Nếu phụ nữ không thích, có thể khởi kiện đàn ông cùng cơ quan vì tội quấy rối tình dục và đàn ông phải đối mặt mức phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng.
[links()]
Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động - vừa được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến người dân: “Hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng”.
Tuy nhiên, trong Dự thảo và các văn bản liên quan hiện này không có quy định cụ thể hành vi, lời nói, điệu bộ, cử chỉ… thế nào bị coi là “quấy rối tình dục”. Dù mức phạt đã được đưa ra, nhưng căn cứ vào đâu để xử phạt vẫn chưa ai có thể trả lời.
Mức xử phạt đã có nhưng quy định thế nào là quấy rối tình dục nơi làm việc vẫn chưa rõ. Nên nếu người phụ nữ không thích, đàn ông có thể bị kiện vì tội quấy rối, còn nếu người phụ nữ thích thì có quấy rối thật vẫn không sao. Ảnh minh họa Internet. |
Người Việt không có phong tục ôm hôn, vậy khi gặp nhau, người ta đụng chạm, ôm hôn để biểu hiện tình cảm bình thường có phải là QRTD không?
Một nhân viên nữ gặp trục trặc trên máy tính, sau đó nhờ nhân viên nam cùng phòng chỉ giúp, nhân viên nam tới giúp đỡ, nhưng tay đặt lên tay đang cầm chuột của người nữ để di chuột. Thậm chí, nhân viên nam liên tục thở hơi nóng vào gáy, mang tai của nhân viên nữ, làm người nữ rạo rực… như vậy có bị coi là QRTD?
Với những hành vi khác sẽ thế nào, như: Tại cơ quan, nhân viên nam thường xuyên nhìn chằm chằm vào nhân viên nữ; sếp nữ hễ có bất kể việc gì là đều gọi một nhân viên nam đẹp trai nhất cơ quan lên phòng để sếp sai bảo; nhân viên nam dành quá nhiều lời khen cho một nhân viên nữ khiến người nữ cảm thấy khó chịu; lộ liễu hơn là gạ tình để đổi điểm, tăng lương, hợp đồng…
Còn với những hành vi ban đầu được người phụ nữ đồng thuận, nhưng sau vì một lý do nào đó người phụ nữ lại đi thưa kiện đàn ông vì QRTD. Như ngoại tình công sở, hai bên vui vẻ đồng thuận, nhưng sau đó mối quan hệ hai người không tốt, hoặc vì lý do đấu đá trong cơ quan, người nữ đứng ra kiện người nam vì cưỡng dâm, quấy rồi. Hay chỉ đơn giải là trêu gẹo, một vài cử chỉ âu yếm được phụ nữ không phản đối… những trường hợp như vậy sẽ xử lý thế nào? Phải chăng người đàn ông đã mắc tội QRTD?
Hay như, nhân viên nam cưỡng ép nhân viên nữ, nữ khởi kiện, nhưng sau đó người nữ lại thấy thích, thấy vui, không kiện nữa liệu vụ án có bị hủy?
Hoặc các cơ quan hiện nay có xu hướng may đồng phục với nữ là váy ngắn, áo bó sát eo, sơ vin, đôi khi quá khiêu gợi… khiến những nhân viên nam bị cuốn hút, mất tập trung, không làm được việc có bị xem là nữ đang QRTD nam, hoặc cơ quan đang có quy định QRTD nam, đàn ông có thể khởi kiện?
Ngay như việc quy định mức tiền xử phạt hành vi QRTD là từ 50 - 75 triệu đồng, không rõ Bộ LĐ-TB&XH đã lấy căn cứ gì để đưa ra mức phạt này, không thể quy tất cả các hành vi QRTD đều đồng mức phạt, phải có nặng nhẹ. 75 triệu đồng sẽ là quá nặng khi phạt hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, nhưng nó lại là quá nhẹ đối với hành vi cưỡng dâm.
Trong một trả lời với báo giới, ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cũng phải thừa nhận: “Hiện nay, quốc tế có vấn đề đó (xử phạt QRTD nơi làm việc - PV) và Tổ chức Lao động quốc tế yêu cầu Việt Nam phải đưa vào luật. Vừa rồi, trong quá trình soạn thảo luật Lao động cũng có một số định nghĩa đưa ra, nhưng chưa thỏa mãn vì còn vướng”.
“Do chưa có định nghĩa cụ thể nên mức xử phạt được xây dựng căn cứ vào luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Mức cao nhất ở lĩnh vực này là 75 triệu đồng đối với cá nhân, còn với tổ chức mức xử phạt tăng lên gấp đôi”, ông San nói.
Việc quy định mức xử phạt nhưng không có khung quy định khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của quy định này. Thực tế, thời gian gần đây đã có một vài quy định của các nhà làm chính sách, do nghiên cứu chưa đầy đủ nên khi đưa ra áp dụng tính khả thi rất hạn chế, thậm chí một số chính sách phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ thi hành.
Nhiều luật sư còn lo ngại, nếu không có mức cụ thể, hành vi cụ thể, bằng chứng cụ thể, quy định có thể bị lợi dụng để vụ lợi và trả thù lẫn nhau, dễ dẫn đến oan sai, làm mất danh dự, uy tín của người bị xử phạt.
Về cách phòng tránh, ngăn chặn QRTD nơi làm việc, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đưa ra một số lưu ý với chị em: Tránh tình huống khi chỉ có hai người nam và nữ; không mặc trang phục hở hang; đề nghị đồng nghiệp giữ thái độ nghiêm túc; không kể chuyện phiếm hoặc có cử chỉ hàm ý về tình dục... Nếu hành động quấy rối là nghiêm trọng thì nạn nhân nên tố cáo trước công luận, nói thẳng vào mặt kẻ quấy rối, làm cho người đó xấu hổ nhằm ngăn chặn không cho những hành vi lặp lại và phát triển đến mức độ xấu hơn… |
- Phạm Thanh