Nghèo đói thì vứt bỏ con?

06:12, Thứ tư 16/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Rời trụ sở Công an quận Long Biên, trong lòng tôi dâng lên nỗi buồn man mác. Vì nghèo mà Hùng buộc phải bỏ con có đáng không?

Khi được hỏi Nguyên nhân vì sao, Hùng lại quyết định cho đi đứa con dứt ruột sinh ra?’, trước câu hỏi của chúng tôi, Hùng rơm rớm nước mắt, kể lại hoàn cảnh gia đình nhà mình...
[links()]
Tôi gặp Nguyễn Đình Hùng, vào một ngày Hà Nội mưa tầm tã. Trận  mưa đầu mùa đã xua tan cái oi nồng bức bối của những ngày đầu hè, giải nhiệt cơn khát của thành phố vốn sau một đợt nắng, nóng kéo dài suốt nhiều ngày.

Hôm đó, Hùng vừa gặp lại con gái, sau gần 2 tháng ròng xa cách. Nhắc đến con, tôi thấy đôi mắt Hùng đỏ hoe: “Em định gửi cháu ở chùa Bồ Đề một thời gian để hai vợ chồng tập trung làm ăn kinh tế.

Nếu khấm khá một chút, trả được tiền nợ ngân hàng thì thi thoảng vợ chồng em về thăm cháu rồi sau đó sẽ đón cháu về nhà chơi. Nếu cứ nuôi cháu, vợ chồng em cũng khổ mà cháu cũng khổ…”, Hùng giãi bày.

Khi ấy, tôi biết Hùng đang nói thật và cái vẻ bề ngoài cũng Hùng cũng dễ khiến người ta tin tưởng. Cái đói, cái nghèo thường khiến người ta túng quẫn, làm liều, nhưng không thể vin vào lý do đó để bỏ con.

Nguyễn Đình Hùng kể rằng, quê Hùng ở Nghệ An. Bố Hùng đi xây dựng kinh tế mới gặp mẹ của Hùng đã nên duyên vợ chồng. Hùng và các chị em trong gia đình sống ở Tuyên Quang đến năm 1987 thì theo bố mẹ về Nghệ An.

Cháu Hạnh tại chùa Bồ Đề
Cháu Hạnh tại chùa Bồ Đề

Sáng tới trường, chiều lại rong ruổi chăn trâu cắt cỏ, cả gia đình Hùng đều chăm chỉ làm lụng vậy mà cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Hùng học hết lớp 9 thì nghỉ học ở nhà đi làm thuê, làm mướn đủ nghề ...nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ cái miệng ăn.

Năm 1996, Hùng ngược lên Tuyên Quang, ở với người cậu ruột, kiếm sống bằng việc chăn bò thuê. Trong những ngày tháng đó, Hùng quen Đàm Thị Chiêm (SN 1982, là người dân tộc Tày ở Tuyên Quang) rồi cả hai nên vợ nên chồng.

Thời gian đầu, vợ chồng Hùng và Chiêm sống nhờ trong căn nhà của vợ chồng cậu ruột, Hùng làm việc quần quật từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi trời tối sẩm còn vợ thì cũng  cần mẫn với việc đồng áng…

Ngày vợ báo tin có thai đứa con đầu lòng, Hùng vừa vui vừa canh cánh một nỗi lo. “An cư mới lạc nghiệp”, phải làm gì để có một căn nhà che mưa, che nắng, chẳng nhẽ cứ để cho vợ con đi ở nhờ mãi.

Cậu mợ thương vợ chồng Hùng như con, nhưng khi có thêm một đứa bé, sinh hoạt gia đình sẽ có sự xáo trộn rất nhiều. Các cậu, các mợ đã đành, lại còn các em…Nghĩ vậy, Hùng bàn với vợ xin phép cậu, mợ ra bên ngoài ở riêng.

Hai vợ chồng Hùng dựng một túp lều ở ven sông làm nơi sinh sống, khổ nhất là những ngày mưa, tìm mãi mới có một chỗ ráo để nằm. Vất vả là thế nhưng đôi vợ chồng ấy vẫn luôn ngập tràn hạnh phúc, họ chờ mong ngày đứa con đầu lòng chào đời.

Hùng nhớ lại: “Ngày đó, do khó khăn vợ em chỉ được đi khám thai một lần. Lúc đó, bác sỹ cũng nghi ngờ bào thai có biểu hiện không bình thường đã chỉ định phải siêu âm 4 chiều…Vì không có tiền nên chúng em đã không đi khám lại, chẳng ngờ”.

Vợ chồng Hùng tá túc trong túp lều tranh được hơn một 1 tháng thì thị trấn Na Hang có yêu cầu chuyển đi. Vợ đang bụng mang dạ chửa, lại chẳng có một chỗ để trú chân, Hùng lúc đó vô cùng tuyệt vọng.

Giữa lúc ấy, chị gái của Hùng nhận được một công việc ở nơi xa…Trước tình cảnh đáng thương của cậu em ruột, chị Hùng đã gợi ý cho em trai mượn lại căn nhà ở trên một đỉnh đồi. Không lời nào diễn tả hết niềm vui mừng của vợ chồng Hùng lúc bấy giờ.

Vợ chồng Hùng nhờ họ hàng dựng lại căn nhà đã xiêu vẹo, làm nơi trú chân. Ngoài những lúc chăn trâu, cắt cỏ tối đến Hùng lại chạy thêm xe ôm. Ngày may mắn thì cũng có thể kiếm được vài chục ngàn đồng nếu mưa gió, vắng khách thì chỉ về người không.

Gần đến ngày sinh, Hùng bàn với vợ: Hai vợ chồng chưa một lần nuôi con, về quê nội để có bà chăm sóc lúc em sinh nở…Vợ Hùng liền đồng ý. Ngày 24/4/2007, Chiêm trở dạ sinh đứa con gái đầu lòng, trắng trẻo, nặng khoảng 3 kg, vợ chồng Hùng đặt tên con là Nguyễn Đàm Hồng Hạnh.

Từ lúc lọt lòng mẹ, bé Hạnh đã không biết bú, do bị hở hàm ếch”, Hùng nhớ lại. Những ngày đó, vợ chồng Hùng phải đi xin sữa, thay nhau bón cho con từng thìa”, Hùng nhớ lại.

Bằng linh cảm của người cha, Hùng đã phát hiện những điểm không bình thường của con gái. Bé Hạnh quấy khóc nhiều…và những dấu hiệu này ngày càng rõ nét hơn: bé Hạnh không biết nói, cũng không cười và chẳng có phản ứng gì với thế giới xung quanh.

Những ngày đó, bao nhiêu tiền kiếm được, vợ chồng Hùng đều dành dụm đưa con đi chữa bệnh, từ bệnh viện huyện rồi đến trung ương nhưng bệnh tình của bé Hạnh vẫn không hề thuyên giảm, bé Hạnh bị chẩn đoán là bị nhũn não. Nhìn con, vợ chồng Hùng “đứt từng khúc ruột”…

Sáng 6/3, chùa Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), ngôi chùa cổ kính nằm bên dòng sông Hồng quanh năm nước đỏ lặng phù sa có một người đàn ông chừng 30 tuổi, dắt theo một cô bé chừng 5 tuổi tìm đến chùa.

Sau khi lân la hỏi chuyện một phật tử đang giúp việc cho chùa, người đàn ông này xin phép được vào bên trong thắp hương.

Lá thư anh Hùng gửi lại chùa cùng cháu Hạnh
Lá thư anh Hùng gửi lại chùa cùng cháu Hạnh

Hôm đó, là ngày 14 âm lịch, giáp ngày rằm, vào những dịp này, nhà chùa có rất đông khách thập phương đến thắp hương, vãn cảnh chùa nên sự xuất hiện của người đàn ông và đứa trẻ cũng không làm nhà chùa thấy bất thường…

Một lúc sau đó, nhà chùa nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ trên tầng hai. Mọi người đổ xô tới thì thấy cháu bé lúc trước đang nằm trên sàn nhà. Ngoài chiếc túi đã cũ màu, sờn mép có một tờ giấy để lại với nội dung ghi nhờ nhà chùa nuôi giúp hộ cháu bé.

Trong lá thư cũng nói tên của cháu bé là Nguyễn Đàm Hồng Hạnh. Sự  xuất hiện của một đứa trẻ bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề không phải là chuyện lạ, bởi ở ngôi chùa này đã và đang có rất nhiều cháu bé được các sự thầy chăm sóc cưu mang…

Sự bất thường là ở chỗ, là cháu bé khóc rất nhiều, dù đã được mọi người vỗ về, dỗ dành. Khi thay bỉm cho cháu bé, mọi người kinh hãi khi nhìn thấy ở phần kín đã bị xây xước nhiều chỗ, có biểu hiện của việc bị xâm hại tình dục.

Vụ việc sau đó được lãnh đạo Công an quận Long Biên giao cho Đội CSĐT tội phạm về TTXH vào cuộc, làm rõ danh tính của cháu bé và toàn bộ sự việc.

Vậy người đàn ông mang cháu bé đến bệnh viện là ai?. Để có được câu trả lời, dòng dã trong suốt gần 2 tháng, các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Long Biên đã không quản vất vả, ngày đêm vào cuộc.

Việc lần tìm khó khăn chẳng khác gì “mò kim dưới đáy bể”. Nhưng tình người, trách nhiệm với công việc và lương tâm của người cán bộ công an đã giúp họ quyết tâm làm rõ sự việc. Thận trọng ghi lại lời khai của các nhân chứng, có những chi tiết các trinh sát đặc biệt lưu tâm.

Một trong số đó là lời khai của một phật tử đã nói chuyện với người đàn ông tại sân chùa, vào buổi sáng hôm đó. Vị phật tử này cho biết, trong khi hỏi chuyện về việc gửi con tại chùa, người đàn ông này có nói rằng quê ở tỉnh Tuyên Quang.

Kế đó là khi các phật tử này đưa cháu bé vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang khám bệnh. Khi biết hoàn cảnh đáng thương của cháu bé, một người đã nói rằng: cháu bé này giống một cháu bé ở gần nhà tôi ở Tuyên Quang.

Những thông tin chắp nối mong manh đó, giúp các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Long Biên có niềm tin khẳng định rằng cháu bé là người ở Tuyên Quang, nhưng phải bắt đầu lần tìm từ đâu?.

Với sự giúp đỡ của các y, bác sỹ tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Công an quận Long Biên đã lục lại hồ sơ các bệnh nhân có mặt tại thời điểm cháu bé được đưa đến khám. Lần mò từng địa chỉ, liên hệ với từng người nhưng việc tìm kiếm vẫn không mang lại kết quả như mong đợi.

Thời gian sau đó, một tổ công tác được cử lên Công an tỉnh Tuyên Quang, trao đổi thông tin. Tổ công tác đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Công an tỉnh bạn, trong việc truy tìm…4 giờ sáng ngày 3/5, ngay khi nhận được thông tin, một tổ công tác đã lập tức lên đường. Và từ đây, vụ việc đã được làm rõ.

Sau khi tìm hiểu thông tin xung quanh, các trinh sát đã có mặt tại nhà Hùng. Khi biết đoàn công tác nói chuyện về đứa trẻ bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề, vợ của Hùng bật khóc nức nở. Đó là những ngày mà cả nước đang phải chịu những đợt nóng, nắng gay gắt trong lịch sử.

Nhìn mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo của các trinh sát, vợ Hùng luống cuống một lúc lâu, mới chạy vào trong nhà lấy ra được một chiếc quạt treo tường để bật lên cho khách.

Thì ra, cả nhà Hùng chỉ có mỗi một chiếc quạt. Chỉ những lúc ngủ, vợ chồng họ mới dám bật quạt. Hùng thừa nhận là người đã mang cháu Hạnh đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.

“Nguyên nhân vì sao, Hùng lại quyết định cho đi đứa con dứt ruột sinh ra?’, trước câu hỏi của chúng tôi, Hùng rơm rớm nước mắt, kể lại: Đầu năm 2012, vợ chồng Hùng được Nhà nước ưu tiên cho vay theo chế độ của hộ nghèo 15 triệu đồng và được Ngân hàng Nhà nước cho vay thêm 40 triệu đồng.

Cầm số tiền trên, Hùng vừa mừng, vừa lo, Hùng chẳng dám tiêu vào một đồng vì biết đó là tiền của Nhà nước, tiêu vào là hụt. Vì thế, sau khi bàn đi tính lại, vợ chồng Hùng quyết định mua hơn chục con lợn, 5 con trâu và nghé về chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Lúc này, Hùng đã nghĩ đến chuyện cho cháu Hạnh đi làm con nuôi. Giải thích về lý do này, Hùng nói như khóc: Hai năm trở lại đây, cháu Hạnh mới biết đi nhưng thường xuyên bị vấp ngã. Hạnh không biết nhận thức gì nên vớ được cái gì cũng ăn.

Chiếc tủ của nhà cũng bị Hạnh cắn nát để ăn…vì thế, lúc nào cũng có một người luôn phải chăm sóc Hạnh. Trong lúc chưa biết thế nào thì Hùng tình cờ đọc được thông tin trên mạng Internet (hôm đó, Hùng sang nhà cậu ruột chơi, tình cờ đọc được) và biết thông tin về chùa Bồ Đề, có nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hùng quyết định nói với vợ về ý định của mình. Vì thương con, vợ Hùng cũng tần ngần: Gửi đi thì thương con, ở nhà chùa có đông trẻ, chẳng biết con của mình có được chăm sóc chu đáo.

Rồi các bạn bè cùng trang lứa, thấy nó như vậy có chơi cùng không. Rồi Hùng hỏi người chú ruột và nhờ người này viết hộ cho một lá thư với nội dung nhờ các sư thầy ở chùa Bồ Đề, chăm sóc hộ con của Hùng..

Đêm 5/3, Hùng quyết định đưa con gái về chùa Bồ Đề. Từ lúc tắm và thay quần áo cho bé Hạnh, vợ Hùng đã khóc sụt sùi vì thương con. Khi ấy, Hùng phải thuyết phục vợ, vì tương lai của hai vợ chồng và cũng vì muốn sinh đứa con gái thứ hai…

Tối hôm đó, vợ Hùng tiễn đưa con và chồng ra tận bến xe. 4 giờ sáng ngày 6/3, hai bố con Hùng về đến Bến xe Mỹ Đình rồi bắt xe về chùa Bồ Đề. Sau khi được sư thầy giải thích về việc nhận con nuôi, Hùng vô cùng lo lắng:

Nếu theo quy định của nhà chùa, Hùng phải về xin giấy, phải đi lại. Trong túi của Hùng chỉ có 500 nghìn đồng. Nếu quay đi quay lại thì lấy tiền ở đâu ra…Tiền vay được là tiền của Nhà nước. Vậy là Hùng quyết định bỏ lại cháu Hạnh ở cửa chùa rồi bỏ đi.

Trên chuyến xe trở về Tuyên Quang, trong đầu Hùng vẫn luẩn quẩn ý nghĩ không biết con của mình sẽ như thế nào?. Nhưng rồi Hùng lại yên tâm vì biết chùa Bồ Đề vẫn nổi tiếng là ngôi chùa từ bi, hỉ xả…

Thời gian sau này, khi các phương tiện thông tin đại chúng thông báo về hoàn cảnh của cháu Hạnh, Hùng vẫn chẳng biết thông tin gì, cho đến khi cơ quan Công an tìm tới. Vậy nguyện vọng của Hùng bây giờ là gì?

“Em vẫn muốn nhà chùa nuôi cháu ít năm, vợ chồng em tranh thủ làm việc, sinh thêm cháu bé rồi đón cháu Hạnh về nhà”, trước khi chia tay tôi, Hùng giãi bày.

Cháu Hạnh có bị xâm hại hay không, vụ việc hiện đang được Công an quận Long Biên đang tiếp tục điều tra, làm rõ. Rời trụ sở Công an quận Long Biên, trong lòng tôi dâng lên nỗi buồn man mác. Vì nghèo mà Hùng buộc phải bỏ con có đáng không?

  • PV
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc