Sinh ra trong gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ sống chung với người đàn ông khác, tuổi thơ của chị không bình lặng như bao đứa trẻ cùng tuổi. Rồi khi lấy chồng, chị được ông xã hết mực yêu thương nhưng anh lại nghèo, nên hai vợ chồng lam lũ từ khi chung sống. Và cái nghề bắt gián mưu sinh như một cơ duyên với chị trong 15 năm qua.
[links()]
Giá bán mỗi con gián là 100 đồng. Mỗi ngày chị thu nhập cũng được khoàng từ 70.000 đến 150.000 đồng, tùy thuộc vào đơn đặt hàng của khách.
Khách hàng của chị là những người đi câu và những đại gia đam mê thú chơi cá. Bởi cá rất thích ăn gián, nhất là nhưng con cá to, nên những người đi câu, muốn câu được những con cá to thì phải dùng gián để làm mồi...
Nổi tiếng nhờ nghề bắt gián
Ở khu vực chợ Bình Thới, P.10, Q.11, TP. Hồ Chí Minh, ai cũng biết chị Nguyễn Thị Kim Anh (49 tuổi) là người phụ nữ đã 15 năm bắt gián tại đây. Hình ảnh về chị mà họ nhớ tới là: “Cái bà gì đấy, cứ khoảng từ 7 giờ đến 9 giờ tối lại đi bắt gián ở các sạp hàng. Chẳng biết bà ấy bắt về làm gì nhưng ngày nào cũng thấy đi bắt. Có hôm trời mưa cũng thấy bà ấy mang những món đồ nghề rồi lom khom đi bắt gián”.
Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến căn nhà ở P.1, Q.11, TP. Hồ Chí Minh, tại đây, ai cũng rõ mồn một chuyện chị Kim Anh đi bắt gián mưu sinh trong suốt hơn 15 năm qua.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, chị Kim Anh vui vẻ kể về cuộc đời và những tháng ngày “đội mưa, đội nắng” đi tìm gián…bắt. Chị cho biết, mới đó mà chị đã có thâm niên 15 năm với nghề. Làm cái nghề này không phải ai cũng làm được mà cần có duyên thì mới có sản phẩm để giao cho khách.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh gắn bó với công việc bắt gián trong suốt 15 năm qua |
Chị Kim Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Năm tròn 3 tuổi, ba chị qua đời vì bị bệnh nặng. Ít năm sau, mẹ chị đi bước nữa với người đàn ông khác. Tưởng như thế, cuộc đời của anh em chị sẽ khác hơn.
Nhưng không phải vậy, từ ngày mẹ đi lấy chồng thì cũng là lúc gia đình chị thường xuyên có những lục đục. Bố dượng chị không tu chí làm ăn mà thường xuyên nhậu nhẹt rồi về nhà đánh mẹ chị.
“Có nhiều hôm ông ấy nhậu say về nhà, không có mẹ ở nhà, ông ấy lôi anh em tôi ra đánh, thậm chí còn đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Cứ thế, chúng tôi thường xuyên phải chịu những trận đòn roi của bố dượng”, lời kể của chị Kim Anh.
Học hết lớp 2, chị phải bỏ học để ở nhà phụ mẹ làm những công việc nhà. Năm 10 tuổi, chị phải đi bán vé số, đưa tiền về cho bố dượng và mẹ. “Ngày nào đưa tiền về ít cũng bị ông ấy đánh. Có nhiều khi tôi đi làm về thấy hai ông bà ấy đang cãi lộn với nhau, đồ đạc trong nhà văng tung tóe.
Nhiều lần, mấy anh em tôi khuyên mẹ bỏ ông ấy nhưng vì tình yêu, mẹ không bỏ được. Chẳng biết làm cách nào, anh em tôi phải sống chung với những tiếng chửi, những đòn roi vô cớ…”, chị Kim Anh chia sẻ.
Năm 15 tuổi, chị phải lăn lội đi làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Lúc chị đi phụ bán quán cà phê, lúc đi phụ quán ăn, đi làm người giúp việc, đi bán vé số… nhưng vẫn không đủ trang trải cho những khoản chi phí.
Rồi như bao cô gái, đến tuổi cặp kê chị cũng kiếm cho mình được một tấm chồng. Chồng chị Kim Anh hết mực yêu thương vợ, nhưng trớ trêu thay, gia đình anh cũng nghèo, mẹ anh cũng mất sớm, một tay bố anh phải nuôi 8 người con ăn học.
Rồi khi 5 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của anh chị đã khó khăn lại càng thêm khốn khó. Hai vợ chồng làm đủ nghề nhưng mỗi nghề chỉ làm trong thời gian ngắn là lại “giải nghệ”.
Năm 1997, chị cùng anh Hồ Hoàng Khanh (55 tuổi, chồng chị Kim Anh) đi làm thuê, ông chủ ở chỗ làm thấy chị ốm yếu mà phải đi làm những công việc nặng nhọc, lại đang mang thai, nên ông kêu chị đến hỏi han rồi “mách” chị bắt gián bán cho mấy người đi câu và cho những tiệm làm thuốc bắc.
Thấy công việc này không cần phải bỏ vốn hay công sức gì mà có thu nhập, mình có thể chủ động được thời gian nghỉ dưỡng thai, từ đó, chị bắt đầu mưu sinh bằng nghề bắt gián.
Hằng ngày, cứ khoảng 3 giờ chiều, người phụ nữ ấy lại chuẩn bị những món đồ nghề đến các khu đất trống bắt gián đen, đến các chợ quanh khu vực mình sống để bắt gián đỏ.
Chị Kim Anh cho biết, mới đầu nhiều người thấy chị cúi lom khom trong các sạp bán hàng ở chợ, ai cũng thắc mắc chị bắt gián để làm gì. Chị chỉ biết cười và trả lời bắt về làm thuốc. Cũng có một số người nhìn thấy vậy thì buông lời chọc ghẹo.
Tủi thân, chị đành bỏ nghề đi giúp việc nhà và bán vé số dọc đường. Mấy tháng sau, vay được một ít vốn, hai anh chị thống nhất với nhau mua xe đẩy đi bán hủ tíu gõ dọc đường. “Nhưng từ khi đi bán hủ tíu, lời thì ít mà bị công an bắt thì nhiều.
Một lần đang bán thì công an đến bắt cả xe hủ tíu đưa về đồn, kêu tôi 15 ngày sau lên lấy xe về và đóng tiền phạt. Nghĩ chẳng có tiền đóng phạt, rồi khi lấy xe ra, không biết có bao lần đóng phạt nữa, tui nghỉ để đi bắt gián trở lại”, chị Kim Anh tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi, sao chị không chọn nghề khác mà chọn nghề bắt gián mưu sinh. Chị vui vẻ đáp “chắc là do nghề chọn mình”. Đến nay, chị đã có 15 năm bắt gián mưu sinh, nên chỉ cần đến con hẻm nhỏ nơi chị sống, ai cũng đặt cho chị cái danh là người phụ nữ bắt gián.
Nuôi sống cả gia đình
Để bắt những con gián đỏ, khoảng từ 6 giờ tối, trên chiếc xe đạp đặt xô đựng gián, chị Kim Anh đi đến khu vực chợ Bình Thới để đặt mồi. Đầu tiên, chị lấy những vỏ sầu riêng, mạch nha đặt dưới các sạp hàng, các cống rãnh, khoảng chừng 30 phút sau, chị bắt đầu đi thu hoạch.
“Để gián cho vào xô không bò được ra ngoài, tôi lấy mỡ bôi xung quanh miệng xô rồi cứ thế tui đi bắt đủ số lượng gián giao cho khách”. Nếu khách hàng nào đặt mua những con gián đen thì chị phải đến những khu đất trống, những bãi rác cách xa trung tâm thành phố ngồi đào.
“Những ngày trời vừa mưa xong, đào những con gián đen rất nhanh, không đầy một tiếng đã đủ số gián mình cần. Còn những ngày trời nắng nóng kéo dài, mình phải đào cả ngày mới xong”. Chị Kim Anh cho biết.
Giá bán mỗi con gián là 100 đồng/ con. Mỗi ngày chị thu nhập cũng được khoảng từ 70.000 đến 150.000 đồng, tùy thuộc vào đơn đặt hàng của khách. Những hôm trời mưa, nếu có khách đặt hàng, chị cũng lặn lội mang áo mưa đi bắt.
“Những ngày trời mưa, gián chui ra nhiều hơn, nên bắt rất dễ, nhưng mấy lần đi như vậy, về nhà tui đều bị bệnh, mà cũng phải đi vì sợ mất mối làm ăn”.
Khách hàng của chị là những người đi câu và những đại gia đam mê với thú chơi cá. “Bởi cá rất thích ăn gián, nhất là nhưng con cái to, nên những người đi câu, muốn câu được những con cá to thì phải dùng gián để làm mồi. Vì vậy, công việc của bà ấy tùy thuộc vào “đơn đặt hàng” của khách.
Vừa rồi, trên phường, có chương trình tuyên dương những người đi bắt gián đã có công rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, bà ấy cũng được xướng danh, nên giờ chỉ nghe tên bà ấy, ai trong khu phố cũng đều biết”, anh Khanh chia sẻ.
Nghe chồng nói vậy, chị Kim Anh dí dỏm cắt ngang lời: “Thấy tôi bắt gián giỏi, nhiều người đến “thuê” tôi vào nhà đặt mồi bắt gián để chúng khỏi phá phách trong nhà, công cao mà còn có gián đi bán, nhưng tôi không nhận. Không phải vì mình “chảnh” mà vì bắt ở ngoài đường thì sao cũng được, bắt trong nhà người ta, khi có chuyện mất cắp thì mệt lắm”.
Công việc của chị cứ thế bình lặng, làm ngày nào ăn ngày đấy, nhưng chị đã có thâm niên 15 năm với nghề. Chị nói: “Không phải ai nói đi bắt gián là bắt được mà cũng cần phải có duyên. Tui từng làm nhiều nghề trước đó, nhưng chẳng nghề nào “ra hồn”.
Có lẽ do nghề chọn mình, tui mới gắn bó với mấy con gián cho đến ngày hôm nay”. Trước kia, chị đi bắt gián để lấy tiền nuôi con, đến nay các con chị đã lớn, có thể tự lo cho bản thân mình, chị vẫn hằng ngày ra chợ đặt mồi bắt gián để tự nuôi sống tuổi già.
- Ngọc Thân