Theo đó, ngành y tế sẽ điều chỉnh viện phí đối với nhóm bệnh viện công lập tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển; cơ sở xã hội hoá và khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo lý giải của bộ Y tế, mức giá điều chỉnh viện phí mới đây chỉ xoay quanh ba yếu tố trực tiếp, đó là: chi phí thuốc, vật tư sử dụng cho khám bệnh, ngày giường điều trị, dịch vụ kỹ thuật; chi phí duy tu, bảo dưỡng, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ nhỏ theo định mức kinh tế kỹ thuật; chi phí điện, nước, xử lý chất thải. Nếu điều chỉnh giá chỉ dựa trên ba yếu tố thì chắc chắn các bệnh viện “thu không đủ chi”.
Ngành y tế nên nhanh chóng đề nghị được công nhận chất lượng cao? |
Sắp tới, viện phí sẽ được tính thêm các yếu tố còn lại để cấu thành giá là: lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị lớn; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thứ trưởng bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tăng viện phí là một điều kiện tốt để nâng cao quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, viện phí mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành. Ngoài ra, các địa phương tuỳ theo điều kiện nên vẫn chưa thu mức tối đa theo khung giá của bộ Y tế.
Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, hiện chỉ còn TP.HCM chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới, nhưng theo đề xuất (có thể từ đầu năm 2014) thì mức tăng dự kiến bằng 75% so với khung tối đa do liên bộ Y tế và Tài chính ban hành hồi tháng 2/2012. Hà Nội là nơi tăng viện phí gần đây nhất (ngày 1/8) với 712 dịch vụ tăng, tám dịch vụ giảm, 1.365 giá dịch vụ giữ nguyên. Các mức điều chỉnh tương đương 70% mức trần dịch vụ tại khung viện phí do liên bộ Y tế và Tài chính quy định.
Có một thực tế rất dễ nhận thấy là mỗi lần chỉ cần có thông tin viện phí tăng giá là dư luận đã vô cùng xôn xao, lo lắng. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt những lời than vãn như giá thì cứ tăng, chất thêm “gánh nặng” lên đôi vai vốn đã “oằn” lên của bệnh nhân nhưng chất lượng khám chữa bệnh ngày càng giảm.
Đấy là chưa kể đến hàng loạt scandal phanh phui đạo đức ngày càng xuống cấp của đội ngũ y bác sĩ khiến dư luận càng có cớ để nghi ngờ về tính hiệu quả của những đồng tiền mình bỏ ra cùng lời hứa “nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” của ngành y. Quả thật mỗi lần rục rịch tăng viện phí là ngành y lại phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đủ khiến các nhà lãnh đạo đau đầu, nhức óc.
Tuy nhiên, như Bộ Y tế vẫn khẳng định, tăng viện phí là điều bắt buộc trong hoàn cảnh hiện nay bởi các bệnh viện thường xuyên rơi vào cảnh 'thu không đủ chi', thiếu máy móc, cơ sở vật chất không đủ đảm bảo để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Và càng như thế thì lời hứa 'nâng cao chất lượng' của ngành y tế càng trở nên xa vời.
Chính vì vậy, sau khi có thông tin về việc tăng viện phí vào năm 2014, trên một số diễn đàn thảo luận về vấn đề này đã xuất hiện những ý kiến đóng góp nhằm giúp cho lộ trình tăng viện phí trở nên dễ dàng và đơn giản hơn nhiều.
Cụ thể là một số ý kiến cho rằng ngành y tế nên tìm cách lập hồ sơ xin phép để được Nhà nước công nhận hoạt động khám chữa bệnh ở nước ta là chất lượng cao. Chỉ cần bộ hồ sơ này được phê duyệt, việc khám chữa bệnh trong cả nước đương nhiên đã đạt tới đẳng cấp và vị thế khác. Và vì vậy những cán bộ ngành y, các bệnh viện có thể thoải mái tăng giá viện phí theo lộ trình mà không bị gây khó dễ hay gặp khó khăn lớn như hiện nay.
Việc được ghi nhận là chất lượng cao sẽ khiến cho người dân loại bỏ những hoài nghi về chất lượng khám chữa bệnh lâu nay, từ đó càng có thêm niềm tin vào quyết định, chỉ dẫn của y bác sĩ mà tuân theo hoàn toàn một cách tự nguyện.
Và cũng chính vì thế mà mối quan hệ giữa bệnh nhân, người nhà và các cán bộ trong ngành y tế cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Mọi người sẽ trở nên vui vẻ hòa nhã với nhau hơn, trao cho nhau nhiều nụ cười hơn, việc này giúp hoàn thành mục tiêu thân thiện mà ngành y tế đặt ra một cách dễ dàng.
Với những lợi ích lớn có thể thấy ở trên, thiết nghĩ ngành y tế cần đề nghị được công nhận chất lượng cao càng sớm càng tốt bằng cách phát động các cuộc thi đua đạt chuẩn chất lượng cao tại các bện viện trong cả nước. Với những bệnh viện còn nhiều khó khăn ngành y tế cũng đừng vội nản lòng mà từ bỏ bởi sau khi được đào tạo nụ cười bác sĩ cũng như đã quá quen thuộc với hiện tượng phong bì, ngành cũng nên áp dụng hai chiêu thức chiều lòng người này với các cơ quan thẩm định, bởi mọi thứ sẽ theo đó mà trở nên vui vẻ và đơn giản hơn nhiều.