Ngô Tiến Dũng, kẻ “đội lốt người chết” tung hoành một thời

15:04, Thứ bảy 05/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Hồ sơ tội phạm của Ngô Tiến Dũng (tức Dũng “kiều”) cho thấy cuộc đời hắn chìm nổi với nhiều thăng trầm, bước ngoặt kịch tính. #160;

(Phunutoday) - Hồ sơ tội phạm của Ngô Tiến Dũng (tức Dũng “kiều”) cho thấy cuộc đời hắn chìm nổi với nhiều thăng trầm, bước ngoặt kịch tính. Hắn biến hóa đủ đường, đội lốt người chết, tung hoành qua nhiều nước, lấy nhiều vợ, kiếm nhiều tiền từ những hành vi phạm tội... nhưng cuối cùng lại tự đưa mình vào rọ một cách ngớ ngẩn.

Dù xuất thân từ một gia đình công chức với “quan lộ” ngời ngời phía trước, nhưng cuộc đời Dũng đã rẽ vào ngả tối khi từ một tên trộm cắp vặt, hắn “lấy số” bằng hành vi giết người rồi sau đó bước lên ngôi vị của một ông trùm tầm cỡ quốc tế với những thủ đoạn của một kẻ “có cái đầu thông minh” và “cái gan táo tợn”. Vào đợt đặc xá tha tù dịp 2/9 vừa rồi, Dũng có tên trong danh sách những phạm nhân được trả tự do sớm của Trại giam Thanh Xuân.

Ngã rẽ 

Lần giở lại những trang hồ sơ phạm tội của Ngô Tiến Dũng (SN 12/1/1961, tức Dũng “kiều”) người ta mới ngã ngửa trước những trò “phù phép” siêu đẳng của hắn. Sinh ra tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, cuộc đời Dũng “kiều” bắt đầu khá suôn sẻ, khi hắn có một “bệ phóng” vững chắc vì bố mẹ đều là công chức Nhà nước, họ hàng cũng nhiều người “làm quan”, gia đình thuộc hàng khá giả. Dũng được gia đình quan tâm, chiều chuộng hết mực. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm và chuẩn bị trở thành thầy giáo, Dũng “kiều” đã đưa cuộc đời mình rẽ sang một hướng tối tăm, dần trở thành một tên tội phạm khét tiếng.
Dũng Kều áo trắng
Dũng kều áo trắng

Năm 1979, trong thời gian nghỉ hè, Dũng “kiều” về quê mẹ ở Thái Nguyên giở trò trộm cắp và bị bắt. Nhưng được gia đình xin tha, bản thân hắn lại là sinh viên nên thoát khỏi vòng lao lý. Sau lần đó, Dũng “kiều” dạt về Nghĩa Bình, Quy Nhơn, quê cha, tiếp tục theo học trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn.

 Tuy nhiên, ngựa quen đường cũ, chẳng mấy chốc hắn phạm tội trở lại. Thời gian theo học ở trường Sư phạm Quy Nhơn, Dũng “kiều” đã mạo danh sĩ quan công an để lừa đảo. Cũng năm đó, hắn được phân về giảng dạy ở một trường PTCS ở Quy Nhơn. Tuy nhiên, chưa kịp đứng trên bục giảng thì hắn lại bị bắt vì tội trộm cắp tài sản.

Sau lần đó, Dũng dạt ra Hà Nội định làm lại từ đầu. Nhưng bản tính lưu manh cố hữu đã đưa đẩy Dũng “kiều” về Hải Phòng, rơi vào vòng xoáy cờ bạc, trộm cắp. Và rồi đất Cảng cũng không giữ chân Dũng “kiều” được lâu, hắn tiếp tục lần về Bình Định, Đà Nẵng và bị TAND TP. Đà Nẵng xử phạt 4 năm tù về tội trộm cắp.

Sau hai năm chấp hành án, đến năm 1987, Công an Thái Nguyên bắt tạm giam Dũng “kiều” 4 tháng về tội trộm cắp tài sản, để y ở chung buồng với 12 can phạm khác. Dù xuất thân là một chàng sinh viên nhưng Dũng “kiều” đã nhanh chóng thể hiện “đẳng cấp dân anh chị” khi mà chỉ sau thời gian ngắn, hắn đã trở thành “đại bàng” trong buồng giam với biệt danh Dũng “to”.

Ở cùng buồng giam với Dũng “to” có phạm nhân Hạc Văn Trọng (khi đó 24 tuổi, quê Thái Nguyên). Trọng dính án vì tội trộm trâu. Nhà Trọng nghèo đến độ ở nhà còn không có cái mà ăn nên hắn cũng không được gia đình tiếp tế, luôn phải thòm thèm nhìn bạn tù trong những bữa cơm. Hôm đó, sau một thời gian dài không được gia đình thăm nuôi, Trọng thèm ăn đến độ nhìn Dũng “to” ăn thịt mà anh ta phải lén nuốt nước miếng.

 Thế rồi không cầm lòng được, Trọng đã ăn trộm một miếng thịt kho của Dũng “to” và không may bị hắn phát hiện. Dũng “to” tức giận hô “đàn em” xông vào đánh Trọng đến chết khi mà miếng thịt lợn kho còn chưa kịp nuốt trôi qua cuống họng người xấu số. Khi khám nghiệm tử thi, công an phát hiện miếng thịt mỡ còn nằm nguyên ở cổ họng nạn nhân. Sự việc trên xảy ra vào ngày mùng 3 Tết Mậu Thìn năm 1988. Phạm trọng tội như vậy, song Dũng “to” đột nhiên “đổ bệnh” và được thả ra ngoài một cách khó hiểu để chữa bệnh. Rồi Dũng đột nhiên “mất tích” sau đó.
c
 

Lần giở lại hồ sơ của tên tội phạm này mới hay, sau đó, Ngô Tiến Dũng cùng mẹ đẻ, vợ, con và em gái trốn khỏi Việt Nam, theo đường bộ sang Trung Quốc và tới Hồng Kông để tị nạn. Năm 1991, Ngô Tiến Dũng cùng gia đình sang Philippines ở tại trại tị nạn. Tại đây, Ngô Tiến Dũng đã đổi tên là Lai Thành Hữu, một người Việt gốc Hoa sinh ngày 21/11/1970 ở Sài Gòn, với mục đích giả mạo lai lịch để trốn tránh việc đã phạm tội ở Việt Nam.

Đến giữa năm 1992, Ngô Tiến Dũng cùng vợ, con được Chính phủ Canada chấp thuận cho cư trú ở Canada theo diện nhân đạo. Từ đó, Dũng sống dưới lốt Lai Thành Hữu. Tuy nhiên, khi phạm tội ở Canada, Dũng “kiều” lại đội lốt một người khác, rồi trở về Việt Nam dưới mác một Việt kiều giàu có. 

Về Việt Nam dưới cái mác Việt kiều, Dũng nổi như cồn vì mớ tài sản kếch sù của hắn và sau 17 năm thì không còn ai nhớ đến Dũng “to” thuở nào nữa. Vậy là Dũng “kiều” ngang nhiên tung hoành. Hắn mua căn nhà số 141 phố Bà triệu, Hà Nội, có diện tích xây dựng lên tới 1.050m2, trị giá lúc bấy giờ là hơn 30 tỷ đồng. Rồi người ta còn đồn đại hắn có một biệt thự trị giá khoảng 3 triệu USD tại TP.HCM, một biệt thự cực to khác ở Hải Phòng,... Cũng có người thấy lạ khi Dũng “kiều” mang quốc tịch Canada, có cái tên Lai Thành Hữu, người gốc Hoa nhưng lại toàn nói tiếng Việt và rất sành phong tục tập quán Việt Nam. Tuyệt nhiên, không ai ngờ được quá khứ “kinh hoàng” của kẻ lắm tiền nhiều của này.

Một trong những niềm đam mê của Dũng lúc bấy giờ là xài xe sang và chơi bạc ở Hải Phòng. Hắn nhẵn mặt ở Casino Đồ Sơn rồi dần kết bạn với những trùm cờ bạc khét tiếng đất Cảng lúc bấy giờ. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Hà, tức Hà “dừa”. Sau thời gian bắt thân, giữa Dũng “kiều” và Hà “dừa” bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn do tranh giành vị trí độc tôn. Và chỉ vì mâu thuẫn với Hà “dừa”, Dũng “kiều” đã sai đàn em mang đơn đến Cục Cảnh sát điều tra, những mong khi công an triệt Hà “dừa” thì ngôi trùm cờ bạc đất Cảng sẽ về tay Dũng.

Nhưng tên đàn em nhút nhát không dám thực thi mệnh lệnh của đại ca, đã khiến Dũng “kiều” phải đích thân ra tay. Hắn nào ngờ mọi di biến động của hắn và cô vợ gốc Hoa từ lâu đã bị cảnh sát đưa vào tầm ngắm. Và cuối cùng tự hắn đã chui đầu vào rọ khi tự mình mang đơn đến cơ quan công an.


Tháng 2/2004, Văn phòng Interpol Việt Nam (VPI) nhận được công văn của Cảnh sát Hoàng gia Canada yêu cầu giúp họ truy tìm một đối tượng bị truy nã đỏ vì phạm tội nghiêm trọng có tên Ngo Tien Dung hay Ngo Dung Tien. Phía Canada thông báo nhân vật bí ẩn này, sau được xác định là Ngô Tiến Dũng, sinh ngày 21/1/1961, đã sử dụng hộ chiếu giả vào Việt Nam.

Trước đó, Dũng đã bị cảnh sát Canada bắt vì liên quan đến hoạt động buôn bán cocain và rửa tiền, bị tuyên án 8 năm tù giam. Sau đó, Dũng kháng cáo và nộp tiền tại ngoại, được hưởng án treo, cấm không được đi khỏi nơi cư trú. Nhưng trong thời gian này, Dũng đã bỏ trốn về Việt Nam.

Sau một thời gian, cơ quan điều tra thấy nổi lên một Việt kiều thuộc diện nghi vấn có tên Lai Thành Hữu. Đây là nhân vật thuộc hàng lắm tiền nhiều của, thường xuyên cờ bạc và hàng năm vẫn hay đi về giữa Việt Nam và Canada cả chục lần. Trong khi VPI đang tập trung theo dõi gã Việt kiều đáng nghi này thì anh ta lại chủ động liên lạc với công an. Lai Thành Hữu có mâu thuẫn trong làm ăn với Nguyễn Thị Hà, tức Hà “dừa” (một nữ quái đất Cảng) và y đã làm đơn gửi đến tận Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, nhằm “mượn tay” công an triệt đối thủ.

Tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, Hữu được mời nước, được yêu cầu viết đơn tố giác tội phạm và ký tên. Anh ta ngây thơ không biết rằng, chính những dấu vết nhận dạng để lại trên cốc nước, cùng chữ ký trên tờ đơn là các bằng chứng khẳng định Lai Thành Hữu chính là Ngô Tiến Dũng (tức Dũng “kiều”), kẻ đang bị Cảnh sát Hoàng Gia Canada truy nã đỏ.

Điều đặc biệt hơn nữa là trước khi sang Canada gây án, Dũng từng là tên tội phạm trốn thoát khỏi Việt Nam 17 năm trước. Khi nghe cơ quan công an đọc lệnh truy nã, Dũng ngã ngửa, mặt tái mét, nhưng vẫn cố vớt vát: “Các anh làm gì đấy? Tôi đi tố giác tội phạm, sao lại bắt tôi? Các anh phải đi bắt Hà “dừa” chứ...”.

Theo tài liệu từ cơ quan điều tra, sau khi trở về Việt Nam, Ngô Tiến Dũng không ra đầu thú mà tiếp tục phạm tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet. Ngô Tiến Dũng đã móc nối với Công ty "Singgebet 3" Hồng Kông và tên A Tắc ở Campuchia lấy mạng cá độ bóng đá có ký hiệu "789", "818", "1888" rồi tổ chức cho Nguyễn Ngọc Quang và đồng bọn cá độ bóng đá với các đối tượng ở nước ngoài.

Từ khoảng tháng 10/2004 đến tháng 3/2005, Ngô Tiến Dũng về Việt Nam cùng cô vợ người gốc Hoa ở Hải Phòng. Tại đây Dũng “kiều” đã tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với công ty cá cược "Singgebet 3" .

Theo bảng thống kê thu được tại nơi ở của Ngô Tiến Dũng, tổng số tiền cá độ bóng đá của Ngô Tiến Dũng và đồng bọn qua mạng "789" đã lên đến 10.326.856 USD, tương đương với 163.732.301.880 đồng.

Đến năm 2008, Dũng “kiều” bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử tội “Đánh bạc”. Tại tòa, Dũng “kiều” khai nhận mình có 3 vợ, 5 con. Bị cáo có hai con trai với người vợ đầu đã ly dị năm 2000. Người vợ thứ hai mang quốc tịch Hồng Kông và Canada cũng có hai con với bị cáo. Người vợ thứ ba của Dũng “kiều” mang quốc tịch Canada, đã sinh cho hắn một đứa con. Ngoài ra, Dũng “kiều” có đăng ký kết hôn chính thức với một người vợ mang quốc tịch Hồng Kông và Canada.

 Trong phiên xử Dũng “kiều”, người ta thấy bóng dáng nhiều người đẹp, Á, Âu đủ cả, tất cả những người phụ nữ đó đều hướng ánh mắt đầy lo lắng về phía HĐXX khi nghe Tòa tuyên án “người chồng chung” của họ. Trong giờ nghị án ít ỏi, Dũng “kiều” lúc quay ra trao đổi bằng tiếng Pháp với người vợ tóc vàng, cao lớn, khi lại ríu rít tiếng Trung với mấy đứa nhỏ cả trai, cả gái.

Màn tranh thủ tình cảm của cánh phụ nữ bám quanh Dũng “kiều” còn kéo dài cho tới tận sau khi Tòa tuyên án, bị cáo bị đưa ra xe thùng. Giữa đám người thân đang vây quay Dũng “kiều” khi đó, người ta thấy ông bố của bà vợ đã luống tuổi bực tức gạt một cô vợ trẻ xinh đẹp của Dũng ra khỏi vòng tay con rể. Trong khi đó, một bà vợ khác ôm chầm lấy Dũng, kéo lần lượt từng đứa con ra ôm hôn, chào bố. Còn Dũng thì cúi xuống, âu yếm, hôn hít từng đứa con, khi bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Trung.

Sau nhiều phiên hoãn xử, ngày 25/2/2008, Dũng “kiều” đã phải nhận mức án 15 năm tù giam. Dũng “kiều” được đưa về cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân. Trong đợt xét đặc xá dịp 2/9 vừa rồi, Dũng “kiều” cũng có tên trong danh sách những phạm nhân được hưởng đặc xá. Khi tôi hỏi về phạm nhân này, một cán bộ trại giam cho hay, anh ta sức khỏe không được tốt và được tha tù trước thời hạn.

Tường Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc