Người lính già chăm vợ bị bại não

( PHUNUTODAY ) - Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp nhưng khi bước chân vào, nhìn những động tác thành thạo khi ông Bính bón cho bà Tuận ăn, chúng tôi nhìn cảnh 2 thân già còm cõi chăm nhau mà lòng ấm áp.

Đời sống) - Tìm gặp vợ chồng ông Trần Nguyên Bính và bà Cao Thị Tuận trong những ngày chớm đông se se lạnh, cảm giác của chúng tôi là một sự ấm áp có sức lan tỏa đến lạ kỳ ngay khi bừa bước chân vào cửa, bập vào mắt là hình ảnh ông Bính đang nhẹ nhàng bón cho bà từng thìa cháo một cách nhẫn nại.
[links()]
Trọn 20 năm nay, người lính già đã một thời kinh qua mưa bom đạn lửa ấy vẫn chắt chiu từng đồng xu lẻ để chăm sóc, thuốc thang cho người bạn đời của mình liệt tứ chi, nằm một chỗ.
 
Và, cũng ngần ấy năm, ở làng Vọng, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, ai cũng cảm động trước tấm gương hy sinh của ông Trần Nguyên Bính, cần mẫn từng ngày chăm sóc vợ là bà Trần Thị Tuận, vốn là cô nữ dân quân chống Pháp ngày nào, giờ đang phải sống đời thực vật.
 
Có lẽ, cũng chỉ có sức mạnh của tình yêu thương mới làm nên điều kỳ diệu như vậy ở làng quê nghèo này suốt hơn 7.000 ngày đằng đẵng đã qua.
 
Tìm gặp vợ chồng ông Trần Nguyên Bính và bà Cao Thị Tuận trong những ngày chớm đông se se lạnh, cảm giác của chúng tôi là một sự ấm áp có sức lan tỏa đến lạ kỳ ngay khi bừa bước chân vào cửa, bập vào mắt là hình ảnh ông Bính đang nhẹ nhàng bón cho bà từng thìa cháo một cách nhẫn nại.
 
Dưới bóng dáng căn nhà 2 gian lụp xụp cuối làng, họ vẫn ríu rít nhau như chưa thế gian này không còn bất cứ điều gì ngoài tình yêu chân thành họ dành cả cho nhau.
 
Ở vào cái tuổi của cả hai ông bà, và sau những gì họ đã cống hiến cho đất nước và hi sinh vì con cái, lẽ ra họ đã được an nhàn ấm áp tuổi già nhưng dưới căn nhà nghèo chật chội ở làng Vọng xã Quỳnh Ngọc, ông Bính vẫn ngày ngày tất bật với việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà nhà.
 
Hai mươi năm có lẻ, ông âm thầm làm công việc vừa là người cha, người mẹ và người trụ cột chính của gia đình mà không hề than thân, trách phận mà trái lại, ông làm việc đó với một niềm yêu thương vô bờ bến.
 
Cổ tích tình yêu ở làng Vọng
Gần 20 năm nay, ông Bính vẫn lặng lẽ chăm vợ mình bị bại liệt tứ chi
Gần 20 năm nay, ông Bính vẫn lặng lẽ chăm vợ mình bị bại liệt tứ chi

Trong câu chuyện cuộc đời mình, ông Trần Nguyên Bính chia sẻ, ông cùng bà vốn là người cùng làng Vọng, lớn lên cùng tham gia phong trào dân quân địa phương chống Pháp, đuổi giặc nên hai người đã có tình cảm với nhau từ hồi còn chung chiến hào, thửa ruộng.

Thời thanh niên, họ cũng xông xáo tham gia xung kích trong các phong trào đoàn thể địa phương, góp phần tăng gia sản xuất, phục vụ lương thực cho bộ đội đánh Pháp.

Gắn kết với nhau trong những ngày quê hương còn gian khổ, năm 1952, tình yêu giữa ông Bính và bà Tuận cũng được 2 bên gia đình tán hợp thành đôi, thành lứa ở tuổi 20.

Giữa thời gian khổ, đám cưới của 2 người được tổ chức sơ sài nhưng đầy ắp tình cảm anh em, làng xóm. Họ đã sống và thủy chung với nhau từ những ngày đầu ấy.

Năm 1962, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường đánh Mỹ, sau khi có với nhau 3 mặt con, Trần Nguyên Bính tình nguyện vác ba lô vào bộ đội. Chiến tranh đã khiến không ít cảnh vợ phải xa chồng, bố phải xa con trong thương nhớ.

“Ngày ấy, lúc vợ tiễn tôi lên đường nhập ngũ, nhìn hình ảnh 3 mẹ con nheo nhóc ở nhà thấy thương lắm. Nhưng biết thế nào được, có phải riêng nhà mình đâu.

Đêm hôm trước tôi lên đường đi đánh giặc, bà ấy khóc nhiều lắm. Tôi cũng thấy thương nhưng vẫn cố ghìm nén lòng mình để động viên vợ con ở nhà vượt qua khó khăn chờ ngày đất nước sạch bóng quân thù thì gia đình mình mới có ngày đoàn tụ trong cảnh thanh bình được”.

Ông Bính tay bón từng thìa cháo cho vợ, vừa chia sẻ câu chuyện đời mình bằng những lời mộc mạc, giản gị giữa ngày đông lạnh giá.

Vào bộ đội, Trần Nguyên Bính được biên chế vào đơn vị C36, Cục thông tin Quân khu 4, chiến đấu đến năm 1966 thì bị thương nặng, được chuyển về hậu cứ rồi xuất ngũ về quê.

Đời lính chiến nay đây mai đó nhưng không lúc nào ông không nguôi ngoai trước hình ảnh quê nhà nơi có người vợ trẻ và 3 đứa con thơ. Gắng gượng kìm nén lòng mình trong nỗi nhớ nhà, nơi có tổ ấm bé nhỏ của mình, Trần Nguyên Bính đã cố gắng làm tốt nghĩa vụ của mình với nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.

Sau 4 năm cùng đồng đội hành quân ở khắp các chiến trường khu 4 đất lửa anh hùng, người lính trẻ năm ấy mới có dịp trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình.

Ngày đoàn tụ, ông Bính và bà Nhuận nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt trong vui mừng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau bao năm xa cách, niềm vui châu về hợp phố vừa kịp đến thì nay đã phải chia ly.

Ấy là vào đầu xuân 1968, Trần Nguyên Bính lại phải xa vợ con ra Hà Nội học lớp quản lý rừng, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Ban quản lý rừng Đô Lương (Nghệ An). Mãi sau này, cuối những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, ông Bính về nghỉ hưu mới có điều kiện chăm sóc vợ con.

Ông Bính tâm sự: “Tôi đi bộ đội rồi đi làm cán bộ nhà nước nhưng lần nào cũng phải xa nhà, xa vợ con. Về chung sống với vợ chưa được bao lâu thì bà ấy lại mắc trọng bệnh và nằm liệt từ đó đến giờ.

Không thể tin nổi hà cớ gì lại bắt vợ tôi phải chịu thiệt thòi nhiều đến vậy? Nay cứ nhìn bà ấy nằm liệt một chỗ mà thấy thương quá. Sao ông trời không san bớt cho thân già này chứ?!”.

Nhìn người đàn ông khắc khổ này rưng rưng bên người vợ bất hạnh, chúng tôi hiểu rằng, không phải ông đang than thân trách phận về những khó khăn vất vả của cuộc đời mình mà bởi vì tình yêu, ông đang nhói lòng trước nỗi đau quá lớn mà bà nhà đang phải gánh chịu.

Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi phải chứng kiến người mình yêu thương gánh chịu đau thương mất mát? Cũng bởi quá yêu thương, ông Trần Nguyên Bính mới quá đau lòng trước thực tế phũ phàng mang tên số phận đã ập xuống cuộc đời vợ chồng vốn đã lắm ngăn cách của ông bà.

Hơn 7.000 ngày cần mẫn chăm sóc vợ bị liệt tứ chi

Mái ấm nhỏ nhoi mà ông Bính, bà Tuận đang vun vén, dựng xây chưa được bao lâu thì năm 1990, trong một lần đi làm đồng về, bà Trần Thị Tuận đột nhiên bị viêm não rồi ốm liệt giường.

Bao nhiêu tiền của, thuốc men dồn sức chạy chữa nhưng cũng tuyệt vọng. Kể từ đó, bà Tuận chỉ biết nằm bất động một chỗ trong đau đớn, thất vọng. Bây giờ, mỗi khi nghe chồng kể về cuộc sống vợ chồng bấy lâu nay, bà Tuận nước mắt cứ ngắn dài.

“Suốt cuộc đời này, tôi mang nặng nghĩa tình với ông ấy lắm. Là phụ nữ, là người vợ, người mẹ, tôi lại chịu cảnh thân tàn như thế này buồn lắm.

Những ngày đầu nằm liệt giường, tôi định chết quách cho xong nhưng ông ấy có cho tôi chết đâu. Ông ấy bảo phải sống vì nghĩa vợ chồng cho đến đầu bạc răng long chú ạ. Nghĩ mà thấy thương chồng mình”.

Nay cũng đã chạm tuổi 80 nhưng mỗi khi nhắc lại những nghĩa cử của ông Bính, bà Tuận vẫn còn minh mẫn. Tuy tứ chi đều bất động nhưng trí não của bà Tuận vẫn còn tỉnh táo, giọng nói còn rành rọt khi chúng tôi hỏi chuyện.

Cũng từ ngày vợ lâm bệnh, ông Bính vẫn âm thầm làm lụng, gánh vác việc gia đình thay vợ những mong bà Tuận bớt đi nỗi khổ tâm để sống. Ngày các con của họ lớn lên, cũng một tay ông săn sóc, chăm bẫm cho đến lúc gả chồng, lấy vợ.

Nay các con ông cũng đã ra ở riêng, ở xa nên chẳng được thường xuyên thay cha chăm sóc mẹ lúc trái gió trở trời.

“Một tay chăm vợ, một tay nuôi con khôn lớn nên người nhưng chưa lúc nào, ông ấy than vãn khổ sở. Tôi lại càng thương ông ấy lắm. Những lúc như thế tôi muốn mình gồng mình đứng dậy để cùng chồng chăm con nhưng lực bất tòng tâm” – bà Tuận đưa mắt nhìn người bạn đời của mình rồi thủ thỉ.

Khi chúng tôi hỏi về con cái thì bà Tuẫn ứa nước mắt, vì cảnh nghèo mà các con của ông bà cũng phải tha phương cầu thực để kiếm kế sinh nhai. Ai cũng nghèo, lại kẻ Bắc người Nam nên hiếm có thời gian để về chăm dưỡng bố mẹ già.

Còn ông Bính chỉ biết hy sinh cả đời bố để củng cố cho đời con và lặng lẽ một mình ở nhà chăm sóc vợ mình. Mấy năm nay, nhờ đồng lương hưu ít ỏi của ông Bính và nhờ sự trợ giúp của Nhà nước nên cuộc sống của họ cũng đỡ phần vất vả như những ngày đầu.

“Hơn 20 năm, một mình ông Bính vẫn cáng đáng lo toan tất cả. Nghĩa vợ chồng họ khiến ai nhìn vào cũng cảm động. Lúc đói mùa giáp hạt, hàng xóm láng giềng cũng chỉ biết cho họ củ sắn, củ khoai lưng đôi bát gạo những mong 2 ông bà họ đỡ phần đói khổ.

Vẫn căn nhà cũ do bố mẹ để lại, vẫn chiếc bát ấy hơn 20 năm nay ông Bính bón thức ăn cho bà Tuận. Có lúc vơi, lúc đầy nhưng tình cảm vợ chồng họ chưa một lời sứt mẻ.

Con cái họ cũng vì nghèo mà phải đi làm ăn xa nên cũng ít khi về thay cha chăm mẹ lắm. Hiếm có người chồng nào mà chịu thương chịu khó chăm vợ ngần ấy năm như vậy lắm. Ông ấy làm mọi việc cho vợ từ việc tắm rửa, thổi cơm, giặt giũ cho bà Tuận.

Nhiều việc tưởng chừng như cánh đàn ông không thể làm, ông Bính vẫn làm thành thạo cho vợ. Ở quê tôi, các cụ cứ nhìn gương ông Bính mà truyền tai nhau” – bà Tuyến, hàng xóm với ông Bính cho biết.

Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp nhưng khi bước chân vào, nhìn những động tác thành thạo khi ông Bính bón cho bà Tuận ăn, chúng tôi nhìn cảnh 2 thân già còm cõi chăm nhau mà lòng ấm áp.

Một người lính từng vào sinh ra tử, một người vợ từng âm thầm chịu đựng nỗi cô đơn ở nhà lam lũ nuôi con thay chồng nay lại sống bên nhau trong cảnh bệnh tật.

Một người đàn ông đã quên đi tất cả để hy sinh nửa đời còn lại làm thay thiên chức của người phụ nữ chịu thương chịu khó chăm sóc vợ.

Câu chuyện của họ khiến chúng tôi vẫn còn đau đáu khi chia tay đôi vợ chồng già sống trong căn nhà tàn. Bằng tình thương yêu và nghĩa vợ chồng, câu chuyện của họ như nụ tầm xuân vẫn đương còn khép nụ ở nơi đây. Đi khắp thế gian thật ít khi bắt gặp hoàn cảnh đáng thương của ông Bính và bà Tuận.

  • Thiên Thảo – Ngọc Thái

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn