Mối tình ngát hương của người chiến sỹ từng sống lại từ trong nhà xác

10:54, Thứ tư 27/07/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Quán trà nhỏ được bày bán ngay trước cửa nhà của người đàn ông đã gần bước sang tuổi 60 lúc nào cũng đông khách. Khách của ông hầu hết là những người lính trinh sát trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại...

(Phunutoday) - Quán trà nhỏ được bày bán ngay trước cửa nhà của người đàn ông đã gần bước sang tuổi 60 lúc nào cũng đông khách. Khách của ông hầu hết là những người lính trinh sát trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Họ nói về kỷ niệm của những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường ác liệt. Nhưng câu chuyện của chính chủ nhân quán nước chè nhỏ đó mới là câu chuyện cảm động và kì thú hơn cả…

Người lính dũng cảm giành lại sự sống từ tay thần chết

Mỗi khi có thiếp mời đám cưới gửi đến nhà, chị Nguyễn Thị Khánh vợ của người lính trinh sát năm xưa – thương binh 2/4 Phạm Văn Nam lại đùa chồng rằng có chồng và hai đứa con mà chưa được một lần nhận lễ đính hỏi, chưa một lần được lên xe hoa đúng nghĩa.

Thấy vợ như trách yêu mình, anh Phạm Văn Nam nói rằng, chị thiệt thòi thật nhiều nhưng bây giờ chị là người vợ, người mẹ hạnh phúc nhất. Chị đã mang đến cuộc sống mới cho anh trên chính quê hương của chị, đã mang lại cho anh nghị lực và niềm tin để tìm về quê hương sau những năm tháng dưỡng thương gian khổ. Nếu không gặp được chị thì anh Nam cũng không biết được cuộc đời mình sẽ đưa đẩy đến phương trời nào cùng bệnh tật của anh nơi đất khách quê người.

Sinh năm 1954 trong một gia đình gồm 4 người con có truyền thống yêu nước tại số nhà 138 Quang Trung – thị xã Hà Đông – Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội), năm 1973, anh Nam cùng hơn 300 thanh niên viết đơn tình nguyện ra chiến trường và được điều vào chiến đấu tại chiến trường Quỳnh Lưu – Nghệ An.
1
Anh Nam chụp ảnh cùng mọi người

Năm 1975, cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại của dân tộc giành thắng lợi, trong khi biết bao người lính vác ba lô trở về quê hương mừng ngày độc lập và đoàn tụ cùng gia đình thì anh tình nguyện lên tăng cường cho chiến trường Tây Nam bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Năm 1978 trong một lần đi trinh sát dọc biên giới, đơn vị của anh đã bị địch phục kích khiến nhiều chiến sỹ trọng thương và được điều về trại điều trị thương binh tại trạm phẫu Canatye thuộc vùng đất của biên giới Việt Nam – Campuchia.

Khi anh Nam được đưa về trạm phẫu, vì vết thương trên đầu đã quá nặng, mất máu nhiều nên đã bất tỉnh. Y tá khám đến anh thì thấy tim đã ngừng đập, không đo được huyết áp, không cầm được máu nên đã ghi tên anh vào danh sách các chiến sỹ đã hy sinh và đưa đến nhà xác để chờ làm thủ tục bàn giao cho tuyến trên chôn cất.

Như thường lệ, trước khi giao xác cho đội chôn cất, các y tá kiểm tra lần cuối cùng. Phát hiện thấy anh còn cử động và thở nhẹ, các y tá đã đưa anh lên tuyến trên để điều trị. Nhưng khi xe cứu thương vừa đưa anh đi khỏi trạm phẫu cũng là lúc quân giặc ném bom xuống, tất cả các y tá, thương binh và những người đang chờ đi chôn cất đều trúng bom. Cũng từ đó anh mặc nhiên trở thành liệt sỹ và được gửi giấy báo tử về quê nhà.

Sau đó, anh được đưa về điều trị tại trại điều dưỡng Đầm Vạc của huyện Hương Canh – Vĩnh Phúc. Phải chịu sức ép về tinh thần khi biết các đồng chí của mình đã hy sinh nên vết thương của anh ngày càng trầm trọng.

Không thể đi lại được vì liệt nửa người, tất cả mọi việc đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của các y tá và những người thương binh nhẹ hơn, anh Nam đã rất bi quan. Biết gia đình đang rất đau khổ khi nhận được giấy báo tử của mình, anh muốn trở về nhưng mặc cảm và nỗi khổ tâm về bệnh tật đã làm cho anh lưỡng lự.

Anh không muốn mình trở thành một người tàn phế, không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ và anh chị em.
Trong lúc anh đau đớn nhất, tuyệt vọng nhất thì tình yêu chân thành, ngọt ngào lại tìm đến với anh. Và cuộc sống của anh từ đây được hồi sinh, hạnh phúc bắt đầu mỉm cười cho dù phải trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách.

Mối tình cao thượng lung linh từ cuộc sống nhiều gian khó

Ngày ấy, chị Nguyễn Thị Khánh vừa tròn 20 tuổi, gia đình chị ở gần trạm điều dưỡng nơi anh Nam đang điều trị.

Chị Khánh tìm đến anh vì tò mò đã bao năm nay anh ở đây nhưng chưa một lần chị thấy gia đình anh lên thăm, trong khi các thương binh khác đều đặn tuần nào, tháng nào cũng có gia đình lên thăm, có người sau một thời gian bình phục thì được gia đình đón về quê hương. Chỉ có anh Nam là lặng lẽ một mình, nỗi buồn, nỗi cô đơn luôn hiện lên trên khuôn mặt của tràng trai trẻ.

Động lòng trắc ẩn và nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chị đã chủ động tìm đến gặp anh. Ban đầu chỉ là vài ba câu chuyện hàng ngày, anh Nam kể cho chị Khánh nghe những kỷ niệm nơi chiến trường năm xưa, kể về gia đình anh ở quê hương và nỗi mặc cảm của mình…

Câu chuyện của anh, cuộc sống của anh đã làm chị cảm động và không biết tự bao giờ, hình ảnh của anh đã luôn hiện lên trong suy nghĩ của chị. Mọi người biết tình cảm chị Khánh dành cho anh Nam, ai cũng vui mừng và vun vén. Với anh Nam, khi biết được điều đó anh không khỏi băn khoăn vì ngay cả cuộc sống của mình, anh cũng không thể làm chủ được thì nói chi đến việc đảm bảo hạnh phúc cho người con gái khác.
Gia đình anh Nam
Gia đình hạnh phúc của anh Nam trong ngày cưới con gái

Biết được tâm tư của anh, chị đã tình nguyện ở bên anh, chia sẻ khó khăn, cùng anh bước qua đau khổ và bệnh tật. Yêu anh chân thành nên chị muốn được mang đến cảm giác ấm áp của một gia đình mà anh đang khao khát. Nhưng khi anh chị bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc ngọt ngào, chân thành thì cũng là lúc hai người phải đối diện với sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình chị.

Bố mẹ chị Khánh đã phản đối chuyện của anh chị vì họ không hề biết thông tin gì về anh ngoài việc anh đang mang trọng bệnh. Họ không thể gửi gắm tương tai của cô con gái của mình vào người mà cuộc sống luôn gắn bên giường bệnh. Lúc ấy anh Nam không thấy buồn vì anh biết sớm muộn gì anh cũng phải đối mặt với sự phản đối của gia đình chị. Anh không giận họ vì anh hiểu không có người bố mẹ nào lại muốn con mình có một người chồng bệnh tật như anh.

Mặc cho bố mẹ phản đối, mắng chửi, chị Khánh vẫn đến bên anh hàng ngày. Chị yêu anh rất nhiều và anh đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Chị cho việc chăm sóc cho anh là một việc làm ý nghĩa và hạnh phúc nhất. Mọi người tại trại điều dưỡng ai cũng ngưỡng mộ và cảm phục tình yêu của chị dành cho anh. Chị bước qua mọi rào cản và thị phi để bảo vệ tình yêu của mình. Khi không thể cản trở được tình yêu của anh chị, bố mẹ chị đã phải đồng ý cho hai người đến bên nhau.

Đầu năm 1985 đám cưới giản dị của anh chị được tổ chức tại trại điều dưỡng thương binh. Nói là đám cưới cho oai chứ thực chất lúc ấy gia tài anh không có gì cả ngoài con người bệnh tật và tấm lòng chân thành của người lính làm lễ đính hôn. Họ nhà trai chỉ có duy nhất mình anh cùng tham gia tổ chức cùng đại gia đình bên nhà gái.

Cưới được vài năm thì vết thương của anh tái phát nặng hơn, phải chuyển xuống  trại điều dưỡng thương binh nặng tại huyện Thuận Thành – tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Lúc này gia đình nhỏ của chị đã ấm cúng hơn khi có cô con gái vừa chào đời.

Hơn 2 năm ở trại điều dưỡng Bắc Ninh, được sự chăm sóc và điều trị tận tình của các bác sỹ và sự động viên của vợ con, anh Nam dần bình phục. Dù chưa thể đi lại được bình thường, nhưng những cơn đau không còn hành hạ anh nhiều nữa. Chính gia đình nhỏ và người vợ thủy chung, kiên cường đã mang lại cho anh sức mạnh để chiến thắng bệnh tật.

Năm 1990 anh Nam đã đưa vợ và hai cơn trở về quê hương tại ngôi nhà 138 – Quang Trung – Hà Đông. Sau gần 30 năm, anh trở lại trong nỗi vui mừng khôn xiết của gia đình. Và cũng là lần đầu tiên chị Khánh cùng 2 con được đón nhận tình cảm thắm thiết từ quê chồng.

Trở về quê hương, gia đình anh Nam đã phải đối diện với bao khó khăn dù có được sự giúp đỡ từ phía anh chị em. Không muốn phải nhìn thấy vợ khổ cực mãi, anh Nam đã kiên cường tự vực dậy với những ngày tháng tập đi đầy đau đớn bằng chính đôi chân thương tật của mình. Sau 2 năm điều trị và tập đi anh Nam đã có thể đi lại bình thường.

Giờ đây nhìn gia đình hạnh phúc của anh khi cô con gái lớn đã yên bề gia thất, cậu con trai út cũng đang công tác trong ngành Công an mà ai cũng ngưỡng mộ và thán phục. Hạnh phúc ấy đã được xây dựng trên tình yêu mãnh liệt, tấm lòng nhân ái của chị Khánh và nghị lực phi thường chiến thắng bệnh tật của anh Nam. Tình yêu ấy là phép màu kỳ diệu đem lại một cuộc sống đầy ắp tình người trong khó khăn hoạn nạn.

Quỳnh Vy
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc