Bàn thờ gia tiên là nơi linh thiêng nhất trong mỗi gia đình người Việt. Vì thế, việc lau dọn bàn thờ ngày cuối năm là vô cùng quan trọng. Trước là để làm sạch, dọn vệ sinh cho bàn thờ gia tiên thêm khang trang, sau là bày tỏ lòng thành kính. Đây là một trong những việc mà gia chủ bắt buộc cần làm, không thể chậm trễ.
Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau cúng ông Công ông Táo?
Theo quan niệm dân gian, ông Công, ông Táo là những người trông coi bếp núc, đất đai của gia đình. Hàng năm, cứ vào ngày 23/12 (âm lịch) là ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời, bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình suốt cả năm vừa qua. Dân gian cho rằng, các vị thần linh đi vắng nên đây là thời điểm thích hợp để gia chủ tiến hành lau dọn bàn thờ mà không ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
Theo đó, nếu buổi sáng hoàn thành nghi lễ cúng ngày 23 tháng Chạp để tiễn các ông Công, ông Táo lên chầu trời thì có thể tiến hành bao sái bàn thờ ngay trong buổi sáng hoặc buổi chiều. Thời gian thực hiện tốt nhất là từ 8h đến 11h55 hoặc 13h đến 17h55, tránh khoảng thời gian 12-13 giờ. Còn nếu gia chủ cúng ông Công, ông Táo vào chiều 23 tháng Chạp thì nên bao sái, dọn dẹp bàn thờ vào hôm sau hoặc một ngày lành khác, bởi công việc này phải làm vào ban ngày, không nên làm vào buổi tối. Việc lau dọn bàn thờ nên được thực hiện xong xuôi trước ngày 30 tháng Chạp, bởi ngày đó, ông Công, ông Táo sẽ quay trở lại trần gian.
Cách lau dọn bàn thờ ngày Tết
Tắm rửa sạch sẽ
Trước khi lau dọn bàn thờ, gia chủ cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu, tránh để người dơ bẩn, luộm thuộm như vậy là không tỏ rõ thành ý.
Ngoài ra, trước khi bao sái, cần lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mở rộng các cửa trong nhà.
Chuẩn bị vật dụng
Gia chủ cần chuẩn bị khăn sạch, vật dụng lau dọn sạch dùng riêng cho bàn thờ. Chuẩn bị rượu trắng pha loãng với nước và gừng để lau dọn bàn thờ. Nếu nhà nào có tượng phật, ảnh phật thì không nên dùng rượu lau dọn mà chỉ nên dùng nước ấm để làm sạch.
Cần chuẩn bị thêm một chiếc bàn bên trên có phủ vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị. Nếu gia đình có cả bài bị thần linh và bài vị gia tiên thì phải đặt riêng, không được đặt cùng nhau. Khi hương cháy hết, mới bắt đầu tiền hành dọn dẹp.
Thắp hương thông báo gia tiên
Trước khi dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên và thắp nén hương thông báo, xin phép tổ tiên cho phép bao sái.
Đồng thời gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương, đèn, nến và đồ trang trí trên bàn thờ. Đợi sau khi hương cháy hết mới bắt đầu công việc.
Trình tự lau dọn bàn thờ
Các nhà tâm linh học khuyên rằng chúng ta nên lau bàn thờ theo thứ tự từ trên cao xuống thấp. Khi lau thì dùng khăn mềm để lau tượng tránh bị tróc sơn hoặc bị xước. Đối với tượng làm bằng đồng thì không nên dùng rượu hoặc cồn để lau vì nó sẽ bị oxy hóa tượng và xỉn màu nhanh chóng.
Khi lau dọn hạn chế tối đa việc xê dịch bài vị hay bát hương vì sẽ làm đứt sợi dây liên kết, lòng thành không được chứng giám, mang lại xui xẻo cho gia chủ.
Lúc lau dọn nên dọn cả chân hương vì chân hương chỉ làm cho bàn thờ không gọn gàng. Sau khi đã lau dọn sạch sẽ thì tiến thành thay nước bình hoa và nước cúng. Nếu hoa đã héo thì cần thay luôn hoa mới và đặt tượng về vị trí ban đầu.
Sau khi hoàn tất tiến hành thắp 3 nén hương và mời thần linh quy tụ về.
Những lưu ý khi lau dọn bàn thờ
Khi lau dọn không làm xê dịch bài vị, bát hương. Nếu lỡ tay hoặc tình huống bất khả kháng thì sau đó phải sám hối và hoàn đúng vị trí ban đầu.
Chổi và khăn nên dùng riêng biệt với chổi và khăn dùng trong nhà, hoặc có thể chuẩn bị luôn cái mới là tốt nhất.