Không giống với những lễ cưới thông thường, trong lễ cưới diễn ra vào tháng 10/1915, món quà cưới trao cho Tống Khánh Linh không phải là nhẫn cưới hay đồ nữ trang mà là một khẩu súng ngắn kèm theo 20 viên đạn. Người ta nói rằng, ngày hôm đó, Tôn Trung Sơn đã nói với Tống Khánh Linh rằng: “Trong số 20 viên đạn này, 19 viên dành cho kẻ địch, viên cuối cùng hãy để dành cho chính mình”…
Vì sao một người có tư tưởng cách mạng, một người không những không thù hằn mà còn tích cực tiếp cận các tư tưởng văn minh phương Tây như Tôn Trung Sơn lại tặng người vợ mới cưới của mình một khẩu súng ngắn, hơn nữa lại kèm theo 20 viên đạn, cho tới nay vẫn là điều khiến nhiều người thắc mắc.
Rõ ràng, khi kèm 20 viên đạn theo khẩu súng, Tôn Trung Sơn không hề có ý tặng món quà cưới có một không hai này để Tống Khánh Linh làm kỷ niệm. Ý của của vị Tổng thống Trung Hoa Dân quốc là muốn người bạn đời của mình dùng nó vào việc chiến đấu, một cuộc chiến đấu một mất một còn.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, dẫu cho Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh ngoài là bạn đời còn là đồng chí, song việc tặng cho người phụ nữ mình yêu một khẩu súng ngắn với lời “dặn dò” có phần khắc nghiệt như vậy thực là không hợp tình cũng chẳng hợp cảnh chút nào.
Thực tế, phải đặt món quà cưới độc đáo của Tôn Trung Sơn vào hoàn cảnh lúc bấy giờ mới có thể lý giải được vì sao vị Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc lại làm như vậy.
Tháng 12/1911, sau khi cuộc Cách mạng Tân Hợi thành công, Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng thống Lâm thời của Trung Hoa Dân quốc. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau đó, trong một thỏa thuận với Viên Thế Khải, Tôn Trung Sơn đã nhường lại chiếc ghế tổng thống cho họ Viên để đổi lấy việc Viên sẽ dùng sức ép buộc hoàng đế nhà Thanh là Phổ Nghi phải thoái vị.
Chân dung Tống Khánh Linh |
Những ngày tháng sau đó, Tôn Trung Sơn gần như rời hẳn khỏi chính giới mặc dù vẫn được bầu làm người đứng đầu của Quốc dân Đảng vào tháng 8/1912. Tuy nhiên, kể từ sau khi nhậm chức tổng thống, Viên Thế Khải ngày càng lộ rõ bộ mặt phản cách mạng của mình.
Tháng 3 năm 1913, Tống Giáo Nhân, người được Tôn Trung Sơn ủy thác làm đại diện của mình xử lý các công việc của Quốc dân Đảng bị ám sát. Tôn Trung Sơn cho rằng, người đứng đằng sau vụ ám sát này không ai khác chính là Viên Thế Khải.
Tôn Trung Sơn phản đối giải quyết vụ việc theo trình tự pháp luật, đồng thời kêu gọi các tỉnh phía Nam nổi dậy chống lại Viên Thế Khải và tự gọi là cuộc cách mạng lần thứ 2 (sau Cách mạng Tân Hợi 1911). Tuy nhiên, do thực lực không đủ, lại không được chuẩn bị kỹ lưỡng, cuộc cách mạng lần thứ 2 đã thất bại.
Ngày 2/8/1913, Tôn Trung Sơn từ Thượng Hải chạy về Phúc Châu rồi sang Nhật Bản tìm cứu viện. Ngày 15/10, Viên Thế Khải ra lệnh truy nã Tôn Trung Sơn.
Tại Nhật Bản, Tôn Trung Sơn phải vừa trốn chạy vừa thành lập Trung Hoa Cách mạng Đảng, lên kế hoạch “thảo phạt” Viên Thế Khải. Trong hoàn cảnh đó, Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh đã nảy sinh tình cảm với nhau.
Vào năm 1914, Tống Khánh Linh đảm nhiệm vai trò thư ký tiếng Anh cho Tôn Trung Sơn tại Nhật Bản, hai người bắt đầu nảy sinh tình cảm với nhau. Cuộc tình giữa hai người gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình họ Tống.
Bởi lẽ, Tôn Trung Sơn không chỉ hơn Tống Khánh Linh tới 27 tuổi, đã có một đời vợ và 3 đứa con mà quan trọng hơn hết, Tôn Trung Sơn là bạn thân của nhà họ Tống trong suốt hơn 20 năm. Tuy nhiên, Tống Mỹ Linh, khi đó vẫn còn học tại Mỹ thì ngược lại, bày tỏ sự tán đồng và ủng hộ với quyết định của người chị cả.
Để ngăn cản mối tình “không thể chấp nhận” này, cha mẹ Tống Khánh Linh gần như đã “giam lỏng” cô con gái bướng bỉnh trong nhà ở Thượng Hải. Tuy nhiên, sự ngăn cản của cha mẹ không đủ để cản bước cô gái trẻ với tình yêu mãnh liệt.
Vợ chồng Tôn Trung Sơn - Tống Khánh Linh |
Tống Khánh Linh đã trốn khỏi nhà bằng cửa sổ rồi tìm cách sang Nhật Bản tìm gặp Tôn Trung Sơn. Sau khi Tôn Trung Sơn ly hôn với người vợ đầu, hai người đã quyết định kết hôn với nhau tại Nhật Bản.
Như vậy, đám cưới giữa Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh không chỉ diễn ra trong sự phản đối của gia đình mà còn luôn bị đe dọa của tay chân của Viên Thế Khải. Nói cách khác, hai người dù kết hôn với nhau, song vẫn phải luôn giữ bí mật và luôn trong tâm thế cảnh giác với kẻ thù.
Với tâm thế ấy, việc Tôn Trung Sơn tặng cho Tống Khánh Linh món quà cưới là khẩu súng kèm theo đạn là điều không khó lý giải. Tại thời điểm mà cả hai bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, một khẩu súng để phòng thân mang lại nhiều lợi ích hơn nhiều so với một chiếc nhẫn cưới đắt tiền.
Những sự kiện diễn ra sau đó chứng tỏ, món quà mà Tôn Trung Sơn tặng cho Tống Khánh Linh thực sự hữu dụng. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Tôn Trung Sơn không ít lần lầm vào tình cảnh cực kỳ nguy hiểm.
Tuy nhiên, sự kiện xảy ra vào tháng 6 năm 1922, tức 7 năm sau khi kết hôn là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ông cùng Tống Khánh Linh trải qua hoạn nạn.
Tháng 8/1920, Trần Quýnh Minh đánh lui các thế lực quân phiệt đang chiếm cứ Quảng Châu mời Tôn Trung Sơn trở về đây. Tới 28/11, Tôn Trung Sơn về tới Quảng Châu. Ngày 2/4/1921, quốc hội đặc biệt Quảng Châu quyết định thủ tiêu chính phủ quân sự, đổi sang chế độ tổng thống.
Ngày 7/4, Tôn Trung Sơn được bầu làm tổng thống. Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhậm chức, bắt đầu cuộc “cách mạng thứ 3”. Tuy nhiên, vào chính lúc này, giữa Tôn Trung Sơn và Trần Quýnh Minh lại bắt đầu có mâu thuẫn.
Tháng 5/1925, sau thắng lợi trước các thế lực quân phiệt phía Nam, khôi phục lại hiến pháp và quốc hội, các nghị viên quốc hội tại Quảng Đông và Quảng Tây đề nghị Bắc phạt. Tôn Trung Sơn cũng chủ trương bắc phạt, dùng vũ lực đánh dẹp các thế lực quân phiệt, xây dựng một Trung Quốc thống nhất.
Trong khi đó, Trần Quýnh Minh thì lại chủ trương “liên minh 2 tỉnh Quảng Đông Quang Tây” và “tự trị”, phản đối việc dùng vũ lực thống nhất Trung Quốc. Ngày 1/6/1922, Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh từ Thiều Quan về Quảng Châu, lúc bấy giờ, Tống Khánh Linh đang mang thai.
Tới ngày 12/6, Tôn Trung Sơn tổ chức cuộc họp báo chỉ trích tư tưởng “phản đối Bắc phạt” của Trần Quýnh Minh đồng thời dùng dư luận để ép Trần Quýnh Minh phải đưa quân về Đông Giang.
Có lẽ điều này đã khiến Trần Quýnh Minh cảm thấy bị xúc phạm khi chính ông ta là người đã mời Tôn Trung Sơn về Quảng Đông đồng thời đưa Tôn Trung Sơn lên chiếc ghế Tổng thống.
Chính vì thế, rạng sáng ngày 16/6/1922, Trần Quýnh Minh đã quyết định tổ chức binh biến, huy động pháo binh nã pháo vào phủ tổng thống cũng như nơi ở của Tôn Trung Sơn.
Theo lời kể của các nhân chứng, từ sáng sớm ngày 16/6/1922, các vệ binh đã nhận thông tin Trần Quýnh Minh sẽ tấn công vào phủ tổng thống.
Tống Khánh Linh nghe tin, mặc dù bụng mang dạ chửa song vẫn cực lực khuyên Tôn Trung Sơn nên một mình trốn đi trước, còn bản thân mình sẽ đi sau bởi vì Tống Khánh Linh cho rằng, mục tiêu mà Trần Quýnh Minh nhắm vào là Tôn Trung Sơn chứ không phải mình.
Lúc bấy giờ, Tống Khánh Linh đã nói với Tôn Trung Sơn rằng: “Trung Quốc có thể không có Tống Mỹ Linh nhưng không thể không có Tôn Trung Sơn, anh hãy đi mau đi!”
Sau khi Tống Khánh Linh và nhiều người khẩn cầu, Tôn Trung Sơn mới đồng ý đi trước. Tuy nhiên, Tôn Trung Sơn ra lệnh cho hơn 50 vệ sĩ bảo vệ mình toàn bộ đều ở lại bảo vệ cho Tống Khánh Linh, còn ông sẽ đi một mình.
Tới khi Tống Khánh Linh chuẩn bị xong để rút lui thì tình thế đã vô cùng nguy hiểm. Toàn bộ phủ tổng thống đã bị bao vây, tứ phía là tiếng pháo nổ, gần như không còn đường để thoát ra. Tuy nhiên, cuối cùng, Tống Khánh Linh vẫn thoát ra được dù sau khi chạy thoát, từ 50 người lính cảnh vệ được Tôn Trung Sơn ra lệnh ở lại, chỉ còn lại có 2 người.
Cũng chính vì lần rút lui này, Tống Khánh Linh không may đã bị sảy thai. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Tống Khánh Linh và Tôn Trung Sơn cho tới cuối đời vẫn không có với nhau một người con nào.
- Đại Nam
[links()]