Người con tìm mẹ và cuộc hội ngộ đầy cảm động

06:40, Thứ bảy 19/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Trong suốt mấy chục năm trời, đôi chân của đứa con có hiếu đã đặt lên gần như khắp mọi nơi của dải đất hình chữ S thân thương này. Đi tới đâu, ông Thức cũng để lại thông tin và số điện thoại của mình.

Ân hận chỉ vì một phút lơ đễnh của 23 năm về trước đã để cho người mẹ tâm trí không được tỉnh táo của mình bỏ nhà đi mất, người con trai đã miệt mài lặn lội từ Bắc chí Nam, bằng tất cả mọi cách có thể để tìm lại đấng sinh thành.
[links()]
Bằng một niềm tin kỳ lạ, hơn 8.000 ngày dài đằng đẵng không ngơi nghỉ chuyện tìm kiếm mẹ, điều kỳ diệu nhất của cuộc sống đã xảy ra: mẹ con họ đã trùng phùng trong nụ cười lẫn nước mắt, tìm thấy nhau khi mái đầu đã bạc và ở cách xa nhau đến hơn 2.000km!

Người đàn ông và cũng là người con có hiếu ấy chính là ông Nguyễn Lâm Thức, trú tại xóm Hợp Thuận, xã Đồng Hợp, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Mẹ ông – bà Đàm Thị Điểm vốn có tiền sử về căn bệnh thần kinh, và trong một lần căn bệnh này tái phát, bà đã bỏ nhà ra đi rồi lạc mất đường về.

Trong khi mọi người đều tin chắc, bà Điểm sẽ không bao giờ xuất hiện nữa thì cậu con trai thứ Nguyễn Lâm Thức vẫn âm thầm tìm kiếm mẹ, với niềm tin mãnh liệt mẹ con sẽ trùng phùng.

Và điều kỳ lạ nhất đã xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 vừa qua, ông Thức đã tìm được người mẹ già khốn khổ mãi tận tỉnh Bạc Liêu. Cuộc hạnh ngộ của tình mẫu tử đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khiến cho ai biết đến cũng cả phục, ngỡ ngàng.

Lạc mẹ lúc buồn thương

Theo lời kể của ông Thức thì gia đình ông có tới 7 người con, ông là đứa con trai thứ hai, sinh năm 1957. Vì cuộc sống khó khăn nên năm 1979, đại gia đình đã từ giã mảnh đất quê hương tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu để đến với vùng đất mới thuộc xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp mưu sinh.

Tại đây, ngay khi vừa ổn định được cuộc sống thì bố ông đã ngã bệnh rồi bỏ mẹ con mà đi. Quá bàng hoàng trước nỗi đau bất ngờ ấy, mẹ ông đã ngã bệnh. Sau hơn một tháng trời nằm liệt giường, bà trở dậy lèo lái con tàu gia đình với lũ con nheo nhóc đang lả đi vì đói.

 Hai mẹ con ông Thức– cụ Điểm trùng phùng sau 23 năm cách biệt.
Hai mẹ con ông Thức– cụ Điểm trùng phùng sau 23 năm cách biệt.

Thế nhưng, cũng từ độ ấy, người đàn bà yêu chồng này đã bắt đầu có những dấu hiệu bất thường về thần kinh như thường xuyên tỉnh dậy lúc nửa đêm rồi bỏ nhà đi lang thang, đến sáng hôm sau mới thất thểu trở về.

Hoặc cũng có những khi bỗng dưng cười, bỗng dưng nói một mình trong vô thức. Anh em nhà ông Thức hiểu rằng, vì quá yêu thương người cha quá cố, và không chịu nổi cú sốc cuộc đời nên mẹ mới thế.

Để bù đắp lại một phần tình cảm, anh em ông Thức ra sức chăm sóc, yêu quý mẹ và tình yêu ấy của các con đã phần nào đã làm cho bà Điểm hồi sinh mạnh mẽ.

Bà dần lấy lại được niềm tin để cân bằng cuộc sống. Gia đình dần đi vào ổn định, kinh tế khá giả hơn lên một chút thì cũng là lúc tai họa lại ập xuống.

Đó là vào thời điểm của năm 1989, tròn 10 năm kể từ ngày gia đình bỏ quê lên vùng đất mới, một trong 7 đứa con của bà Điểm chẳng may bị tai nạn qua đời. Thêm nỗi đau mất mát, vết thương lòng những tưởng đã khép miệng trong tâm hồn bà Điểm lại tái phát.

Tuy không đến nỗi không nhận thức được cuộc sống dẫn đến đi lang thang như bao người thần kinh khác nhưng mỗi ngày, bà Điểm vẫn dành một khoảng thời gian nhất định đi ra mộ con. Và trong những lần đi về như thế, chẳng hiểu vì lý do gì mà người mẹ yêu con này đã lạc mất đường về.

Một ngày không thấy mẹ trở về, mấy anh em tá hỏa đổ xô đi tìm. Một ngày, một năm rồi đến 10 năm, chuyện người mẹ mất tích vẫn là một ẩn số, mặc cho ông Thức và anh em con cháu đã dày công tìm kiếm nhưng vô vọng.

Chính họ cũng không ngờ rằng, phải đến đến 23 năm sau, mẹ con họ mới được trùng phùng trong hạnh phúc nhờ sự tìm kiếm không biết mệt mỏi của các con, nhất là cậu con trai Nguyễn Lâm Thức.

Dặm dài hành trình tìm mẹ

Ngồi bên cạnh người mẹ hiền già nua, khắc khổ, nhìn những vết nhăn đã in hằn khuôn mặt do tuổi tác, ông Thức không khỏi cạnh lòng xót xa.

23 năm là một quãng thời gian cách biệt quá lớn đối với đời người, ông trời đã thương xót cho tình cảnh gia đình mà cho họ được sum họp đoàn viên trong lúc tưởng như tuyệt vọng nhất của niềm tin.

Với ông Thức, chừng ấy thời gian cũng chính là năm tháng ông hoài phí cả đời người để đi khắp nơi, tìm đủ mọi cách để tìm mẹ.

Người đàn ông vừa bước qua ngưỡng tuổi 50 của cuộc đời này người nhỏ thó, mái đầu hoa râm vì con tạo thời gian, trầm ngâm nhớ lại hành trình tìm kiếm người mẹ già mất tích trong nỗi xúc động khôn nguôi.

Theo ông thì 23 năm qua, cái khó nhất đối với việc tìm kiếm của ông là bà Điểm không hề có bất cứ một tấm ảnh nào để nhận diện, thậm chí ông còn lạc hậu tới mức không biết đến việc nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng nhắn tin tìm kiếm.

Việc làm của ông chỉ là rong ruổi từ nơi này sang nơi khác, huyện gần đến tỉnh xa để hỏi thăm, đồng thời để lại số điện thoại liên lạc với hi vọng ai đó sẽ gọi điện báo tin.

“Tôi cũng chẳng còn nhớ mình đã đi đến bao nhiêu tỉnh, thành trong cả nước. Hễ chắt chiu được ít tiền là lại lên đường. Lúc nào hết lộ phí thì trở về nhà, tiếp tục làm việc để gom góp tiền cho chuyến đi sau” - ông Thức chia sẻ.

Để làm được việc này, chuyện đồng áng, con cái ông giao cả cho vợ. Cũng may, vợ con hiểu và thông cảm cho tình cảnh của ông nên đã ra sức ủng hộ. Theo phán đoán chủ quan của mình, ông Thức cho rằng có thể mẹ mình đã lên xe đường dài đi vào các tỉnh phía Nam hoặc ra Bắc.

Bởi từ trước đến nay, huyện Quỳ Hợp chỉ có duy nhất bến xe tại ngã ba cây Săng Lẻ là điểm đón khách ra Bắc vào Nam, và rất có thể trong những lần lang thang vô định, bà Điểm đã bước nhầm lên xe và bị đưa đi.

Vậy nên, ông Thức đã đến những tỉnh, thành tập trung nhiều dân ngụ cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và khu vực Tây Nguyên để dò la tin tức, đồng thời thông qua chính quyền địa phương nhờ sự liên lạc khi có thể.

Trong suốt mấy chục năm trời, đôi chân của đứa con có hiếu đã đặt lên gần như khắp mọi nơi của dải đất hình chữ S thân thương này. Đi tới đâu, ông Thức cũng để lại thông tin và số điện thoại của mình.

Ông chia sẻ, mẹ ông cả đời hi sinh vì con cái, đến lúc các con có điều kiện để dưỡng dục mẹ thì bà lại mất tích, chẳng biết sống chết thế nào nên trong lòng ông lúc nào cũng dấy lên sự ân hận, dằn vặt và chính điều này đã thôi thúc ông lên đường tìm mẹ.

Tự trong tận sâu thẳm của lòng mình, không hiểu sao, ông vẫn tin rằng, mẹ ông vẫn còn sống, và đang ở đâu đấy trên cõi đời này. Niềm tin ấy của một người con về mẹ đã được đền đáp bằng một cuộc hội ngộ xúc động lòng người.

Mẹ, con và cuộc hội ngộ xúc động lòng người

Sự kiên nhẫn của ông Nguyễn Lâm Thức đã được đền đáp xứng đáng khi mà vào tối ngày mồng 3 Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2012 vừa qua, ông bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ Ban Công an xã Định Thành, huyện Đông Hải (Bạc Liêu).

Nội dung cuộc điện thoại cho hay, tại gia đình anh Nguyễn Văn Tiêm ở ấp Chòi Mòi, xã Định Thành đang nuôi dưỡng một bà cụ nói giọng Nghệ, có nhiều đặc điểm giống với mô tả nhận dạng mà anh Thức đã để lại tại UBND xã này trước đó.

Qua tìm hiểu sơ bộ, cụ già này cho hay mình tên Điểm, có 7 người con, trong đó có anh cu Thông và cu Thức, đang sống ở miền núi. Ngoài ra, khi Ban Công an xã Định Thành cũng đã hỏi cụ Điểm về quê quán nhưng bà này chỉ nhớ là ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu nên đã điện về xã này hỏi.

Xã Quỳnh Thọ đã báo tin này đến ông Thức khiến ông càng có cơ sở tin người đàn bà đang được nuôi dưỡng kia chính là mẹ mình chứ không ai khác.

Nhận được thông tin trên, ông Nguyễn Lâm Thức và người nhà mừng đến phát khóc. Ngay sáng hôm sau, ông đã hồi hộp nhảy xe vào Bạc Liêu để xác minh.

Ngay khi vừa đặt chân vào nhà, nhìn thấy người đàn bà khắc khổ ngồi trước hiên, ông Thức đã sững lại vài giây rồi chạy ào đến ôm chầm lấy mà khóc nức nở.

Không còn nghi ngờ gì nữa cả, đấy chính là người mẹ thân yêu của ông, dù đã hơn 20 năm không gặp nhưng gương mặt, dáng hình của mẹ ông vẫn còn nguyên những nét riêng của ngày xưa cũ.

Về phía người mẹ già, cụ bà đã không còn nhận ra con, mãi sau này khi gợi nhắc kỷ niệm quê nhà, cụ bà mới rưng rưng nghẹn ngào rơi lệ. Cuộc trùng phùng đã khiến cho những ai có mặt ngày hôm đó cũng không cầm nổi nước mắt.  

Cụ bà Đàm Thị Điểm kể về quãng thời gian lưu lạc của mình, rằng sau một ngày tha thẩn ở nghĩa trang thắp hương cho hai bố con xấu số, bà ra khu vục bến xe tại ngã ba cây Săng Lẻ và chẳng biết vì sao mà mình lại lên xe nữa.

Đến lúc nhà xe hỏi tiền, bà không có một xu dính túi nên bị thả xuống giữa đường, sau này mới biết đấy thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Thay vì tìm đường về nhà, bà đã lang thang vừa xin ăn vừa đi tìm cái gì không ai biết, tối đâu ngủ đấy, ai cho gì bà ăn nấy.

Ngày này qua tháng khác như vậy, cho đến khi bà tìm vào gõ cửa gia đình hiện tại, lúc bấy giờ chỉ có một bà già và một cậu thanh niên. Bà Điểm được cậu thanh niên tắm rửa, cho ăn uống rồi giữ lại và coi như người thân.

Đó cũng chính là mái ấm đã cưu mang bà trong suốt thời gian qua, còn từ khi bị nhà xe bỏ rơi giữa đường đến khi vào đến Bạc Liêu, mất bao nhiêu thời gian và đi bằng cách nào, chính bà Điểm cũng không nhớ được.

Giờ đây, ông Nguyễn Lâm Thức đã đón mẹ mình về sum họp tại quê nhà, mọi người đều cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của ông nên tìm đến chúc mừng cho cảnh sum họp gia đình sau 23 năm cách biệt.

“Mẹ đã về với con cháu là niềm hạnh phúc không có gì bằng, bao năm nay lương tâm dằn vặt không biết mẹ mình sống chết ở đâu, tuy trí nhớ của mẹ không còn minh mẫn và sức đã yếu nhưng dù vất vả bao nhiêu mà được chăm sóc phụng dưỡng mẹ khi tuổi đã già là niềm hạnh phúc của con cháu trong gia đình ” - ông Thức vui vẻ thổ lộ niềm hạnh phúc tột cùng của cuộc đời mình.

 

  • Huyền Giang
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc