Người nữ anh hùng của ngành tình báo Việt Nam (I)

11:57, Thứ sáu 10/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Lưới tình báo của Đinh Thị Vân đang phát triển thuận lợi thì đến giữa tháng 3/1956, hoạt động của chị gặp khó khăn nghiêm trọng; đường dây liên lạc với Trung ương đột nhiên bị đứt.

(Phunutoday) - Nhờ vào các mối quan hệ và công tác vận động, giác ngộ quần chúng, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian “300 ngày tập kết”.
[links()]
Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng - lấy vợ cho chồng để suốt mấy chục năm chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng với vai một người lao động bình thường, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba…

Vì những cống hiến xuất sắc cho tổ quốc, chị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Khi đất nước ca khúc khải hoàn, người phụ nữ ấy sống thanh đạm, giản dị và lặng lẽ cho đến ngày cuối đời, tránh xa mọi vinh hoa, phú quý.

Tìm vợ cho chồng để yên tâm đi làm cách mạng

Nữ Đại tá tình báo Đinh Thị Vân (tên thật là Đinh Thị Mậu) sinh năm 1916 tại làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; trong một gia đình nhà Nho ở nông thôn, giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ, chị đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc.

Nữ Đại tá tình báo Đinh Thị Vân (tên thật là Đinh Thị Mậu)
Nữ Đại tá tình báo Đinh Thị Vân (tên thật là Đinh Thị Mậu)

Ngày 30/6/1946, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản và liên tục giữ các chức vụ huyện uỷ viên huyện Xuân Trường, uỷ viên ban thường vụ phụ nữ cứu quốc tỉnh Nam Định. Trong các cương vị công tác của mình, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên và đồng chí, đồng bào tin yêu, mến phục.

Tháng 6/1954, Trung ương quyết định điều động chị Đinh Thị Vân lên công tác tại Cục Nghiên cứu Tổng tham mưu - Bộ Quốc Phòng (tiền thân của Tổng cục 2). Chị được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch.

Chị ý thức được những khó khăn nguy hiểm trong công việc mới mẻ mà chị sắp phải đương đầu. Mặc dù hoàn cảnh gia đình chị đang gặp khó khăn, mẹ già yếu, chồng bị đau ốm luôn nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt, chị phải xa quê hương, xa những người thân yêu nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội đã tin tưởng giao phó.

Không yên lòng vì người chồng luôn đau ốm không ai chăm sóc, cũng như lo cho hạnh phúc của riêng anh, chị đã nén lòng, chủ động đề nghị với lãnh đạo đồng thời khuyên anh lấy vợ khác để có người thay chị chăm sóc anh, lo toan việc nhà.

Trước giờ lên đường, chị Vân được tổ chức báo tin chồng chị đã bằng lòng kết hôn với chị Nguyễn Thị Sen ở huyện Vụ Bản, Nam Định. Chị âm thầm nén nỗi lòng riêng, mừng cho anh vì từ nay, anh đã có người thay chị chăm sóc, yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Với giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ, chị lên đường đi Hà Nội cùng một nữ đồng chí liên lạc tên là Hà, hoá trang trong vai “chị dâu đi thăm em chồng đang trong quân đội quốc gia”.

Đến Hà Nội, chị thu xếp nơi ở tạm rồi nhanh chóng móc nối với một số đồng chí cùng hoạt động trước đây ở Nam Định nay đang làm việc trong cơ quan của địch. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thu thập tin tức và gây cơ sở trong nội bộ địch.

Chỉ một thời gian ngắn, chị đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở nội thành Hà Nội. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, cấp trên yêu cầu mở rộng phạm vi hoạt động xuống địa bàn Hải Phòng.

Chấp hành chỉ thị, chị Vân tìm cách lọt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch trên đường số 5 để xuống Hải Phòng.

Nhờ vào các mối quan hệ và công tác vận động, giác ngộ quần chúng, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian “300 ngày tập kết”.

Tháng 10/1954, trước ngày quân ta kéo về giải phóng Thủ đô, chị Vân nhận lệnh bí mật vào Nam hoạt động. Xuất phát từ cảng Hải Phòng, chị Vân cùng hoà vào dòng người xuống tàu “há mồm” theo Chúa di cư vào Nam.

Từ cái “vỏ bọc” đó, trong những ngày chân ướt chân ráo đặt trên đất Sài Gòn hoa lệ, chị Đinh Thị Vân đã tìm mọi cách ngụy trang che mắt địch, vừa hoạt động vừa có điều kiện buôn bán kiếm sống.

Từ đấy, ngày ngày, “dì Sáu di cư” (tên bà con xóm nghèo gọi chị Vân) trĩu nặng trên đôi vai gầy gánh guốc đi bán rong khắp ngõ phố Sài Gòn… từng bước, hòa vào nhịp sống Sài Gòn.

Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên quyết định thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Tin dữ lan truyền quá nhanh, anh em đồng chí, họ hàng, quê hương… đều bàng hoàng, sửng sốt.

Vụ án chính trị” này đã khiến nhiều anh em, con cháu ruột thịt của chị trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị “vạ lây” suốt trong nhiều năm, nhưng đã đánh hoả mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chị Vân hoàn thành nhiệm vụ.

Việc xây dựng cơ sở tình báo ở Sài Gòn đã ổn định và đi hoạt động, chị Vân nhận lệnh hoả tốc ra Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình và nhận chỉ thị đặc biệt của cấp trên.

Kết quả hoạt động bước đầu của chị ở Sài Gòn trên cương vị một tổ trưởng điệp báo đã được cấp trên đánh giá rất cao, nhiều anh em trong mạng lưới từ Hà Nội theo đường di cư vào Nam mới trong thời gian ngắn đã tìm được cách chui sâu vào hàng ngũ địch,…

Đó là chiến công đầu tiên của chị Đinh Thị Vân trên trận tuyến thầm lặng đầy cam go trong lòng địch.

Theo đường dây bí mật đầy khó khăn và nguy hiểm, xuất phát từ Sài Gòn, chị đã có mặt tại thủ đô Hà Nội đúng ngày quy định. Sau 7 ngày ngắn ngủi vừa làm việc, học tập, nghiên cứu tình hình và nhiệm vụ mới, chị lại khẩn trương theo đường dây bí mật trở lại Sài Gòn.

Người con gái kiên cường và dũng cảm của quê hương Nam Định đã vượt hơn hai ngàn cây số từ phương Nam xa xôi trở về với miền Bắc thân yêu mà không biết rằng, vào những ngày gian khó ấy người mẹ yêu quý của chị - một cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng, bà mẹ Việt Nam yêu nước được Bác Hồ tặng “Đồng tiền vàng” vì có công lao đối với đất nước - đã qua đời trong một hoàn cảnh rất đau lòng.

Cho đến ngày cuối đời, bà vẫn bị mang tiếng xấu là con phản Đảng, phản cách mạng…

Người nữ chiến sĩ tình báo giữa vòng vây quân thù

Lúc này, tình hình ở Sài Gòn vô cùng rối ren, phố xá nhốn nháo, chị Vân thôi không đi bán guốc mà theo bà con tản cư về Tân Sơn Nhì, ở xóm Mồ Côi để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Những hoạt động lặng lẽ của chị ở xóm nghèo này lại gây sự chú ý của tổ chức ta, đặt nghi vấn, có ý kiến cho rằng chị là tay sai của Ngô Đình Diệm đi dò la tin tức, đề nghị lập phương án thủ tiêu.

Ở vào tình thế cực kỳ nguy hiểm này, chị vừa phải nguỵ trang để che mắt địch vừa phải khôn khéo né tránh kế hoạch thủ tiêu từ phía lực lượng của ta, thì một bất ngờ đã xảy đến với chị:

Cơ quan lãnh đạo của Đặc khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn có kẻ chỉ điểm nên hầu hết các cơ sở đều bị đàn áp và khủng bố rất dã man. Ông Ba là Trưởng ban tuyên huấn của Đặc khu là một trong số đồng chí lãnh đạo của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn có tên trong “sổ bìa đen” của địch, bị mật vụ theo dõi gắt gao.

Qua báo cáo của đội biệt động về chị Vân, bằng sự nhạy cảm của một cán bộ dày kinh nghiệm, ông Ba tin rằng chị Vân phải là một người yêu nước, nên trong lúc cơ sở bị lộ ông đã quyết định chủ động chạy vào nhà riêng của chị Vân để ẩn nấp và giấu tài liệu.

Chiều hôm đó, vượt qua nhiều cặp mắt cú vọ của mật thám, chị về đến nhà và giật mình khi nhìn thấy một người ốm yếu đang hấp hối nằm co ro dưới nền nhà. Bằng nhạy cảm của nghề nghiệp, chị Vân biết chắc đây là đồng chí của ta bị địch truy ráp, cùng đường nên liều ẩn vào nhà chị.

Chị vội nấu nồi cháo nóng, bón cho ông, ông tỉnh dần. Biết mình không qua khỏi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông Ba trao tài liệu cho chị Vân và nói: “Sau này sẽ có người trả ơn bà”. Chị Vân ân cần trả lời: “Ông cứ yên tâm, đây là Đảng nuôi ông”.

Ông Ba nở nụ cười rồi thanh thản ra đi. Để đồng chí của mình được một phần mộ, chị đã quyết định nhận ông Ba ốm là chồng để lo tang lễ công khai cho ông và che mắt địch.

Với vành khăn trắng trên đầu, chị Vân tìm cách báo cáo cấp trên, bắt liên lạc để trao trả cho Đặc khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn toàn bộ tài liệu quan trọng mà ông Ba gửi lại. Đây là một đóng góp rất quan trọng của chị Vân trong việc bảo vệ cơ sở Đảng của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Lưới tình báo của Đinh Thị Vân đang phát triển thuận lợi thì đến giữa tháng 3/1956, hoạt động của chị gặp khó khăn nghiêm trọng; đường dây liên lạc với Trung ương đột nhiên bị đứt.

Hoàn toàn mất liên lạc bằng đường nội địa, chị nghiên cứu và quyết định tìm hướng liên lạc ra Bắc qua đường Campuchia, đây là đường dây phức tạp, việc hoạt động ở nước ngoài lưới tình báo của chị chưa kịp chuẩn bị.

Mặc dù vậy, ngày 15/7/1956, chị Đinh Thị Vân quyết định lên đường đi Phnôm Pênh. Vẫn bản căn cước là “người đi buôn”, ở đây, chị có thể liên lạc với Hà Nội bằng trao đổi thư từ, bưu thiếp. Nhưng đường dây này không an toàn.

Do đó đến giữa năm 1957, cấp trên yêu cầu chị cắt đường liên lạc qua Phnôm Pênh và tổ chức đường dây Tây Nguyên qua Pleiku - Kontum.

Chị mưu trí tìm cách lập cơ sở, nhờ đó việc liên lạc với cấp trên theo đường số 14 được thiết lập và đi vào hoạt động được ngay, những tin tức quan trọng lại được báo cáo đều đặn ra Trung tâm.
 

(Kỳ II: Người nữ anh hùng của ngành tình báo Việt Nam )

  • Đinh Quang Tỉnh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc