Nhìn cái cách chị nói về anh, tôi biết rằng, chị thật sự mãn nguyện với hạnh phúc của mình. Đối với Trà My, hạnh phúc gia đình mới là điều quan trọng hơn tất thảy những tiền bạc và sự nghiệp đang thăng tiến của mình.
[links()]
25 năm về trước, khi ấy anh (Quản Trọng Bính) và chị vẫn còn là diễn viên của Đoàn cải lương Thái Bình.
Anh hơn chị 4 tuổi, anh cao to, đẹp trai và hiền lành đúng với hình mẫu mà chị đặt ra, còn anh ngay phút đầu đã ấn tượng với một cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và vui tính nhất trong số những diễn viên mới vào nghề.
Cũng thật ngẫu nhiên khi trên sân khấu, chị luôn được đóng những vai đào chính bên anh là kép chính, nếu anh vào vai ông vua, hoàng tử thế nào chị cũng vào vai hoàng hậu, nàng công chúa. Thế rồi họ yêu nhau, trở thành vợ chồng như duyên trời sắp đặt.
Đối với Trà My, hạnh phúc gia đình mới là điều quan trọng hơn tất thảy những tiền bạc và sự nghiệp đang thăng tiến của mình. |
Ngày ra mắt gia đình chồng, mẹ đẻ chị không khỏi băn khoăn thương con khi nhà anh có tới 10 anh chị em. Bà lo con gái làm dâu sẽ vất vả nhiều bề. Tuy bố mẹ chồng chỉ làm ruộng nhưng con cái lại nuôi dạy có nề nếp và khuôn phép, anh chị em trong nhà ai cũng yêu thương, kính trọng lẫn nhau.
Vì vậy, khi chị gặp khó khăn trong chuyện sinh nở, gia đình chồng ai cũng hết sức thương cảm và lo lắng cho chị.
Ngần ấy năm về làm dâu nhà anh, chị chưa phải nghe một câu bóng gió xa xôi, này nọ của nhà chồng về chuyện con cái hay tính cách của nàng dâu. Tình cảm ấy chị luôn trân trọng và ghi khắc trong lòng.
Nghĩ về quãng thời gian bất hạnh của mình, chị vẫn nhớ như in cái cảm giác ngất lịm và sụp đổ khi biết tin mình có khả năng vô sinh.
“Mấy ngày đầu, tôi khóc suốt đêm đến nỗi sáng hôm sau hai mắt thâm quầng và sưng húp, cả ngày thơ thẩn như kẻ mất hồn, làm việc gì cũng không nên, đến cả khi lên sàn tập thì hát cũng nhầm lời”.
Kể từ cái ngày ấy, hai vợ chồng chị quyết tâm đi chữa bệnh và ròng rã suốt 15 năm trời chẳng có nơi nào là không tới. Từ Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Phụ sản trung ương, cho tới các thầy lang khắp nước, hễ nghe ai nói có thể chữa khỏi là anh chị đã đi hết.
Nhưng hi vọng cứ như trò đuổi bắt, khi bao nhiêu tâm huyết, của cải đổ vào mà kết quả thì chẳng thấy đâu. Chị đau đớn, mệt mỏi khi sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Khát khao cháy bỏng khi thấy những bà mẹ trẻ ôm bụng ở bệnh viện ngày ngày qua lại trước mắt. “Tôi biết ánh mắt chồng cũng trộm buồn nhưng thương vợ anh cũng giấu cái cảm xúc ấy vào tận đáy lòng”.
Có lẽ tình yêu của anh quá lớn nên nhiều lúc chị “không thể ích kỉ nghĩ cho riêng mình được”. Nhiều lần chị ngỏ ý để anh ra đi để tìm một hạnh phúc khác trọn vẹn hơn.
Nghệ sĩ Trà My chia sẻ: 25 năm kể từ ngày chị làm vợ của anh, anh đã bên cạnh chị từ những ngày đen tối nhất cho tới ngày hạnh phúc. Chị biết ơn anh, không chỉ vì cái tình mà còn là cái nghĩa vợ chồng mà anh dành cho chị. |
Thế nhưng những lúc ấy, anh chỉ cười gạt phắt đi: “Mình cứ cố gắng, nếu không được thì chúng ta xin con nuôi”. Câu nói khiến chị chảy nước mắt nhưng cũng như kim châm vào lòng vì thương anh quá.
Chị biết anh đúng là món quá quý giá mà ông trời ban tặng cho mình, điều ấy khiến chị lại quyết tâm, dù có phải chịu đau đớn thế nào chăng nữa thì chị vẫn phải cố gắng vượt qua.
Tới bây giờ chị vẫn không thể quên được cái cảm giác phải nằm trên bàn mổ, nửa thân dưới hoàn toàn tê liệt, còn trong đầu, tâm trí rối loạn và mông lung với những cảm giác hi vọng và thất vọng đan xen.
Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì chị vẫn dặn lòng rằng sau khi bước ra cánh cửa phòng mổ, chị vẫn phải cười dù nó méo xệch, bởi anh sẽ ở đó chờ chị, miệng nở nụ cười, dịu dàng và độ lượng.
Ngoài anh ra, chị may mắn còn có được sự động viên của bố mẹ, người thân nhà chồng. Mỗi lần về nhà bố mẹ đẻ, mẹ chị thương con mà không dám khóc, còn bố mẹ chồng thấy con dâu tiều tụy, khổ sở quá, nói với con trai:
“Đừng cho con My đi nữa, thấy nó đau đớn mà bố mẹ xót quá, con cái là số trời cho, hai đứa sống với nhau như thế này là bố mẹ mừng rồi”.
Thời bao cấp, lương nghệ sĩ ba cọc ba đồng, nhất là với diễn viên cải lương tỉnh lẻ thì nghèo quay quắt, lại phải đi chữa bệnh nên vô cùng khó khăn. Tới năm 1990, khi được bạn bè động viên, anh chị đã khăn gói lên Hà Nội theo hài kịch, cũng là tạo điều kiện cho chị đi lại chữa bệnh dễ dàng hơn.
Thời gian ấy, chị và anh lại vất vả bon chen tạo dựng vị trí cho mình, anh chị không nề hà việc gì, từ đi hát cải lương, đi đóng kịch, dù chỉ là những vai phụ lăng xăng nhưng hai người làm hết để trang trải chi phí chữa bệnh cho chị.
“Tôi tu bảy kiếp mới được làm con dâu của bố mẹ”
Sau 15 năm mòn mỏi, chờ đợi cuối cùng anh chị cũng có một đứa con như mong muốn, người đàn bà ấy như trút đi được một gánh nặng trên vai. Đã 10 năm trôi qua nhưng có lẽ chị vẫn không quên được cái cảm giác “thấy mình sống thêm một 1000 năm tuổi” khi nghe tiếng con khóc chào đời.
Lúc ấy, anh hỏi chị: “Em muốn đặt tên gì cho con?”, chị nghĩ ngay cái tên Phúc, thật trùng hợp là anh cũng nghĩ đến cái tên ấy. Bởi anh luôn muốn nhắc nhở con phải sống thật đức độ, làm nhiều việc tốt thì bản thân sẽ được nhận nhiều phúc”.
Có lẽ thấm thía được những điều ấy mà bé Phúc từ khi chào đời rất mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi để đền đáp công sinh thành của bố mẹ.
Những năm tháng bên nhau, chưa bao giờ anh chị hết yêu nhau dù bề ngoài họ có vẻ trái tính ngược nết. Nhìn những vai diễn trên ti vi, cũng phần nào nói lên tính cách của chị: sắc sảo, tháo vát, thẳng tính đến nóng tính, thế nhưng chị chẳng để lâu trong bụng bao giờ.
Riêng với anh, chính sự trầm tĩnh và điềm đạm của anh đã kìm chế được cái ngang bướng và nóng nảy của chị. “Thế cho nên tôi chỉ có thể cứng đầu khi bảo vệ những lí lẽ đúng, còn một khi bản thân biết đã sai thì phải tìm cách xin lỗi ông xã ngay”.
Chị kể, cả ngày đi diễn về, cả hai vợ chồng đều thích được ngồi thủ thỉ, nói chuyện với nhau. Anh hay được kể cho chị nghe chuyện công việc, bạn bè, thôi thì đủ cả. Còn chị không chỉ thích lắng nghe chồng nói, chị còn muốn làm cho chồng con hạnh phúc vì sự chăm sóc của mình bằng những món ăn ngon.
“Nhiều lần ông xã giận tôi chuyện vào bếp hàng tiếng đồng hồ, nấu xong mà mình chẳng ăn được gì, nhưng khi thấy hai bố con ăn uống ngon lành tôi thấy thế đã là hạnh phúc”.
Cho nên, dù công việc bận rộn nhưng chưa bao giờ chị nghĩ sẽ thuê người giúp việc mà muốn được tự tay chăm sóc gia đình. Bạn bè bảo chị “hành xác” thế nhưng với chị thì đó là hạnh phúc, bởi những ai đã từng trải qua hoàn cảnh như chị thì mới biết được giá trị của tình cảm gia đình.
Chị thà sống nghèo hơn mọi người một chút nhưng nhất định không thể nào sống thiếu tình cảm. Thế mới có chuyện hài hước rằng, một người có vẻ ngoài sắc sảo, đanh đá như chị lại hay nghĩ và mau nước mắt.
Cho nên dù đi diễn xa nhà, chị chẳng chịu ngủ một mình, bao giờ cũng phải lôi kéo một cô bạn đồng nghiệp ngủ cùng vì sợ ma, sợ cô đơn.
Là một người nổi tiếng thế nhưng Trà My chưa bao giờ muốn đánh đổi thứ hạnh phúc mà chị đã tốn công vun đắp bằng tiền bạc, kể cả sự nghiệp đang lên của mình. Gia đình có hạnh phúc thì lòng chị mới vững mà có thể làm việc khác được.
Trước mỗi chuyến lưu diễn xa nhà, chị đều chuẩn bị đầy một tủ lạnh thức ăn cho hai bố con. Một ngày chị phải gọi điện thoại về nhà tối thiểu 3 lần để nghe tiếng con “báo cáo” chuyện ăn uống, học hành, chuyện nghỉ ngơi của chồng như thế nào mới có thể yên tâm mà diễn được.
Trà My cho rằng: “phụ nữ đi ra ngoài dù đao to búa lớn thế nào thì về nhà vẫn là một người phụ nữ, vẫn phải hoàn thành trách nhiệm làm người dâu, người em, người mẹ người vợ trong gia đình. Bởi, nền tảng có chắc chắn thì người phụ nữ mới tự tin khẳng đinh mình được”.
25 năm kể từ ngày chị đi làm dâu, cũng từng ấy năm chị nhận được bao nhiêu tình yêu thương của gia đình chồng, sự yêu thương ấy không xuất phát từ sự nổi tiếng của cô con dâu mà chính là sự thẳng thắn nhưng tình cảm của chị dành cho những người thân.
Trong câu chuyện của mình hơn 4 lần chị nói mình mang ơn gia đình chồng: “Ơn sinh thành, dạy dỗ của bố mẹ chồng, cũng như tình yêu ấy của ông bà là điều này mà cả đời này tôi mắc nợ”
25 năm kể từ ngày chị làm vợ của anh, anh đã bên cạnh chị từ những ngày đen tối nhất cho tới ngày hạnh phúc. Chị biết ơn anh, không chỉ vì cái tình mà còn là cái nghĩa vợ chồng mà anh dành cho chị.
Chính vì vậy, bây giờ sức khỏe anh có phần giảm sút nhiều, thay vì những kế hoạch kiếm tiền, chuyện ra đĩa hài riêng đều không bằng việc được chăm sóc anh, làm chỗ dựa cho anh, hay đơn giản chỉ là ngồi chờ anh khám bệnh hàng tiếng đồng hồ nhưng với chị:
“Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa phu thê, huống gì anh đã bên cạnh tôi những lúc đau khổ nhất thì những việc này có kể gì?!”.
- Đỗ Huệ