Trước sự yên lặng của các sĩ quan, Ðính nói về gia đình của họ, về viễn cảnh những vui mừng khi họ được sống sót trở về. Tất cả đều đồng ý đầu hàng, chỉ có Thiếu tá Mãn không bỏ phiếu. Khi có chiếc trực thăng C-47 bốc 2 viên sĩ quan Mỹ cùng với khoảng 30 binh sĩ không chịu đầu hàng muốn đi theo 2 sĩ quan cố vấn. Khi chiếc trực thăng cất cánh thì cờ trắng đầu hàng đã bay trên căn cứ Carroll.
[links()]
11h30, ngày 30/3/1972 Bộ tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên đã phát lệnh tấn công vào các căn cứ hỏa lực của quân đội Sài Gòn đóng dọc theo vùng giới tuyến nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chỉ trong một thời gian ngắn giao tranh, những cứ điểm của quân đội Sài Gòn đã tê liệt hoàn toàn.
14h30, ngày 2/4/1972, Trung tá Phạm Văn Đính – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 Bộ binh quân đội Sài Gòn đã lên hệ thống truyền tin để xin ngưng bắn, treo cờ trắng dẫn binh sĩ của mình trở về với Cách mạng.
Ngày 2/5/1972, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 bộ binh Ngụy – Tư lệnh chiến trường Quảng Trị đã tuyên bố triệt thoái để tìm đường tháo chạy về phương Nam.
Trung tá Phạm Văn Đính, người Thừa Thiên, tốt nghiệp Khóa 9 Trường sĩ quan Trù bị Thủ Đức và bắt đầu nổi tiếng khi còn là Trung úy chỉ huy liên đại đội Hắc Báo (lực lượng phản ứng cấp thời được thành lập vào năm 1965) theo sáng kiến của Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chuân - Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ binh Ngụy lúc bấy giờ.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Trung tá Đính được thăng cấp rất nhanh, từ Thiếu úy lên Trung tá chỉ trong vòng 5 năm. Rời Hắc Báo, Đính được cử làm Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 3 Bộ binh.
Khi Tiểu đoàn này hoạt động tại quận Quảng Điền (Thừa Thiên), Tiểu đoàn trưởng Đính được Tướng Ngô Quang Trưởng đề cử kiêm nhiệm quận trưởng và được thăng Thiếu tá vào tháng 6/1967.
Ngày 1/1/1969, Thiếu tá Đính là một trong ba Tiểu đoàn trưởng Bộ binh đầu tiên của Sư Đoàn 1 và của Quân Lực VNCH được thăng cấp Trung tá, sau đó được đề cử giữ chức Trưởng phòng 3 Bộ Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 1 Bộ binh (chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương lúc đó là Đại tá Vũ Văn Giai).
Giữa năm 1970, Trung tá Đính được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn 54 Bộ binh và đến tháng 10/1971 được đề cử làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 Tân Lập khi mới 28 tuổi.
Trung tá Phạm Văn Đính nói lời tri ân với Cách mạng |
Khoảng 9h ngày 30/3/1972, khi Trung đoàn 2 và 56 hoán chuyển trại và vùng trách nhiệm theo chu kỳ đã định sẵn. Trung đoàn 56 của Trung tá Ðính từ căn cứ C2 ở Bắc Cam Lộ di chuyển về hướng Nam, thay thế Trung đoàn 2 ở căn cứ Carroll, căn cứ hỏa lực Fuller và Khe Gió.
11h30, khi đoàn quân còn đang di chuyển, một số chưa kịp vượt qua sông Hiếu, chỉ có một đại đội tác chiến và chỉ huy vừa vào đến căn cứ Carroll thì bất ngờ bị quân giải phóng tấn công. Pháo 130 ly của Đoàn Bông Lau bắn tràn ngập các mục tiêu.
Ngày 31/3/1972, Trung Tá Ðính liên lạc với Chuẩn tướng Vũ Văn Giai để xin tiếp viện. “Nếu không được tiếp viện, căn cứ chỉ có thể giữ được vài ngày nữa thôi”, Ðính báo cáo với Tướng Giai. “Ráng chờ, sẽ có tiếp viện,” Tướng Giai trả lời.
Hôm sau, 1/4, Tướng Hoàng Xuân Lãm – Tư lệnh Quân đoàn 1 của quân lực VNCH đích thân gọi cho Ðính. Lạc quan vì nghĩ rằng mình sẽ có tin vui, nhưng Tướng Lãm chỉ ra lệnh vắn tắt, là Sư Ðoàn 3 Bộ binh và Quân đoàn 1 không còn gì để tiếp viện. Trung đoàn 56 phải giữ căn cứ Carroll bằng mọi giá!
Sáng ngày 2/4/1972, các xạ thủ của Đoàn Bông Lau tiếp tục tập trung hỏa lực tấn công vào căn cứ Carroll. Trung tá Đính liên tục gọi điện về Bộ chỉ huy Sư đoàn 3 để xin tăng viện, nhưng mọi chờ đợi của Đính và thuộc cấp của mình đều chìm trong vô vọng và điều quan trọng nhất là không nhận được bất cứ một câu trả lời cụ thể nào về số phận của Trung đoàn 56.
Biết là vòng vây của quân giải phóng ngày càng khép chặt, trong tình thế không có bất cứ một phương án kháng cự nào khả thi, Trung tá Đính đã lên hệ thống truyền tin để liên lạc xin được gặp vị chỉ huy cao nhất của quân giải phóng đang nhằm hướng tấn công vào Trung đoàn 56 tại cứ điểm Carroll.
Sự kiện này đã được cựu chiến binh Hồ Văn Duyệt kể lại như sau: “Hồi đó tôi là giáo viên trường Sĩ quan Pháo binh được phái đi phục vụ cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Tôi được đi cùng trung đoàn pháo binh 38, chi viện cho sư đoàn 304, tấn công căn cứ Carroll do trung đoàn 56, sư đoàn 3 đóng giữ.
Ngày 2/4/1972, đồng chí Trung đoàn phó Pháo binh chỉ huy đài quan sát phải lên Sở Chỉ huy Sư đoàn họp, ủy nhiệm cho tôi thay thế tiếp tục thực hiện kế hoạch hỏa lực. Khoảng đầu giờ chiều hôm ấy, một chiến sĩ trực vô tuyến điện báo cáo với tôi:
“Có một tên yêu cầu gặp thủ trưởng!”, tôi bảo: “Nó phá rối đấy chứ gặp gì, mặc kệ nó”. Một lát sau, chiến sĩ lại báo cáo “Tên đó xưng là Trung tá Chỉ huy trưởng xin gặp Sao Hôm”. Sao Hôm là mật danh của đài quan sát chỉ huy.
Theo cách xưng hô, tôi đoán là một viên sĩ quan nên cầm máy. “A lô! Tôi là Sao Hôm đây, các anh cần gặp có việc gì?”, phía bên kia trả lời: “Tôi, Trung tá Phạm Văn Đính – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 xin được gặp cấp chỉ huy cao nhất. Xin ông cho biết danh tánh và cấp bậc”.
Nghe câu nói đó, tôi nghĩ anh này chắc được huấn luyện rất chính quy ở bên Mỹ. Riêng tôi, chưa từng dự kiến đối thoại với địch nên lúng túng không biết xưng hô thế nào. Tôi trả lời Trung tá Đính: “Chúng tôi không có thói quen xưng hô tên tuổi cấp bậc với đối phương trong lúc tác chiến, anh gọi tôi là Sao Hôm là được rồi.
Tôi không phải là cấp chỉ huy cao nhất nhưng có thể trả lời những gì anh cần hỏi, nếu quá quyền hạn tôi sẽ chuyển đạt lên cấp trên”. Ông Đính nói: “Tôi đề nghị các ông dừng hỏa lực trong một giờ, chúng tôi muốn thương lượng”.
Tôi dùng điện thoại báo cáo lên cấp trên, Sư đoàn điện xuống chỉ đạo: “Anh có thể gọi họ là ông, anh bảo họ đầu hàng đi chứ còn thương lượng cái gì”. Tôi lên vô tuyến điện trả lời viên Trung tá Chỉ huy trưởng:
“Tôi nghĩ đề nghị của ông không thích hợp, các ông đã mất Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn rồi. Lữ đoàn thiết giáp lên giải vây cho các ông đã bị đánh tan tác, chạy lui rồi. Đông Hà cũng sắp mất. Chắc ông cũng đã nghe tiếng súng máy gần kề rồi. Các ông hạ vũ khí ngừng chiến đấu là tốt nhất. Các ông nên đầu hàng đi”.
Viên trung tá trả lời: “Có đầu hàng cũng phải thảo luận các điều kiện chứ”. Tôi nói: “Không cần thảo luận đâu! Ông có biết chính sách 10 điểm của mặt trận giải phóng miền Nam không?”.
Đính trả lời: “Tôi có biết”. Tôi bảo: “Chúng tôi chấp hành đầy đủ chính sách của 10 điểm đó”. Đính bảo rằng: “Nhưng tôi cũng cần triệu tập các sĩ quan dưới quyền, họ chỉ huy từng bộ phận rải rác khắp nơi và cần thời gian để họp”.
Chỉ huy Sư đoàn vẫn tập trung để theo dõi cuộc trao đổi của tôi với viên Trung tá chỉ huy trưởng, đồng thời gọi điện thoại xuống để hướng dẫn cho tôi một số thủ tục. Tôi nói với Trung tá Đính:
“Vậy thì tôi đồng ý ngừng hỏa lực trong vòng 1 giờ theo yêu cầu của ông. Còn yêu cầu của chúng tôi là ông cho kéo cờ trắng lên cột cờ trung tâm của căn cứ trước khi ngừng hỏa lực. Sau khi ngừng hỏa lực được 30 phút, một nửa số quân của ông phải ra khỏi công sự, lên mặt đất, không mang theo vũ khí”.
Ngay sau đó, Ðính tập hợp 13 sĩ quan chỉ huy của trung đoàn trong hầm chỉ huy để quyết định. Ðính mở lời trước, cho biết tình thế rất tuyệt vọng. Căn cứ không thể cầm cự trước sự tấn công liên tục của quân giải phóng. Sau đó Ðính nói ra ý nghĩ thật của mình:
“Nếu tiếp tục chiến đấu, nhiều người sẽ chết. Và nếu chúng ta có bị thương, có chết, để có được một chiến thắng, thì cũng không ai lo cho chúng ta sau đó. Chúng ta bây giờ phải tự lo lấy thân.” Tiếp theo, Ðính nói về đề nghị của chỉ huy quân giải phóng.
Sau đó ông hỏi tất cả muốn tử thủ, đánh mở đường máu, hay đầu hàng? Nếu tất cả các sĩ quan có mặt đồng ý tiếp tục đánh thì ông sẽ nghe theo ý họ. Trong số sĩ quan hiện diện, chỉ có Thiếu tá Tôn Thất Mãn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 56 lên tiếng đòi đánh đến cùng. Số sĩ quan còn lại yên lặng không ý kiến.
Trước sự yên lặng của các sĩ quan, Ðính nói về gia đình của họ, về viễn cảnh những vui mừng khi họ được sống sót trở về. Tất cả đều đồng ý đầu hàng, chỉ có Thiếu tá Mãn không bỏ phiếu.
Với quyết định đã được đồng thuận, Ðính đi qua lô cốt của hai sĩ quan cố vấn Mỹ để thông báo. Nhưng Thiếu tá Joseph Brown và Trung tá William Camper không đồng ý. Camper đề nghị trung đoàn dùng những chiếc thiết giáp có trong căn cứ đánh bung ra vòng đai mở đường máu. Ðính không chịu, nói vô ích.
Lúc này, có một máy bay trực thăng C-47 trên đường tiếp tế đạn cho căn cứ Mai Lộc bay ngang qua đó, ghé lại bốc 2 viên sĩ quan Mỹ cùng với khoảng 30 binh sĩ không chịu đầu hàng muốn đi theo 2 sĩ quan cố vấn. Khi chiếc trực thăng cất cánh thì cờ trắng đầu hàng đã bay trên căn cứ Carroll.
- Ngô Trường Đức