Cần phải ngâm ủ hạt giống trước khi gieo
Ngâm ủ là biện pháp giúp đảm bảo tỷ lệ nảy mầm tốt nhất cho hạt giống. Nên ngâm hạt trong thời gian 6-10 giờ sau đó đem ủ lại trong lớp khăn ướt trong thời gian 1-2 ngày, khi thấy hạt vừa nức vỏ thì mới bắt đầu trồng vào chậu đất.
Chọn đất trồng rau phù hợp vừa sạch vừa an toàn cho sức khỏe
Thật ra việc tận dụng đất sẵn có tại nhà để trồng rau là điều không khả thi. Loại đất này thường đã bị chai cứng, ít dưỡng chất cần thiết cho rau. Mặt khác rau là loài cây có bộ rễ ăn cạn trên lớp mặt từ 5-12 cm, nếu đất không giữ ẩm tốt thì rau rất khó phát triển, cây rau vẫn sẽ lên nhưng bị còi cọc lá nhỏ dần.
Nếu bạn không muốn dùng phân vô cơ như NPK, Lân, DAP, Urê… khi trồng thì nên bổ sung thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế để giúp cây kịp đà phát triển tốt.
Cải tạo đất
Ba năm nay, nhà tôi chưa phải thay đất. Hàng năm, tôi chỉ làm một việc duy nhất là rắc vôi, phơi khô đất, bổ sung thêm phân trùn quế, trấu hun. Một thùng xốp cần rắc một nắm vôi bột trộn đều với đất, để 7-10 ngày. Sau đó, tôi trộn trấu hun, phân trùn quế vào tiếp tục một vụ mới.
Bạn nên trồng luân canh, xen canh cây trồng, không nên trồng một loại cây 2 vụ liên tiếp trong một chậu để đảm bảo hiệu quả và hạn chế sâu bệnh.
Rắc vôi bột để chống sâu bệnh
Vôi bột có tác dụng diệt trừ sâu bệnh, khử mặn cho đất và cung cấp thêm canxi giúp rau có thêm dinh dưỡng. Trước khi làm đất trồng rau bạn nên rắc một ít vôi bột lên trên. Bạn có thể mua vôi bột tại các cửa hàng vật liệu xây dựng. Với chi phí rất nhỏ, bạn đã có thể trồng được vườn rau sạch mà không lo sâu bệnh.
Ủ rác nhà bếp để bón cho rau
Bạn cho cuộng rau thừa, cơm nguội, canh rau, vỏ rau củ quả, nước vo gạo, nước rửa thịt cá, nước tiểu trẻ em... vào ngâm trong thùng có nắp đậy khoảng 7-10 ngày. Hạn chế đồ có dầu mỡ, muối mặn. Sau đó, bạn lấy một phần nước cốt pha với 7-10 phần nước lã để tưới tùy giai đoạn phát triển của cây. Bạn không nên tưới trực tiếp lên lá. Với các loại cây rau, tôi chỉ dùng loại nước này.
Với các loại cây mới mua ở chợ về, tuyệt đối không tưới phân ngay, phải đợi cây hồi mới được tưới.
Vỏ trứng đuổi ốc sên ăn lá
Mùa mưa, ẩm ướt các loại ốc sên thường phát triển mạnh, chúng thường xuyên hiện ở những nơi có nhiều cây xanh để ăn lá. Để diệt trừ ốc sên cắn lá, bạn không cần dùng đến thuốc có chứa hóa chất độc hại. Cách đơn giản nhất là tận dụng vỏ trứng, đập vụn sau đó rải xung quanh cây. Cách này không chỉ giúp xua đuổi ốc sên mà còn có tác dụng diệt trừ một số côn trùng, sâu bệnh gây hại khác cho rau.