Cựu Giáo hoàng Benedict XVI đã dành những giờ đầu tiên sau khi từ nhiệm để xem tivi, đi dạo trong khu vườn của lâu đài mà giờ đây ông gọi là nhà và suy ngẫm về quyết định từ chức mang tính lịch sử.
[links()]
Cựu Giáo hoàng Benedict đi lại trong lâu đài Gandolfo gần Rome, vài giờ sau khi ngài chính thức từ nhiệm |
Một phát ngôn viên cho biết, ngài Benedict - vẫn giữ lại tên cũ thay vì trở lại tên khai sinh là Joseph Ratzinger - vào tối qua đã xem lại chương trình truyền hình quay cảnh ông rời Vatican bằng trực thăng, bay qua Rome và hạ cánh xuống lâu đài Gandolfo.
Sau khi nói lời tạm biệt cuối cùng với đám đông hàng nghìn người ủng hộ tụ tập trên quảng trường phía trước lâu đài, cựu Giáo hoàng đã ăn tối và xem tivi.
“Ngài thực sự đã thưởng thức chương trình. Giáo hoàng cũng đánh giá cao việc đưa tin tốt của giới truyền thông”, phát ngôn viên Vatican Federico Lombardi nói.
Cựu Giáo hoàng 85 tuổi sau đó đã đi dạo quanh một loạt các căn phòng tiếp khách của lâu đài mà từ đó ngài có thể nhìn ra hồ Albano, một hồ núi lửa bao quanh bởi cây cối và các biệt thự.
Thấm mệt vì nhiều hoạt động trong ngày, Giáo hoàng đã cầu nguyện, sau đó nghỉ ngơi và có một đêm ngon giấc, đức cha Lombardi nói thêm.
Ngài Benedict, người đã trở thành giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm trong 600 năm lịch sử của Giáo hội Công giáo, đã có bữa sáng “bình dân” với cà phê và bánh mì trong ngày đầu tiên sau khi từ nhiệm.
Vào buổi chiều, ngài Benedict đã đi dạo trong khu vườn lớn nằm cạnh lâu đài.
Cựu Giáo hoàng dự kiến sẽ sống khoảng 2 tháng trong lâu đài từ thế kỷ 16, cung điện mùa hè của các giáo hoàng trong nhiều thế kỷ, trước khi chuyển tới một tu viện cũ bên trong Vatican.
Trong lúc đó, Vatican đang tất bật chuẩn bị cho tiến trình bầu chọn giáo hoàng mới.
Các hồng y trên toàn thế giới đã tề tựu về Vatican trong ngày 1/3 để tiến hành những cuộc họp trù bị, ấn định ngày diễn ra hội nghị cơ mật bầu giáo hoàng mới, thay cho Giáo hoàng Benedict XVI vừa chính thức về hưu hôm 28/2.
Người đứng đầu Hồng y đoàn, Angelo Sodano, đã gửi thư mời chính thức bằng fax và thư điện tử để tiến hành “các hội nghị tiền mật nghị hồng y” bắt đầu từ 9h30 sáng ngày thứ Hai tuần sau. Chỉ khi nào tất cả các hồng y đã có mặt đầy đủ, từ Argentina tới Việt Nam, họ mới bắt đầu tiến hành mật nghị bầu nhà lãnh đạo tiếp theo của 1,2 tỷ người Công giáo La Mã, thư mời cho biết.
Một trong những quyết định cuối cùng của Benedict là cho phép các hồng y dời ngày hội nghị lên sớm hơn so với truyền thống, thường là 15-20 ngày sau khi ghế giáo hoàng bỏ trống, bởi lẽ trước đây Vatican thường cần thời gian tổ chức tang lễ cho giáo hoàng.
Tin đồn về việc ai có thể thay thế Benedict đã rộ lên từ khi ông tuyên bố từ nhiệm ngày 11/2, nhưng hiện chưa có ứng viên nào thực sự nổi bật. Cuộc gặp tiền mật nghị của các hồng y tuần tới có thể sẽ giúp thu hẹp bớt những tin đồn về giáo hoàng tương lai.
Một giáo hoàng lý tưởng được cho là phải cá tính, có sức hút, có kỹ năng giao tiếp tốt, có thể đoàn kết một giáo hội đang chia rẽ, dẹp bỏ những bê bối và làm sống lại đức tin nơi những người trẻ.
Nhưng hiện có vẻ không hồng y nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó. Các nhà phân tích nói đang có chia rẽ giữa những người bảo thủ và ôn hòa, những người bên trong và bên ngoài Vatican, những người theo truyền thống và muốn cải cách.
Trong số những ứng viên hàng đầu có tổng giám mục Milan Angelo Scola, 72 tuổi, và Marc Ouellet, một cựu tổng giám mục Quebec 67 tuổi và là người đứng đầu giáo đoàn các giám mục đầy ảnh hưởng. Giáo hoàng tiếp theo sẽ phải đối diện với những vấn đề gai góc, từ việc các nhà cải cách Công giáo kêu gọi mở rộng quyền lãnh đạo của phụ nữ trong giáo hội, chấm dứt việc bắt các giáo sĩ không lập gia đình, tới tình trạng thế tục hóa ngày càng mạnh ở phương tây và những vụ bê bối đang tiếp diễn về xâm hại trẻ em.
Ảnh: Giáo hoàng Benedict xúc động chia tay giáo dân |
- L.H (Tổng hợp theo Dân trí, TTXVN)