PV: - Mới đây, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã cho biết sẽ tiến hành sưu tầm tư liệu bổ sung nghiên cứu và biên soạn lịch sử huyện đảo Trường Sa. Ông đánh giá như thế nào về việc biên soạn lịch sử này trong giai đoạn tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang căng thẳng hiện nay?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: -Tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ còn căng thẳng, phức tạp và lâu dài do khu vực này chứa đựng nhiều lợi ích đan xen, không chỉ đối với 5 quốc gia và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) quanh Biển Đông, mà còn đối với cả các nước ngoài khu vực.
Mỹ và đồng minh đã nhiều lần tuyên bố khẳng định có lợi ích và các quyền tự do trong khu vực Biển Đông, trong đó có quyền tự do hàng hải. Yêu sách phi lý về “Đường lưỡi bò chín đoạn đứt khúc” của Trung Quốc công bố quốc tế vào tháng 5/2009 chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, ôm trọn và trùng lập hoàn toàn với hình thái của “Cấu trúc nước sâu kiểu đại dương trong Biển Đông” - nơi được xem là “Kho báu của Biển Đông”.
Các tham vọng chủ quyền như vậy đã đẩy các nước trong khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang không công bố, hòa bình và ổn định trên biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước bối cảnh như vậy, muốn hay không muốn Việt Nam cũng phải tuyên bố và khẳng định quan điểm chủ quyền bất khả xâm phạm, trước sau như một của mình đối với các vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý và khoa học để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hoà bình và phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế.
Việc Tỉnh ủy Khánh Hòa sẽ tiến hành bổ sung tư liệu và biên soạn “Lịch sử huyện đảo Trường Sa” – một huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, là một hoạt động bình thường trong quản lý hành chính nhà nước của tỉnh. Tài liệu này sẽ góp phần củng cố tư liệu và cụ thể hóa việc thực hiện các quan điểm về chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa của nước ta.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, UV Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam. |
PV: - Theo ông, trong nội dung lịch sử Trường Sa có nên đưa những vấn đề như trận chiến Gạc Ma năm 1988, một số bãi cạn ở Quần đảo Trường Sa,... mà từ trước đến nay sách lịch sử vẫn thường tránh đề cập hay chỉ nói qua?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: - Như nói trên, chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thể hiện nhiều lần trong các tuyên bố pháp lý của các triều đại Nhà nước Việt Nam từ xa xưa, và gần đây là các tuyên bố về các vùng biển của Việt Nam (1977) về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải (1982), trong Luật Biên giới Quốc gia (2003) với tư cách là 2 trong 12 huyện đảo của Việt Nam. Đặc biệt chủ quyền biển, đảo của nước ta đã được tái khẳng định một cách đầy đủ và hệ thống trong Luật Biển Việt Nam (2012).
Tôi muốn các tỉnh có huyện đảo ở nước ta biên soạn và công bố các cuốn “Địa chí” hơn là biên soạn chỉ riêng về “Lịch sử huyện đảo”. Khi biên soạn Địa chí huyện đảo chúng ta có cơ hội đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể hơn (bao gồm khía cạnh lịch sử) và ít nhậy cảm hơn.
Nhưng dù viết thể loại nào về huyện đảo Trường Sa chúng ta đều phải đưa tất cả sự kiện, minh chứng lịch sử vào, trong đó có sự kiện bãi cạn Gạc Ma (1988). Bỏ sót sự kiện và minh chứng lịch sử nào ở Trường Sa đều là có lỗi với tổ tiên, với cha anh, với đồng bào và Tổ quốc ta.
Thiết nghĩ, để xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị và dài lâu với Trung Quốc chúng ta lại càng phải tôn trọng và không nên né tránh những sự thật lịch sử, dù điều đó rất đau lòng. Ta có cố né tránh thì lịch sử vẫn không bao giờ quên và đó phải là bài học cho những ai ra quyết định để “huynh đệ tương tàn”.
PV: - Theo ông, bên cạnh việc viết về lịch sử Trường Sa, chúng ta có nên có những cuốn sách viết về lịch sử Hoàng Sa hay cập nhật thông tin về các đảo có tranh chấp trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam để cung cấp thông tin cho người dân, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: - Tôi đã nói trên, rất nên và tốt nhất là viết những cuốn Địa chí huyện đảo của Việt Nam. Loại sách này chứa đựng thông tin rất gần với mọi tầng lớp nhân dân, dùng tham khảo cho các nhà lãnh đạo cũng rất tốt. Câu chuyện tranh chấp trên Biển Đông cả thế giới biết, thông tin cập nhật hàng ngày trong thời đại “một thế giới phẳng”, nên giấu cũng không được.
Cung cấp thông tin chính thống cho người dân để nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ chính trị của các tổ chức Đảng và Nhà nước ta. Thiếu thông tin, người dân sẽ hiểu theo cách riêng của mình, dễ tạo kẽ hở cho các thế lực xấu lợi dụng, dẫn đến mỗi người hiểu một cách, cái đúng không được lưu truyền mà cái xấu do hiểu sai có khi lại bị đồn thổi.
Thế nên, càng kịp thời, càng minh bạch thông tin thì càng củng cố được niềm tin cho người dân và sẽ tạo được khối đại đoàn kết dân tộc – yếu tố quyết định thắng lợi của các cuộc cách mạng. Bác Hồ đã từng nói: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm.
PV: -Xin cảm ơn ông!