Mối tình của chàng trai tài hoa và cô gái khiếm thị

06:13, Thứ năm 06/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Vượt qua rào cản của xã hội, gia đình, bạn bèhellip; anh quyết đi theo tiếng gọi của tình yêu với cô gái bị mù cả hai mắt. Và anh chị đã có 1 cậu con trai và cơ ngơi mà không phải người bình thường nào cũng có được.

Vượt qua rào cản của xã hội, gia đình, bạn bè… chàng trai vẫn quyết định đi theo tiếng gọi của tình yêu khi khăn gói về chung sống với cô gái bị mù cả hai mắt. Qua 5 năm chung sống với nhau, anh chị đã có được 1 đứa con trai và cơ ngơi mà không phải một người bình thường nào cũng gây dựng được.


Gặp nhau là cái duyên trời định

Gặp anh tại quán mát xa – tẩm quất của hội người mù tại thị chấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh, trong dáng vẻ thư sinh, anh Nguyễn Tiến Độ tiếp chúng tôi: “Em ngồi uống nước chờ anh, làm cho anh này xong là đến lượt em luôn”.

Ở giường bên cạnh, một người phụ nữ (chính là Phương - vợ anh Độ) đang làm những động tác tẩm quất cho khách khá khéo léo, thuần thục và miệng không quên hát khúc dân ca “Mời trầu”.

Nhưng khi được biết chúng tôi là nhà báo muốn đến tìm hiểu câu chuyện tình của anh với chị Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1989) quê ở Yên Phong, Bắc Ninh thì vẻ mặt anh trầm lại như đang suy tư điều gì đó.

Ngồi một lúc nói chuyện, anh Độ mới mở lòng với chúng tôi hơn khi bắt đầu kể câu chuyện tình của mình với người con gái tên Phương.

Anh bảo: “Chuyện tình của mình trải qua nhiều sóng gió, được nhiều mà mất cũng lắm, nên cứ mỗi khi có ai nhắc đến chuyện đó là lại trầm lắng về những ngày tháng đã qua với một sự trân trọng.

Mình định giữ những chuyện đó là ký ức riêng cho hai vợ chồng, nhiều khi hai người nhắc lại những chuyện đã qua để có động lực vượt lên những khó khăn trong cuộc sống”.

Chờ cho quán thưa khách, anh Nguyễn Tiến Độ mới có thời gian ra kể tiếp câu chuyện tình yêu của cuộc đời mình. Anh nói: “Mình đến được với Phương cũng giống như là cái duyên trời định vậy.

Vợ chồng chị Phương - anh Độ hạnh phúc bên nhau.
Vợ chồng chị Phương - anh Độ hạnh phúc bên nhau.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp khoa Nhạc họa – trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, mình về dạy nhạc cho các em ở trường THCS Đông Yên, huyện Quốc Oai. Nhưng do mới ra trường, lương hợp đồng không đủ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân, sẵn trong người có năng khiếu đánh đàn nên mình xin đi làm thêm ở đoàn nghệ thuật huyện Quốc Oai.

Trong những chuyến lưu diễn ấy, đoàn chúng mình thường xuyên về quê Hà Tây (cũ) và dạy nhạc cho các em ở trường THCS Đông Yên, huyện Quốc Oai. Hàng ngày tiếp xúc với những người khuyết tật – những số phận không may mắn, mình rất cảm mến và xót xa cho những cảnh đời trớ trêu, những con người lang thang cơ nhỡ, tật nguyền.

Mỗi con người là mỗi mảnh đời, mỗi số phận khác nhau”. Trong những lần lưu diễn ấy, Độ thường để ý đến cô bé tên Phương bị khuyết tật nhưng có giọng hát hay và không chịu bó tay trước số phận.

“Trong những lần nói chuyện với Phương lúc ấy, trong Phương luôn toát lên một suy nghĩ lạc quan về tương lai, mình nhớ nhất là lúc ấy Phương kể cho mình nghe ước mơ của cô ấy về một gia đình có chồng và con đều lành lặn, cô ấy thì ngày ngày làm việc chăm sóc chồng con như người bình thường.

Lúc đầu mình chỉ biết cười và không tin lắm, nhưng dần dần, chứng kiến những nỗ lực của cô ấy vượt qua trong cuộc sống thấy được rằng cô ấy đang cố gắng cho ước mơ của mình và hoàn toàn có thể thực hiện được ước mơ ấy. Từ đó mình thấy trân trọng và cảm phục cô ấy hơn”, anh Độ tâm sự.

Thời ấy, ngoài việc sinh hoạt ở hội, Phương còn được chú Đỗ Trắc Lộc (hiện nay  là Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo Xuân Mai) cho đi học làm mát xa – tẩm quất tại Trung tâm Hội người mù huyện Quốc Oai.

Trong những lần đó, chàng thanh niên Độ cũng hay cùng đám bạn lui tới những quán mát xa của người mù để thư giãn. Gặp Phương ở đấy, anh lại càng bất ngờ và khâm phục ý chí vươn lên của cô gái này. Từ đó, hai người gặp nhau, nói chuyện với nhau thường xuyên hơn.

Năm 2005, khi chị Phương đã “cứng” tay nghề, anh Độ bàn với chị chung vốn mở một quán mát xa – tẩm quất riêng để làm ăn. Khi đó, anh Độ đứng ra làm quản lý, trông coi cửa hàng còn chị Phương là “thợ chính”.

“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, hai con người dường như đến từ hai thế giới khác nhưng đã đem lòng yêu nhau từ lúc nào không hay. Một ngày vào giữa năm 2006, anh Nguyễn Tiến Độ quyết định đưa chị Phương về ra mắt bố mẹ mình xin cưới.

Nhưng đáp lại kỳ vọng đó là sự phản đối quyết liệt từ phía bố mẹ, gia đình anh Độ. Mẹ anh Độ bảo: “Cái Phương nó mù lòa thế, hàng ngày con còn phải tắm cho nó thì còn đâu ra thời gian mà làm ăn”.

Anh Độ chia sẻ, đó là những lời nói mà anh không bao giờ quên được. Mỗi khi đưa Phương về nhà, bà con hàng xóm rồi anh em chú bác kéo đến nhà rất đông để phản đối, có người đứng trước mặt Phương mà đuổi thẳng cô ấy đi.

Trong thời gian đó, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Thi thoảng chị Phương lại bắt xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi bắt xe ôm về Hoài Đức để thăm anh Độ. Trong những lần gặp nhau đó, chị Phương đều đàng hoàng bước vào nhà Độ trước sự chứng kiến của mọi người.

Khi bị gia đình phản đối gay gắt quá, 2 người đã quyết định “chia tay trong nước mắt tiếc nuối cho nhau có duyên mà không có phận”. Chị Phương chia sẻ:

“Mẹ anh ấy phản đối kịch liệt. Thậm chí mẹ anh ấy còn bảo: “Nếu con lấy nó coi như không có mẹ ở trên đời, trong khi cha Độ không còn nữa”. Trước sức ép như vậy mình bỏ đi sang đoàn khác để không gặp nhau nữa với hy vọng đỡ đau đớn cho cả hai.

Bản thân mình lúc ấy rất buồn, nhưng mình nghĩ có lẽ không còn cách nào khác. Khoảng thời gian đó mình chỉ biết lao vào học và làm để khẳng định mình tàn nhưng không phế. Chuyện về gia đình mình buồn lắm, cha mẹ mỗi người mỗi ngả, từ bé mình sống xa gia đình và thiếu thốn tình cảm của cha mẹ.

Niềm vui của mình là được chia sẻ với người cùng cảnh ngộ. Em liên hệ đến đoàn nghệ thuật Hải Dương và làm ở đó…”.

Nhưng “trời xui đất khiến thế nào” trong một lần đi chơi ngang qua tỉnh Hải Dương, sẵn có mối quen biết với một người trong đoàn nghệ thuật làm ở đó, anh Độ đã ghé vào chơi, tình cờ gặp chị Phương ở đó.

Hai người sẵn có tình cảm với nhau, lại chịu sự kìm nén của gia đình nay gặp được nhau trong hoàn cảnh bất ngờ, cả 2 như vỡ òa trong hạnh phúc và niềm vui sướng. Tuy thế lúc đó trong lòng Phương còn có nỗi băn khoăn.

Trong một năm trời xa cách, tuy vẫn còn tình cảm với Độ, nhưng Phương đã nhận lời yêu một người khuyết tật khác cùng đoàn vì chị nghĩ: “Kiểu gì rồi mình cũng phải lập gia đình và đến với người mới này có thể sẽ sớm quên đi được quá khứ đau buồn”.

Việc gặp anh Độ thật quá bất ngờ và nằm ngoài sức tưởng tượng, nhất là lúc ấy anh Độ lại cầm tay Phương và nói: “Em làm vợ anh nhé, anh không để em rời xa anh nữa”.

Chị Phương đã phải trăn trở trong nhiều ngày liền, hỏi ý kiến của rất nhiều người. Chị cho biết, đa phần nhiều người không tin vào tình cảm của Độ dành cho mình vì họ nghĩ: Một người bình thường chẳng dại gì mà đi lấy một người khuyết tật làm vợ nhất là anh ấy lại có bằng cấp và công việc ổn định.

Nhưng rồi chị đã bỏ ngoài tai tất cả những lời nói đó đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Chị quyết định đến với Độ. Anh Độ xin nghỉ dạy học, hai người đã về gia đình đằng ngoại tổ chức đám cưới trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người.

Nhưng không có sự đại diện của gia đình nhà trai và chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Một năm sau anh chị sinh cháu trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Tiến Cường.

Ông Nguyễn Văn Thăng, bố chị Phương nói về con gái mình: “Phương là đứa con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Từ nhỏ Phương đã bị tật ở hai mắt. Nhưng nó lại là đứa ngoan ngoãn và có nghị lực nhất nhà.

Từ bé đã tự mình học làm tất cả mọi việc, không phải phụ thuộc vào ai. Nó luôn là niềm tự hào của gia đình tôi. Chuyện tổ chức đám cưới của em nó với Độ chúng tôi cũng phải chịu nhiều sức ép từ xã hội, nhưng chúng tôi bỏ qua tất cả những sức ép đó để đưa lại hạnh phúc cho con gái mình.

Chuyện trong đám cưới có mặt của gia đình nhà trai hay không, có đăng ký kết hôn hay không… đều không quan trọng bằng hạnh phúc của hai đứa”.

“Mong được gia đình chấp nhận”.

Sau khi lấy nhau và sinh con, cả hai về làm mát-xa, tẩm quất do Hội người mù Bắc Ninh tổ chức. Làm được một thời gian họ xin tách riêng. Hiện tại, cửa hàng của anh chị nằm ở trung tâm thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Là một trong hai cơ sở tẩm quất – mát- xa của người mù lớn nhất tại đây. Ngoài thu nhập của hai vợ chồng xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, anh chị còn tạo công ăn việc làm cho 5 người mù khác trong thị trấn với lương 3 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Văn Đức, khách hàng thường xuyên tới quán của anh chị nói: “Là bạn bè cũng là khách hàng thường xuyên của quán tôi rất cảm phục tấm lòng vượt lên khó khăn và tình yêu của anh chị Độ - Phương.

Đây là một mối tình hiếm gặp, không chỉ về tình yêu lãng mạn của chàng trai dành cho cô gái mù bẩm sinh, mà cả sự hy sinh cao cả của anh khiến nhiều người phải suy ngẫm về tình yêu và cuộc sống”.

Anh Độ vui vẻ nói thêm vào: “Từ khi yêu và lấy Phương làm vợ tay mình không chỉ biết cầm bút, cầm phấn mà còn biết đánh đấm. Đấy em xem, đấm đá mà làm người khác thoải mái mà lại còn có công nữa. Thấy thú vị lắm!”.

Bây giờ anh Độ ở nhà phụ giúp vợ làm mỗi khi quán đông khách. Anh Độ chia sẻ: “Có nơi người ta mời đi đánh đàn lương tháng 8 triệu đồng, nhưng mình không đi vì mình nghĩ ở nhà phụ giúp vợ con, tiền làm ra bằng nào cũng không mua được hạnh phúc gia đình. Chỉ cần được ở bên Phương và con là mình đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi”.

Anh Độ bảo: “Mình không bao giờ hối hận về quyết định lấy Phương làm vợ. Có ấy bị tật nguyền nhưng giỏi lắm, làm hết mọi việc trong gia đình, chẳng cho mình động tay động chân vào thứ gì cả.

Nhiều khi thương vợ vất vả quá, nói mãi cô ấy mới cho xách chậu nước. Bây giờ thì mình toàn ở nhà tiếp khách khi khách ngồi chờ, lúc đông quá mới vào phụ giúp cô ấy một tay”.

Khi được hỏi về nguyện vọng của hai anh chị thì anh chị đều nhất loạt có một mong muốn là: “Gia đình bên đằng nội chấp nhận. Chúng mình đã đành nhưng đứa con từ khi sinh ra chưa được gặp mặt gia đình đằng nội, cháu chưa biết mặt ông bà. Muốn cho cháu được biết nguồn gốc, cội nguồn tổ tiên mình”.

Chị Phương nói thêm: “Mỗi lần gia đình bên đằng chồng có việc, chỉ có mình anh Độ về chứ mẹ con không dám về vì trong tâm trí chị vẫn bị ám ảnh bởi những lần xua đuổi của gia đình nhà chồng trước đây.

Mỗi lần anh Độ về quê, chị đều chuẩn bị quà cáp đầy đủ cho bố mẹ, anh em bên phía nhà chồng để sao cho anh Độ được bằng anh, bằng em, không phải hổ thẹn vì có người vợ như mình.”

  • Trung Tuyến

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc