Nghị lực phi thường của cậu học trò xương thủy tinh

06:07, Thứ bảy 27/10/2012

( PHUNUTODAY ) - “Từ khi đi học, Tín vui hơn hẳn. Chúng tôi cũng không thể ngờ Tín lại có thể học tốt đến thế. Năm nào Tín cũng là học sinh giỏi của trường... Chỉ cần còn có sức, chúng tôi sẽ làm tất cả để cho Tín đi học!”.

16 năm kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, cũng là ngần ấy năm cậu bé Nguyễn Trọng Tín không thể tự bước đi. Cậu thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau buốt từ các khớp xương kéo dài hết ngày này sang ngày khác. Căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh quái ác đã cướp đi những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên cùng chúng bạn và có lúc đã lấy đi của cậu và gia đình biết bao mơ ước và niềm hy vọng…
[links()]
Tuổi thơ là ô cửa sổ…

Tôi ghé thăm gia đình Tín. Đó là một căn nhà nhỏ rộng chưa đầy 15 m2 ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Tín nằm đó thiêm thiếp, trên tay cầm mấy quyển sách giáo khoa, mặc dù bây giờ đã là kỳ nghỉ hè.

Nhưng vừa rồi, trong một lần không may, Tín lại bị gãy chân một lần nữa, phải bó bột. Và lần này cũng như nhiều lần trước, các bác sĩ cho biết Tín phải nằm nhà ba tháng mới có thể đi lại được vì hai chân khá yếu, chỉ một vận động mạnh cũng có thể tàn tật suốt đời.

Mẹ của Tín, bà Võ Thị Thìn (45 tuổi) rưng rưng nước mắt, giọng nghèn nghẹn kể lại với chúng tôi rằng từ khi lọt lòng mẹ đến nay đã hơn 20 lần đôi chân của Tín bị gãy. Sau mỗi lần gãy, đôi chân nhỏ bé của Tín càng teo tóp lại, không thể tự đi đứng được.

Tín phải nhờ tới đôi vai, đôi chân của bố mẹ để đi lại, sinh hoạt và đến trường. Tiền bạc vợ chồng bà dành dụm bao năm đều dùng trị bệnh cho con. Song tiền hết mà bệnh tật vẫn cứ đeo bám. Cả nhà chỉ trông vào mảnh ruộng khoán nên để có tiền chữa trị cho con, ngoài những lúc nông vụ, cả hai vợ chồng bà đều phải đi làm thuê làm mướn.

Oái oăm thay, cứ mỗi lần gom góp, để dành được một khoản tiền thì y như rằng lúc đó Tín lại bị tai nạn. Thế là số tiền dành dụm lại “bay vèo” theo những lần xuống bệnh viện và đơn thuốc đắt đỏ.

Tín và những tấm giấy khen.
Tín và những tấm giấy khen.

Bà Thìn nghẹn ngào gạt nước mắt: “Vợ chồng tui chỉ mong sao có tiền để chữa lành đôi chân của con, để nó được đi lại như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cuộc sống gia đình chỉ trông vào 2 sào lúa, cha nó đi làm phụ hồ ngày được vài chục ngàn lấy đâu ra dư dả.

Còn tui thì sức khỏe cũng không có nên thi thoảng mới đi làm mướn, hay đi nhặt ve chai ở quanh đây bán lấy ít tiền. Chẳng dám đi đâu xa vì nhỡ đâu con có chuyện gì thì...”.

Đây là lần gãy chân thứ 20 của Tín từ khi được sinh ra. Tháng trước, Tín ngã gãy xương đùi phải được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam bó bột hơn nửa tháng. Vừa tháo băng ra, đúng một tuần sau, một lần nữa cậu phải trở lại bệnh viện nhưng lần này với chiếc đùi trái gãy.

Nghe tin con gặp nạn, bà Thìn đang đi đốn keo thuê lại tất tả chạy về nhà mà lòng rối bời. Cũng may, lần này có người hàng xóm chạy tới giúp đỡ nên mới đưa Tín đến được bệnh viện kịp thời, nếu không bà Thìn cũng chẳng biết phải làm sao.

Chẳng ai có thể tưởng tượng cậu con trai kháu khỉnh mang đến niềm vui vô bờ cho hai bên nội ngoại bây giờ đang đau đớn với căn bệnh xương thủy tinh.

Sinh ra khỏe mạnh cho đến năm 2 tuổi, trong một lần trượt chân ngã, Tín bị gãy chân và phải bó bột. Gia đình tưởng con trai hiếu kỳ, nghịch ngợm nên không chú ý. Nhưng rồi nhiều lần sau đó, dù có va chạm nhẹ hay mạnh, cậu cũng bị gẫy xương và phải vào bệnh viện.

Mỗi năm Tín vào bệnh viện một lần, có khi hai lần vì gãy xương. Vợ chồng ông bà Thìn không biết nguyên nhân vì sao, liền đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng kiểm tra tổng quát. Khi đó, gia đình mới biết đứa con trai duy nhất của mình bị bệnh xương thủy tinh.

Nhưng ông bà vẫn chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, chỉ đến khi các bác sỹ cho biết, 2 vợ chồng mới lặng người đi vì nỗi buồn, nỗi đau quá lớn ấy. Rồi từ đó trở đi, sáng nào bà cũng phải thức dậy từ 4 giờ sáng, tranh thủ làm việc nhà, rồi tất tả đưa con đi học. Sau đó, bà đi nhặt nhạnh ve chai kiếm thêm chút đỉnh lo chuyện học, thuốc men cho con.

Hai mẹ con Tín
Hai mẹ con Tín

Mỗi lần thay đổi thời tiết, toàn thân Tín đau nhức, khó chịu, kêu gào thảm thiết. Vợ chồng bà chẳng biết làm gì để vợi đi nỗi đau của con, chỉ biết ôm con vào lòng vuốt ve, xoa bóp chân tay con để rồi khi mệt quá Tín ngủ thiếp đi. Đến lúc đó ông bà mới dám ôm nhau khóc.

Gom góp, vay mượn họ hàng, người thân, hai vợ chồng bà Thìn mới mua được chiếc xe lăn cho Tín. Lúc đầu, các bác sĩ nói xương của Tín bị giòn dễ gãy, cả đời cũng không chữa được, vợ chồng bà chết lặng đi.

Nhưng rồi các bác sỹ cũng cho biết có nhiều trường hợp bị xương thủy tinh như Tín vẫn sống, gia đình bà lại thắp lên niềm hy vọng. Thế nên dù gia đình ngày càng khánh kiệt nhưng ông bà vẫn cố gắng gánh gồng, kiếm tiền chữa bệnh cho con.

Cứ thế, tuổi thơ của cậu bé mắc căn bệnh hiểm nghèo chỉ là những vuông cửa sổ, nơi mỗi lần bị nạn cậu chỉ biết nằm trên giường, hướng ánh mắt ra ngoài và lắng nghe âm thanh tươi vui của cuộc sống ồn ã bên ngoài.

Những lần như thế, lòng người mẹ quặn thắt. Ông bà thương con, hạ thêm phần vuông cửa sổ để Tín có thể nhìn thấy bên ngoài dễ dàng hơn, thấy được đám bạn bè, thấy được người qua lại trên lối nhỏ bên hông nhà.

Ước mơ cắp sách đến trường

Năm lên 6 tuổi, Tín đòi đi học. Thấy con ao ước được cùng bạn bè đến trường, vợ chồng bà Thìn cầm lòng không đặng, mỗi ngày thay nhau cõng con tới trường bất kể nắng mưa, gió bão.

Hồi đó, con đường đất đầy rẫy ổ voi ổ gà nên ngay cả người lớn đi lại còn ngã lên ngã xuống, nhưng thương con, hai vợ chồng cắn răng chịu đựng mọi nỗi vất vả, cõng con đến trường suốt 9 năm qua. Không phụ công ơn cha mẹ và nỗ lực vượt lên bệnh tật, Tín liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt thời gian qua.

Khuôn mặt bà Thìn chợt rạng rỡ khi kể về những thành tích học tập của Tín: “Từ khi đi học, Tín vui hơn hẳn. Chúng tôi cũng không thể ngờ Tín lại có thể học tốt đến thế. Năm nào Tín cũng là học sinh giỏi của trường.

Đó cũng là niềm an ủi rất lớn cho vợ chồng tôi. Chỉ cần còn có sức, chúng tôi sẽ làm tất cả để cho Tín đi học!”. Vì căn bệnh xương thủy tinh nên Tín chỉ dám ngồi trong lớp nhìn các bạn chạy nhảy, nô đùa ngoài sân.

Nhiều bạn cũng không dám chơi với cậu vì không hiểu Tín bị bệnh gì hay sợ va chạm nhẹ làm Tín bị gãy xương. Dần dần, cậu bé cảm thấy mình cô độc nên niềm vui của Tín dành hết vào trang sách, cuốn truyện. Mỗi giờ ra chơi, cậu lại trải mình trên những bức tranh vẽ sự nô đùa, chạy nhảy của các bạn... và ao ước.

Thầy Võ Minh Phú, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Phú Ninh, bày tỏ: “Từ khi sinh ra, Tín đã mắc chứng bệnh xương thủy tinh, đụng đâu gãy đó, đến học ở cấp THCS mà chân em vẫn còn bó bột. Nhưng với nghị lực vươn lên, Tín học rất giỏi.

Tôi luôn khuyên các thầy cô giáo cùng các em học sinh trong trường phải dành tình yêu thương, giúp đỡ cho Tín nhiều hơn, đừng thấy Tín như vậy mà xa lánh sẽ làm em tủi thân. Hằng năm nhà trường luôn giúp đỡ Tín về mọi mặt để động viên em trong học tập”.

Thầy Phú kể lại, trong một lần ra ngoài đi vệ sinh, Tín bị trượt chân té ngã, gãy chân. Tín chỉ biết ôm chiếc chân gãy, khuôn mặt tím ngắt vì đau đớn, thều thào nói với thầy cô: “Em có còn đi học được nữa không thầy ơi!”.

Khi nghe Tín nói như thế, các thầy cô giáo có mặt tại phòng y tế của trường không ai cầm được nước mắt. Thầy hiệu trưởng phải đến bên giường, vỗ về an ủi Tín rằng cứ chịu khó nằm dưỡng bệnh, hết đau lại đến lớp, đến trường. Lúc ấy Tín mới cười rồi ngất đi vì quá đau…

Kể lại câu chuyện hôm Tín cố gắng đi ra hành lang rồi trượt té gãy đùi chân trái, thầy Võ Minh Phú ứa nước mắt: “Trong suốt cuộc đời 23 năm dạy học ở đây, tôi chưa từng biết hoàn cảnh học sinh nào vừa hiếu học vừa đáng thương như Tín. Đau đớn như thế mà em chỉ sợ không đi học được…”.

Mười sáu tuổi, hỏi mãi Tín về ước mơ, cậu vẫn mím môi không nói. Rồi cậu bé “xương thủy tinh” hỏi lại: “Liệu em có đi học được như các bạn em không?”. Nghe Tín hỏi, bà Thìn ngồi bên cạnh chỉ im lặng, tay vuốt vuốt chân con trai. Mãi một hồi sau, cậu mới nói, giọng nghẹn ngào:

“Nhưng mà nhà em nghèo quá, biết lấy tiền đâu để chữa trị cho em đây? Nghĩ đến các bạn được vui vẻ đến trường, nhiều lần em bật khóc. Có đêm tỉnh dậy thấy mẹ thức trắng, gương mặt đầy lo âu phiền muộn, em lại cố gắng giấu cơn đau đi. Chỉ mong sau này em sẽ học được một nghề nào đó, để có thể phụ giúp mẹ. Mẹ đã khổ vì em quá nhiều rồi”.

Gia đình quá khó khăn nhưng cha mẹ luôn cố gắng kiếm tiền chữa bệnh cho con. Tín chỉ biết đền ơn cha mẹ bằng cách học thật giỏi, bằng những tấm giấy khen.

Khi chia tay, Tín níu tay tôi nói: “Em mong những người bị mắc bệnh xương thủy tinh như em sẽ có cơ hội được gặp gỡ để chia sẻ những kiến thức về bệnh, cách chữa trị, cách tự chăm sóc để không còn cô độc trong cuộc sống này”.

Nghị lực của chàng trai trẻ vượt lên trên căn bệnh hiểm nghèo khiến chúng tôi đầy cảm phục. Những hi vọng đang được nhen nhóm lên nơi đôi chân dù không lành lặn, nhưng bằng trái tim dũng cảm, sự kiên cường, Tín và những người bạn đồng cảnh ngộ đang nỗ lực không ngừng để chiến thắng số phận.

  • An Linh - Bùi Cường
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc