhỏ nhưng trong tiềm thức nhiều người thì đó là việc của phụ nữ, chỉ của phụ nữ. Do đó xem cách gia đình nhà người yêu nhìn nhận về việc đó, bạn cũng sẽ hiểu được thêm nhiều điều về gia đình họ, nhận thức và tư duy của họ. 

*Ghi theo lời tâm sự của độc giả

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Dạ Ngân