Đời người lắm lúc: Xinh đẹp thông minh, tưởng "phúc" nhưng là "họa", ngốc nghếch tưởng "họa" lại là "phúc"

( PHUNUTODAY ) - Đời người ai cũng muốn thông minh xinh đẹp nhưng đôi khi đó lại chưa hẳn là phúc.

1. Dung mạo xinh đẹp – Tưởng “phúc” nhưng là “hoạ”

Câu chuyện thời Đức Phật tại thế, có một mỹ nữ sắc nước hương trời vô cùng diễm lệ. Từ khi còn nhỏ, nàng đã xinh đẹp như một đoá sen tinh khôi dịu dàng, bởi vậy cha mẹ đặt tên cho nàng là Liên Hoa Sắc.

Lớn hơn một chút, nàng được gả cho một thương nhân giàu có. Người thương nhân hết mực yêu chiều nàng, cuộc sống của đôi vợ chồng son cũng vô cùng hạnh phúc. Đến khi mang thai, Liên Hoa Sắc cùng chồng trở về nhà ngoại để chờ ngày sinh nở.

Khi ấy cha của nàng đã qua đời, còn mẹ nàng vẫn là một phụ nữ trẻ trung xinh đẹp. Và điều đáng buồn là, mẹ của Liên Hoa Sắc cùng với chồng nàng lại lén tư thông với nhau. Giấy không gói được lửa, khi Liên Hoa Sắc biết được sự thật, nàng vô cùng đau khổ đã để lại đứa con gái nhỏ mà dứt áo ra đi.

Cũng bởi vì nhan sắc diễm lệ tuyệt trần, nên Liên Hoa Sắc ở bất cứ nơi đâu, vẻ đẹp của nàng đều khiến người ta phải xiêu lòng. Về sau, nàng lại tái giá với một người thương nhân nọ. Vị thương nhân vô cùng yêu thương nàng, không cần biết đến nguồn gốc, cũng không hỏi quá khứ, ngỡ tưởng rằng hai người có thể chung sống hạnh phúc cả đời.

Mười mấy năm cứ thế trôi qua, một ngày nọ, chồng nàng dẫn từ phương xa về một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, rồi nạp thành tiểu thiếp. Hai người phụ nữ cùng hầu hạ một người đàn ông. Dẫu cám cảnh chung chồng, nhưng cả hai đều có nhiều điểm tương đồng, vừa gặp nhau lần đầu đã cảm thấy thân quen, cùng xưng hô chị chị em em rất là thân thiết.

lien-hoa-675x353

Một ngày kia, khi Liên Hoa Sắc chải đầu cho người tiểu thiếp, phát hiện phía sau đầu của cô gái ấy một vết sẹo rất sâu. Dường như có gì đó nhói lên trong tim, nàng bèn hỏi quê quán và gia cảnh của người tiểu thiếp ấy. Và thật không ngờ, cô gái ấy chính là đứa con mà Liên Hoa Sắc sinh ra năm nào. Hơn mười năm đã trôi qua, vậy mà duyên nghiệp vẫn còn đeo đẳng nàng tới thật hôm nay…

Liên Hoa Sắc như vừa bị sét đánh, nàng chết lặng một hồi lâu vì bàng hoàng và đau xót. Quá khứ và hiện tại giống như lưỡi dao sắc nhọn cứa vào tim nàng đau nhói. Phải làm sao để đối diện với cảnh ngộ bi thảm này? Mười mấy năm trước, mẹ đẻ đã thông gian với chồng nàng, mười mấy năm sau, nàng lại chung chồng với chính con gái ruột của mình. Chung chồng với mẹ, chung chồng với con, cuối cùng là vì đâu?

Về sau, trải qua bao phen mưa gió trắc trở, nàng cũng gặp được Đức Phật. Nàng rón rén đến xem và xin Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai thị. Nàng đau xót quỳ xuống, thỉnh cầu Đức Phật khai thị cho con mối duyên nghiệp dẫn tới cảnh ngộ trái ngang này.

Đức Phật mỉm cười và nhìn nàng bằng ánh mắt từ bi. Rồi Ngài quán chiếu thấy trong một kiếp sống trước đây, Liên Hoa Sắc từng phải sống cảnh đơn côi gối chiếc, một mình vò võ chờ đợi người chồng đi làm ăn xa trở về. Mặc dù cô đơn buồn khổ là thế, nàng trước sau vẫn giữ gìn tiết hạnh, không hề làm những chuyện hồng hoa vượt tường.

Nhưng cũng bởi sống mãi trong cảnh buồng không lạnh lẽo, nàng đã chấp nhận làm công việc bị coi là hạ tiện – nghề mai mối. Nàng dựa vào miệng lưỡi trơn tru của mình, chỉ cần có người chịu bỏ tiền thì cho dù đó là những chuyện loạn luân, nàng cũng đều tác hợp cho đôi bên.

1_19867

Mặc dù là bà mai có tiếng, nhưng nàng lại không thể níu giữ được hạnh phúc cá nhân mình. Bởi vậy, nàng luôn cầu xin Thần Phật ban cho nàng dung mạo như hoa như ngọc, ai thấy cũng yêu, và không bao giờ thiếu vắng tình thương…

Trong dòng sông dài đằng đẵng của sinh mệnh, chỉ một đời làm mai mối ấy mà Liên Hoa Sắc đã tạo thành ác duyên, khiến nàng phải hứng chịu nhiều nghiệp báo trong đời này.

2. Dại khờ ngốc nghếch – Tưởng “hoạ” lại là “phúc”

Sự tích kể rằng, trước đây có một cô gái ngốc nghếch vụng về. Dẫu bị ai mắng mỏ cô cũng nhẫn chịu, dẫu bị ai đánh đập cô cũng cam lòng. Bản thân cô gặp bao nhiêu chuyện thị phi, nhưng trong lòng lại vô tư không oán trách. Thấy cô khờ khạo như vậy, mọi người thường nghĩ: “Sao cô ấy ngốc thế nhỉ, sao không thể thông minh hơn một chút vậy?”

Cái dại khờ của cô gái ấy, kỳ thực, lại bắt nguồn từ một câu chuyện trong tiền kiếp.

Một đời nào đó trong kiếp sống trước đây, cô từng là một tài nữ lừng danh, được Hoàng đế tin dùng, quyền cao chức trọng. Trong kiếp sống ấy, cô văn tài hơn người, giỏi giang xuất chúng, cũng có vài phần nhan sắc, tuy không được liệt vào hàng mỹ nhân, nhưng cũng gọi là có tài hoa, khí chất quả thật làm say đắm lòng người.

Đến một ngày, Hoàng đế giao cho cô nhiệm vụ phải hạ thủ một vị đại tướng quân bất tuân mệnh lệnh. Vị đại tướng quân võ nghệ cao cường, phòng bị nghiêm ngặt, nhưng lại rất mực si tình đối với cô. Vì vậy Hoàng đế muốn lợi dụng điểm này để bày kế mỹ nhân, cuối cùng hạ độc dược vị tướng quân ấy.

Nhưng cho đến khi chết, vị tướng quân vẫn không hay biết rằng ông bị hại trong tay người con gái mà ông hằng yêu thương. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn một lòng tâm niệm muốn được cùng cô chung sống đời đời.

Cũng sau cái chết của vị tướng quân, cô vô cùng ăn năn hối hận. Tuy có được quyền vị cao sang, nhưng cô luôn cảm thấy muộn phiền, cuộc sống đấu đá tranh giành cũng khiến cô cảm thấy mệt mỏi.

03-40-33-29-05-2018-e15

Trong những năm cuối đời, cô luôn tự dằn vặt bản thân mình: Này thì thông minh xuất chúng, này thì địa vị cao sang, này thì tài văn chương khuynh đảo thiên hạ… rốt cuộc để làm gì đây? Mệt mỏi tranh đấu cả một đời, rốt cuộc vì điều gì?

Vì vậy, trước khi nhắm mắt xuôi tay, cô đã phát nguyện rằng: Nếu như có kiếp sau, cô mong bản thân có thể ngốc nghếch một chút, để có thể bình an vui vẻ một chút, không còn vì thông minh mà rước lấy họa sát thân này.

Quả nhiên, đời này cô đã được như mong nguyện. Cô không chỉ ngốc nghếch, mà còn thật sự nên duyên với vị tướng quân từng bị cô hại chết khi xưa. Mối nhân duyên này đều là do ước nguyện của hai người dẫn dắt: Vị tướng quân vì muốn được chung sống với cô cả đời, còn cô thì vì cảm thấy có lỗi với tướng quân nên cần phải kết duyên để bù đắp. Bởi vậy trong đời này, hai người đã nên vợ nên chồng đúng như nguyện ước.

Việc ai đó muốn làm người tốt hay kẻ xấu đều là do suy nghĩ và hành động của cá nhân đó quyết định. Nếu không muốn, hoặc vì một số lý do nào đó mà không thể trở thành người tốt, người ta hoàn toàn có thể biến thành một kẻ xấu. Thế nhưng, trước khi chuẩn bị biến chất, xin đừng quên trên đời này còn có “luật nhân quả” – “Thiện ác hữu báo”.

Đừng nghĩ lương thiện có nghĩa là yếu mềm, nhu nhược hay khờ khạo, bởi vì nó chỉ là bản tính nguyên sơ của mỗi con người. Vậy tại sao ta lại không lựa chọn làm một người lương thiện, để được sống đúng với bản tính sẵn có của mình?

Đừng nghĩ khờ khạo có nghĩa là ngốc nghếch, bởi có đôi khi, thông minh khôn lỏi quá cũng là một cái tội. Nếu suốt ngày cứ đi so đo, tính toán từng li từng tí một? Có thể vô tình chúng ta sẽ làm tổn thương ai đó về cả vật chất lẫn tinh thần. Có những lúc, cứ lặng lẽ mỉm cười cho qua, thì có thể cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Kỳ thực, mọi sự trong đời mỗi người đều được Thần Phật an bài cẩn mật và chi tiết, để hóa giải duyên nợ trùng trùng bao kiếp bao đời. Bởi vậy, chỉ khi sống chân thật, thiện lương và thành kính, trân trọng mỗi từng phút giây hiện tại, trân quý những gì đang có, chúng ta mới không để lại nỗi nuối tiếc sau này…

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn