Móc túi ngay tại hiện trường tai nạn thảm khốc

( PHUNUTODAY ) - Trưa 9/6, công an huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết đang tạm giữ một đối tượng móc túi các nạn nhân trong vụ TNGT thảm khốc tại thôn 8A, xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn.

Đời sống) - Trưa 9/6, công an huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết đang tạm giữ một đối tượng móc túi các nạn nhân trong vụ TNGT thảm khốc tại thôn 8A, xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn.
 
Báo Tuổi trẻ dẫn điều tra ban đầu cho biết, đối tượng này đã lợi dụng lúc các nạn nhân được đưa ra khỏi xe bị nạn, tinh thần vẫn đang hoảng loạn nên “giở trò hai ngón”. Tuy nhiên, thủ đoạn của kẻ nhẫn tâm đã bị người dân phát hiện và bắt giữ ngay lập tức. Nhiều người quá tức giận đã xông vào đánh đập đối tượng, sau đó bàn giao cho công an.
 
Hiện danh tính đối tượng này vẫn chưa được công bố.
 
Trong số nạn nhân bị hôi của có anh Ngô Văn Thành (từ TPHCM) về quê chơi, gặp vụ tai nạn đã chạy đến tiến hành đưa nạn nhân và bệnh viện cấp cứu. Sau đó, anh Thành phát hiện đã bị những kẻ hôi của móc ví lấy mất 8 triệu đồng và toàn bộ giấy tờ.
 
Người dân bàn giao đối tượng móc túi cho công an
Người dân bàn giao đối tượng móc túi cho công an. Ảnh:  Báo Phụ nữ
 
Vào lúc 7 giờ ngày 9/6, xe khách loại 50 chỗ của Công ty Mai Linh chạy từ Buôn Ma Thuột về TP.Đà Nẵng, khi qua đoạn thị trấn Vĩnh Điện thì bất ngờ tông vào ta luy hướng cùng chiều và rơi xuống hố sâu hơn 8m.
 
Hàng ngàn người dân địa phương đã tập trung để theo dõi vụ việc và đến hỗ trợ, cứu được một số nạn nhân đưa đi cấp cứu. Để chặn cho xe khách không tiếp tục bị nghiêng và lật, người dân đã mang cốt pha ra chống.
 
Hôi của là một hiện tuợng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Lợi dụng lúc người bị nạn lâm vào cảnh bối rối, khó khăn không ít kẻ hám lợi đã lao vào hiện trường tìm mọi cách móc tiền, múc xăng, nhặt hoa quả... 
 
Gần đây nhất ngày 7/5, cảnh hàng trăm người chen chân múc xăng dầu khi xe chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bị lật nghiêng trên Quốc lộ 1 khiến dư luận thêm một lần nữa bức xúc về lối ứng xử của người Việt trong những hoàn cảnh tương tự. Bất chấp tính mạng và nguy cơ ngọn lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, từng tốp người gồm già trẻ gái trai đua nhau dùng xô chậu, can nhựa để hứng xăng chảy ra từ xe bồn.
 
Cảnh sát và chủ hàng cũng phải bất lực trước thái độ hăm hở của những kẻ hôi của. Đám đông ấy chỉ chịu rời đi khi sức đã thấm mệt vì trời nắng và lượng xăng trong bồn chảy ra gần hết.

Ngày 25/2, chị Đặng Thanh Hiền (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đi xe máy đến ngã tư Hàng Trống - Hàng Gai bị xe máy do một  thanh niên điều khiển va phải, làm chị Hiền ngã ra đường. Cùng lúc, một phụ nữ đi xe máy chở theo Nguyễn Thị Xương (47 tuổi, hộ khẩu ở phường Đông Ba, TP. Huế) áp sát thò tay móc điện thoại iPhone 5 của chị Hiền. Chị Hiền hô hoán, cùng người dân đuổi tới trước nhà 90 Hàng Trống thì bắt được Xương. 
 
Vụ “xe điên” gây tại nạn liên hoàn trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10, TPHCM) xảy ra cách đây đã nửa năm nhưng khi nhắc lại nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa. Chiếc xe 4 chỗ đang chạy trên đường bất ngờ lao vào 3 tô khác rồi húc tung 12 chiếc xe máy đang dừng đèn đỏ.
 
Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến 12 chiếc xe máy bẹp dúm, 2 người chết và 17 người bị thương. Những người gặp nạn hôm ấy không chỉ phải chịu sự đau đớn, mất mát về thể xác mà còn bị mất hết tài sản. Nhân chứng tại hiện trường cho biết, lúc tai nạn có hàng loạt điện thoại, ví tiền, túi xách, tư trang... của nạn nhân rơi vãi khắp nơi.
 
Có người đã lạnh lùng xông vào nhặt đồ, đút túi, rồi “chuồn” êm mặc cho người bị nạn nằm vật vã đau đớn trên đường. Trong số những người bị nạn hôm ấy, có người trong cơn mê vẫn lơ mơ nhớ lại cả toàn bộ khối tài sản gồm tiền, vàng, đô la… đựng trong cốp xe bị người khác lấy đi.
 
Theo TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên Truyền cho rằng: “Đạo đức bình thường giữa con người trong xã hội là khi khó khăn thì giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau.
 
Tuy nhiên, vài năm gần đây, thái độ vô cảm trước những đau đớn, rủi ro của đồng loại ngày càng trở nên phổ biến. Những hành vi bất thường này cho thấy lòng tham của con người dường như đang lớn dần lên. Thậm chí, ngay khi tiền ở trong túi chúng ta, một số đối tượng còn cố tình cướp giật, huống chi khi của văng ra đường.
 
Quả thực, văn hóa, lối sống, ý thức, đạo đức của nhiều người trong xã hội hiện nay phải được nhìn nhận lại. Tâm lý hám của còn tồn tại trong số đông. Thay đổi thực trạng trên không chỉ ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Chúng ta nên có những cách tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người để họ thấy được đó là hành vi xấu, bị lên án và tẩy chay mạnh mẽ”.
 
  • Kim Hảo (Tổng hợp)
 
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn