Nàng tiến sĩ da trắng độc nhất trong thế giới Geisha

06:21, Thứ bảy 21/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Có bằng tiến sĩ của trường Đại học Oxford danh tiếng nhưng Fiona Graham, đến từ Australia lại quyết định gắn bó với văn hóa Nhật Bản và cô đã trở thành Geisha phương Tây đầu tiên ở đất nước Mặt trời mọc này.

Có bằng tiến sĩ của trường Đại học Oxford danh tiếng nhưng Fiona Graham, đến từ Australia, đã dành ra hẳn một năm trời chỉ để học rót trà theo kiểu Nhật Bản sao cho đúng cách. Nếu bạn thắc mắc lý do tại sao thì xin thưa ngay rằng Fiona Graham là một người vô cùng gắn bó với văn hóa Nhật Bản và không ai khác, chính cô là Geisha phương Tây đầu tiên xuất hiện trên đất nước Mặt trời mọc này.
[links()]
Geisha - một hình thức mãi nghệ cao cấp

Nói tới Geisha, có thể tạm hiểu đây là một hình thức ả đào cấp cao, nghĩa là các phụ nữ làm nghề giúp vui cho các buổi vui chơi của nam giới bằng hình thức biểu diễn tài nghệ văn hóa chứ không phải là công việc mại dâm như nhiều người vẫn hiểu nhầm.

Chính vì thế từ Geisha trong tiếng Hán - Nhật được viết là “nghệ giả”, tức là “người làm nghệ thuật”. Quả thật, Geisha là một nghề rất độc đáo. Các cô gái làm nghề này luôn làm vui lòng khách nam giới bằng các hình thức biểu diễn nghệ thuật lành mạnh, cao cấp, đầy tính nhân văn và hoàn toàn không dung tục, rẻ tiền.

Các hình thức nghệ thuật của Geisha theo năm tháng trở nên phong phú dần, không chỉ có ca múa mà còn có nhiều hình thức khác như trà đạo, ngâm thơ, kể chuyện, cách đi đứng duyên dáng, cách trò chuyện và tiếp khách lịch sự, khéo léo,...

Fiona Graham với tên gọi của một Geisha là Sayuki trên một toa tàu điện ngầm ở Nhật.
Fiona Graham với tên gọi của một Geisha là Sayuki trên một toa tàu điện ngầm ở Nhật.

Ấn tượng về Geisha trong mắt mọi người thường là những cô gái tóc búi cao, trang điểm vô cùng cầu kỳ với khuôn mặt thoa phấn trắng và đôi môi tô son đỏ thẫm, mặc bộ kimono kiểu cách và đi đứng duyên dáng, yểu điệu.

Muốn trở thành một Geisha, các cô gái không nhất thiết phải cực kỳ xinh đẹp, nhưng bù lại họ phải có tài và có ý chí bởi để đạt tiêu chuẩn của một Geisha, họ phải mất rất nhiều công sức học tập và rèn luyện.

Thông thường, các cô gái muốn theo nghề này được gia đình gửi vào các quán Geisha ngay từ tuổi lên 10 để được đào tạo một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của các “mẹ”.

Họ phải học rất nhiều thứ từ ngâm thơ, kể chuyện, múa cổ điển, hát các bài ca truyền thống, chơi đàn shamisen, thổi sáo shakuhachi, trà đạo, thư pháp, cắm hoa, trò chuyện, trang điểm,... cho tới cách đóng mở cửa sao cho duyên dáng, cách đi đứng yểu điệu, cúi người khi chào, tiếp rượu,...

Chương trình đào tạo ấy sử dụng các kiến thức tâm lý, xã hội nhân văn rất phong phú.

Qua quá trình đào tạo gian khổ, cuối cùng họ trở thành những người có văn hoá ứng xử cực kỳ lịch sự, duyên dáng với khả năng giao tiếp vô cùng tự nhiên và có sức hấp dẫn nam giới.

Sau ít nhất 5 năm, các cô gái mới được ra tập sự phục vụ khách trong một thời gian và sau đó trở thành Geisha chuyên nghiệp, dùng tài nghệ của mình góp vui cho các buổi giải trí của giới mày râu giàu có trong xã hội và qua đó được trả thù lao rất hậu.

Geisha phương Tây kì lạ thu hút mọi ánh nhìn

Vậy làm cách nào mà một người nước ngoài da trắng, tóc nâu có thể tiếp cận được với nghề nghiệp được xem là bí ẩn nhất thế giới này, bởi ngay cả đến phụ nữ Nhật Bản cũng đã ví rằng họ như đang “bước vào một hành tinh khác” khi bắt đầu hành trình đào tạo để trở thành Geisha?

Fiona Graham đã từng ở Nhật Bản trong gần 10 năm, kể từ năm 15 tuổi. Cô nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Nhật Bản, đồng thời hoàn thành học vị tiến sĩ nhân chủng học tại Đại học Oxford. Nếu không có nền tảng về văn hóa Nhật Bản thì trở thành Geisha là một điều không thể.

“Tôi nhận được e-mail từ nhiều phụ nữ người Mỹ muốn được làm Geisha. Tôi giải thích với họ rằng điều đó giống như cố gắng để trở thành một chính trị gia Nhật Bản vậy. Thực tế là không ai có thể đến nước Nhật và trở thành chính trị gia chỉ sau một đêm. Bạn cần phải có trình độ ngôn ngữ nâng cao và các kỹ năng xã hội”.

Người phụ nữ duyên dáng trong bộ kimono lụa màu hồng thu hút ánh mắt ngưỡng mộ từ các đấng mày râu và cả những người phụ nữ Nhật Bản mỗi khi cô đi ngang qua những đường phố nhỏ hẹp đông nghịt khách du lịch dẫn tới ngôi đền Sensoji của Tokyo.

Fiona Graham với phong cách trang điểm của một Geisha Nhật thế kỷ 17.
Fiona Graham với phong cách trang điểm của một Geisha Nhật thế kỷ 17.

Người dân ở Asakusa - khu phố Geisha cổ xưa nhất ở Tokyo - đều nhận ra ngay một Geisha thực sự mặc dù hơi lạ lẫm bởi Geisha đó là một người phụ nữ phương Tây cao lớn với đôi mắt màu xanh ô liu.

Từ kiểu tóc búi tròn, khuôn mặt trang điểm cầu kỳ tới đôi tất xỏ ngón đang mang, ở Sayuki - tên gọi Nhật Bản mang ý nghĩa “hạnh phúc trong sáng” của Fiona Graham - toát ra phong cách đặc trưng của một Geisha chuyên nghiệp và thường nhận được không ít lời khen ngợi từ nhiều người: “Kirei desu ne!” - “Cô ấy thật đẹp!”.

“Tôi muốn trở thành một Geisha để cuộc đời được hoàn hảo hơn”, đó là câu trả lời của Fiona Graham cho câu hỏi vì sao cô lại lựa chọn con đường trở thành một kỹ nữ truyền thống Nhật Bản thay vì theo đuổi ngành nhân chủng học mà cô vốn đã dành một thời gian dài để nghiên cứu trước đó.

Fiona bước chân vào công việc này sau khi khám phá ra thế giới tuyệt đẹp của nghệ thuật tiếp trà và đã chính thức ra mắt với tư cách một Geisha vào cuối năm 2007, trở thành người phụ nữ nước ngoài đầu tiên làm nghề này trong lịch sử 400 năm nền văn hóa Geisha tồn tại ở Nhật Bản.

Cô luôn ý thức rằng là một người da trắng, cô phải cố gắng rèn luyện chăm chỉ hơn để có thể được chấp nhận trong thế giới Geisha vốn nổi tiếng bởi sự nghiêm ngặt. “Là người da trắng hoàn toàn bất lợi trong cộng đồng Geisha.

Khách hàng tìm kiếm Geisha không chọn Geisha da trắng, vì thế tôi gặp khó khăn hơn nhiều so với các Geisha khác”, Fiona tâm sự trên BBC. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo với những bài học về cách rót trà, mặc kimono, thổi sáo hay ngồi quỳ trong nhiều giờ với những khay đồ ăn nặng trên tay,... Fiona đã trở thành một Geisha.

“Geisha là một nghệ sĩ thực sự chứ không phải là đối tượng hành nghề mại dâm như nhiều người vẫn hiểu nhầm. Một Geisha kinh nghiệm có thể trò chuyện về bất kỳ chủ đề nào mà khách hàng của mình quan tâm:

Từ lĩnh vực kinh doanh, thương mại quốc tế cho tới các sự kiện mang tính chính trị, và một điều bắt buộc là cô ấy không bao giờ tiết lộ nội dung câu chuyện giữa hai bên”, Fiona nói về công việc của một Geisha như muốn xua tan những định kiến, hiểu lầm của nhiều người về một nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có ở Nhật Bản.

Nếu như khách hàng của Geisha trước kia chủ yếu là tầng lớp võ sĩ của giai cấp thống trị thì ngày nay, đối tượng khách hàng bao gồm cả các chính trị gia, doanh nhân và những người nổi tiếng, mỗi người phải trả trung bình 400 đô-la cho một giờ tham dự vào bữa tiệc riêng tư và thư giãn trong một bầu không khí của vẻ đẹp hoài cổ với các nàng Geisha.

Cuộc sống của một Geisha

Nếu trở thành một Geisha đối với phụ nữ Nhật đã là một điều khó thì đối với một người phương Tây, việc đó lại càng khó khăn hơn bởi họ phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc khắt khe trong nghề.

“Trong khi làm việc, tôi phải hoàn toàn rũ bỏ tính cách phương Tây trong mình và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc giống như các Geisha Nhật Bản khác.

Ví dụ như, là Geisha thuộc thế hệ đàn em (điều này dựa trên thời điểm bắt đầu hành nghề chứ không phụ thuộc vào tuổi tác), Fiona buộc phải chào hỏi 44 Geisha đàn chị theo đúng thứ tự thâm niên vào mỗi lần cộng đồng Geisha ở đây tổ chức họp mặt.

Và với mỗi người như vậy, cô đều phải chào theo kiểu ngồi quỳ. “Nếu tôi chào sai thứ tự, tôi sẽ bị khiển trách nghiêm khắc” - Fiona cho biết.

Mỗi buổi chiều trước khi diễn ra bữa tiệc tối với khách, Fiona luôn có mặt sẵn sàng tại trụ sở của Hiệp hội Geisha địa phương - một tòa nhà hiện đại nằm phía sau đền Sensoji.

Cô bắt đầu trang điểm theo phong cách Geisha thế kỷ 17 với một lớp bột gạo trắng dày trên mặt và cổ, dùng bút kẻ mắt màu đen, son môi màu đỏ ruby, một bộ tóc giả màu đen và cuối cùng là kính áp tròng màu đen để phù hợp với bộ tóc giả.

Tiếp theo, cô mặc một bộ kimono màu xanh lá mạ và một dải thắt lưng màu kem. Trên đường tới bữa tiệc, xe kéo chở Fiona đi ngang qua một quán bar nơi xuất hiện một số doanh nhân đang đứng trước cửa.

Nhìn thấy cô Geisha nước ngoài xinh đẹp, họ có ý muốn mời cô dừng chân và chuyện trò. Nhưng vì đang vội nên Fiona chỉ có thể cúi chào và đưa họ danh thiếp của cô, trên đó có ghi địa chỉ trang web riêng. Ngày nay, rất nhiều Geisha đã xây dựng những trang web cá nhân, xem như một cách để thu hút khách hàng.

Phòng trà Ichimatsu - địa điểm diễn ra bữa tiệc - là một tòa nhà cổ tuyệt đẹp. 17 vị khách tối nay của Sayuki là một nhóm các doanh nhân và học giả. Bầu không khí lễ hội diễn ra khi tất cả mọi người ngồi quanh những chiếc bàn thấp và bắt đầu rót rượu sake.

Không ngạc nhiên gì khi các vị khách đều đổ dồn sự quan tâm về phía nàng Geisha phương Tây duy nhất ở đất nước này. “Tôi rất hồi hộp và mong muốn được gặp Geisha nước ngoài này. Cô ấy thật dễ thương. Cô ấy có đôi mắt to và mặc kimono rất đẹp”, một vị khách cho biết.

Trong khi các vị khách thưởng thức những món ăn đặc sắc, Fiona thổi sáo trúc phục vụ họ, cùng với đó là các điệu múa truyền thống qua sự trình diễn của hai Geisha khác. Công việc của Geisha mang tính độc lập, tự do và có thể kiếm được tới 20.000 đô la/tháng, gấp 8 lần thu nhập trung bình của một nữ nhân viên văn phòng.

Fiona không tiết lộ số tiền cô kiếm được là bao nhiêu nhưng cứ nhẩm tính riêng chi phí dành cho 20 bộ kimono của cô là khoảng 5.000 đô la mỗi bộ cũng đủ thấy mức độ thu hút khách của Geisha này cao như thế nào.

Nói về cộng đồng Geisha ở Tokyo, Fiona nhận thấy cô không gặp phải bất cứ sự bì tị nào ở đây. Các Geisha làm việc một cách nghiêm túc và thường chân thành góp ý với Fiona mỗi lần cô mắc phải sai sót. Điều đó góp phần giúp cô hoàn thiện thêm chuyên môn của mình trong nghề.

Về cuộc sống cá nhân, Fiona tiết lộ sở thích của cô là đi bộ và ăn socola. Cô hiện vẫn sống độc thân. Thỉnh thoảng, ngoài khoảng thời gian bận rộn của một Geisha, cô vẫn muốn trở lại với những trang phục kiểu tây của mình.

Mỗi khi đi ngang qua quận cổ Asakusa, nhiều người vẫn dừng lại và chỉ tay về phía Fiona với ánh mắt tò mò dành cho một Geisha kì lạ. “Những khi đó, tôi chỉ mỉm cười và muốn được giữ cuộc sống của một Geisha mang tên Sayuki cho riêng mình”, nàng Geisha phương Tây duy nhất ở đất nước Mặt trời mọc tâm sự.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất thì vì một số lý do, Fiona Graham đã rút khỏi Hiệp hội Geisha nhưng vẫn tiếp tục hoạt động như một Geisha chuyên nghiệp.

 

  • Mai Châu
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc