(Sức khỏe) - Ngộ độc do hoá chất được xếp vào nhóm tác nhân gây ngộ độc nặng, đứng hàng thứ hai trong ngộ độc cấp thường gặp ở trẻ em. Thống kê tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy yếu tố tác động là tình trạng lưu trữ không an toàn. Những nguy cơ phối hợp là thói quen của người lớn và sự thiếu hiểu biết về mối hiểm nguy của độc chất. Đáng chú ý là trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ có nhiều khả năng tiếp cận trực tiếp với những hoá chất này ngay tại nhà.
Rất nhiều trường hợp trẻ ngộ độc do uống nhầm hoá chất chứa trong chai nước suối. (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: I.Cowong Những tai nạn thường gặp |
Bé trai T.M.L., 17 tháng tuổi, nhập viện Nhi Đồng 1 vì uống nhầm dầu lửa. Vào lúc chiều, trong lúc chạy chơi gần nơi người nhà đang đấm bóp, thấy chai nước suối đựng dầu lửa dùng đấm bóp không đậy nắp ở trên bàn, bé lấy uống rồi ho sặc sụa, tím ngắt và bất tỉnh ngay sau đó.
Người nhà dùng tay móc họng gây ói, nặn chanh vào miệng bé vẫn không tỉnh nên vội đưa đến bệnh viện địa phương rồi chuyển ngay đến Nhi Đồng 1 trong tình trạng mê man, không thở được, tím tái, tay chân lạnh ngắt. Phải sau hai tuần chữa trị, bé L. mới thở lại được và sau ba tuần mới hồi phục, nhưng vẫn còn phải tái khám theo dõi tổn thương ở phổi.
Trường hợp trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc hoá chất tại nhà. Những hoá chất gây ngộ độc cho trẻ em được ghi nhận gồm xăng, dầu lửa, chất tẩy rửa gia dụng, chất khử trùng, chất trừ sâu rầy, dấm, nước tro tàu, acid, acetone, keo dán gỗ, nước rửa kim loại. Đây là những sản phẩm dùng rộng rãi trong đời sống hàng ngày nên thường được lưu trữ trong nhà.
Nhiều ông bố bà mẹ có thói quen giữ lại vỏ các chai nhựa, vật chứa ngày càng đa dạng và nhiều hình thức so với trước đây, dùng đựng xăng dầu hoặc những hoá chất khác. Việc này rất nguy hiểm, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ. Thực tế điều trị tại Nhi Đồng 1 cho kết quả gây ngộ độc nhiều nhất là các chai nhựa đựng nước uống như chai nước suối, chai nước ngọt, trà xanh trông bắt mắt. Khi chạy chơi bị khát, trẻ dễ nghĩ đó là nước suối và uống ừng ực nên lượng hoá chất nuốt vào thường nhiều.
Những tác hại cụ thể của tình trạng ngộ độc nặng là trẻ bị nguy kịch vì suy hô hấp, viêm phổi nặng do hít, phỏng gây chít hẹp thực quản đến nỗi không ăn uống được phải nằm viện lâu dài và điều trị rất khó khăn. Thậm chí đã có trường hợp tử vong đáng tiếc.
Làm sao để phòng ngừa?
Muốn đề phòng hiệu quả tai nạn ngộ độc hoá chất ở trẻ em, cần có sự quan tâm đúng mức của gia đình và cộng đồng. Ở nhà, tất cả các hoá chất phải để đúng trong chai lọ của chúng, đặt trong tủ đóng kín, có khoá càng tốt, không để trong các chai lọ vẫn dùng đựng thức ăn, nước uống. Cũng không đặt chúng trên bàn, kệ, góc nhà, gầm tủ, kẹt bếp. Các cơ sở kinh doanh không bán hoá chất gia dụng chứa trong các chai lọ có hình dạng tương tự chai đựng thức uống.
(Theo SGTT)