Sáng sớm, khi những con đường phố Hội vẫn còn yên tĩnh sau một đêm dài chìm trong giấc ngủ, vẫn có một ông lão nhỏ từng giọt mồ hôi xuống dưới lòng đường để gánh nước mang đến các ngôi nhà, các quán ăn trong thành phố du lịch này. Những bước chân thoăn thoắt và đôi quang gánh võng xuống đôi vai gầy của ông để kiếm tiền nuôi vợ già và đứa con trai duy nhất bị bệnh tâm thần…
[links()]
Đời người phu gánh nước
Tôi ngỡ ngàng trong một buổi sáng khi ánh bình minh vừa le lói phía đằng đông, người đàn ông tóc bạc, râu bạc đã ở cái tuổi ngoài tám mươi đang cặm cụi và cần mẫn quẩy đôi thùng gánh nước đi mải miết trên con đường lát đá của khu phố cổ.
Ông là Nguyễn Đường (81 tuổi), người đàn ông cả cuộc đời làm nghề gánh nước thuê, đã sải bước chân mình trên những con đường vắng. Ông cũng như những người phụ nữ bán chè nửa thế kỷ, những bà lão bán tò he, ông lão bán xí mà… làm nên một cái hồn rất riêng của phố Hội.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng với dáng người chắc nịch tráng kiện, ông vẫn ngày ngày lầm lũi gánh nước đi khắp phố cổ Hội An, kiếm tiền bằng sức lao động của mình để nuôi người vợ già và người con trai ngoài 50 tuổi bị tâm thần.
Mỗi ngày của ông bắt đầu từ khi ánh bình minh chưa kịp ló dạng, ông gánh đôi thùng nước sóng sánh đến những nhà quen thường lấy nước của ông dùng cho sinh hoạt như nấu cơm, pha trà, có nhà chắc là còn nước không lấy, thế là ông tiếp tục quang gánh, nhìn dáng ông, đôi chân trên 80 tuổi kia trên đường phố vắng buổi sáng thật thương và khâm phục ông…
Rồi cũng có nhà lấy nước, thế là ông tiếp tục quay lại giếng cổ Bá Lễ múc đầy hai thùng, và quẩy gánh đi tiếp.
Ông Nguyễn Đường bên giếng cổ Bá Lễ quen thuộc. |
Tranh thủ lúc ông ngồi nghỉ chân trên một con phố nhỏ chưa có người qua lại, tôi lân la hỏi chuyện sau những phút theo bước chân ông. Ông cười móm mém khoe hai hàm răng chỉ còn lại những chiếc răng mồ côi.
Ông kể về cuộc đời hơn 50 năm gánh nước của mình và sự gắn bó với giếng cổ Ba Lễ, ông vốn là người gốc Hội An, khi trưởng thành ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Mỹ ở gần phố Hội này. Cưới nhau, hai vợ chồng trẻ vào Sài Gòn sinh sống và có được cậu con trai đầu lòng Nguyễn Văn Quốc.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi lên 3 tuổi, Quốc bị một trận ốm thập tử nhất sinh, và rồi khi nhận tin đứa con trai bị thần kinh, hai vợ chồng buồn bã đưa con về lại Hội An sinh sống.
Và rồi để mưu sinh, ngày qua ngày, bà Mỹ gánh nước ở giếng cổ Ba Lễ mang đi cho các hàng quán, còn ông nhận bốc vác tại bến thuyền ven sông Hoài để có tiền lo thuốc thang cho con. Hai ông bà quyết định không sinh thêm để có điều kiện lo chạy chữa cho con.
Bốc vác được một thời gian, thấy công việc nặng nhọc mà thu nhập lại thất thường nên ông chuyển “nghề” về gánh nước thuê cùng vợ. Còn anh Quốc cứ lớn lên và ngây ngô như một đứa trẻ. Nhiều khi lên cơn đau đầu, anh lại đập phá hết đồ đạc trong căn nhà nghèo khó.
Nhìn con như thế mà ông bà rớt nước mắt. Cuộc sống của ba người cứ chậm rãi như nhịp sống nơi phố cổ. Duy chỉ có anh Quốc là chẳng mảy may đến chuyện lấy vợ, “mà biết lấy ai khi chính mình chẳng ra hồn người!” như lời ông bộc bạch.
Ông cười móm mém sẻ chia: "Anh không biết chứ hồi tui còn trẻ, mỗi ngày tôi gánh được cả trăm đôi nước ấy chứ. Sáng gánh từ tinh sương đến đứng bóng, rồi về ngả lưng một chút lại tiếp tục ra giếng múc nước, làm nhiều có tiền nhiều mà!
Nhiều người cũng gánh nước như tui nhưng chừ họ bỏ đi làm việc khác hết rồi, chỉ còn mình tui với đôi thùng ni thôi!", thời gian này vì sức lực đã không còn, nên lượng nước gánh cũng không còn nhiều như trước.
Dẫu vậy ông vẫn cần cù dậy từ sớm để gánh nước cho những mối quen, nơi mà người ta luôn tin dùng nước của ông nơi giếng cổ Ba Lễ.
Những khi giếng hết nước, ông lại lần mò xuống tận đáy giếng sâu hàng chục mét để nạo vét cặn bẩn, mang muối xuống trát vào mạch nước để khơi thông mạch ngầm.
Nhờ đó, một tuần sau, giếng có nước trở lại, người dân phố cổ lại thấy dáng ông cụ với đôi thùng nước rảo quanh khắp khu chùa Cầu, sang đường Bạch Đằng, chợ Hội An và thong dong trong lòng phố cổ...
Đắm đuối vì vợ vì con
Ông Đường bây giờ được coi như là biểu tượng ở Hội An và là người gắn bó lâu nhất với nghề gánh nước thuê. |
Nhìn dáng gầy guộc của ông gánh nước trên con đường nhỏ, tôi lại nghĩ đến những câu ca dao tả về sự tần tảo của người phụ nữ chăm chồng nuôi con. Nhưng ông thì lại là một đấng trượng phu cơ mà. Thôi thì là ai cũng vậy cả, vẫn là người và vẫn có tình với gia đình, với làng xóm.
Khi thấy tôi đi theo ông cụ, chị Trần Mộng Ngọc (33 tuổi, hàng xóm của gia đình ông Đường) cho biết: “Thương lắm anh ạ! Cụ đã 80 tuổi rồi mà vẫn khom lưng gánh từng đôi thùng nước kiếm tiền. Anh Quốc thì cũng gánh nước phụ ba mẹ.
Cách đây vài ba năm, mẹ anh Quốc không gánh nổi nữa nên ra giếng múc nước cho 2 cha con gánh. Nhưng giờ bác gái không có sức khỏe nữa. Đau khớp triền miên nên 2 cha con tự múc gánh. Anh Quốc con trai cụ thì ngây ngô như đứa trẻ. Anh rất tội nghiệp, không hề phá phách.
Hàng xóm láng giềng ai cũng thương gia đình cụ và giúp đỡ cụ khi ốm đau. Nhưng ai ai cũng lo lắng một điều, lỡ khi hai cụ già yếu nằm xuống thì anh con trai sẽ như thế nào đây. Vì tính anh cũng lúc vui lúc buồn và rất thương mẹ. Có nhiều lần mẹ anh té chảy máu là anh khóc suốt ngày, không ăn gì cả…”
Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm heo hút của đường Trần Hưng Đạo, bà Nguyễn Thị Mỹ thân hình gầy guộc, mái tóc bạc trắng đang cố gắng đút cháo cho đứa con trai tóc cũng ngả màu muối tiêu nhưng tính tình như đứa trẻ.
Thấy người lạ vào nhà, anh Nguyễn Văn Quốc thu mình lại trong một góc nhà sợ hãi. Thấy vậy bà Mỹ vội an ủi vỗ về rồi nói với chúng tôi:
“Thi thoảng hắn lên cơn là như ri đó. Vợ chồng tui cũng khổ với hắn nhiều lắm. Nhưng con mình dứt ruột sinh ra ai mà nỡ bỏ. Thôi thì ông trời thương được ngày nào cho vợ chồng tui khỏe mạnh nuôi hắn. Chứ như chừ thì hắn biết trông mong vô chi nữa…” nói rồi bà rơm rớm nước mắt.
Bà Mỹ cũng kể, những lúc khỏe mạnh, tỉnh táo, anh Quốc vẫn thường ra phụ ông Đường gánh nước. Nhưng vì lúc tỉnh lúc mê nên có khi đang gánh nước cho người ta anh Quốc vứt đôi thùng rồi chạy đi đâu mất.
Khách hàng thấy lâu không mang nước đến thì chạy tới nói với ông bà, thế là ông lại cặm cụi đi tìm. Có những lúc gánh nước cho người ta mà anh Quốc không nhớ phải lấy tiền, khách hàng lại mang đến tận nhà cho bà.
Đấy là những lúc tỉnh, chứ những khi lên cơn đau thì anh Quốc nằm trong nhà mà khóc. Khóc thôi chứ không quậy phá gì. Nhìn đứa con trai duy nhất không ra hồn người như thế ông bà cũng đau lòng lắm, nhưng số trời đã vậy bà cũng chẳng biết làm sao.
Theo những người dân trong vùng, điều giúp gia đình ông có thu nhập ổn định là nhờ cách làm ăn thật thà. Khi khách hàng cần nước thì dù mệt nhọc đến đâu hay trời mưa như trút ông vẫn quẩy đôi thùng nước đi.
Hơn 50 năm gánh nước thuê, ông chỉ lấy nước ở giếng cổ Ba Lễ để đi bán chứ tuyệt đối không lấy nước máy gánh đi như cách một số người vẫn làm. "Gia đình tui mấy chục năm nay sống nhờ giếng Ba Lễ ni đó. Nước giếng cổ luôn trong vắt, ngon như nước mưa nên ai ở phố cổ cũng ưa dùng.
Hằng ngày mọi người bận làm việc thì thuê vợ chồng tui gánh nước tới. Tiền công được tính theo đoạn đường xa, hoặc gần nhưng một đôi nước ni đi xa lắm cũng chỉ được chừng 15 ngàn thôi chú. Nhưng tui gắn bó với nghề ni lâu quá rồi, giờ không làm nữa thì tiếc lắm, nhớ lắm.
Mà cũng chính nhờ còn gánh được nước mà tui còn khỏe như ri chú à! Bỏ gánh chắc tui cũng đau luôn đó chú!", ông kể và cười hiền lành. Sợ chồng sức yếu, đi làm sớm dễ bị trúng gió, vợ ông khuyên ông nên nghỉ nghề, nhưng ông nhất quyết còn sức khỏe ngày nào sẽ tiếp tục đi gánh nước mang bán ngày ấy.
Ông bảo: "Cả đời tui đã gánh nước thuê, nhưng tui luôn tự hào vì cho dù đến bây giờ sức khỏe không còn như trước nhưng vẫn tự kiếm được đồng tiền từ sức lao động của mình để giúp vợ và nuôi con. Đó cũng là điều an ủi cho tui đó chú!".
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Minh An cho biết: “Gia đình cụ Đường thuộc diện cận nghèo. Đặc biệt mấy năm trở đây, cụ bà thường xuyên đau ốm nên không thể tiếp tục gánh nước như trước, giờ cụ Đường trở thành lao động chính trong nhà.
Cụ Đường bây giờ được coi như là biểu tượng ở Hội An và là người gắn bó lâu nhất với nghề gánh nước thuê. Thi thoảng có khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh cụ gánh nước và cho tiền nhưng chủ yếu thu nhập của cụ bây giờ vẫn từ nghề gánh nước thuê vậy thôi!", ông Hội nói.
Trên khuôn mặt hằn in những vết tích khắc khổ của thời gian đó luôn nở 1 nụ cười. Nụ cười của sự vất vả nhưng vẫn ánh lên niềm hạnh phúc, tự hào với những gì mà ông đã làm được.
Nắng đã lên, nhưng đôi chân ông vẫn đều đặn rảo bước trên những con đường phố hội. Nếu ai đó đi ngang qua, gặp ông lão gánh nước tảo tần này, chắc sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi đôi quang gánh kĩu kịt trên vai một người đàn ông phố Hội, là một nét duyên thầm của phố như bao nét thương khác mà nếu khong lắng lòng lại rất khó có thể nhận ra.
Và tôi chắc chắn, ngày mai, ngày kia và cả những ngày sau đó nữa, nếu không còn được thấy ông lão với cái tên Nguyễn Đường, cùng đôi thùng nước đi từ căn nhà nhỏ rêu phong trong hẻm số 47/22, Đường Trần Hưng Đạo, TP Hội An thì sẽ có nhiều lắm những sự tiếc nuối không gọi thành tên...
- Gia Ly