Người chiến đấu giành sự sống ở ngã tư tử thần

07:53, Thứ bảy 20/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Làm việc không công, không trợ cấp nhưng sự nghiệp cứu người đã vận vào ông từ lúc nào không hay. Để rồi ngay cả khi bản thân đang thương tật, thấy có người cần giúp đỡ ông sẵn lòng quên đi nỗi đau của mình để giúp người.

Chiếc mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh trên mái đầu đã lốm đốm sợi bạc, đôi ủng dưới chân và cặp mắt nơm nớp lo âu hướng ra phía ngoài đường, dường như lúc nào ông Đào Ngọc Đang (thôn Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) cũng sẵn sàng lao ngay ra “ngã tư tử thần” băng bó giúp người bị nạn. Nhờ có sự sơ cứu kịp thời của ông mà nhiều nạn nhân của hàng loạt các vụ va chạm xe cộ đã thoát khỏi bàn tay thần chết.

[links()]

Nghiệp duyên nghề “vác tù và”

Ngã tư Song Khê – Yên Dũng từ lâu đã là một điểm đen tai nạn đầy nhức nhối ở Bắc Giang. Người dân quanh vùng gọi là “ngã tư tử thần” bởi số vụ tai nạn khiến người tham gia giao thông bị thương, tử vong thường vượt hơn hẳn các điểm đen khác.

Chính cái nơi mà những nạn nhân đang đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, có một vị cứu tinh xuất hiện. Người ta bảo nghề chính của ông là trông và sửa chữa xe máy. Nghề “vác tù và hàng tổng” là sơ cứu những người tan nạn trước khi chuyển họ vào bệnh viện.

Chính – phụ vốn phân định rõ ràng song thực tế, người đàn ông ấy tâm huyết với công việc phụ còn hơn chính cái nghề để kiếm miếng ăn.

Nhà ông Đang vốn ở trong làng (thôn Song Khê), ông xây thêm căn lán ven đường để bán nước và sửa chữa xe máy cho thuận tiện. Vào một đêm mưa phùn gió rét năm 2007, có cậu thanh niên ghé vào quán của ông mua nước. Cánh tay người này bị gẫy hở cả xương, máu me chảy đầm đìa.

Hỏi rõ ngọn ngành, ông được biết thanh niên này từ Lạng Sơn đi xuống, do đi đêm, không làm chủ được cơn buồn ngủ nên tự đâm vào hàng rào, kết quả là cánh tay bị gẫy. Để ý kỹ vết thương, ông thấy nếu không kịp sơ cứu thì anh chàng này không chết vì gẫy tay mà sẽ chết vì mất máu quá nhiều.

Trong nhà không có bất kỳ chút bông băng nào, ông đề nghị được đưa nạn nhân này đi viện. Đúng 1h30’ đêm mưa rét, gió lạnh tê người, chiếc xe của ông nổ máy chở người bị nạn rời khỏi lán….

 Ông Đào Ngọc Đang
Ông Đào Ngọc Đang

Chứng kiến thêm nhiều vụ tai nạn khác tại “ngã tư tử thần”, ông Đang nhận định: Với các vết thương có chảy máu nếu được sơ cấp cứu thì sẽ cầm được máu cho nạn nhân, với các ca gẫy tay gẫy chân thì có thể nẹp tạm trước khi đưa bệnh nhân đến việc để tránh họ bị đau đớn khi di chuyển.

Nghĩ vậy nên ông mua bông băng dự trữ sẵn trong quán. Nghiệp duyên với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” bắt đầu từ đó.

Gắn bó với “ngã tư tử thần” nhiều năm ròng, ông không nhớ mình đã chứng kiến bao nhiêu vụ tai nạn, sơ cứu bao nhiêu trường hợp và nhận được những lời cảm ơn thế nào… Chỉ biết rằng cuốn sổ theo dõi số vụ tai nạn giao thông ở “ngã tư tử thần” của ông Đang giờ đã chi chít chữ và số.

Ngoài cuốn sổ lớn ấy, ông còn có một sổ tay nho nhỏ để ghi vội trong những trường hợp khẩn cấp. Giọng ông trầm trầm: “Đây mới chỉ là thống kê những vụ tiêu biểu, còn rất nhiều vụ va chạm, xây xát nhỏ không được ghi sổ. Bởi có những người họ được băng bó xong thì cảm ơn rồi vội vã đi luôn, tôi vẫn chưa kịp hỏi thông tin gì”.

Còng lưng cứu người

Ông vẫn còn nhớ một ngày hè cách đây mấy năm, gia đình ông đón đứa cháu từ Đức về chơi nên tổ chức liên hoan ở nhà dưới. Khi phóng xe lên lán ông thấy rất đông người đang tụ tập xung quanh một vụ tai nạn.

Nạn nhân là đôi vợ chồng trẻ bị xe tải húc, người chồng chết ngay tại chỗ, cô vợ có bầu 3 tháng được ông cùng người dân đưa đi cấp cứu. Khi quay trở lại, thấy xác anh chồng vẫn đang nằm còng queo, ông xót xa lấy manh chiếu trong nhà phủ lên người xấu số.

Một lúc sau, công an tới xử lý vụ việc, xác chết vừa được di chuyển đi, bóng công an vừa khuất thì từ trong lán, ông lại nghe thấy tiếng “đoảng” rất lớn. Đoán rằng xe máy đâm xe tải nên ông vội chạy ra cửa và thấy một người đàn ông nằm sõng xoài, người ngợm bê bết máu.

Nạn nhân còn thở nhưng bị thương quá nặng, nếu không đưa đến viện sớm thì cầm chắc cái chết. Biết vậy nên ông lao nhanh vào nhà dắt xe máy để chở anh này đi viện.

Ông Đang nặng hơn 40 kg, nạn nhân lại béo tròn, ước chừng phải hơn 80kg, chỉ với sức của riêng mình, không thể xốc anh ta lên xe, lại càng không thể vừa lái vừa đỡ một người đang “dở sống dở chết” phía sau, ông nhờ thêm những người đi đường giúp sức.

Phải rất vất vả, 4 người đàn ông mới đỡ được nạn nhân lên xe. Ông Đang bắt đầu nổ máy. Tính thêm cả người ôm ngồi đằng sau, tổng trọng lượng chiếc xe lên đến gần 2 tạ. Mồ hôi nhễ nhại, chiếc xe máy cà tàng của ông xiêu vẹo dưới nắng hè, ông vẫn cố gò lưng giữ ga đều mặc cho nhiều lúc nạn nhân gục xuống, dồn hết sức nặng lên phía tay lái.

“Dù đã rất cố gắng để đưa nạn nhân tới bệnh viện sớm nhưng do chấn thương quá nặng nên chỉ sau 15’ vào phòng cấp cứu, anh ta trút hơi thở cuối cùng”, ông Đang bùi ngùi nhớ lại.

Đó không phải lần duy nhất ông đưa một người có số cân nặng gấp đôi mình đi viện. Bởi cách vụ tai nạn này không lâu thì lại có một anh chàng cãi nhau với vợ, đi uống rượu say nên bị tai nạn nằm vắt ngang đường.

Nạn nhân lần này thân hình vạm vỡ, chí ít cũng 75 kg, khiêng được anh ta lên xe, ông Đang tưởng như sắp đứt hơi, phải đứng thẳng người hít thở sâu lấy sức.

Đoạn đường từ “ngã tư tử thần” đến bệnh viện gần nhất chỉ khoảng 4 km. Nhưng vì trong quá trình chở, anh ta mềm oặt, người ngồi giữ đằng sau cũng mặc kệ nên bao nhiêu trọng lực đổ hết vào ông. Khi đến nơi, ông chỉ thấy khắp người mỏi rã rời, tứ chi mềm nhũn.

Chuyện bỗng trở nên khó xử bởi ngay ngày hôm sau, anh họ của người này tìm đến quán ông và nói rằng nạn nhân bị mất chiếc nhẫn vàng 2 chỉ. Không biết chuyện mất mát là thật hay gia đình này bịa đặt nhưng ông Đang cũng chạnh lòng bởi trò đời “làm ơn mắc… rắc rối”.

Rít một hơi thuốc lào thật dài, mắt ông xa xăm, giọng chùng hẳn xuống: “Lái xe chở một người to khỏe như thế, đi hai tay còn không vững, huống hồ là đi một tay rồi dùng tay kia quay lại chuốt nhẫn của anh ta?!”.

Nhấp ngụm nước chè, ông phân trần chua xót: “Bao nhiêu xe tai nạn đều lấy căn lều tạm bợ, che lợp tuềnh toàng của tôi làm nơi để tạm, tiền thuốc lào, nước chè tôi chẳng lấy một xu, cũng chẳng bao giờ xảy ra chuyện mất mát.

Ngay đến cả gói bánh gọi kẹo của người ta khi bị ngã mà rơi vãi xuống lòng đường tôi cũng nhặt nhạnh hết mang vào nhà, đợi khi có người thân đến nhận xe thì trả. Tôi làm việc này là vì cái tâm, không hề toan tính vật chất, ấy vậy mà không tránh khỏi cảnh bị nghi ngờ”.

Vị cứu tinh không mưu cầu lợi lộc

Mỗi lần có tai nạn, người thân của nạn nhân biết chuyện ông Đang giúp đỡ người nhà mình nên khi tới cảm ơn hoặc xin xe, họ đều tỏ ý muốn biếu ông dăm chục, một trăm để ông bồi dưỡng. Thế nhưng ngót 5 năm gắn bó với công việc này, ông đều cố gắng từ chối.

Thậm chí trong những trường hợp khẩn cấp, ông còn sẵn sàng bỏ tiền túi của mình để giúp nạn nhân có tiền nhập viện. Đó là lần ông đưa giúp nạn nhân đến viện nhưng thấy bác sỹ có vẻ thờ ơ, không khám cho người tai nạn, ông lại hì hụi vét nốt trong túi được mấy chục nghìn để “bồi dưỡng”, nói rõ rằng mình cũng là người qua đường, thấy người bị nạn nên giúp và nhờ bác sỹ chú ý hơn đến tình trạng người bệnh.

Gia đình người này sau 2 tháng đã quay trở lại cảm ơn ông, xin chiếc xe máy ông đang giữ giùm và nói rất chân thành: “Công chú giúp em cháu thế này, người ta có của người ta biếu chú dăm ba triệu, anh em cháu hoàn cảnh khó khăn nên chỉ có thể gửi lại chú số tiền mà chú đưa em cháu nhập viện với biếu chú 100.000 đồng để chú mua cái lễ thắp hương cho các cụ”.

Từ chối mãi không được, nếu không nhận anh em họ không chịu đi nên cuối cùng ông đành nhận lấy tấm lòng đó. Từng có nạn nhân khác quê ở Hà Tây, bị thương đúng dịp Tết nên cứ nằng nặc phải cảm ơn “ân nhân”.

Ông Đang tâm sự: “Lúc đầu ông ấy đưa tôi 100.000 đồng, tôi bảo không thể nhận được. Ông ấy lại bảo: “Thôi tôi biết đưa nhiều bác cũng chẳng lấy nên mừng tuổi bác 20.000 đồng. Chẳng có ai là không nhận tiền mừng tuổi cả, tôi đã mừng rồi thì ít nhiều bác phải lấy”.

Trong những trường hợp này, số tiền nhận được ông Đang sẽ dùng để mua các dụng cụ y tế như bông băng, cồn, gạc để sơ cứu cho các nạn nhân khác chứ tuyệt nhiên không dùng cho các mục đích cá nhân.

Có nhiều ca đưa về đến lán, máu chảy thành dòng lớn, vương vãi từ ngoài đường vào nhà, khi băng bó đưa các nạn nhân đến viện xong, ông lại tất bật quay về nhà lau dọn, kỳ cọ đám máu vương vãi.

Nhiều hôm đang ăn dở bát cơm, nghe tiếng va chạm mạnh, ông lại hoảng hốt chạy ra đường, bữa cơm gián đoạn, nhẹ thì đưa họ rửa ráy vết thương, dán băng gạc, nặng thì vội vàng đưa họ đến viện cấp cứu.

Nhiều lần ông về đến nhà trong thân xác mệt nhoài, bụng đói cồn cào mà miệng thì đắng ngắt. Cũng có những lần nạn nhân bị thương quá nặng, ông chỉ kịp dắt xe của họ vào lán rồi hối hả chở đi cấp cứu, đợi nạn nhân được đưa đi chụp chiếu là ông phi xe vội về nhà để trông xe cho người bị nạn.

Ông bảo: “Nhiều người gom góp mãi mới mua được cái xe máy Tàu tầm dăm bảy triệu bạc, chẳng may bị tai nạn. Mình mà không giữ cẩn thận giúp họ, đến khi bác sỹ chụp chiếu cho họ xong lại mất cả xe thì tội nghiệp. Đôi khi người thân của họ không hiểu lại nghĩ mình “hôi của”, lợi dụng nữa thì khổ cả đôi đằng”.

Giúp nạn nhân thoát chết trong gang tấc

Cũng từng có nhiều trường hợp, nhờ có sự cứu giúp tận tình, kịp thời của ông Đang mà nạn nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần ngay khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ.

Đó là lần ông Đang ngồi trong nhà thì nghe có tiếng va chạm mạnh ở ngoài đường. Nhìn hiện trường vụ việc, ông Đang biết ngay là chiếc xe máy cua quá rộng nên sang cả phần đường ô tô và bị ô tô đâm.

Nhìn nạn nhân đang nằm bất tỉnh ở đường, ông kiểm tra thì không hề có vết xây xát nào, xe cũng không bị làm sao. Chỉ khổ nỗi khi tham gia giao thông, nạn nhân có đội mũ bảo hiểm nhưng lại không cài quai, do lực đâm của ô tô nên ông này bị ngã, chiếc mũ văng ra. Toàn thân người bị nạn không chấn thương nhưng ở trong tai rỉ ra những dòng máu đỏ lòm.

Ông Đang kể: “Tôi đến nơi thì đã thấy ông ấy chảy gần bát máu tai rồi. Vì không bị thương bên ngoài nên tôi không sơ cứu được. Máu chảy từ trong tai nên tôi đoán chắc có chấn thương vùng đầu, nếu không đưa nhanh đi viện thì có thể nguy kịch đến tính mạng”.

Loay hoay tìm kiếm chiếc taxi để đưa người bị nạn vào bệnh viện nhưng xung quanh không có bóng dáng chiếc taxi nào. Ông Đang liền bảo người xe ôm ở cạnh đó cùng với ông chở nạn nhân vào viện.

Ngay sau khi nạn nhân được đưa vào phòng cấp cứu, ông Đang gọi điện báo cho người thân của nạn nhân cũng như Công an huyện Yên Dũng. Chụp chiếu xong, bác sỹ kết luận nạn nhân bị chấn thương sọ não, phải đưa đi bệnh viện Việt Đức ngay. Bác sỹ cũng nói thêm: “May mà đưa đến kịp chứ chậm chút nữa là mất mạng”.

Lại có trường hợp, mấy thanh niên “choai choai” ở khu vực lân cận xảy ra bất đồng nên đánh đấm rồi rượt đuổi nhau ra đến tận đường quốc lộ. Nạn nhân hôm đó bị 5 thanh niên khác bao vây, khi vừa ngã xuống thì bị phớ chặt vào chỗ cổ gần gáy, đúng động mạch:

“Lúc tôi ra đến nơi thì máu đã chảy thành dòng lớn được khoảng 2m, luồng máu khá rộng. Tôi vội vàng quận băng vào vết chém, lấy dây garo buộc luôn”, ông kể. Lúc đó có một chiếc xe taxi chạy ngang qua, ông Đang bèn nhờ những người đi đường làm phúc đưa chàng thanh niên đi viện.

Để đảm bảo nạn nhân có thể sống sót cho tới khi đến bệnh viện, ông phải yêu cầu một người giữ chân, một người giữ đầu, ngồi đúng tư thế để nạn nhân không bị chảy nhiều máu thêm nữa. Giờ đây, khi ngồi nhớ lại vụ ấy, ông Đang trầm ngâm:

“Nhìn tình cảnh cậu ta, tôi biết chắc nếu không được nối gân, nối mạch kịp thời thì chỉ có nước chết. Chỉ có thể đến bệnh viện Việt Đức thì may ra sống sót”. Sau khi sự việc xảy ra một thời gian khá lâu, ông Đang giờ đã gặp lại cậu thanh niên đó. Anh chàng mặt mũi tươi tỉnh và phóng xe máy vù vù.

Có lẽ người thanh niên ấy cũng không biết ai mới là “ân nhân” đã giúp cậu thoát chết trong gang tấc trong buổi đánh nhau kinh hoàng dạo trước.

Làm việc không công, không trợ cấp nhưng sự nghiệp cứu người đã vận vào ông từ lúc nào không hay. Để rồi ngay cả khi bản thân đang thương tật, thấy có người cần giúp đỡ ông cũng sẵn lòng quên đi nỗi đau của bản thân để giúp người bị nạn.

Ký ức của ông vẫn còn lưu giữ vụ tai nạn về một người phụ nữ Bắc Ninh khi đi qua ngã tư tử thần này. Vụ tai nạn xe máy ấy xảy ra vào lúc 3h sáng.

Khi ấy, ông Đang cũng bị gẫy một chân, đang trong thời gian bó bột. Biết rằng có người cần đến bông gạc của mình, ông chẳng quản cơn đau chân cố gắng đến tận chỗ tai nạn đưa người phụ nữ này vào lán rồi sơ cứu vết thương.

Xong xuôi tất cả, người phụ nữ cảm động biếu ông 100.000 đồng làm tiền bồi dưỡng nhưng ông nhất định không nhận. Thuyết phục mãi không được, nạn nhân đành cảm ơn ông rồi lên xe máy đi tiếp. Trước đó 10 phút, cũng có một tai nạn khác xảy ra, nạn nhân bị rách gót chân, ông cũng chân thấp chân cao sơ cứu rồi bảo họ đến viện khâu liền 7 mũi.

Một hôm khác trời mưa, đường trơn nên có hai chị em đi xe máy bị ngã. Không biết có chốt sơ cứu của ông Đang bên đường nên hai nạn nhân tạt vào một quán nước gần nơi tai nạn. Bà chủ quán thấy vậy thì nhấc điện thoại để nhờ ông Đang sang đường băng bó giúp.

Chẳng quản mưa gió ướt áo ướt người, ông Đang tay cầm túi xách y tế băng băng qua đường sơ cứu giúp người bị nạn.

Ông bảo thực chất Đội sơ cứu ở chốt này có 4 người nhưng mỗi khi có các vụ tai nạn xảy ra, nó lại ngay gần lán nên ông chẳng bao giờ gọi điện cầu cứu viện trợ từ các “đồng đội”. Ông chỉ nghĩ đơn giản rằng:

“Mình gọi điện rồi ngồi đợi họ phóng xe đến giúp thì bao giờ nạn nhân mới được sơ cứu. Thôi thì mình làm luôn cho tiện, nhỡ họ đến mà mình băng bó xong hết, nạn nhân đi rồi thì cũng không tiện”.

Hòa giải bất đắc dĩ

Là cứu tinh cho người tham gia giao thông không may bị tai nạn ở ngã tư tử thần đã đành, ông Đang đôi khi còn phải kiêm luôn vai trò của một người hòa giải mẫn cán và kiên nhẫn. Hòa giải tai nạn cũng có mà hòa giải các vụ đánh đấm, xử lý nhau cũng chẳng ít.

Theo quan sát của ông nhiều năm liền, buổi trưa vắng hoặc 5 – 6 h chiều, các tài xế thường bị cơn buồn ngủ chi phối nên đây là thời điểm hay xảy ra tai nạn nhất. Khi xảy ra va chạm, thông thường bên nào cũng tự nhận mình đúng.

Ông Đang cho biết, nhiều trường hợp người đi đúng đường thì lại ở xa, người đi sai lại cứ “gân cổ” cãi rằng  mình đi đúng, nhưng vì nhà gần nên điện thoại cho đông đông đảo anh em tới uy hiếp đối phương.

Đây là những trường hợp rất nhạy cảm bởi cả hai bên đều bị đụng chạm đến quyền lợi và rơi vào trạng thái nóng nảy, không tự điều chỉnh được tâm lý. Để xử lý, ông Đang không bao giờ bày tỏ rằng bên nào đúng, bên nào sai, khi mọi chuyện “gay” quá hoặc đi vào ngõ cụt, có thể dẫn tới việc đánh nhau bất cứ lúc nào, ông thường bảo:

“Không việc gì phải đánh nhau. Trong vụ va chạm này, nếu hai bên không tự giải quyết được thì gọi cảnh sát giao thông đến, người ta tự động tới phân giải đúng sai”. Cả hai bên đều không muốn có sự can thiệp của lực lượng chức năng nên nhiều vụ ông Đang đã hòa giải thành công, hai bên tự thỏa thuận đền bù, xong chuyện thì rời đi.

Một hôm khác, khi đi sửa xe ở xa về đến lán, ông Đang đã thấy hai cậu thanh niên ngồi ở bàn uống nước, túi thuốc lào vốn để trên mặt bàn bị văng hết xuống đất, mảnh thủy tinh rơi vãi tung tóe, vành tai của một cậu thanh niên ngồi trên ghế bị lòi ra một mảnh sụn trắng phớ.

Ông gặng hỏi mọi chuyện nhưng anh chàng này cố tình nói dối rằng bị ngã xe. Với sự tinh ý của mình, ông thừa hiểu cậu ta bị người bạn đi cùng vừa đập chiếc cốc thủy tinh vào tai. Không muốn khoét sâu vấn đề, ông băng bó cho cậu ta và dặn:

“Băng thì xong rồi nhưng về đến nhà phải đi viện ngay, sụn ở tai rất quan trọng, nếu không cẩn thận bị nhiễm trùng thì coi như mày mất vành tai, cuống sụn nó còn ăn vào trong sọ”.

Ông chưa bao giờ băn khoăn về những việc mình làm dẫu rằng chúng khiến ông hao tốn cả tinh thần, tiền bạc và công sức. Ông chỉ buồn một nỗi, hiện nay vẫn có những người cố tình lợi dụng để kiếm tiền khi thấy người bị nạn.

Giọng ông nhỏ hẳn lại: “Nhiều khi có tai nạn giao thông, hội xe ôm không đợi cho tôi kịp băng bó cho người bị nạn đã ngay lập tức bế xốc nạn nhân đưa lên xe đến bệnh viện. Bình thường với quãng đường như vậy chỉ hết khoảng 30.000 đồng song với các vụ chở người bị tai nạn đi cấp cứu thì kiểu gì họ cũng phải lấy của gia đình nạn nhân 200.000 đồng (người lái và người ôm mỗi người 1 nửa)”.

Người đàn ông ấy cứ cần mẫn làm những công việc không tên mà chẳng hề đòi hỏi chút lợi lộc nào. Vợ ông những ngày đầu còn hơi cằn nhằn về việc “vác tù và hàng tổng” của chồng nhưng giờ đã là một người bạn đồng hành tin cậy.

Con gái lớn lập gia đình sống hạnh phúc, con trai thứ thì đã có một công việc tốt, ổn định, mỗi lần về chơi lại mua tặng ông rất nhiều băng gạc. Công việc của ông đều đặn, thỉnh thoảng vẫn giúp được những người không may mắn bị tai nạn dọc đường…, hạnh phúc mà ông mưu cầu chỉ đơn thuần là vậy.

Ông tủm tỉm cười: “Từ ngày ngã tư này có đèn chiếu sáng và hệ thống đèn xanh đèn đỏ, số tai nạn cũng giảm hơn trước nhiều. Tôi chỉ mong số bông băng mình mua không còn dịp để dùng nữa”.

  • Thùy Lam
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc