Mối tình của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với người phụ nữ Pháp (2)

07:52, Thứ ba 29/11/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chỉ được đoàn tụ với gia đình mình trong những lần ông đại diện cho Chính phủ sang công tác tại Pháp. Có lần, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế sang Paris theo lời mời của chính phủ Pháp, ông được xếp ở khách sạn Crillon, một trong những khách sạn sang trọng nhất Thủ đô Paris.

(Phunutoday) - Người đàn bà lặng lẽ đứng sau một nhân cách lớn- Thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936 – 1939), Phạm Ngọc Thạch tham gia vào các phong trào hoạt động cách mạng ở Sài Gòn. Ông từng là Tổng thư ký của Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng. Tháng 3 năm 1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945.

Vợ chồng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
Trong quá trình tham gia vào phong trào cách mạng, không ít lần ông đã bị thực dân Pháp đàn áp, nhưng ông vẫn kiên trì con đường lý tưởng của mình. Khi đó, ở bên cạnh ông, bà Marie Louise luôn ủng hộ ông hết mình, dù cho có bất cứ việc gì xảy ra.
 
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày lịch sử của triệu triệu người dân Việt Nam. Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình. Người dân Sài Gòn cũng chào mừng sự kiện này rất long trọng. Một cuộc diễu hành được Ủy ban Hành chánh Nam bộ tổ chức với 200.000 người tham gia. Bà Marie cũng đưa 2 con tham gia cuộc diễu hành đó. Tuy nhiên, trong đám đông phấn khích đó, bà đã suýt nữa mất đi mạng sống, chỉ bởi bà là người Pháp.
 
Trong buổi diễu hành đó, thực dân Pháp đã âm mưu kích động quần chúng nhân dân bằng cách bắn súng vào cuộc diễu hành. Có một số người dân quá khích, căm thù thực dân Pháp, thấy bà Marie và con trai xuất hiện trên đường phố  đã tấn công bà và đòi giết bà. Chỉ đến khi bà nói: “Tôi là vợ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch”, họ mới dừng lại. Suýt chút nữa, những người dân quá khích ấy đã gây ra một nỗi đau lớn, nếu chẳng may vì quá khích mà họ hãm hại nhầm vợ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người được nhân dân Sài Gòn vô cùng kính trọng và cũng đồng thời là Thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
 
Ngay khi nhận được tin báo, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã lập tức đi tìm vợ và con trai. Ông tìm được bà trong một nhà thương, trong tình trạng thương tích đầy người. Lúc đó, bà đã bị gãy mấy cái răng, mặt bầm tím và đầy vết thương. Đó là một kỉ niệm đau lòng với người vợ Pháp của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Nhưng bà không hề oán trách, không hề kêu than. Bà biết đó chỉ là một sự hiểu nhầm, một sự cố đáng tiếc trong ngày hôm đó.
 
Biết được âm mưu của thực dân Pháp, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã quyết định ra chiến khu Đ, chấp nhận để lại vợ con ở Sài Gòn. Khi đó, dù rất sợ hãi, bà Marie vẫn không hề ngăn cản chồng. Bà nhìn ông dấn thân vào cuộc kháng chiến mà nghĩ đến lời nói của ông khi cầu hôn với bà: “Suốt đời anh sẽ đấu tranh cho đất nước tự do và đọc lập”. Quãng thời gian bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sống ở chiến khu Đ, bà đã 2 lần đưa hai con ra thăm ông, bất chấp những nguy hiểm có thể gặp phải trên đường đi. Mỗi lần ra, bà phải hóa trang thành phụ nữ Nam bộ, mặc quần áo bà ba để tránh gây chú ý.
 
Ra chiến khu thăm chồng, bà sống cuộc sống đạm bạc, kham khổ của những người kháng chiến mà không một lời kêu than. Là người bạn đời của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bà hiểu nỗi niềm đau đáu của ông với dân tộc, với đất nước và chỉ biết đứng bên cạnh, ủng hộ ông theo cách của riêng bà. Sau này, biết cuộc kháng chiến còn dài, lo sợ cho sự an nguy của hai con, bà đã quyết định về Pháp, nhưng trong lòng vẫn luôn yêu thương và ủng hộ người chồng Việt Nam và đất nước của ông, theo cách riêng của bà.
 
Khi về Pháp, bà phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn để nuôi con. Có một người chồng là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Chính phủ kháng chiến ở Nam bộ ngày đó, bà trở thành một người phụ nữ bị kỳ thị và bị chính quyền tìm mọi cách gây khó dễ. Tài khoản của bà trong ngân hàng bị khóa. Để có tiền nuôi con, thời gian đầu, bà phải đi làm những công việc lao động tay chân bình thường. Cuộc sống vất vả, cơ cực ấy khác hẳn với cuộc sống của bà khi ở bên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong những ngày ông còn là làm bác sĩ ở phòng mạch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Mãi sau này, bà mới xin được vào làm y tá tại bệnh viện ở Nice và ổn định dần cuộc sống của ba mẹ con.
 
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông cũng nổi tiếng là một bộ trưởng giản dị, có tâm, có tài. Ông nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế giữa lúc đất nước vô cùng khó khăn, bệnh dịch hoành hành, nhưng với cương vị người đứng đầu ngành Y tế, ông đã làm hết sức mình để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong chuyến công tác tại Pháp
Ngày đó, một trong những vấn đề mà ông đặc biệt quan tâm là tình hình bại liệt. Năm 1957, 1958, 1959, dịch bại liệt bùng phát ở nước ta. Trung bình cứ 10 vạn dân thì có 120 người bị bệnh bại liệt. Khi đó, với cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã cử cán bộ đi tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại Liên Xô (cũ) để có thể tự sản xuất vắc xin phòng bệnh cho dân.
 
Khi vắc xin sản xuất thành công, cán bộ mang 100 liều vắc xin đầu tiên lên báo cáo Bộ trưởng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nói với người cán bộ cấp dưới: “Để đảm bảo an toàn cho các cháu khi tiêm vắc xin, trong khi chúng ta chưa có điều kiện kiểm định về mặt độc học, tôi và anh, mỗi người uống 50 liều, nếu sau 24 giờ không có vấn đề gì xảy ra thì vắc xin coi như an toàn. Và ông đã uống 50 liều vắc xin ấy, chấp nhận nguy hiểm có thể xảy ra với mình, để đảm bảo rằng những liều vắc xin do Bộ Y tế sản xuất sẽ không gây nguy hiểm cho trẻ em.
 
Kết quả sau 24 giờ uống vắc xin, ông vẫn bình an vô sự, vắc xin phòng bại liệt đã được sản xuất và được tiêm phòng cho trẻ em cả nước. Tỉ lệ bị bại liệt giảm xuống còn 3,9/10 vạn dân. Đó là một chiến công lớn của ngành Y tế, và các cán bộ ngành Y đến giờ vẫn kể về câu chuyện ấy đầy xúc động – câu chuyện thể hiện nhân cách lớn của vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
 
Từng sống một cuộc sống giàu sang, nhưng khi đi theo Cách mạng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả như bao người khác. Có lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng cho ông một bộ bát đĩa đẹp. Nhưng ông đã lập tức mang trả lại. Ông không chấp nhận việc ông được ưu đãi hơn, trong khi những gia đình khác đang sống thiếu thốn.
 
Ở hai đầu nỗi nhớ….
 
Vì hoàn cảnh đất nước, nên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phải sống xa gia đình. Trong khi vợ con ông ở Pháp, thì ông sống và làm việc ở Việt Nam. Trong những năm tháng đó, cả gia đình ông đã chịu những thiệt thòi lớn, nhưng mỗi người trong gia đình bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đều có một cách hi sinh riêng, cho sự nghiệp lớn lao mà ông theo đuổi.
 
Ở Pháp, bà Marie dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn tìm mọi cách giúp đỡ, quyên tiền, thuốc men ủng hộ để gửi về Việt Nam. Một số người thuộc phe đối lập, ghét Cộng sản đã tìm mọi cách gây khó dễ cho bà. Có những phần tử quá khích còn đặt mìn trước cơ quan bà làm việc để đe dọa bà. Nhưng chưa bao giờ bà nhụt chí trước những đe dọa đó.
 
Là một người phụ nữ xinh đẹp, được nhiều người theo đuổi, nhưng bà Marie chỉ ở vậy chăm lo cho hai con và hy vọng đến ngày được đoàn tụ với người chồng ở bên kia bờ đại dương. Ở cách xa nhau, nên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và vợ chỉ có thể liên lạc với nhau qua thư. Mỗi khi nhận được thư ông hay nói chuyện về ông với các con, mắt bà đều sáng bừng rạng rỡ. Và mỗi bức thư mà bà Marie nhận được từ Việt Nam đều được bà giữ gìn cẩn thận, như một kỷ vật thiêng liêng.
 
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chỉ được đoàn tụ với gia đình mình trong những lần ông đại diện cho Chính phủ sang công tác tại Pháp. Có lần, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế sang Paris theo lời mời của chính phủ Pháp, ông được xếp ở khách sạn Crillon, một trong những khách sạn sang trọng nhất Thủ đô Paris. Nhưng xếp phòng cho ông xong thì không ai thấy ông đâu cả.
 
Ngày hôm đó, tranh thủ thời gian rảnh, ông đã một mình đi tàu điện ngầm, thăm những con phố quen thuộc với ông thời trẻ và trở về ngôi nhà của vợ con ông ở ngoại ô nước Pháp. Những lần sau này sang Pháp cũng vậy, ông không bao giờ ở những khách sạn sang trọng, mà thường trở về căn hộ của 3 mẹ con bà ở ngoại ô Paris, để có thể được gần gũi với những người thân yêu của mình.
 
Có lần, trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô Pháp, khi được con gái nấu cho bữa ăn tối, ông đã lén lau những giọt nước mắt trước mặt con gái mình bởi quá xúc động. Hiếm hoi lắm ông mới được hưởng cảm giác ấm áp khi ở bên người thân của mình.
 
Năm 1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch quyết định trở lại Nam bộ. Sau khi được sự chấp thuận của chính phủ, ông vào miền Tây và nghiên cứu tình hình y tế ở các tỉnh miền Tây. Tại đây ông đã mắc bệnh nặng và qua đời ở Tây Ninh. Sự ra đi của ông để lại biết bao tiếc thương cho chính phủ, nhân dân và chính gia đình ông. Trong lá thư cuối cùng mà ông gửi cho con gái 4 tháng trước ngày qua đời, dường như linh cảm được về cái chết của mình, ông đã dặn dò con: “Ba đi chuyến này rất lâu. Con gái ba hãy dũng cảm và xứng đáng”.
 
Khi nhận được tin ông đã qua đời, ở Pháp bà Marie đã hoàn toàn suy sụp. Bà thậm chí không đủ sức để về Việt Nam, dự lễ truy điệu ông do Chính phủ tổ chức. Chỉ có Collette Phạm Thanh Mai và Alain Phạm Ngọc Định, hai người con của ông bà là về Việt Nam và chứng kiến giờ phút truy điệu cha mình. Nhưng bà đã gửi chiếc khăn do chính tay bà đan, nhà con gái gửi về cho Bác Hồ. Trong lễ truy điệu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bác Hồ đã quàng chiếc khăn đó, trong sự xúc động vô cùng của con trai và con gái bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Với những người dân Việt Nam, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một anh hùng. Với những người con của ông, ông cũng là một người cha anh hùng, một anh hùng thực sự với đầy đủ nghĩa của từ này.
 
 
Bà Marie luôn có một nỗi niềm đau đáu về những kỉ niệm trong những ngày sống với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và cùng ông làm việc ở phòng mạch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau này khi Nhà nước trao trả lại căn biệt thự số 202 đó cho gia đình bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khi được trở về Việt Nam và thăm lại căn nhà đó, bà đã ngồi sụp xuống khóc nức nở vì xúc động.
 
Năm 1996, bà Marie mất tại Paris. Nhưng bà có quyền tự hào vì bà đã nuôi dạy hai người con của bà với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở thành những trí thức giỏi giang, thành đạt, nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn. Trước khi chết, bà đã di chúc số tiền mình dành dụm được, để xây một ngôi trường ở Tây Ninh, nơi có những người dân đã chăm sóc, giúp đỡ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong những ngày cuối đời của ông ở đây.
 
 
)
 
 
 
  • PV  
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc