Mối tình Nga-Việt bất tử của cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1)

08:24, Thứ hai 21/11/2011

( PHUNUTODAY ) - GS Nguyễn Tài Cẩn.

(Phunutoday) - Là con gái của một gia đình có dòng dõi quý tộc của nước Nga, bà nên duyên cùng một người đàn ông Việt Nam nổi tiếng uyên thâm và giản dị - vị GS Ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam - GS Nguyễn Tài Cẩn.
 
Theo chồng về Việt Nam giữa những năm chiến tranh bom đạn ác liệt nhất, bà đã sống và làm dâu như một người phụ nữ Việt Nam thực thụ và đã cùng cố GS Nguyễn Tài Cẩn viết nên câu chuyện tình yêu không biên giới bất tử, khi cùng ông trải qua những ngày tháng bom đạn, khói lửa, những ngày tháng tản cư vất vả, những ngày bao cấp thiếu thốn. Đến tận bây giờ, rất nhiều thế hệ thầy và trò của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV) vẫn còn lưu giữ rất nhiều giai thoại về mối tình Nga - Việt tuyệt đẹp ấy.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn
“Nàng dâu Tây” quý báu của dòng họ Nguyễn Tài
 
Trái tim của nhà ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam - GS Nguyễn Tài Cẩn đã ngừng đập mãi mãi vào ngày 28/2/2011, nhưng những câu chuyện về ông thì vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ học trò trường Đại học Tổng hợp đã từng may mắn được nghe ông giảng dạy. Trong những câu chuyện ấy, không thể thiếu bóng dáng người bạn đời của ông - GS Nonna Xtankevit - người phụ nữ Nga đã làm vợ ông suốt 50 năm qua và đã trở thành một nàng dâu Tây ở Việt Nam có một không hai vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ.
 
GS Nguyễn Tài Cẩn sinh ra trong một gia đình nhà Nho nổi tiếng xứ Nghệ ở huyện Thanh Chương - Nghệ An. Ông là thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên Xô học vào những năm 1950, trở thành nòng cốt cho nền khoa học nước nhà sau này. Điều đặc biệt là chính những ngày tháng học hành miệt mài ở Liên Xô đã trở thành nhân duyên cho câu chuyện tình Nga - Việt bất tử của ông với bà Nonna Xtankevit - vị giáo sư ngôn ngữ học người Nga chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ phương Đông, đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Việt - người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước Việt Nam.
 
Bà Nonna Xtankevits sinh ra trong một gia đình quý tộc Nga dòng dõi. Thời sinh viên, duyên phận đã khiến bà gắn bó với việc nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam và trở thành một nàng dâu của đất nước Việt Nam. GS Nguyễn Tài Cẩn và bà Nonna quen nhau vào cuối những năm 1950, khi ông sang Matxcova làm luận án Phó Tiến sĩ.
 
Sau những lần được ông giúp đỡ để hiểu hơn về sự phong phú của tiếng Việt, bà đã bắt đầu yêu người đàn ông Việt Nam nhỏ bé, gầy gò, nhưng có kiến thức uyên thâm ấy. Để rồi khi ông về nước, bà - cô con gái của một gia đình quý tộc Nga danh giá - đã đã tình nguyện theo ông về Việt Nam, cùng ông nên vợ nên chồng - vào giữa những năm kháng đất nước Việt Nam chìm trong bom đạn ác liệt của chiến tranh. Về Việt Nam, bà đã cùng ông giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp và trở thành một vị giáo sư được nhiều thế hệ học trò ở Khoa Ngữ văn yêu mến cho đến tận bây giờ.
 
Thời đó, chuyện một người phụ nữ nước ngoài làm dâu Việt Nam là một việc vô cùng hiếm hoi. Nên khi về làm vợ ông, bà đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người. Những thế hệ học trò đã từng đến nhà ông bà những năm ấy thường được nhìn thấy trên bức tường trước cửa nhà ông có mấy dòng chữ vẽ vụng về bằng gạch: “Nhà này có Tây”, nhưng bà chưa bao giờ có ý định xóa nó đi.
 
Quê của GS Nguyễn Tài Cẩn ở vùng Thanh Chương - Nghệ An (trước là Nghệ Tĩnh). Khi theo ông về Việt Nam, bà Nonna thường cùng chồng về quê hương Nghệ Tĩnh của ông. Tuy là một nàng dâu Nga trên đất Việt, nhưng bà đã sống và hòa nhập vào cuộc sống của người Việt Nam như một người phụ nữ Việt thực thụ. Có lẽ chính vì thế mà những người bà con trong dòng họ Nguyễn Tài của GS Nguyễn Tài Cẩn vô cùng yêu mến nàng dâu Tây đặc biệt này.
 
Những lần đầu bà theo chồng về quê, dân làng ai cũng xung quanh ai cũng xúm đến quanh nhà để được tận mắt xem một “cô dâu Tây trông sẽ thế nào” và cuối cùng, tất cả những người dân trong làng đều ngạc nhiên vì thấy bà - một phụ nữ người Nga - nhưng lại ăn vận như một phụ nữ Việt, nói tiếng Việt với đúng giọng nói của người xứ Nghệ. Bà cũng khiến họ hàng của ông “choáng” hơn, khi nấu tất cả những món ăn Việt từ nem rán, đến cá kho, thịt kho, món nào cũng ngon, cũng khéo như bất cứ người phụ nữ Việt đảm đang nào khác.
 
Chuyện bà Nonna về quê chồng ở Nghệ Tĩnh có nhiều giai thoại. Một trong những giai thoại đó là có lần về quê, bà cùng ngồi uống nước với một số người họ hàng trong dòng họ Nguyễn Tài. Nhưng đang bưng nước lên uống thì thấy có một con côn trùng nhỏ nằm trong bát nước, bà dùng tay vớt con côn trùng đó lên rồi thản nhiên uống hết bát nước của mình.
 
Dòng họ Nguyễn Tài ở Thanh Chương - Nghệ An là một dòng họ Nho học lâu đời, có truyền thống và rất đông con cháu, nhưng bà Nonna nhớ từng người bác, người chú, từng người cô, người dì, từng anh chị em, cháu chắt trong dòng họ ấy. Sau này, khi đã về Nga sinh sống, thỉnh thoảng, có người cùng quê sang chơi, bà vẫn hỏi cặn kẽ từng người trong gia đình, họ hàng của chồng ở Việt Nam. Bà biết tường tận phong tục tập quán của người Việt, biết từng thủ tục cầu kỳ trong những lễ ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ.
 
Chính những tính cách, lối sống giản dị và hòa đồng của bà với người dân quê chồng đã khiến cho hết thảy những thành viên họ Nguyễn Tài ở Nghệ Tĩnh đều yêu mến bà và coi bà như một cô dâu quý của dòng họ Nguyễn Tài.
 
Sống như một người Việt Nam thực thụ
 
Có một người chồng là một giáo sư ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam, bà cũng không chịu chìm lút bên cạnh ông, nên đã tích cực nghiên cứu để trở thành một giảng viên ngôn ngữ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà nghiên cứu văn hóa, văn học phương Đông, thông làu tiếng Hán cổ, nghiên cứu tiếng Việt và giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam. Bà vẫn khiến những học trò của mình “tròn mắt” vì sự am hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của mình, khiến họ yêu thêm ngôn ngữ ấy bằng chất giọng dịu dàng, uyển chuyển mỗi khi đứng trên bục giảng.
 
Những học trò đã từng được bà dạy còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện của bà, câu chuyện nào cũng thấy bà hòa đồng, gần gũi và yêu thương sinh viên. Ngày đó, hai ông bà sống trong một căn nhà nhỏ ở gần chợ trời. Lối vào nhà ông bà đi qua một cái sân nhỏ có trồng một cây ngọc lan sum suê cành lá. Vào những ngày mùa hè, GS Nguyễn Đình Cẩn vẫn thường ngồi đó uống nước, bên chiếc bàn gỗ tự đóng rất vụng về của mình và tiếp chuyện học trò đến thăm và xin được chỉ dạy.
 
Bà Nonna rất yêu hoa ngọc lan và cũng nổi tiếng với tính cách lãng mạn. Bà thường thu lượm những bông hoa ngọc lan ấy để đem tặng mọi người xung quanh. Ngày ấy, không có phong bì thư sẵn như bây giờ. Bà lấy giấy báo tự cắt dán thành những cái phong bì nho nhỏ, xinh xinh, rồi để vào đó một bông hoa ngọc lan đem tặng bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Vào mùa hoa ngọc lan nở, hầu như buổi nào lên lớp giảng dạy, mỗi học trò trong lớp đều được bà tặng cho một bông hoa ngọc lan được gói cẩn thận trong chiếc phong bì làm bằng giấy báo ấy. Món quà giản dị, khiêm nhường, nhưng là tấm lòng thơm thảo của cô giáo người Nga với những học trò đất Việt.
 
Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, đưa máy bay ra ném bom miền Bắc, cả miền Bắc lúc nào cũng đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng đối phó với bom đạn mà máy bay địch thả xuống ngày đêm. Thời đó, cuộc sống gian khổ, bất trắc và thiếu thốn đủ đường khiến ngay cả những người Việt Nam đã từng kinh qua những ngày kháng chiến chống Pháp cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.
 
Lo sợ bà Nonna không chịu được sự vất vả, cơ cực và những nguy hiểm cận kề ấy, lãnh đạo đã đề nghị bà tạm thời về nước, chờ cho đến khi tình hình yên ổn mới quay trở lại. Tuy nhiên, bà đã từ chối lời đề nghị đó, để được ở lại cùng chồng con, cùng đồng nghiệp, cùng học trò trong những ngày tháng bom đạn và hiểm nghèo nhất.
 
Bà đã cùng chồng con kinh qua những ngày Hà Nội bị bắn phá, phải chạy xuống hầm trú ẩn, đã chứng kiến cảnh những con phố Hà Nội tan hoang và đổ nát sau những lần máy bay địch đến bắn phá. Những ngày tháng ấy giúp bà yêu Việt Nam hơn, gắn bó với Việt Nam hơn và căm thù những kẻ ngoại xâm như chính một người Việt Nam từ trong máu thịt.
 
 
Mối tình Nga - Việt bất tử của cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn)
 
 
  • Hương Thảo Nguyên  
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc