Mối tình già ấm áp đẹp nhất kinh thành Huế của một cựu tù Côn Đảo

08:09, Thứ hai 11/07/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutday) - Và hơn 30 năm qua, câu chuyện tình giữa một cựu tù trở về từ chuồng cọp Côn Đảo và một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn được coi là câu chuyện tình già ấm áp và cảm động nhất cố đô Huế.



91 tuổi và có gần 20 năm sống trong lao tù gian khổ, Nguyễn Xuân Tốn vẫn giữ được dáng vẻ cao to, khỏe mạnh và giọng nói sang sảng và nhớ từng chi tiết về cuộc đời cách mạng của mình. Đã có 65 năm tuổi Đảng, trải qua không biết bao gian khổ và mất mát, ông vẫn giữ được niềm tin tuyệt đối vào con đường mà mình đã chọn trong suốt những năm tháng sống trên đời – đó là con đường của người chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1956, trong một lần chuyến đi công tác, ông bị một tên chiêu hồi tố cáo và bị địch bắt. Sau khi tra tấn và không moi được bất cứ thông tin gì, không khuất phục được người cộng sản kiên trung, chúng đưa ông ra giam tại nhà tù Côn Đảo – ông trở thành một trong những người tù chính trị đầu tiên bị giam tại Côn Đảo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và phải gần 20 năm sau, khi giải phóng miền Nam, ông mới được ra khỏi địa ngục trần gian ấy.

Trong những năm sống ở nhà tù Côn Đảo, biết ông là một tù nhân “cứng đầu”, địch tìm mọi cách khuất phục ông. Chúng bắt ông và các đồng chí khác hô khẩu hiệu “Ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, đả đảo Cộng sản Hồ Chí Minh” và phải chào lá cờ ba que (quốc kỳ của chính quyền Sài Gòn khi đó).

 Không chịu nghe lời địch, ông bị chúng giam ở chuồng cọp hầu như suốt quãng thời gian tù đày ở Côn Đảo. Cứ ba ngày chúng lôi ông từ chuồng cọp ra đánh 1 trận thừa sống thiếu chết. Đánh đến lúc ông ngất đi, chúng lại xát nước muối vào những chỗ vết thương của ông rồi đưa ông trở lại chuồng cọp. 3 ngày sau, khi vết thương bắt đầu đỡ nhức nhối, chúng lại đưa ông đi đánh.

 Lần nào cũng như lần nào, bọn địch cứ vừa đánh vừa hét: “Đánh cho đến khi mày khuất phục thì thôi”. Nhưng ông đã không khuất phục chúng. Những lúc bị đánh đến chết đi sống lại, ông vẫn tự nhủ mình là một người Cộng Sản, khi đó ông nghĩ đến nhân dân ở ngoài bị chúng giết hại, nghĩ đến đồng đội của ông đã nằm xuống. Những cái đó cho ông ý chí để không khuất phục trước sự tra tấn của kẻ thù.

Khi còn ở hoạt động ở ngoài, ông vẫn luôn sát cánh bên các đồng chí, đồng đội và cùng họ chiến đấu về lí tưởng. Nhưng phải đến khi cùng bị giam ở nhà tù Côn Đảo, ông mới thấm thía thế nào là đồng chí, đồng đội. Có lần vì bị địch tra tấn dã man quá, lại ăn đói ăn khát, ông ngã gục ngay trong chuồng cọp.

Ông kể: “Lúc đó tôi đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết và đã nghĩ mình không còn cơ hội ở lại cùng anh em tù nhân Côn Đảo để chiến đấu và chờ đến ngày trở về. Nhưng giữa lúc thập tử nhất sinh ấy, có một người bạn tù đã rút trong cái lai quần ra 1 viên vitamin C.
Với những tù nhân Côn Đảo khi ấy, thứ đó thực sự là một báu vật. Người bạn tù của tôi không hiểu bằng cách nào đã giấu được viên vitamin C đó. Anh ấy đã cất nó và giữ gìn nó như giữ gìn 1 báu vật. Nhưng lúc nhìn thấy tôi nằm thoi thóp chờ chết, anh ấy đã nói với tôi: “Tôi định giữ viên thuốc này phòng cho những lúc mình nguy khó. Nhưng xem chừng nếu không có nó, anh sẽ khó lòng sống qua cái đận này. Anh cần nó hơn tôi. Vậy tôi nhường nó để anh dùng”.

Người bạn tù ấy nói thế rồi bẻ viên thuốc ra làm tư, đút cho tôi nuốt từng miếng 1. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi những mẩu vitaminC đó trôi từ cổ xuống dạ dày. Nuốt đến đâu, tôi thấy người khỏe ra đến đó. Nó như một liều thuốc thần giúp tôi thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Sau lần đó khỏe lại, tôi đã học được một bài học thực sự về tình đồng chí, đồng đội. Bài học đó giúp tôi thêm tin và thêm yêu con đường cách mạng mà tôi đã chọn, vì chỉ đi con đường này, tôi mới được gặp những tình cảm cao quý đến thế”.

Câu chuyện của một người tù 19 năm sống ở chuồng cọp

Trước khi bị địch bắt vào nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Xuân Tốn đã có vợ và 3 người con. Ông gặp người vợ đầu – Huỳnh Thị Chiểu vì gia đình hai bên quen biết nhau. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, những buổi gặp gỡ khiến tình yêu nảy nở, giúp ông bà nên duyên vợ chồng.

 Ông kể: “Bà vợ tôi hồi đó “ghê” lắm. Trước khi lấy tôi, bà ấy đã nhiều lần bí mật đi dò la thông tin về tôi, để kiểm tra xem tôi có “nhân thân tốt” như những gì mọi người giới thiệu không. Đến lúc biết tôi cùng hoạt động cách mạng giống như bà ấy, bà ấy mới ưng bụng làm vợ tôi”.

Lấy nhau rồi, cả ông bà đều tham gia hoạt động cách mạng. Ông vì nhiệm vụ cứ phải nay đây, mai đó, bà ở nhà vừa chăm lo cho con cái và bố mẹ chồng, vừa tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương. Ngày đó, những gia đình có chồng, con đi theo cách mạng đều bị địch tìm mọi cách hành hạ, tra khảo.

Ba mẹ, vợ con ông cũng vì thế mà khổ trăm bề: “Vì nhiệm vụ, có thời gian dài tôi không được về thăm nhà. Năm 1955, tôi được gặp lại cha mẹ, vợ con sau 8 năm trời xa cách. Khi vừa nhìn thấy tôi, mẹ và vợ tôi đã òa khóc, lao về phía tôi. Lúc đó mẹ ôm tôi và xoa tóc tôi như hồi còn bé, vừa khóc vừa bảo sao tóc con độ này bạc nhiều thế.

Ba đứa con tôi ôm lấy chân tôi quấn quýt không rời, còn vợ tôi đứng bên cạnh nhìn tôi vừa cười vừa lau nước mắt. Tôi đi theo cách mạng, địch liệt gia đình tôi vào gia đình Việt cộng. Chúng ngày ngày gọi ba mẹ tôi và vợ tôi lên đồn, bắt gia đình tôi ký giấy gọi con về. Ba mẹ tôi không kí nên bị chúng gọi lên quận học tập tố cộng và bị chúng đánh đập hàng ngày. Mẹ tôi già và yếu, bị chúng đánh đến ngất đi cũng không khai. Vợ tôi cũng bị địch tra tấn như thế.

Cay cực đủ bề, thế nhưng trong lần đoàn tụ sau 8 năm trời xa cách đó, trước lúc chia tay, vợ tôi đã ôm tôi dặn dò: “Kháng chiến còn dài, dẫu khó khăn mấy em cũng bám trụ ở đây, vừa làm cách mạng vừa nuôi con, vừa chăm lo cho ba mẹ. Sau này con mình lớn lên, em cho con đi theo cách mạng, như lời hẹn lúc hai đứa mình mới lấy nhau. Anh cứ an tâm lo việc nước. Việc nhà, việc chăm sóc cha mẹ, con cái đã có em lo”.
Vợ chồng ông Tốn
Vợ chồng ông Tốn

Ông bảo, lúc nghe vợ nói những lời đó, ông chỉ biết ôm chặt bà vào lòng, để mặc cho nước mắt chảy ra. Lần gặp nhau đó, trước lúc chia tay, ông hôn lên trán vợ và ôm mấy đứa con, hẹn sẽ viết thư về nhà. Nhưng cả ông và bà đều không biết rằng, đó là lần chia tay vĩnh viễn. Lúc quay người bước đi, ông không hề biết đó là lần cuối cùng hai vợ chồng ông được gặp nhau và ở bên nhau, bởi sau đó, chiến tranh và tù đày, sự sống và cái chết đã vĩnh viễn chia cắt họ.

Sau lần gặp vợ, gặp con đó, chưa đầy 1 năm sau ông bị địch bắt và bị đưa ra Côn Đảo. 19 năm ông bị tù đày ở Côn Đảo, vợ con ông không hề biết ông sống chết ra sao. Ngày đó theo quy định của trại tù Côn Đảo, tù nhân được phép viết thư về nhà, nhưng trên lá thư phải ghi “Ủng hộ Chính phủ Ngô Đình Diệm, đả đảo Cộng sản Hồ Chí Minh”.

Không muốn phản bội lại lời thề của mình, ông đã không viết bất cứ lá thư nào suốt những năm tù ở Côn Đảo, dù rằng suốt những năm tháng đó, đã không biết bao nhiêu đêm trong chuồng cọp, ông vừa nằm vừa rơi nước mắt vì thương vợ, nhớ con đến quay quắt, vì lo lắng không biết tình hình vợ con ở nhà sống chết ra sao. Khi ấy ông chỉ cầu mong cho vợ mình chân cứng đá mềm, vượt qua nỗi đau để vững vàng nuôi con khôn lớn.

Đêm 30/4, rạng sáng ngày 1/5/1975, ông và những người tù chính trị trong chuồng cọp số 7 là những người đầu tiên được giải phóng khỏi nhà tù Côn Đảo. Lúc vào tù, ông là một thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Khi ra tù, sau gần 20 năm, ông cao 1m80 mà chỉ còn chưa đầy 40kg. Nhiều năm chân tay bị gông cùm trong chuồng cọp, lúc được các bạn tù phá gông cùm, ông đứng lên rồi ngã dúi dụi xuống đất. Gần 20 năm không được đi lại bình thường, ông bước những bước đầu tiên của cuộc đời tự do như một đứa trẻ tập đi.

Ngay ngày đầu tiên được tự do, nguyện vọng đầu tiên của ông là được trở về Thừa Thiên - Huế, để đi tìm vợ con sau gần hai chục năm trời bặt vô âm tín. Nhưng lúc đó những chiến sĩ giải phóng ra tiếp quản Côn Đảo đã ôm lấy ông nghẹn ngào khuyên: “Anh còn yếu lắm, đến đi còn không vững. Anh hãy ở lại đây để chúng tôi chăm anh cho đến khi khỏe lại. Lúc này anh về, nhìn thấy anh, vợ con anh, gia đình anh, rồi tất cả đồng bào sẽ không chịu nổi vì đau đớn và thương anh. Chúng ta đừng làm họ đau thêm sau ngần ấy năm tháng kinh hoàng đã qua”.

Ông nghe lời những người đồng đội của mình và ở lại Côn Đảo 6 tháng, tập đi lại bình thường và lấy lại sự hồng hào của da thịt.

Ông vẫn còn nhớ trên đường từ Côn Đảo trở về đất liền, rồi từ đó về Huế, ông đã tưởng tượng đi tưởng tượng lại cảnh sẽ gặp lại vợ con sau nhiều năm xa cách và thấy nghẹt thở vì hạnh phúc khi nghĩ tới giây phút đoàn tụ.

Ông đã nghĩ lúc gặp vợ, gặp con, ông sẽ ôm vợ con mình vào lòng cho thỏa nỗi nhớ. Ông đã nghĩ lúc gặp lại vợ mình, ông sẽ hôn lên trán bà và thì thầm nói “Anh đã về”. Ông đã mong lúc gặp lại các con, ông sẽ ôm lấy từng đứa con âu yếm và nói “Ba đã về”. Nhưng ngày trở về của ông đã không được trọn vẹn hạnh phúc như ông đã ao ước.

Trong đoàn tù từ Côn Đảo trở về Huế ngày hôm ấy, ông là người cầm cờ dẫn đầu đoàn. Lúc đến Huế, giữa dòng người đông nghìn nghịt đón những tù binh Côn Đảo, có một cô gái trẻ lao ra ôm lấy ông khóc nức nở: “Ba ơi, ba đã về. Ba có còn nhận ra con gái ba không?”.

 Ngày ông đi, con gái ông còn bé xíu. Gần 20 năm sau khi ông về, con gái ông đã là một người phụ nữ trưởng thành, có chồng con, còn ông đã lên chức ông ngoại. Trong cuộc gặp gỡ sau gần 20 năm chia cách ấy, cha con ông đã không thể nhận ra nhau. Chỉ đến lúc có người chỉ cho, con gái ông mới biết bố mình chính là người đàn ông gầy gò đang cầm cờ dẫn đầu đoàn người đi giữa quảng trường. Chỉ nghe được có thể, chị lao về phía ông, ngã vào lòng ông và khóc ngất đi vì hạnh phúc.

Ông bảo: “Lúc con bé lao vào ôm lấy tôi, tôi mất 1 phút định thần vì không thể nghĩ đứa con gái cao lớn này lại là đứa con bé bỏng của mình ngày nào. Đến lúc nghe con tôi gọi ba thì tôi ứa nước mắt. Lúc đó tôi chẳng nói được gì, chỉ biết ôm lấy con, xoa đầu nó, hôn mái tóc nó. Tôi đã chỉ làm được như thế sau gần 20 năm cha con ly biệt”.

Sau những giây phút đoàn tụ hạnh phúc đến nghẹn ngào không nói lên lời, câu đầu tiên ông hỏi: “Mẹ con đâu, sao không ra đón ba?”. Đến lúc đó ông mới biết cả cha mẹ mình và vợ mình đều đã qua đời. Vợ ông mất năm 1974 – 1 năm trước ngày đất nước giải phóng. Khi ông đi tù, giặc nhiều lần đưa bà lên quận tra khảo, đánh đập tàn nhẫn.

Chúng đánh cho đến lúc bà không còn có thể đi lại được nữa mới cho bà về. Bà về nhà nằm một thời gian, ốm đau liên miên vì ảnh hưởng của những trận đòn rồi mất sau đó không lâu. Bà chết chẳng an lòng, vì chẳng hề biết tin tức gì của chồng. Trước lúc mất bà vẫn không hề hay biết ông còn sống hay đã chết…

Những ngày tháng sau đó, ông vừa sống trong niềm vui hạnh phúc đoàn tụ với con cái và niềm vui độc lập của dân tộc, vừa sống trong nỗi đau riêng của mình. Nhà tù Côn Đảo và những trận đòn dã man của địch, tất cả những điều đó cộng lại cũng không làm ông đau đớn bằng nỗi đau mất đi người vợ hiền. Ở tuổi 55, ông nhận ra trong lòng mình sẽ mãi mãi có một khoảng trống vĩnh viễn không thể bù đắp được.

Câu chuyện của một Mẹ Việt Nam Anh hùng

Khi Nguyễn Xuân Tốn trải qua nỗi đau của những ngày tháng tù đày và sự mất mát máu mủ, thì ở một góc thành Huế khác, có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hiệp cũng trải qua những mất mát không kém. Bà Nguyễn Thị Hiệp kém Nguyễn Xuân Tốn 10 tuổi. Cũng như ông, bà là một người chiến sĩ cách mạng. Cũng như ông, bà cũng phải trải qua những đau đớn tột cùng của chiến tranh.

Thời trẻ, bà lấy một người chồng cùng hoạt động cách mạng. Tình yêu của vợ chồng bà đã đơm hoa, kết trái khi bà phát hiện mình đã mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng khi đứa con trong bụng bà được 6 tháng tuổi thì cũng là lúc chồng bà hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Mất chồng ở tuổi đôi mươi, nỗi đau lớn ấy khiến người bà gần như gục ngã. Nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng mình, nghĩ đến người chồng đã hi sinh của mình, bà lại đứng lên, tự nhủ lòng phải kiên cường sống, kiên cường chiến đấu, để nuôi con lớn khôn và trả thù cho chồng.

Bà sinh con khi nỗi đau mất chồng chưa hề nguôi ngoai. Chỉ có tình đồng chí, đồng đội và niềm hi vọng vào đứa con mới chào đời là sức mạnh cho bà vững vàng sống tiếp. Năm 16 tuổi, theo tiêu chuẩn con liệt sĩ, con trai bà được cho ra Hà Nội học.

Nhưng lúc đó con trai bà đã nói với mẹ: “Con là con liệt sĩ, không ở lại chiến đấu với giặc mà lại đi ra Hà Nội thì còn đâu mặt mũi với hương hồn cha con. Mẹ phải cho con ở lại đánh giặc, trả thù cho cha”.

Vì câu nói chí khí của đứa con trai duy nhất, bà cho con ở lại và cho con đi làm giao liên khi mới 16 tuổi. Ngày mùng 1 Tết Mậu thân năm 1968, con trai bà – Nguyễn Văn Tiến – trong lúc làm nhiệm vụ giao liên cho 2 cán bộ vùng đã gặp phải máy bay địch ở trảng cát. Máy bay địch bắn liên tục vào người thiếu niên trẻ ấy và con trai bà đã bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi hi sinh. Bà mất con vào đúng ngày mùng 1 Tết Mậu thân năm ấy.

Nỗi đau mất con đã khiến bà gần như điên dại. Những ngày sau khi con trai mình hi sinh, bà thường lên trảng cát nơi con mình ngã xuống, vừa bới cát và gào lên: “Tiến ơi, con ơi”. Đảng ủy nơi bà công tác vì sợ bà không chịu nổi cú sốc đã quyết định đưa bà vào công tác tại một đơn vị ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn – đoàn 559. Sát cánh bên đồng chí, đồng đội, cùng chiến đấu chống lại địch thù, nỗi đau trong lòng bà dần nguôi ngoai. Sau này, xét công lao, sự cống hiến và hi sinh của bà, Nhà nước đã phong tặng bà danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” – danh hiệu cao quý nhất của một người mẹ Việt.

…Và định mệnh đã cho họ gặp nhau, cùng bù đắp và yêu thương

Khi Nguyễn Xuân Tốn từ nhà tù Côn Đảo trở về, bà Nguyễn Thị Hiệp đang công tác cùng cơ quan với con gái ông – chị Nguyễn Thị Hải. Thương bố đã sống những năm tháng quá đau khổ, thiệt thòi và mất mát, chị Hải đã tìm mọi cách có thể để bù đắp cho bố mình. Điều chị mong nhất lúc ấy là tìm được cho cha một người bạn đời, để bố chị có thể nguôi ngoai đi nỗi đau mất mát khi mẹ chị đã ra đi mãi mãi. Và chị đã nhận ra người phụ nữ mình cần tìm không ai khác chính là bà Nguyễn Thị Hiệp – người cán bộ cùng cơ quan mà chị vô cùng yêu mến.

Sau này khi mọi việc đã an bài, chị Hải đã tiết lộ với ông Nguyễn Xuân Tốn: “Việc sắp xếp cho bố và cô Hiệp gặp nhau là 1 “âm mưu” tuyệt vời nhất của đời con”. Những ngày làm việc cùng với bà Hiệp, chị Hải thường thủ thỉ kể cho bà nghe về hoàn cảnh của cha mình và nhờ bà đi thăm hỏi, động viên ông như hai người bạn. Khi ấy, bằng tình cảm giữa hai người đồng chí, đồng đội, bà đã đến thăm ông, một người tù Côn Đảo đã chịu quá nhiều mất mát trong đời, cùng trò chuyện, chia sẻ với ông.

Buổi gặp đầu tiên, ông bà cùng kể cho nhau nghe về cuộc đời của mình, về những nỗi đau mà họ đã từng trải qua trong đời. Sự đồng cảm đã khiến ông bà nhanh chóng cảm thấy quý mến lẫn nhau. Và mỗi lần gặp nhau sau đó là mỗi lần họ thêm quý mến nhau hơn, là mỗi lần họ thấy lòng mình thêm ấm áp, là mỗi lần họ nhận ra khi ở cạnh nhau, nỗi đau của họ được dịu đi phần nào.

Cho đến một ngày, ông ngồi cạnh bà và nói: “Chúng mình cùng cảnh ngộ, tôi mất vợ, bà mất chồng con. Cuộc đời chúng ta đã quá hiểu thể là nào đau thương, mất mát. Giờ tôi muốn tôi với bà về ở với nhau, cùng chia sẻ những ngày tháng tuổi già sau này, tôi nói thế, bà có đồng ý không?”…

Và thế là ông bà nên vợ, nên chồng. Một đám cưới đặc biệt được diễn ra, do đích thân Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đứng ra tổ chức. Trong đám cưới đó, chú rể đã 55 tuổi, cô dâu đã 45 tuổi. Bạn bè đến dự đám cưới là những người bạn tù Côn Đảo của ông, là những người đồng đội cũ của bà. Món quà cưới họ dành cho ông bà chẳng có gì ngoài tấm lòng và những bài hát cách mạng vang khắp hội trường ngày hôm ấy.

Về sống với nhau khi cả hai đều đã cao tuổi, đã qua cái thời tuổi trẻ yêu đương sôi nổi và lãng mạn, nhưng suốt mấy chục năm đã qua của cuộc sống vợ chồng, ông Nguyễn Xuân Tốn đã luôn tự hào, luôn biết ơn và trân trọng người bạn đời sau này của mình. Ông bảo ông không ngờ sau những mất mát đã qua, cuộc đời ông lại có thể may mắn gặp được bà, một người phụ nữ đã thực sự yêu thương ông và cho ông một mái ấm thực sự.

Khi mới về ở với nhau, bà nói với ông: “Con em đã mất, em chắc cũng không còn có thể sinh con được nữa. Em sẽ coi các con, các cháu anh như chính đứa con em mang nặng đẻ đau”. Và trong suốt mấy chục năm qua, bà đã làm đúng như lời mình đã nói với ông ngày nào. Bà coi 3 người con của ông như con ruột, coi những đứa cháu của ông như cháu ruột của mình.

Lương của hai ông bà chẳng đáng là bao, tính toán lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu, nhưng thỉnh thoảng bà lại giấu ông, dấm dấm dúi dúi cho các con ông ít tiền tiêu, để giúp đỡ các con ông lúc khó khăn. Khi thì vài đồng cho con, khi thì tấm quà tấm bánh cho cháu, sự yêu thương chăm sóc từng li từng tí của bà dành cho các con, các cháu ông đã khiến con cái ông coi bà như người mẹ thứ hai, còn các cháu ông yêu bà như bà ngoại thực sự của mình.
 

Chính chị Nguyễn Thị Hải – con gái ông – người đã mai mối cho hai ông bà đến với nhau cũng từng xúc động nói: “Con biết là mẹ Hiệp tốt, nhưng con cũng chỉ nghĩ là kiếm cho bố một người bạn để an ủi tuổi già, chứ cũng không dám nghĩ bố sẽ hạnh phúc đến thế. Mẹ Hiệp thực sự là một người mẹ tuyệt vời”. Sau này khi kinh tế có điều kiện, chính các con ông đã chủ động bàn với ông, đề nghị góp tiền để xây dựng lại mộ cho người chồng và người con đã hi sinh của bà, như một cách bù đắp, an ủi bà.

Hơn 30 năm sống với nhau, ông ghi nhận hơn cả sự đảm đang, chịu thương, chịu khó của bà, ghi nhận tình cảm mà bà dành cho những người thân của ông. Thấy cảnh nhà neo đơn, chỉ có hai ông bà sống với nhau, bà bàn với ông đón các cháu về nuôi. 3 người cháu ngoại của ông và 5 người cháu gọi ông bằng bác, bằng chú đã được bà đưa về nuôi, lo từ cái ăn, cái mặc đến việc ăn học thành người.

 Bà đã chăm sóc tất cả, như chăm sóc những người thân yêu, ruột thịt thực sự của mình. Hơn 30 năm bà đã sống một cuộc đời như thế, đã thể hiện một nhân cách tuyệt vời như thế - những điều bà làm khiến ông không thể không cảm thấy may mắn khi có được bà trong đời.

Ông bảo, trong suốt những năm chung sống, chưa bao giờ ông bà to tiếng với nhau một lời. Đi qua mất mát, đau thương, cả ông và bà đều muốn được bù đắp cho nhau, để những năm tháng sau này thêm nụ cười, thêm niềm vui, hạnh phúc chứ không thêm những nỗi buồn. Bà hết mực chiều chuộng, chăm chút ông. Đôi khi ông vẫn nói bà chiều ông, chăm ông thái quá, nhưng chính những điều đó lại khiến ông vô vùng xúc động.

Ông kể: “Có lần tôi với bà ấy cùng có một chuyến đi xa. Đi trên xe ô tô, tôi bị say xe nên liên tục ói mửa, người mệt mỏi vô cùng. Thấy tôi như thế, bà ấy cứ ôm tôi vào lòng vỗ về, chăm chút, an ủi, cứ như tôi là một đứa trẻ, khiến tất cả mọi người trên xe ai cũng cười. Mỗi lần tôi ốm nằm viện, con cái tôi đố đứa nào được chăm sóc tôi, vì bà ấy đều dành phần vất vả về mình. Tôi nằm viện bao nhiêu ngày thì bà ấy cũng túc trực trong viện bấy nhiêu ngày. Con cái lo bà ấy ốm, hễ cứ bảo mẹ về nghỉ một đêm, để chúng con chăm bố thay mẹ, là bà ấy lại gạt đi bảo mẹ già rồi, ngủ có là bao. Các con đang tuổi ăn tuổi ngủ, mẹ sợ không chăm được bố chu toàn”.

Bà kiên quyết và không bao giờ “chịu thua” trong những “cuộc chiến” dành quyền chăm sóc ông, thế nên ông vẫn bảo với bà: “Tôi ốm đau thì có mệt, nhưng hình như mỗi lần tôi ốm, bà còn mệt hơn tôi”. Ông nói thế bởi đã không ít đêm ông nằm trong viện, nửa đêm giật mình tỉnh dậy thấy bà ngồi bên chiếc ghế bên cạnh giường ông vừa gật gà gật gù mà tay vẫn không quên quạt cho ông ngủ. Những lúc đó ông thấy ứa nước mắt vì xúc động, thấy mọi mệt mỏi, ốm yếu tan biến trước tình yêu quá lớn lao của người vợ hiền.

Ông là một cựu tù Côn Đảo gần 20 năm sống trong chuồng cọp. Bà là một Mẹ Việt Nam anh hùng mất cả chồng và con trong chiến tranh. Và định mệnh đã để ông bà gặp nhau, gắn bó cuộc đời họ với nhau, để cùng nhau nương tựa tuổi già, cùng nhau bù đắt những mất mát và chia sẻ những yêu thương. Có nhiều người vẫn nói mối tình của ông bà là “mối tình già” đẹp nhất cố đô Huế. Và tôi nghĩ điều họ nói chẳng hề sai.

Hương Thảo Nguyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc