Mẹ Thành Long sinh ông trong một đêm tháng 4 năm 1954. Đêm vượt cạn đó, mẹ con ông đã hai lần làm cả bệnh viện phải chấn động, xôn xao. Một điều trùng hợp thú vị là cả hai lần đó đều gắn liền với con số 12.
Đầu tiên là ca khó đẻ của sản phụ Trần Lị Lị, mà do thời đó chưa có các hình thức khám thai, siêu âm như bây giờ, nên các bác sĩ và hộ lý phải hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm để chẩn đoán.
Kết quả chẩn đoán khiến cả bệnh viện được một phen kinh khiếp: cái thai trong bụng bà Trần Lị Lị đã được 12 tháng, và vẫn chưa chịu ra đời! Các bác sĩ lập tức quyết định phải can thiệp ngay bằng phẫu thuật. Những giờ phút chờ đợi phẫu thuật thật căng thẳng, hồi hộp không chỉ với gia đình sản phụ mà còn với toàn thể ca trực và những bệnh nhân, người nhà có mặt tại bệnh viện đêm đó. Cuối cùng, sau hàng giờ chờ đợi, cậu bé Trần Cảng Sinh tức Thành Long sau này đã chịu ra đời.
Và vừa ra đời, cậu đã kịp tặng cả bệnh viện một bất ngờ vô cùng thú vị: như những em bé sơ sinh khác, ngay sau khi chào đời cậu được đặt lên bàn cân, và cây kim trên bàn cân vọt lên tới tận con số 12! Do Hồng Kông dùng các chỉ số đo lường của Anh, con số 12 ở đây là chỉ 12 cân Anh, tương đương với gần 6 ki lô gam.
Vào những năm 50, một cậu bé sinh ra trong một gia đình Trung Quốc nghèo khó và di cư, nặng tới 6 ki lô gam, quả thực là một kỳ tích. Có thể nói rằng sự chào đời với hai con số 12 thú vị này là kỳ tích đầu tiên báo hiệu vô số những kỳ tích mà cậu bé Thành Long sẽ tạo ra trong cuộc đời đầy sôi động và danh tiếng như cồn của mình.
Tuổi học trò có một không hai: Học tới học lui, học lực cao nhất vẫn là lớp 1!
Thành Long ngày nay được biết đến không chỉ như một diễn viên xuất sắc nhất của mọi thời đại mà còn là một người hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, một trong số ít những diễn viên châu Á có thể chinh phục cả Hollywood bằng kiến thức, tài năng và sự dí dỏm đầy thông minh, thậm chí anh còn được tôn vinh như một sứ giả hòa bình đầy thiện chí giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây vốn chứa đựng nhiều điều trái ngược.
Tất cả những người đã có cơ hội tiếp xúc, làm việc với Thành Long, dù yêu hay ghét anh, đều phải công nhận sự hiểu biết của anh. Nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng, những hiểu biết ấy anh hoàn toàn không được thu nhận từ trường lớp chính thống như những người bình thường khác, bởi một lẽ rất đơn giản, học lực cao nhất của anh vĩnh viễn dừng lại ở lớp 1!
Lên sáu tuổi, cậu bé Thành Long cũng như mọi bạn bè cùng trang lứa, cắp sách tới trường tại Hồng Kông, bắt đầu cuộc đời học trò lớp 1 của mình. Nhưng cậu bé Thành Long hiếu động học thì ít mà bày trò nghịch ngợm thì nhiều, nào là trèo cây, leo tường, đánh lộn... cả trường không ai bì được với cậu trong mấy trò "nhất quỷ nhì ma" này.
Không những thế, cậu còn rất gan lỳ, có thể nói là "gan to bằng trời", nên những lời phê bình của thầy cô giáo đối với cậu cứ như nước đổ đầu vịt. Ngày bình thường, do bản tính thông minh nên bài tập về nhà cậu cũng làm tàm tạm, được thầy giáo chiếu cố cho qua, nhưng đến kỳ thi cuối năm, thói quen "học ít chơi nhiều" đã hoàn toàn bị bại lộ ra trong bài thi, hai môn liền cậu không đủ điểm trung bình, và kết quả là năm học đó Thành Long bị đúp lớp 1.
Ngôi sao võ thuật Thành Long |
Rồi cũng chính năm đó (1960), bố mẹ Thành Long do miếng cơm manh áo mà nhập cư vào Canberra, Úc làm việc trong nhà bếp của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Thành Long lại theo cha mẹ di cư sang Úc. Ngay sau khi đến Úc, cha mẹ Thành Long đã gửi cậu vào tập luyện trong Học viện Hý kịch Trung Quốc do Sư phụ Vu Chiếm Nguyên điều hành, với mục đích là đưa cậu bé "bất trị" vào nề nếp.
Họ hy vọng rằng những bài tập khắc nghiệt, kỷ luật nghiêm ngặt và những bài học về đạo lý làm người của học viện có thể làm cho con trai họ bớt hiếu động, và sau đó cậu lại có thể trở lại trường học như những trẻ em bình thường khác.
Thế nhưng họ chỉ đúng có một nửa: đúng là không khí của Học viện đã đưa được cậu bé Thành Long vào khuôn khổ, nhưng mà sau một thời gian học tập tại đây, Thành Long bỗng dưng nhất quyết không chịu trở lại trường học bình thường nữa.
Tuổi thơ ấu của Thành Long từ đó gắn liền với Học viện Ký kịch, với những bài tập võ thuật đầy nguy hiểm nhưng cũng hết sức say mê. Tại đây, cậu đã tìm thấy đam mê lớn của cuộc đời, và trở thành một thành viên của nhóm Thất tiểu phúc gồm những học sinh xuất sắc nhất của trường được chọn lựa để đi đóng phim, và qua những nỗ lực không ngừng, trở thành một ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, truyền hình như chúng ta đều biết.
Nói về tuổi học trò của mình, Thành Long hết sức thành thật "khai nhận" rằng "học tới học lui vẫn chưa qua lớp 1", rằng anh đã phải tự học rất khó khăn khi mà vì không được đến trường nên ban đầu "tiếng Trung đọc không hiểu, ABC cũng không biết nốt". Trải qua thời ấu thơ như vậy phải chăng chính là động lực khiến Thành Long ngày nay rất nhiệt tình trong việc tài trợ cho các trường học, các quỹ giáo dục của Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới?