“Có bận, ông chồng tôi mắng tôi đẻ toàn lũ vịt giời, 5 đứa thì có tới 3 đứa mắc bệnh thần kinh. Uất quá, tôi lao ra đường, định đâm đầu vào ô tô mà chết. Vừa lao ra khỏi nhà, bỗng thấy đứa con út, mặt mũi nhem nhuốc, ngồi nghịch bãi phân gà đầu ngõ, thấy tôi, nó ngước lên cười hềnh hệch. Lòng tôi như thắt lại, chợt nghĩ, nếu mình chết, thì lấy ai nuôi các con đây, vì thế tôi không được phép chết…”, vừa nói bà vừa nghẹn ngào trong tiếng nấc.
Khổ từ trong trứng khổ ra
Nằm nép mình dưới chân con dốc Ba Chồm lừng danh về độ cao và độ dài của vùng đất Hà Nam chiêm trũng, ngôi nhà ngói nghèo nàn, cũ nát của mẹ con bà Bình càng trở nên bé nhỏ, côi cút.
Ấy vậy mà hơn 40 năm qua, ngôi nhà vẫn vững chãi đứng đó, gồng mình che mưa, che nắng cho bà mẹ năm nay đã ngoài 60 tuổi, một mình nuôi 5 người con, trong đó có 3 người mắc chứng bệnh tâm thần bẩm sinh, suốt ngày đập phá, la hét.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, 18 tuổi, bà Phạm Thị Bình ( Xóm 5 – Thị trấn Ba Sao- Kim Bảng- Hà Nam) đã lập gia đình với ông Trần Minh Thắng (SN 1942) cũng là người sinh ra tại mảnh đất Hà Nam.
Thời kỳ khó khăn, hai vợ chồng kéo nhau lên Thái Nguyên làm công nhân cho nông trường chè. Từ phun thuốc sâu, nhổ cỏ, hái chè… vợ chồng đều nhận làm hết, quần quật ngày đêm, mong có thêm thu nhập. Nhưng đời làm thuê, cũng chẳng được là bao, cái phận nghèo đói cứ đeo bám mãi vợ chồng ông bà.
Thời gian đó, khi mang thai tháng thứ 8 đứa con đầu, bà Bình vẫn nhận phun thuốc sâu cho hàng mẫu chè của nông trường. Giữa trưa nắng chang chang, khoác trên vai bình thuốc sâu nặng trĩu, bà cứ phun một mạch cho tới tối mịt mới về.
Bà Phạm Thị Bình bên hai người con tâm thần. |
Mải mê công việc như thế, bà cũng chỉ mong sao dành dụm thêm đồng nào hay đồng đấy, để sau này còn có cái mà chăm con. Ai ngờ, chính công việc này lại là nguyên nhân làm cho các con bà không được phát triển bình thường.
Quệt vội dòng nước mắt, từng nếp nhăn xô lại trên khuôn mặt khắc khổ, bà nghẹn ngào nhớ lại. Năm 1969, khi sinh đứa con đầu là Trần Thị Minh, thì vẫn thấy cháu khỏe mạnh, bụ bẫm bình thường. Nhưng càng lớn, càng thấy cháu chẳng giống trẻ con hàng xóm, đặt đâu ngồi đấy, cho ăn gì thì ăn, không biết kêu đói, no thế nào. Đến tuổi nói, không thấy nói năng gì, cứ ú ớ kêu, khóc.
Mỗi lần nhìn con, bà lại lặng lẽ khóc, rồi ôm chặt con vào lòng, mà không biết trách ai, cứ lẩm bẩm nói như cầu xin con: “Con ơi, gọi mẹ một tiếng đi con”.
Cũng như bao người phụ nữ khác, bà khao khát lắm một lần được nghe đứa con mình dứt ruột đẻ ra gọi một tiếng “mẹ”. Nhưng càng mong ngóng, càng không thấy đâu, Minh chỉ đáp lại bà bằng cái nhìn ngây dại vô thức.
Nuốt nước mắt vào trong, lại muốn có thêm con, nhất là con trai để có người nối dõi tông đường, ông bà sinh tiếp bốn lần nữa. May sao, có hai cô lành lặn, phát triển bình thường. Còn cô Trần Thị Ánh (1971) và Trần Thị Suốt (1977) thì lại bị như cô chị cả, cứ trở nên ngây ngô, đặt đâu ngồi đấy, cắn móng tay, dứt áo cả ngày.
Nỗi đau lại nhân lên gấp bội. Bàn bạc với nhau, vợ chồng bà quyết định về quê làm ăn, chứ không thể làm thuê mãi nơi đất khách thế này được. Về nhà, còn có bà con họ hàng đỡ đần, chứ ở đây, biết trông cậy vào ai.
Nghĩ thế, vợ chồng con cái lếch thếch khăn gói về quê, khi đi lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng, giờ trở về vẫn trắng tay, và còn thêm những đứa con bệnh tật. Một tay bà phải chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tới cả việc vệ sinh cá nhân cho 3 người con mắc bệnh tâm thần ấy.
Về quê, có nhiều lần ông bà đã đưa các con tới trại tâm thần Cao Đà (Hà Nam), khám điều trị và uống thuốc một thời gian, nhưng không tiến triển, nên lại được trả về nhà. Từ đó, ông bà cũng không cho đi khám nữa, bởi cũng tốn kém, lại biết cũng chẳng cứu chữa gì được, đành chấp nhận số phận vậy thôi.
Còn sống ngày nào, mẹ sẽ không để các con phải đói
Nỗi đau trong lòng bà còn nhân lên gấp bội khi người chồng đột ngột qua đời năm 1997. Từ đó, chỉ có mình bà vừa đi làm, vừa chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt cho 3 người con tâm thần của mình.
Bà gồng mình lên, lúc nào cũng tự nhủ mình phải cố gắng, phải làm để kiếm cho con bát cơm, để các con không bị đói. Thương mẹ, người con thứ ba ngay sát cạnh nhà vẫn giúp bà tắm giặt, vệ sinh cho các chị em lúc rảnh rỗi.
Ngày ông chồng còn sống, có lần uống rượu say, lại nghe người ta kích bác, về nhà mắng bà không biết đẻ, đẻ toàn lũ vịt giời, năm đứa thì có tới ba đứa mắc bệnh thần kinh. Uất quá, bà định lao ra đường, đâm đầu vào ô tô mà chết cho rảnh nợ.
Vừa lao ra khỏi nhà, bỗng thấy đứa con út, mặt mũi nhem nhuốc, ngồi nghịch bãi phân gà đầu ngõ, thấy tôi, nó ngước lên cười hềnh hệch. Lòng bà thắt lại, chợt nghĩ, nếu mình chết, thì lấy ai nuôi các con đây, vì thế bà tự nhủ mình không được phép chết…
“Nghĩ mà tủi lắm chứ. Trời bắt con tôi phải thế, lòng mẹ nào chả đau chả xót”, nước mắt lăn dài trên gò má, khuôn mặt khắc khổ, gầy gò của người ba Bình như co rúm lại, nhăn nhó.
Về quê, không có ruộng để cấy, may mà còn có quả đồi để trồng trọt. Quanh năm cũng chỉ trồng sắn, ngô, thu hoạch cũng chẳng được là bao. Thi thoảng rảnh rỗi, bà lại đi nhặt củi để bán hay mang về sưởi cho các con trong những ngày đông giá lạnh.
Tuy có trợ cấp của Nhà nước cho những đứa con mắc bệnh của bà, mỗi người 120.000 đồng/tháng, nhưng nào có thấm vào đâu.
Ngày còn bé, đặt đâu nằm đấy, ú ớ kêu khóc mệt thì thôi. Nhưng khi lớn lên, bệnh các con bà như càng nặng hơn. Có hôm, chúng đập đồ đạc, rồi la khóc om sòm, ai động đến là nhảy vào cào cấu, đánh luôn cả người đó.
Mỗi khi đi lên đồi, bà phải khóa cửa, nhốt ba người con ở trong nhà, chứ không chúng sẽ chạy lung tung ra đường, rồi không biết chỗ nào mà đi tìm. May mà, trong ba người con bị tâm thần bẩm sinh như thế, có người còn hơi tỉnh táo, có thể sai đi trông bò ngoài bãi được.
Có lần, đi làm đồi về muộn, vừa mở cửa ra, bà hoảng hốt khi thấy mặt mũi 2 đứa con máu me be bét, khô kệt lại trên má, trên cổ tay. Đứa cả thì nhăn mặt, ú ớ trong cổ họng mà không nói được thành lời, còn con út thì kêu khóc, vò đầu bứt tai, ngồi thu lu ở xó nhà.
Mãi mới biết, lúc bà vắng nhà, cô út vớ được con dao ở đâu, mang cứa vào tay cô chị cả, làm máu chảy tứa ra. Dắt con ra sân giếng rửa vệt máu trên người, nước mắt bà cứ túa ra, nấc lên thành tiếng, muốn ôm ghì lấy con, mà con cứ đẩy ra, rồi lại cười hềnh hệch.
Bà Bình còn nhớ, đêm hôm ấy, trong người Ánh khó chịu, cứ kêu, gào, khóc lóc, làm hàng xóm không ngủ được. Ánh ra hiệu đòi mở cửa, bà vừa bỏ then cửa ra, Ánh chạy vụt mất, kéo lại cũng không kịp. Mắt mũi kèm nhèm, lại không có đèn pin, bà Bình cứ chân đất, quần xắn cao đầu gối, mò mẫm chạy đi tìm con, vừa đi vừa khóc vì lo sợ.
Gọi tên con cũng vô ích, vì bà biết, ngay cả tên của mình, các con của bà cũng có biết đâu. “Nó là con gái, lại bị tâm thần như thế, nhỡ đứa nào ác độc, kéo vào đâu, rồi làm gì con bé, lại khổ nó đời nó ra”. Bà Bình phân bua cho nỗi sợ của mình.
Thế là, đêm hôm đó, chạy suốt đi tìm con, may mà mấy người hàng xóm đi tìm giúp, tận gần sáng mới thấy. Thấy con ngồi co ro ở góc chợ, nhất quyết không chịu về, bà lại lặng lẽ ngồi ôm con chờ tới sáng, hai mẹ con mới lững thững dắt nhau về nhà.
Con mắc bệnh như thế, người bình thường chăm còn vất vả, huống hồ bà Bình có khỏe gì cho cam. Bà cũng bị ảnh hưởng của thuốc hóa học ngày còn làm cho nông trường chè, nên bây giờ, thi thoảng cứ đau ốm, có khi nằm liệt giường cả tuần.
Mỗi lần như thế, cô con gái gần nhà cũng chỉ giúp nấu được bữa cơm. Đang dở câu chuyện, thấy mấy đứa con cứ đòi ăn gói kẹo tôi mang cho, bà Bình cắn vỏ, bóc kẹo cho con.
Người con lớn nhất của bà cũng ngoài 40 tuổi rồi, nay cầm cái kẹo, cứ cười như trẻ con, làm rơi xuống đất, lại vội nhặt lên như sợ ai lấy mất, giấu vào áo.
Hôm Tết, hàng xóm có cho mấy gói kẹo, bà Bình cứ phải giữ để dành, dỗ các con dần. Tết vừa rồi, nhà cũng chẳng có gì ngoài 3 cái bánh chưng cô con gái gần đó mang sang.
Đã thế, đêm giao thừa, nghe tiếng bắn pháo hoa của mấy nhà gần đó, mấy cô con bà cứ ôm đầu, ngồi mỗi đứa một xó nhà, nhìn mà tội lắm. Lại một cái Tết nữa trôi qua, những người con tâm thần của bà Bình lại thêm tuổi mới.
Nhưng, có bao giờ họ biết được đâu là bánh chưng, đâu là hoa đào, đâu là không khí ngày Tết đâu. Cứ thêm một cái Tết, mái tóc bà Bình như thêm nhiều sợi bạc, vầng trán thêm nhiều nếp nhăn, và nỗi lo cho tuổi già thì ít, mà lo cho các con thì nhiều:
“Tôi còn sống, chúng nó còn cái để ăn, chứ tôi chết đi, thì lấy ai nuôi chúng nó bây giờ. Tôi chỉ mong có một điều, sau này, khi tôi mất đi, các con tôi được xã hội chăm sóc, cho nó mái nhà, cái ăn là tôi yên lòng rồi”
Đó là nỗi lo và cũng là mong muốn lớn nhất luôn canh cánh trong lòng người mẹ, nó hiển hiện rõ trên nét mặt già nua, khắc khổ. Chia tay bà, nhưng hình ảnh người phụ nữ với dáng người nhỏ thó, khuôn mặt đầy lo âu, cùng những người con cứ như ngây dại cả ngày, ám ảnh tôi mãi.
Nhưng tôi tin, trong cuộc sống này còn có tình người, và niềm mong mỏi của bà Bình sẽ thành hiện thực.
- Thùy Vy
[links()]