Người nữ anh hùng của ngành tình báo Việt Nam (II)

12:01, Chủ nhật 12/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Sau gần trọn một đời cống hiến cho cách mạng, chị về nghỉ hưu ở căn gác nhỏ trong ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Chị sống thanh bạch, giản dị, trong yêu mến của bà con khu phố.

(Phunutoday) - Những ngày đen tối và đẫm máu ấy, lưới tình báo của chị Đinh Thị Vân dũng cảm, lặng lẽ hoạt động, nắm tình hình, nhận định và tổng hợp báo cáo về Trung tâm, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trên toàn mặt trận miền Nam.
[links()]
Từ cuối năm 1958, tình hình toàn miền trở nên vô cùng căng thẳng. Chính sách chống cộng, tố cộng của ngụy quyền Ngô Đình Diệm càng điên cuồng và dã man hơn bao giờ hết. Chị Vân phải xoay ra làm nghề thợ may và bỏ mối thêu ở ngã ba Vườn Lài.

Công việc vừa mới tiến triển thì chị nhận được lệnh: “Phải nghiên cứu gấp tình hình phía Nam nhất là vĩ tuyến 17, sự bố phòng của sư đoàn 1 ngụy, đồng thời tìm hiểu xem địch biết về lực lượng ta ở Hạ Lào như thế nào?”, chị lại vội vã lên đường đi Huế, để rồi tùy cơ hội tìm cách ra giới tuyến nghiên cứu tình hình bố phòng của địch.

Bằng một trí nhớ tuyệt vời, sự quan sát chính xác và chiếc máy ảnh Betri nhà nghề, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch từ Huế đến Gio Linh, vị trí các trung đoàn, hệ thống công sự, các bãi mìn, một số phương án tác chiến, hướng triển khai của các trung đoàn bộ binh nguỵ… đã được lưới của chị Vân thu thập, phân tích báo cáo chi tiết ra Hà Nội, góp phần quan trọng cho chiến thắng của quân và dân ta trong giai đoạn lịch sử quyết định này.
 

Nữ tình báo Đinh Thị Vân chụp ảnh lưu niệm sau lễ tuyên dương AHLLVTND năm 1970
Nữ tình báo Đinh Thị Vân chụp ảnh lưu niệm sau lễ tuyên dương AHLLVTND năm 1970

Nhiệm vụ hoàn thành, trở về Sài Gòn chưa kịp nghỉ, chị lại nhận được lệnh mới: “Tổ chức đường dây từ Sài Gòn qua Nha Trang – Đà Nẵng và Huế, bắt liên lạc với giao thông Trung ương thay cho đường dây quốc lộ 14 lên Pleiku”.

Đinh Thị Vân lại lên đường đi Đà Nẵng, Huế với vỏ bọc là “người đi buôn vải và các mặt hàng thêu”.

Vững vàng trước đòn roi tra tấn của kẻ thù

Vừa mới hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về Sài Gòn, do sơ suất của một cơ sở trong lưới, chị Đinh Thị Vân bị địch nghi ngờ và bắt giam.

Tại cơ quan an ninh quân đội, chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn rất dã man, nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở chị, chúng đưa chị đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú.

Sau 5 năm tù đày qua các nhà lao, nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần nhưng với dũng khí phi thường của người Cộng sản, chị Đinh Thị Vân đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng bảo vệ trọn vẹn mạng lưới tình báo do chị phụ trách.

Bất lực trước ý chí gang thép của chị, địch quay sang dùng “chính sách dụ dỗ” hòng lay chuyển tinh thần của chị nhưng vẫn không có kết quả. Chị Vân thường nói với anh em bạn tù: “Chúng ta là dân một nước, chỉ thờ một chủ”.

Cuối năm 1963 đầu năm 1964, Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh. Ngày 18/5/1964, chị Đinh Thị Vân được trả tự do.

Ra tù, chị lập tức kiểm tra lại an toàn của lưới, rồi tìm cách chắp nối liên lạc với đồng chí và cấp trên để nhận nhiệm vụ tiếp tục hoạt động.

Trong thời gian chị Vân bị tù, nhiều điệp viên do chị gây dựng đã dần dần luồn sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu trong các cơ quan quân sự của địch hoặc có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với những nhân vật nắm giữ chức vụ quan trọng của nguỵ quyền Sài Gòn.

Đinh Thị Vân được giao nhiệm vụ tìm hiểu ý đồ chiến lược của Mỹ - nguỵ: Nếu địch thất bại trong “chiến tranh đặc biệt” thì tình hình sẽ diễn ra theo hướng nào? Có thể hiệp thương và thành lập chính phủ như kiểu ba phái ở Lào, hay sẽ chuyển thành “chiến tranh cục bộ”?

Nếu quân Mỹ trực tiếp nhảy vào miền Nam thì quy mô, số lượng ra sao? Chị suy tính, lên kế hoạch, rồi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng anh em trong lưới. Về phần mình, chị lại tiếp tục lo buôn bán làm ăn hợp pháp để che mắt địch, đồng thời có kinh phí phục vụ cho hoạt động.

Từ buôn vải, đan bí tất khoán, đến bán hàng tạp hóa... Khi ở nơi này, lúc ở nơi khác, chị không nề hà bất kể công việc gì để bù lại thời gian 5 năm ở trong tù. Chị lao vào công việc như người ốm ăn trả bữa, nhiều anh chị em trong lưới khuyên chị giữ sức khỏe vì nhiều vết thương vẫn chưa lành hẳn.

Chị vui vẻ trả lời: "Tôi phải làm bù vì nghỉ lâu quá rồi!". Trước tinh thần tiến công, xả thân vì nhiệm vụ của chị, anh em trong lưới như được tiếp thêm sức mạnh. Do vậy, những chủ trương, kế hoạch của địch đã bị lưới của chị Vân nhanh chóng phát hiện và kịp thời báo cáo về Trung tâm.

Phát huy đà thắng lợi của hai mùa khô, cục diện trên toàn Miền Nam thay đổi có lợi cho ta. Trung ương quyết định:" Chuyên cuộc đấu tranh cách mạng Miền Nam sang một thời kỳ mới - Thời kỳ giành thắng lợi quyết định".

Chủ trương của ta được thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch "Vụ Mùa". Chị Đinh Thị Vân lại bận rộn với bao công việc quan trọng.

Tất cả tin tức đều đã được lưới của chị kịp thời báo cáo ra Bộ chỉ huy chiến dịch kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi "Vụ mùa" đã triển khai mà địch vẫn khẳng định rằng:

"Hiện nay Việt cộng chỉ có thể mở những hoạt động bình thường mang tinh chất củng cố vùng căn cứ địa mà thôi".

Đêm 30, rạng mồng một tết Mậu Thân trong lúc Mỹ - ngụy đang say sưa chúc tụng lẫn nhau thì tiếng súng của cuộc tổng công kích bắt đầu phát hỏa. Địch trở tay không kịp, hoang mang lo sợ, máy bay bay rối loạn trên bầu trời Sài Gòn, xe nha binh chạy đâm bừa vào nhau nhốn nháo.

Trong thời điểm ấy, chị Đinh Thị Vân vẫn bình tĩnh chỉ huy các chiến sỹ trong lưới của mình, âm thầm làm nhiệm vụ.

Vì vậy, sau những ngày vang dội của cuộc tổng tiến công Mậu Thân, Mỹ ngụy rất hoang mang lo sợ nên càng lùng sục bắt bớ và thẳng tay đàn áp dã man, nhưng lưới tình báo do chị Vân phụ trách hóa trang giấu kín mình trong những vỏ bọc khác nhau và hàng ngày vẫn công khai hoạt động giữa vòng vây kẽm gai của cảnh sát và những "cặp kiếng đen" cú vọ dày đặc của mật vụ Sài Gòn.

Những ngày đen tối và đẫm máu ấy, lưới tình báo của chị Đinh Thị Vân dũng cảm, lặng lẽ hoạt động, nắm tình hình, nhận định và tổng hợp báo cáo về Trung tâm, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trên toàn mặt trận miền Nam.

Nữ cán bộ mẫu mực trung thành tận tụy phục vụ dân, vẹn nghĩa tình

Tháng 3/1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khoẻ của chị Vân bị giảm sút sau những năm tháng tù đày bị địch tra tấn dã man và hoạt động vất vả, căng thẳng trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nên cấp trên đã quyết định điều chị ra Hà Nội để điều trị và phân công chị làm công tác huấn luyện.

Trong cương vị công tác mới, người nữ sĩ quan tình báo dày dặn kinh nghiệm Đinh Thị Vân đã đem hết tinh thần, năng lực để truyền đạt kinh nghiệm cho đội ngũ những chiến sĩ sẽ kế tiếp mình lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt.

Với công lao cống hiến cho Đảng và nhà nước cũng như quân đội, ngày 25/8/1970, chị Đinh Thị Vân được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương:

“Đồng chí Thiếu tá Đinh Thị Vân là một cán bộ mẫu mực trung thành tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn”.

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đặc biệt của chị là vào Sài Gòn giúp các cơ quan bảo vệ xác minh để trả lại sinh mạng chính trị cho những đồng chí hoạt động trong lực lượng địch, giao nhiệm vụ mới để các đồng chí ấy tiếp tục tham gia công tác giải quyết các vấn đề hậu chiến, chống gián điệp lọt lưới cài lại chống phá cách mạng...

Trở về Hà Nội, chị báo cáo với trên xác minh một số cơ sở tình báo ở Hà Nội thời kỳ 1954 mà đã hơn 20 năm nằm trong bí mật nay mới đủ điều kiện ra công khai.

Giữa lúc công việc đang bộn bề thì chị được tin: Ông Vân nay tuổi đã cao, mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh túng bấn, lại đông con. Chị thấy lúc này hơn lúc nào hết những người thân đang cần đến sự quan tâm của chị.

Chị sắp xếp công việc rồi vội vã về quê thăm ông, âu cũng là dịp gặp lại để trả nghĩa người con gái quê hương Vụ Bản có tên là Sen, năm xưa đã thay chị chăm sóc, phụng dưỡng ông Vân trong suốt 21 năm trời gian truân, vất vả, để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc ông qua đời, chị Vân đã lo toan, chu tất phần mộ cho ông với tấm lòng quý trọng, yêu thương trọn nghĩa vẹn tình.

Năm 1977, chị được thăng quân hàm Trung tá.

Năm 1990, chị được thăng vượt cấp lên quân hàm Đại tá.

Sau gần trọn một đời cống hiến cho cách mạng, chị về nghỉ hưu ở căn gác nhỏ trong ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Chị sống thanh bạch, giản dị, khiêm tốn trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, bà con khu phố.

Chị Đinh Thị Vân mất tại Hà Nội ngày 11/12/1995, thọ 79 tuổi. Cuộc đời người phụ nữ giản dị ấy, sự hy sinh thầm lặng mà cao cả ấy, phẩm chất cao đẹp của nữ cán bộ tình báo anh hùng ấy khiến cho mọi người đều trăn trở nghĩ suy...

Trong căn gác nhỏ ngày nào, những người ruột thịt của chị đang ngày ngày hương khói, tưởng niệm chị, niềm tự hào của dòng họ Đinh và của quê hương nơi đã sinh ra người con gái Anh hùng.

Người nữ anh hùng của ngành tình báo Việt Nam )

  • Đinh Quang Tỉnh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc