Nha Trang (Khánh Hòa), dạo này mưa lây rây, sáng tối không ngớt. Dòng người thưa thớt, rút hết vào khách sạn, quán nhậu. Đó luôn là thời điểm thích hợp nhất để tôi đến trò chuyện với ông - nhà thơ Giang Nam, tác giả nổi tiếng của bài thơ “Quê hương”.
[links()]
Sự nghiệp văn học, chính trị của ông người ta đã viết nhiều, viết chán. Nhưng, còn một điều, bao lần gặp gỡ ông vẫn khiến tôi khâm phục, ngưỡng mộ đó là mối tình chung thủy vượt muôn ngàn gian khổ của ông.
Mối tình ấy đã giúp ông có sức mạnh chống chọi những làn bom, mối tình ấy cũng giúp ông bung bật cảm xúc làm nên bài thơ “Quê hương” trong hơn một tiếng đồng hồ, mối tình ấy cũng tiếp cho ông sức mạnh giữ được thanh liêm trong nhiều năm làm Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa.
Suốt cuộc đời ông chỉ yêu duy nhất một người, ở tuổi 83 nhưng lúc nào ông luôn gọi vợ bằng những từ ngọt ngào: em yêu, em thương… giống ngày son trẻ.
“Tình yêu gắn lý tưởng có sức manh ghê gớm lắm”
Nhà thơ Giang Nam |
Ân cần, mến khách, ông bao năm vẫn thế. Vừa thấy tôi quàng áo mưa đến cổng, ông đã gọi vợ: “Em yêu ơi, pha cho anh ấm trà gừng, khổ quá, trời mưa suốt à”. Nhìn đống bản thảo của ông, tôi biết, ông vẫn luyện trí minh mẫn cho mình bằng cách đánh vật với chữ nghĩa, những hội thảo, những trang hồi ký viết dở và… tập dưỡng sinh, làm thơ tình tặng riêng cho vợ.
Với ông, cách rèn luyện này đã mang lại cuộc sống thường ngày thư thái hơn. Biết sức khỏe ông đã yếu, tôi chỉ xin tiếp xúc một cuộc thoại ngắn xung quanh mối tình đầy cảm động của ông với bà Phạm Thị Triều.
Vầng trán đã xô dày nếp nhăn, nhíu mày mãi, ông kể: “Hồi đó, tôi giác ngộ cách mạng rất sớm, từ năm 20 tuổi, lại được người anh trai – Nhà cách mạng Nguyễn Lưu truyền cho bầu nhiệt huyết nên luôn sôi sục ý chí chiến đấu và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Có năng khiếu chữ nghĩa nên khi vào hoạt động cách mạng, tôi được giao nhiệm vụ tuyên huấn. Cũng từ những ngày làm tuyên huấn đó, tôi đã quen và thầm thương, trộm nhớ bà Phạm Thị Triều”. Chiến tranh khắc nghiệt nhưng tình yêu bung nở một cách giản dị và có sức gắn kết bền chặt đến phi thường.
“Cùng làm ở cơ quan dân chính Phú Khánh, hồi đó, tôi rất thích vợ tôi, nhưng xung quanh cô ấy lại có rất nhiều người theo đuổi nên chỉ còn cách mỗi lần đến đưa công văn, gửi cho cô ấy một lá thư chứ không dám đến hỏi thêm gì.
Viết thư cũng chỉ dám hỏi mấy câu đơn giản như: anh có ý thích em, nhiều đêm anh hay nhớ em, em nghĩ thế nào?. Nhớ nhất là trong một lần, mới quen nhau thôi nhưng nhớ đến day dứt, tôi thức trắng đêm và viết cho Triều một lá thư, để dưới đáy sắp công văn. Chẳng biết Triều có nhận được không nhưng về nhà, lòng lúc nào cũng bồn chồn không yên”.
Con tim dường như có lý lẽ riêng, cũng từ đó Giang Nam quyết chí phải làm việc thật tốt để không phụ lòng cấp trên cũng vừa để lấy lòng bà Triều.
“Mình nhà nghèo mà, lại là anh lính quèn nữa, chỉ biết chút ít thơ ca thôi nên đôi lúc cũng tự ti lắm nhưng không thôi ý nghĩ nhớ đến Triều được. Tuy nhiên lý tưởng cách mạng luôn nung nấu trong tâm can tôi”- Giang Nam tâm sự.
Đều ngoài 80 nhưng vợ chồng nhà thơ Giang Nam vẫn hạnh phúc bên nhau sau bao gian lao, chia cắt. |
Sau những lá thư đầy thẹn thùng, e ấp, ngóng trông, sau bao bồn chồn chờ đợi suốt 2 tuần lễ, cuối cùng, Giang Nam cũng nhận được hồi âm: “Em cũng thích anh”. Từ đó họ bắt đầu một tình yêu chung thủy và tin tưởng đến kỳ lạ.
Kỳ lạ đến nỗi, chính họ cũng không lý giải nổi. Vén những lọn tóc bạc, bà Triều ngồi trầm ngâm. Hình ảnh của bà gợi tôi nhớ những bà mẹ quê xưa, tần tảo, cam chịu, thủy chung, hy sinh, tháo vát. Nhấp một ngụm trà nóng, bà kể:
“Tôi nhà cũng nghèo nhưng có truyền thống cách mạng lắm. Từ nhỏ đã khát khao được đi làm cách mạng rồi. Tôi mến và nhận lời yêu anh Nam cũng vì cái lý tưởng của anh ấy. Tình yêu gắn với lý tưởng thì có sức mạnh ghê gớm lắm.
Với lại anh ấy cũng hiền lành, chăm chỉ. 16 tuổi, tôi đã hoạt động du kích ở căn cứ Đồng Bò, gia đình ngăn cấm, tôi cũng vẫn xin đi bằng được. Khi mặt trận Nha Trang bị quân địch càn quét mạnh quá, tôi lên Đá Bàn làm ở Văn phòng Tỉnh ủy.
Lúc đó, anh Nam làm ở ty thông tin, sau này là báo Thắng nhưng mỗi lần gặp nhau, anh Nam vẫn kể về lý tưởng cách mạng của mình, tôi thích. Cả nhà anh ấy cũng đều theo cách mạng như nhà tôi nên thấy có nhiều điểm đồng cảm và cảm giác gần gũi lúc nào không hay”.
Cùng ở khối cơ quan Quân Dân Chính Đảng, thường xuyên được giáp mặt nhau nhưng cũng chỉ dám liếc nhìn chứ không nói chuyện riêng được lâu. Vì cái thời đó, cách mạng là trên hết. Cho đến ngày, Giang Nam có tên trong danh sách đi chiến trường.
Thấy tình cảm cao đẹp của hai người đã chín muồi nên tổ chức đã gọi Giang Nam đến và nói: “Nếu yêu rồi thì phải xác định gắn với cách mạng, tình yêu của người lính phải luôn cao cả”. Niềm vui như vỡ òa, Giang Nam về tất bật chuẩn bị và nhờ tổ chức đứng ra chủ trì cho hôn nhân của ông.
Sau đêm tân hôn đúng 2 ngày (vào đầu năm 1955), Giang Nam phải nhận nhiệm vụ mới ở Bình Định. Đây cũng là cái mốc đánh dấu cho những chuỗi ngày xa nhau đằng đẵng của ông bà. Ông miệt mài với công việc tổ chức giao nhận các thư mật, âm thầm tham gia tờ báo hợp pháp với tên gọi “Gió mới” hoạt động công khai tại nội thành Nha Trang.
Cảm xúc chủ đạo làm nên bài thơ “Quê Hương”
Ngày chia tay, bà Triều tặng cho Giang Nam chiếc khăn tay và lá thư với lời nhắn nhủ ngắn gọn: “Hãy giữ gìn sức khỏe, tình yêu của em luôn trọn vẹn cho anh, mãi mãi là vậy và lớn thêm. Anh hãy sống cho lý tưởng cách mạng trước chứ đừng lo nghĩ cho em nhiều. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, em cũng một lòng đợi anh, chung thủy với anh”.
Lao vào hoạt động báo chí cách mạng, không quản ngày đêm, chính những lúc mệt mỏi ông lại đem lá thư của bà Triều ra đọc. Ông bảo: “Có lúc nhớ đến quay quắt, càng nhớ bao nhiều càng muốn đánh cho quân địch cút đi bấy nhiều. Chỉ có sạch bóng quân xâm lược thì tình yêu riêng tư mới trọn vẹn được.
Có những đêm thức trắng làm báo cho kịp chuyển vào các mặt trận, tôi lại mang lá thư vừa là tình cảm vừa là sự động viên của Triều để đọc cho có thêm sức mạnh tinh thần. Có một người vợ như thế chẳng còn gì ngăn bước được tôi làm cách mạng cả.
Có tuần tôi viết hàng chục bài thơ tuyên truyền kháng chiến, quân giặc điên tiết lùng sục nhưng vẫn không tài nào phát hiện được”. Mỗi lần có điều kiện, Giang Nam cũng chỉ ghi được mảnh giấy nhỏ gửi cho bà Triều để vơi bớt nỗi nhớ mong. Nhưng, thời “bom rơi đạn lạc” có lúc lời nhắn đến, có lúc mãi bặt tăm.
Khi Mỹ - nguỵ tiến hành các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” cán bộ Đảng viên ở miền Nam phải tổ chức đổi vùng để tránh bị lộ. Tổ chức đã sắp xếp để ông bà cùng chuyển vùng hoạt động về Biên Hoà.
Cơn mưa Nha Trang đổ nặng hạt hơn, bà Triều đưa tay quẹt hai dòng nước mắt vừa trộm bò xuống. Kỷ niệm hóa thành nỗi niềm, bà rưng rưng: “Anh ạ, có người phụ nữ nào lại không thích gần chồng nhưng nếu vì tình yêu riêng này thì ích kỷ quá, phải không?.
Bao đêm con khóc, nhớ chồng cũng chỉ biết đắp cái áo của anh Nam lên người con thôi. Nhà tôi đã có nhiều người theo cách mạng, thuộc diện phải ở nhà nhưng không được góp sức đánh giặc lòng tôi bứt rứt lắm”.
Bao lần bị giặc bắt và tra khảo nhưng bà Triều vẫn cắn răng chịu đựng tuyệt đối không khai việc mình làm giao liên cho cách mạng. Đứa con là kết tinh tình yêu của ông bà cũng chịu không ít khổ ải.
“Tôi luôn nghĩ chồng và con là tình yêu trọn vẹn nên dù địch bắt, tôi cũng bồng con theo”. Cuối năm 1959, không làm gì được bà Triều, địch bắt giam cả hai mẹ con vào phòng giam lạnh lẽo, đầy ẩm ướt.
Bị địch biệt giam, vợ chồng mất liên lạc nhau, tổ chức cũng không liên lạc được, ông kể: “Một buổi tối giữa năm 1960, giữa lúc trời mưa tầm tã, tôi được cấp trên gọi lên trấn an tư tưởng, thăm hỏi động viên rồi thông báo tin chẳng lành có thể vợ và con gái tôi đã bị địch giết hại trong nhà tù tại Phú Lợi (Sài Gòn) vì chúng đang rất điên tiết vì những hoạt động bí mật của em Triều mà không bắt em khai ra được điều gì.
Đau đớn đến bàng hoàng, sự thương cảm xót xa cứ thế trào lên. Tất cả những kỷ niệm cũ, tình yêu nghẹn ngào, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt như sống dậy xót xa, nhức nhối, cồn cào, buốt nhói, tôi đã phải bật khóc nức nở và gọi tên Triều cho đến lúc mệt lả.
Cảm giác như mình vừa mất đi điều thiêng liêng, to lớn nhất. Và chỉ trong một giờ đồng hồ tôi đã viết xong bài thơ “Quê hương”. Viết liền mạch, không tẩy xóa, không thay đổi”- Giang Nam bồi hồi nhớ lại.
Sinh ly tử biệt vẫn nguyên vẹn niềm tin
Dù những ngày tháng đau khổ đã đi qua, rất lâu, nhưng, mỗi lần nhắc đến những mất mát hy sinh, khuôn mặt Giang Nam vẫn như nặng trĩu nỗi ưu tư. Những kỷ niệm chiến trường găm sâu trong ký ức lại đua nhau trỗi dậy.
Ông thổ lộ rằng: “Với tôi, đau thương cũng là một sức mạnh. Sau khi làm xong bài “Quê hương”, tôi đưa cho cấp trên đọc, ngay lập tức, nhận được sự đồng cảm. Rồi, sau đó ít ngày, tôi gửi bài thơ ấy cho báo Thống Nhất (tiền thân của báo Văn Nghệ) ở Hà Nội.
Tháng 9/1961, đang trên đường công tác ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tôi bất chợt nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài thơ “Quê hương” của mình và thông báo được giải nhì báo Văn Nghệ. Trong giây phút vui mừng đó, tất cả hình ảnh người vợ thân yêu cùng đứa con nhỏ của mình lại ùa về.
Một lần nữa, tôi bật khóc suốt cả buổi chiều. Mọi nỗi nhớ trỗi dậy quặn thắt. Có lẽ mỗi câu thơ trong bài “Quê hương” đều hàm chứa hình ảnh người vợ của tôi. Cũng từ đó, tôi lao vào làm thơ phục vụ cách mạng, làm báo tuyên truyền cổ vũ đồng chí của mình như một nhiệm vụ cao cả, chẳng có gì ngăn cản được tôi.
Luôn nhủ với lòng mình nếu không chiến đấu đến cùng thì hổ thẹn với em Triều và con gái của mình quá. Những câu thơ như: “Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi/ Đau xé lòng anh chết nửa con người…” viết về em Triều luôn canh cánh trong mỗi bước đường tôi đi”.
Ngày nhận thư của nhà thơ Hoàng Trung Thông mời ra Hà Nội nhận giải, Giang Nam đau đáu trong mình một suy nghĩ: Phải chăng những tình cảm tha thiết, chân thành, xót xa đã giúp người ta có những câu thơ hay.
Cũng từ đó, ông luôn nuôi cho mình một ý thức viết một cách chân thành và tha thiết nhất. Đúng vào ngày nhận giải, nhà thơ Chế Lan Viên đã gọi Giang Nam lại và nhận xét rằng: “Cả bài thơ “Quê hương” của Giang Nam và “Núi đôi” của Vũ Cao đều nói về sự hy sinh của người con gái, của tình yêu và nỗi cách xa. Nhưng, bài “Quê hương” của Giang Nam đau quá, quằn quại quá.
Không có một tình yêu lớn thì không thể có được cảm xúc đó. Tuy bài thơ được giải nhì nhưng sẽ có sức sống vượt thời gian”. Sau khi bài thơ “Quê hương” được công bố, rất nhiều cuộc mít tinh chớp nhoáng đã lấy bài thơ này ra đọc lên như một sự cổ vũ. “Lúc đó, tôi vô cùng sung sướng, thấy mình như được tiếp thêm niềm đam mê, viết không ngưng nghỉ” - Giang Nam kể.
Cuộc sống luôn hàm chứa nhiều điều bất ngờ. Sau khi bắt biệt giam gần 3 năm trời nhưng không tìm ra chứng cứ kết tội, lại được một luật sư bào chữa miễn phí nên quân địch bắt buộc phải thả bà Triều. Nhớ như in những ngày kham khổ đó, bà Triều vừa nấc nghẹn, vừa kể:
“Chúng đã dùng đủ các loại hình tra tấn, cả vào đứa con nhỏ của tôi nhưng tôi quyết không khai. Lúc đó, có một ý nghĩ nếu khai là hèn, là có tội với tình yêu của anh Nam, dù đau đớn đến xé lòng khi nhìn đứa con thơ bị giặc hành hạ”.
Khâm phục trước ý trí kiên cường của bà Triều, tổ chức đã sắp xếp cho ông bà gặp nhau. Đoàn tụ trong nước mắt, đêm đó họ thức trắng bên nhau. Nhưng cũng giống lần trước, bên nhau được mấy ngày, tổ chức lại điều Giang Nam lên Ban Tuyên huấn Khu đóng ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Tuyên Đức.
“Lần chia tay này, tôi chỉ còn được 37 kg, anh Nam cứ nhìn ái ngại nhưng tôi vẫn kiên quyết nói, nếu không tròn nhiệm vụ với cách mạng thì tôi càng đau khổ hơn. Thế là lại chia ly.
Tổ chức cách mạng khuyên tôi nên ở nhà chăm con nhưng lý tưởng không cho phép nên sức khỏe bình phục, tôi lại hoạt động trở lại”. Về hoạt động căn cứ mới, nhiều người đã biết tiếng Giang Nam qua bài thơ “Quê hương” và muốn tiến đến với ông nhưng ông vẫn giữ trọn tình chung thủy với và Triều.
Vì bị giặc theo dõi quá gắt gao nên hoạt động cách mạng lại chưa được bao lâu, năm 1968, vợ và con Giang Nam lại bị địch bắt lần thứ hai cho đến mãi năm 1973 mới được thả về cũng nhờ sự bào chữa của một luật sư.
Nhắc đến thời kỳ này, giọng ông lại nấc lên: “Suốt 2 lần vào tù, ra tội, những ngày dài sống đằng đẵng trong xà lim, đứa con gái duy nhất của tôi vẫn phải bám sát lấy mẹ. Ai có tách ra nó cũng không chịu.
Có những ngày bị lạnh tím tái tưởng chừng như đã ra đi. Có lúc nhớ tôi, vợ và con chỉ biết ôm nhau khóc. “Tận khổ cam lai”, may thay, giờ vợ và con tôi vẫn khỏe mạnh.
Lần ra tù thứ hai cũng nhờ nhiều vào một người luật sự, họ bào chữa một cách vô tư. Lúc vợ đang trong tù chưa biết tin tức gì, nhiều người đã khuyên tôi nên lấy người khác nhưng tình yêu của tôi đã dành trọn cho em Triều từ lâu”.
Ấm áp, bình dị tuổi xế chiều.
Bây giờ sức khỏe của cả ông Nam, bà Triều như chuyến tàu đang trượt dần về ga cuối, nhưng họ vẫn hâm nóng hạnh phúc cho mình bằng những kỷ niệm về tình yêu duy nhất họ đã có với nhau.
Bao năm sau ngày đất nước giải phóng, cuộc sống đẩy đưa, nhiều đổi thay, đôi lúc ông Nam vẫn đau đáu thế sự, đó là tâm thế của người quá yêu, quá trăn trở cuộc sống này. Những lúc như thế, bà Triều lại xoa dịu và thỏ thẻ vào tai ông: “Hãy bình tĩnh đi anh, cuộc đời mà”.
Mỗi lần nhìn ông, từ tận sâu đáy mắt vẫn ừng ực nỗi quặn thắt. Có lần ông ôm ngực thốt ra: “Sao tình yêu bây giờ cũng giành giật, toan tính, cuộc sống cũng toan tính. Làm văn nghệ cũng toan tính, chỉ trực hưởng thụ.
Tôi quan niệm làm văn nghệ, lãnh đạo văn nghệ là phải phát hiện ra cái mới, phải đi tìm, nuôi dưỡng và bảo vệ những người sáng tạo đích thực chứ không phải đến ngồi tán gẫu nhau cho sung sướng rồi hưởng lương, rồi đấu đá, thế thì buồn lắm…”.
Dễ hiểu với nỗi thế sự của ông, tôi bảo: “Bây giờ hãy xem chuyện đó là một khía cạnh của cuộc sống, rồi sẽ có lúc điều chỉnh lại thôi”. Bà Triều tinh ý, chạy lại nắm chặt tay ông bảo: “Anh ơi, đừng giận, bệnh tim lại tái phát mất”. Những lúc thế này càng thấy cái hạnh phúc tuyệt diệu của “tình già”.
Lớn tuổi thường luyến tiếc kỷ niệm, đôi khi lại thích ồn ào. Nhưng với bà Triều thì lúc nào cũng vậy, chầm chậm, xem mọi thứ như một lẽ thường tình phải xảy ra như thế. Đó là cái cách ứng xử của người đã nếm trải quá nhiều đau đớn của cuộc sống.
Kéo tôi ra mái hiên trước nhà, bà tâm sự: “Cuộc sống luôn có biến đổi. Chỉ có tình cảm được vun đắp may ra mới bền lâu. Ông ấy mổ tim mấy lần rồi, một phần cũng vì nghĩ đến thế sự quá nhiều. Những lúc như thế tôi phải luôn bên cạnh để “dỗ ngọt” ông ấy đấy”.
Sau giải phóng, có điều kiện, nhiều lần vợ chồng Giang Nam đã tìm người luật sư đã bào chữa miễn phí cho bà Triều để cảm ơn nhưng không gặp được.
Bà Phạm Thị Triều sinh năm 1932 tại Khánh Hòa trong một gia đình cách mạng. Còn nhà thơ Giang Nam tên thật Nguyễn Sung, sinh năm 1929 tại Ninh Hòa (Khánh Hòa). Các tác phẩm tiêu biểu như: Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965), Người anh hùng Đồng Tháp (1969), Vầng sáng phía chân trời (thơ, NXB Văn học Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh 1975), Hạnh phúc từ nay (thơ, NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1978), Thành phố chưa dừng chân (thơ, NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1985), Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ngắn và ký, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 1987), trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết… Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, theo điều động của tổ chức, Giang Nam làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1978, chấp hành ý kiến của cấp trên, ông ra Hà Nội làm Thường trực Hội Nhà văn VN, 1989 (tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà), ông về làm phó chủ tịch UBND tỉnh - Phụ trách văn xã. Cứ tưởng rằng bước vào đường quan, cảm xúc thơ của ông sẽ giảm đi nhưng đúng như ông nói: Có về nơi cuối trời vẫn đáu đáu với quê hương, với thơ ca. Trải qua mấy chục năm hoạt động cách mạng và thơ ca, ông được trao một số giải thưởng cao quý như: Giải ba về truyện ngắn của báo Thống Nhất năm 1960, Giải nhì về thơ tạp chí Văn Nghệ năm 1961, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghề thuật… và nhiều giải thưởng, huân huy chương cao quý khác. |
Nha Trang, 18/11/2012
- Hà Văn Đạo