Người đàn bà bất hạnh hồi sinh trong căn nhà chết

( PHUNUTODAY ) - Buổi tối định mệnh hôm đó, ông T thẳng tay giáng những nhát búa “đoạt mạng” xuống đầu, thân thể của người vợ, và 2 đứa con thơ dại rồi dùng dao tự sát bất thành.

12 tuổi, bi kịch gia đình đã ập xuống mái đầu trẻ thơ của Nguyễn Thị Thảo (xóm 4, thôn Tử Dương, xã Cao Thành, Ứng Hoà, Hà Nội). Mẹ, anh trai chết thảm, bố đi tù vì tội “Giết người”, cô bé Thảo ngày ấy may mắn sống sót dưới những nhát búa “tử thần” của người cha. Những tưởng phần đời còn lại, bất hạnh vĩnh viễn khiến cô bé không thể mỉm cười hạnh phúc, nhưng 13 năm sau bi kịch, cô bé Thảo ngày nào đã trở thành người đàn bà 25 tuổi. Là mẹ của đứa bé trai 7 tuổi, thông minh học giỏi. Hạnh phúc bình dị ấy đã hồi sinh trong căn nhà “chết”.
[links()]
Bất hạnh tuổi thơ

Khi chúng tôi tìm xóm 4, thôn Tử Dương, ngôi nhà hoang hoải của chị ngổn ngang vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, một ngôi nhà mái bằng khoảng chừng hơn 30m2 đang được xây dựng với những tiếng nói cười rôm rả. Rót chén nước, cả chủ và khách ngồi xuống chiếc chiếu giữa nhà bạc phếch bui vôi vữa.

Đối diện tôi, kể về câu chuyện bi kịch tang thương của gia đình mình, cái đầu “ong ong” của chị cố chắp nối những mảnh ký ức, khi nhớ, khi quên trong cái đầu vốn chỉ có 1 bên xương hộp sọ.

13 năm trước, may mắn sống sót dưới những nhát búa “tử thần” của người cha, nhưng xương hộp sọ bên phải của chị bị vỡ nát, cho đến bây giờ, nhấn tay vào đó chỉ thấy phần óc “bùng nhùng”. Cái đầu chị trở thành “bất bình thường” với trí nhớ không vẹn tròn.

Ngày ấy, Nguyễn Thị Thảo 12 tuổi, ở cái tuổi tung tăng cắp sách tới trường với chúng bạn “ăn chưa no, lo chưa tới”, cô bé Thảo hồn nhiên, vui vẻ ùa về vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Thảo
Mẹ con chị Nguyễn Thị Thảo

Cha mẹ cô bé, ông N.D.T và bà Đ.T.N đều sinh năm 1961. Ông T vốn là bộ đội phục viên, vợ chồng ông sinh được 2 người con, con trai đầu sinh năm 1985, 2 năm sau, thì con gái Nguyễn Thị Thảo ra đời. Cuộc sống của vợ chồng người nông dân thuần phác, tuy nghèo nhưng đầm ấm, hạnh phúc dưới mái nhà nhỏ và 2 đứa con đủ nếp, đủ tẻ.

Nhịp sống bình yên cứ thế trôi đi, cho đến một ngày bất hạnh đổ ập xuống mái ấm gia đình này. Mỗi khi nhắc đến thảm án ngày ấy, người dân thôn Tử Dương không khỏi xót xa, cảm thương trước bi kịch chết chóc thảm thương của một gia đình đang yên ấm, và rùng mình trước nỗi ám ảnh kinh hoàng.

13 năm sau thảm án, người dân trong thôn vẫn không hiểu nổi vì “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” hay nguyên do vì đâu mà đêm ngày 2/9/1999, ông N.D.T, người có tiếng hiền lành, yêu vợ, thương con lại xuống tay tàn độc, nhẫn tâm “tàn sát” sinh mệnh của vợ con, những người mà ông ta rất mực yêu thương?.

Buổi tối định mệnh hôm đó, ông T thẳng tay giáng những nhát búa “đoạt mạng” xuống đầu, thân thể của người vợ, và 2 đứa con thơ dại rồi dùng dao tự sát bất thành. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng những nhát búa “tử thần” của một lực điền, ông T đã tự tay cướp đi sinh mạng của vợ và đứa con trai độc nhất.

Người con gái may mắn sống sót, nhưng cảnh đời đau đớn trong bi kịch gia đình “chết nát” và bản thân trở thành phế nhân. Mẹ, anh trai chết, bố đi tù chung thân, cô bé Nguyễn Thị Thảo tủi cực những ngày đau đớn “sống chẳng đặng bằng chết”.

Nhìn gia đình người con trai bỗng dưng tan nát, thảm thương. Ông, bà nội của cô bé Thảo xót xa thắt lòng, gạt nước mắt, ông cụ đón đứa cháu gái tội nghiệp về nuôi nấng.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” khi đó, ông bà khóc cạn nước mắt thương xót con cháu, cắn răng chịu đựng nỗi đau, hai ông bà đầu bạc “nuôi con thơ” khiến xóm làng ai cũng thương cảm. Căn nhà từng là mái ấm hạnh phúc của gia đình người con trai từ đó bỏ hoang, “chết mòn” theo tấn bi kịch.

Hạnh phúc hồi sinh trong căn nhà “chết”

13 năm sống trong sự đùm bọc của ông bà nội và sự cưu mang của cô, bác, xóm làng, cô bé Nguyễn Thị Thảo ngày ấy, đến bây giờ đã trở thành một người đàn bà, một người mẹ hạnh phúc.

Mặc dù bị tổn thương não nghiêm trọng, dẫn đến di chứng liệt, khèo một tay trái và chân trái, và thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau đầu kinh niên, thể trạng to béo nhưng sức khoẻ yếu ớt, dù vậy cô bé Nguyễn Thị Thảo vẫn nén nỗi đau thể xác, chăm chỉ làm lụng phù hợp với sức khoẻ để phụ giúp ông bà.

Căn nhà “chết” bỏ hoang trong 13 năm sau thảm án kinh hoàng, đang sống lại
Căn nhà “chết” bỏ hoang trong 13 năm sau thảm án kinh hoàng, đang "sống" lại

Ngoài việc phụ giúp ông bà những công việc bình dị như giặt quần áo, nấu cơm, quét nhà, có thời gian Thảo còn “buôn thúng bán mẹt” trước cổng trường tiểu học của xã. Mặt hàng cô bán chỉ là vài bao thuốc lá cho người qua đường, gói kẹo, hay viên bi cho bọn trẻ con, nhưng những đồng tiền ít ỏi, quí giá đó đã phần nào đỡ đần ông bà nội của cô.

Bán hàng ở chốn người qua, kẻ lại, thiếu nữ Nguyễn Thị Thảo lọt vào “mắt xanh” của một người đàn ông qua đường. Những lần qua lại, khiến cô có mang, đủ ngày, đủ tháng, một bé trai kháu khỉnh được sinh ra.

Ban đầu, cứ nghĩ đến sức lao động yếu ớt của cô, người làng tưởng chừng như đứa con “từ trên trời rơi xuống” đó sẽ là nỗi bất hạnh tiếp nối cuộc đời nhiều khổ đau cô vốn nặng mang. Có nhiều người hiếm muộn, còn đánh tiếng muốn mua đứa trẻ về nuôi.

Thế nhưng, bỏ qua mọi điều tiếng, khó khăn. Nhờ sự đùm bọc, thương yêu của ông, bà nội và các cô, bác trong gia đình, chị Thảo quyết định giữ lại đứa con là “lộc trời cho”, vì ngẫm cho cùng, cả gia đình nhà chị “cũng chỉ còn được một mống này”.

Trời sinh voi ắt sinh cỏ, bé trai kháu khỉnh được đặt tên Nguyễn Danh Đức với mong mỏi sau này đứa trẻ lớn lên có được nhân đức, sống cuộc sống hạnh phúc, không phải chịu nhiều bất hạnh như mẹ nó.

Nhắc đến đứa bé, chị Thảo chỉ tủm tỉm cười hiền từ, chị mở lòng chia sẻ: “Khi em sinh con thì vất vả, nuôi nấng thiếu thốn đủ bề mà thằng bé cứ lớn phổng phao. Người ta cứ bảo dễ như nuôi con nhà ngơ, vạ vật mà lớn như thổi.

Được cái thằng bé nhà em ngoan lắm, nó hiền như cục đất, lại thông minh, học giỏi mà rất thương mẹ nữa” – chị Thảo vui vẻ kể về con trai.

Câu chuyện giữa chị và chúng tôi đang tiếp tục, thì cậu bé Đức, con trai chị đi học về. Giọng nói con trẻ dễ thương cất lên chào khách. Đó là một cậu bé 7 tuổi, khoẻ mạnh, có đôi mắt sáng toát lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn.

Tôi cất lời hỏi cháu: “Hôm nay con được mấy điểm?”. “Thưa chú, hôm nay cô giáo không chấm bài con ạ” – thằng bé đáp.

Hơn 4 năm nay, người dân thôn Tử Dương, xã Cao Thành, đã quen với hình ảnh cảm động 2 mẹ con “nhà ngơ” quét chợ, quét nhà mẫu giáo. Vì đau yếu luôn, không thể lao động nặng nhọc, suốt 3 năm trời chị Nguyễn Thị Thảo cần mẫn làm công việc quét chợ Tía trong thôn, để mỗi tháng được trả công 200 nghìn đồng.

Người ta cảm động vì hình ảnh, người mẹ khuyết tật tập tễnh chân thấp, chân cao, từng bước khó nhọc quét sạch từng chiếc lá sau mỗi buổi chợ. Theo sát là đứa con trai chừng 5, 6 tuổi bốc bã mía, ở bao tải giúp mẹ.

Khoảng hơn một năm trở lại đây, chị Thảo nghỉ quét chợ, được ưu tiên sang quét nhà mẫu giáo của thôn, người làng vẫn thấy thằng bé Đức theo sát mẹ, giúp mẹ mở bao tải, nhanh chân chạy lên tầng mang thùng rác xuống giúp mẹ, vì mẹ cháu tập tễnh, không leo lên cao được.

Những năm tháng bất hạnh của cuộc đời dần lui vào dĩ vãng, đứa con trai hiếu đễ, học giỏi là tài sản vô giá, nguồn hạnh phúc vô bờ hồi sinh cuộc sống của chị Nguyễn Thị Thảo.

Tình người vơi bớt âu lo

Sau những bất hạnh chất chồng tuổi thơ, cuộc sống hiện tại của chị Nguyễn Thị Thảo có được nhiều niềm hạnh phúc, sự an ủi bình dị. Tình người đã “thắp sáng” cho tương lai của chị.

Kể về ngôi nhà đang xây dựng, chị nói: “Em có được ngày hôm nay, là nhờ ơn ông bà, với các cô, các bác trong họ, với hàng xóm thương tình giúp đỡ mẹ con em luôn.

Căn nhà này là ông nội em cho tiền, với các cô, các bác gom góp xây giúp em hơn một tháng nay sắp hoàn thành, công việc vất vả mà ai cũng vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ, mẹ con em biết ơn các cô, bác ấy nhiều lắm”.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mẹ con chị Thảo, ông Nguyễn Tiến Bút, 55 tuổi, là chú rể của của chị Thảo cho biết: “Ông bà nhà tôi (chỉ bố, mẹ vợ – PV) có 6 người con, 4 trai, 2 gái. Không may gia đình anh vợ tôi gặp phải bất hạnh. Ai cũng thương mẹ con cái Thảo côi cút, vất vả.

Trước khi qua đời, ông tôi để lại ít tiền cho cháu, dặn lại tâm nguyện với chúng tôi phải đứng lên xây cho cháu căn nhà nho nhỏ. Hôm bệnh ông tôi trở nặng, biết sắp nhắm mắt, xuôi tay, cụ còn bắt đưa cụ sang xem đã khởi công xây nhà cho cháu chưa, thấy được ngôi nhà đang xây, cụ mới yên tâm mà đi.

Ông cụ vừa nằm xuống, các con cháu trong nhà đã bị đồn thổi, mang tiếng là chọn ngày khởi công không tốt nên ông cụ mới mất như vậy. Quả thực bệnh tình của cụ trầm trọng đã lâu. Sau khi cụ mất, chúng tôi gạt nước mắt đau thương, các con, cháu trong nhà gấp rút xây nhà cho mẹ con cái Thảo, để sớm hoàn thành tâm nguyện của ông cụ”.

Bên cạnh niềm vui về căn nhà mới, với mẹ con chị Nguyễn Thị Thảo vẫn ngổn ngang nỗi âu lo. Chị Thảo chia sẻ thêm, mẹ con chị thuộc diện hộ nghèo. Nhà có 4 sào ruộng, sức khoẻ đau yếu luôn, chị phải cho thuê để lấy thóc ăn.

Những khi thiếu thốn, nhờ sự cưu mang của anh em thân tộc, mỗi người giúp cho ít gạo, vài đồng rau cỏ. Cộng với số tiền quét nhà mẫu giáo mỗi tháng được 300 nghìn đồng, mẹ con chị rau cháo qua ngày.

Tuy nhiên, chị cứ lo lắng, sức khoẻ chị ngày càng yếu, con chị đi học chỉ được miễn tiền bảo hiểm, còn các khoản khác vẫn phải nộp, chị lo với sức khoẻ hiện tại khoản tiền học của con là quá sức lo toan với chị.

Còn ông chú họ Nguyễn Tiến Bút, ông lo lắng tâm sự: “Xây nhà cho cháu sắp xong, nhưng muốn lắp điện cho cháu thì không được. Ngày xưa bi kịch nhà cháu xảy ra, ngôi nhà bỏ hoang nên ngành điện người ta cắt, từ đó không còn hoá đơn tiền điện. Nay chúng tôi muốn xin cho cháu lắp điện trở lại, thì người ta bảo hơn chục năm không có hoá đơn tiền điện, nên khó cấp lại” – ông Bút nói.

Hai lần chị Thảo đưa con vượt hàng trăm cây số vào trại giam thăm ông ngoại. Gặp con, gặp cháu, người cha tội lỗi năm xưa chỉ biết khóc, xót xa nỗi ân hận muộn màng. Nhờ cải tạo tốt, hiện ông được giảm án từ chung thân xuống 20 năm, cũng chỉ vài năm nữa, ông sẽ được trở về với con cháu.

Tình người đã hồi sinh hạnh phúc trong ngôi nhà “chết chóc”. Cuộc sống của người đàn bà bất hạnh đang được thắp sáng từng ngày. Hy vọng, rồi đây tình người sẽ san sẻ, giúp vơi bớt âu lo của hoàn cảnh đáng thương của mẹ con chị Nguyễn Thị Thảo.

  • Phú Lãm
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn