Trầu bà là loại cây trồng được nhiều người yêu thích do khả năng phát triển tốt, không yêu cầu cao về vấn đề chăm sóc. Cây trầu bà xanh tốt quanh năm, khả năng lọc không khí rất tốt. Loại cây này giúp lọc các chất có hại và bụi trong không khí. Ngoài ra, nó còn có khả năng hấp thụ bức xạ điện từ. Cây có thể trồng trong đất và trồng thủy sinh đều được. Vậy nên chọn trồng cây trầu bà trong đất hay trồng thủy sinh?
Một số đặc điểm của cây trầu bà
Cây trầu bà là cây thân leo, lá xanh mướt hình trái tim. Lá có thể phát triển đến kích thước bằng bàn tay hoặc hơn, tùy theo giống cây và điều kiện chăm sóc.
Cây này ít khi ra hoa nhưng là loại cây rất dễ trồng. Phần thân có thể bén rễ khi cắm và đất hoặc vào nước.
Cây trầu bà ưa râm mát, không chịu được ánh nắng trực tiếp. Tuy nhiên, cây cũng cần phơi nắng nhẹ khoảng 1 tiếng/tuần để cây sinh trưởng tốt, lá xanh mướt, bóng đẹp.
Nhiệt độ thích hợp nhất để cây phát triển là từ 15-30 độ C.
Nên chọn trồng trầu bà trong đất hay trồng thủy sinh?
Mỗi cách trồng cây trầu bà sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Bạn có thể cân nhắc từng chi tiết để lửa chọn cách trồng phù hợp.

Trồng cây trầu bà thủy sinh
- Ưu điểm
Ưu điểm lớn nhất của việc trồng cây trầu bà thủy sinh là sạch sẽ và gọn gàng. Bạn chỉ cần cắt một cành trầu bà nhỏ rồi cắm vào bình nước sạch. Chỉ sau một thời gian, rễ mới sẽ đâm ra và cây ngày càng phát triển hơn. Trồng cây trong các bình trong suốt sẽ giúp bạn dễ dàng quan sát phần rễ trắng muốt ở bên trong, tạo nên sự sống động, đẹp mắt.
Trồng cây trong nước cũng giúp hạn chế vấn đề mùi hôi của đất và các loại côn trùng. Cách này thích hợp với việc để trang trí trong nhà.
Cách chăm sóc cây trầu bà thủy sinh cũng đơn giản. Bạn chỉ cần thay nước định kỳ để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, bổ sung một số dinh dưỡng để cây có thể phát triển tốt.
- Nhược điểm
Do trồng trong nước, lượng dinh dưỡng vốn rất ít. Nếu không bổ sung thêm dưỡng chất từ bên ngoài, cây sẽ phát triển rất chậm, lá không thể xanh mướt.
Ngoài ra, nếu không thay nước thường xuyên, rễ cây sẽ nhanh bị thối.
Trồng cây trầu bà trong đất
- Ưu điểm
Việc trồng cây trầu bà trong đất cũng rất đơn giản. Đất vốn chứa một số chất dinh dưỡng cơ bản nên cây có thể phát triển trong một thời gian nhất định mà không cần bón phân.
Rễ của cây trầu bà cũng bám chắc vào đất, giúp cây phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, trồng trầu bà trong đất sẽ giúp cây thích nghi tốt hơn với nhiệt độ so với cách trồng thủy canh.
- Nhược điểm
Trồng cây trầu bà trong đất thì cần quan tâm đến độ tơi xốp, khả năng thoát nước của đất. Cây cần được tưới nước thường xuyên nhưng không được tưới quá nhiều khiến rễ bị úng và thối.
Trong quá trình trồng, bạn cũng cần bón phân định kỳ để bổ sung dinh dưỡng vào đất, giúp cây phát triển.
Trồng cây trong đất cũng dễ phát sinh sâu bệnh nên phải kiểm tra thường xuyên.
Mỗi cách trồng cây trầu bà đều có nhược điểm và ưu điểm riêng. Vì vậy, câu trả lời cho vấn đề "Nên chọn trồng trầu bà trong đất hay trồng thủy sinh?" sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng người. Bạn thể cân nhắc lựa chọn cách phù hợp với mình. Nhìn chung, cây trầu bà rất dễ trồng và không cần phải chăm sóc nhiều nên bạn có thể yên tâm rằng dù chọn cách nào, cây cũng có khả năng phát triển tốt.