Mỹ suýt gặp thảm họa bom nguyên tử |
Tài liệu mật lần đầu tiên được công bố bởi tờ The Guardian của Anh cho biết một trong số hai quả bom nguyên tử rơi xuống phía Bắc Carolina năm 1961 đã bắt đầu tiến trình kích nổ nhưng chỉ một khoảnh khắc cuối cùng do mạch điện áp không hoạt động đã ngăn chặn được một thảm họa.
Thể thao&Văn hóa dẫn nguồn BBC cho biết, chính phủ Mỹ từng xác nhận những sai sót của phi công lái chiếc B-52 lúc đó đang có nhiệm vụ bay qua không phận phía Bắc Carolina đã khiến hai quả bom nguyên tử rơi xuống mặt đất nhưng chưa bao giờ khẳng định một trong số hai quả bom đã được lắp kíp nổ hoàn chỉnh.
Đó là vào thời điểm ngày 23/5/1961, chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 gặp phải sự cố trên không phận bang Carolina buộc tổ bay phải thả hai quả bom hydro số hiệu 39 xuống khu vực Goldsboro. Không rõ là sự cố hay vô tình mà một trong số hai quả bom nguyên tử lại là quả bom với kíp nổ hoàn chỉnh.
"Quả bom sau đó được quân đội Mỹ thu giữ thành công cho thấy một trong số hai quả bom đã kích hoạt chế độ kẻ thù và đang trong quá trình kích nổ. Tuy nhiên mạch điện áp gặp sự cố đã khiến quả bom may mắn không phát nổ trên bầu trời bang Carolina", nhà báo Eric Schlosser tiết lộ. Quả bom mà máy bay B-52 mang theo năm đó được đánh giá mạnh hơn gấp 260 lần so với hai quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Vụ tai nạn xảy ra đúng vào thời điểm mà chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga đang đạt tới mức cao độ. Một năm trước đó cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba suýt chút nữa đã đem tới nước Mỹ mối nguy về một cuộc tấn công hạt nhân.
Tài liệu mật được viết bởi nhà khoa học Mỹ Parker Jones năm 1969, tám năm sau vụ tai nạn ở Carolina. Ông Jones từng là nhà khoa học có trách nhiệm trong việc thiết kế hệ thống khóa an toàn của bom nguyên tử.
"Đó đơn giản chỉ là một giai đoạn kích nổ thất bại nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ to lớn với nước Mỹ", ông Jones cho biết.
Chính phủ Mỹ hiện chưa đưa ra những phản hồi sau khi tài liệu mật này được công bố bởi tờ The Guardian.
Nếu vụ nổ bom nguyên tử nói trên xảy ra, nước Mỹ sẽ biến thành một Hiroshima thứ hai với sức hủy diệt khủng khiếp hơn nhiều lần và lịch sử nhân loại chắc chắn sẽ thay đổi.
Còn nhớ, ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 600 m với đương lượng nổ 13 kiloton (vũ khí nguyên tử sử dụng U-235 bị coi là không có hiệu năng cao, chỉ có 1,38% khối lượng của chúng phân hạch), ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người. Trong số này, có khoảng 2.000 người Mỹ gốc Nhật và từ 800 đến 1.000 người Mỹ khác mang hậu quả của vụ nổ. Họ là những công dân Mỹ đang theo học ở Nhật và không thể rời khỏi Nhật Bản khi chiến tranh nổ ra. Có thể có cả hàng trăm tù binh phe Đồng Minh chết trong lần này. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km vuông. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại.
Sau đó 3 hôm, ngày 9/8/1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.
Có nhiều nguyên nhân khiến con số chính xác người thiệt mạng không thống nhất. Các số liệu khác nhau bởi được thống kê vào các thời điểm khác nhau. Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả của phóng xạ.
Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.