Nếu đọc báo, ĐBQH chắc không còn nước mắt để khóc

15:14, Thứ năm 23/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Nghe báo cáo của Chính phủ thấy kinh tế vẫn khó khăn chồng chất mà tiền chi ra vẫn nhiều, chi lãng phí không hề giảm, đại biểu đã bật khóc. Nhưng nếu bà đọc báo hằng ngày, có lẽ bà cũng không còn nước mắt để mà khóc.

Nghe báo cáo của Chính phủ thấy kinh tế vẫn khó khăn chồng chất mà tiền chi ra vẫn nhiều, chi lãng phí không hề giảm, đại biểu Võ Thị Dung đã bật khóc. Nhưng nếu bà đọc báo hằng ngày, có lẽ nước mắt cũng không còn để mà khóc.
[links()]
Thảo luận tại tổ các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 22/5, trước tình trạng trì trệ trầm trọng của nền kinh tế, nợ xấu nhiều, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) đã rưng rưng nước mắt.

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời đại biểu Dung nói: “Trước kỳ họp, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì nghe người dân rất xôn xao trước tình hình của đất nước. Nhưng khi nghe báo cáo đánh giá của Chính phủ thì mình lại thấy tình hình bình yên quá. Trong báo cáo, các khuyết điểm nói nghe rất đơn giản, nhẹ nhàng. Qua hành xử của một số bộ ngành không nghĩ đến trách nhiệm đã làm dân tình hoang mang.

Đại biểu Võ Thị Dung: 'Nghe báo cáo thì thấy tình hình bình yên quá'.
Đại biểu Võ Thị Dung: 'Nghe báo cáo thì thấy tình hình bình yên quá'. Ảnh: TTO.

Tôi ví dụ như chuyện tham nhũng: mỗi lần báo cáo thì ta cứ nói tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thấy xấu hổ với cử tri khi chỉ có một câu mà phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần như thế.

Tôi được tham gia Quốc hội từ đầu khóa tới giờ thì báo cáo nào cũng nói là đầu tư dàn trải. Nhưng với những cá nhân sử dụng ngân sách sai thì Quốc hội cũng chưa có đề nghị với Chính phủ kỷ luật ai.

Đọc báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tôi rất đau lòng vì khi tình hình hiện nay khó khăn mà sử dụng ngân sách thiếu trách nhiệm với dân quá. Mình cứ nói đã xài rồi, không quyết toán thì không được. Nhưng nói như vậy thấy băn khoăn với dân quá, có lỗi, thiếu sót với dân quá.

Quốc hội phải xem xét kỹ và có những địa chỉ phải làm rõ trách nhiệm. Một điển hình tôi thấy là ở dự án xây dựng nhà tái định cư thủy điện Sơn La, giá trị đầu tư 60 tỉ đồng nhưng chỉ có sáu hộ dân vào ở. Sử dụng ngân sách như thế thì không thể chấp nhận được”.

Nói đến đây, bà Dung rưng rưng nước mắt.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Dung phải rơi lệ trước Quốc hội, mới kỳ họp trước (ngày 1/11/2012), tại buổi thảo luận về việc tăng lương, bà Dung đã làm hội trường chết lặng khi bà bật khóc nhắc đến cuộc sống quá thiếu thốn của những bệnh nhân ở một trại phong bà vừa đến thăm.

“Ở đó, hằng ngày, mỗi người bệnh chỉ được cấp 8.000 đồng cho hai bữa ăn. Nhưng trong lúc đó, ngân sách để lãng phí bởi nhiều khoản chi tốn kém, không cần thiết, thậm chí vượt chi tới cả nghìn tỷ đồng! Dù ngân sách khó khăn, vẫn phải cố gắng đảm bảo chính sách, đảm bảo công bằng xã hội”, bà Dung nói.

Đấy là đại biểu Dung mới chỉ đọc báo cáo, hoặc một lần thực tế tới một Trung tâm bảo trợ xã hội, chứ nếu bà đọc báo thường xuyên thì có lẽ nước mắt chả còn để mà khóc nữa. Khi hằng ngày trên mặt báo xuất hiện dày đặc các tin kinh tế khó khăn, từ tầm vĩ mô đến vi mô, nào là nợ công tăng, nợ xấu nhiều, doanh nghiệp thiếu vốn; Tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, nhưng lương lãnh đạo vẫn cao ngất; doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động năm sau nhiều hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước; một chủ doanh nghiệp giết vợ con rồi tự tử; nợ nần, giết vợ con rồi treo cổ; công nhân buồn, đói, khóc vì không được tăng ca…

Cho tới các tin về trật tự xã hội ngày một giảm sút, như hiếp chị, giết em; giết cả nhà chủ tiệm vàng để cướp; ra đường bị cướp chặt tay để giật đồ; côn đồ lao vào nhà hành hung chủ nhà…

Còn ở Trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ Trung tâm đánh cụ bà 87 tuổi vì nghi cụ lấy cắp tiền của người khác, “tiện tay” đánh luôn người can ngăn, thực tế số tiền lại nằm dưới giường nằm; cán bộ ăn chặn tiền chính sách, ăn bớt tiền quà tết...

Trước cảnh khó khăn của người dân, thật ít có chính trị gia dám bật khóc như đại biểu Dung. Còn nhớ, thời khi còn là Bộ trưởng Bộ NN&PT-NT, ông Lê Huy Ngọ từng khóc khi thấy những nông dân trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương bán thành quả mùa màng của mình với giá 1.000 đồng/kg, nhưng tiền công thuê người hái đã mất tới 70.000 – 80.000 đồng/người/ngày.

Rồi ông Ngọ cũng từng khóc khi phải thấy những người dân thường chống chọi với thời tiết khắc nghiêt…

Thật hiếm và quý biết bao!

  • Phạm Thanh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc