Người phụ nữ nhỏ bé kiên cường của những người lầm lạc

14:12, Thứ bảy 28/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Chị hy vọng, cứ mỗi năm chị ít phải đón những mảnh đời lầm lạc đến với nơi này hơn, ít phải đón những đứa trẻ bị bỏ rơi và sẽ không bao giờ còn phải tiễn đưa những em bé trong đám ma buồn nhất nữa.

(Phunutoday) - Làm việc tại Trung tâm giáo dục Lao động số 2 Yên Bài- Ba Vì- Hà Nội từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Nhàn là một trong những cán bộ lâu năm nhất ở đây. Thật khó có thể tưởng tượng, người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có thể gắn bó chừng ấy năm với công việc của một nhân viên y tế - những người phải tiếp xúc gần nhất với những người nghiện, những cô gái mại dâm, trong số đó, không ít người có HIV.

[links()]

Chị Nguyễn Thị Nhàn
Chị Nguyễn Thị Nhàn

Năm 1990, cô nữ sinh Trung cấp y Hà Nội tốt nghiệp. Cô quyết định trở về quê hương Vân Hòa – Ba Vì – Hà Tây (nay là Hà Nội). Chỉ một năm sau đó, cô kết hôn với người bạn trai đã gắn bó với mình trong suốt quãng thời gian đi học. Cũng giống như nhiều người trẻ khác, Nhàn có những ước vọng riêng của mình.

Cũng có những mong muốn được bay cao, bay xa đến những chân trời mơ ước để thỏa chí tang bồng của tuổi trẻ. Thế nhưng, tình yêu với mảnh đất quê hương, với người chồng yêu thương và với nghề nghiệp của mình, đã khiến chị chọn cho mình con đường lập nghiệp ngay tại nơi chôn rau cắt rốn.

Cho đến khi Trung tâm giáo dục lao động số 2 được thành lập năm 1992, Nhàn xin vào làm việc tại Trung tâm. Lá đơn xin việc của Nhàn nhanh chóng được chấp nhận bởi khi đó Trung tâm đang rất thiếu nhân lực, các bác sĩ và y tá tốt nghiệp ở thành phố không ai muốn về làm việc tại vùng đất khô cằn này, phần vì họ nhìn thấy sự nhiệt tình và quyết tâm của cô gái trẻ.

Trong ký ức của Nhàn vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh đơn sơ của một trung tâm nằm trên vạt đồi cằn cỗi hoang sơ không có bóng người. Bầu trời vùng núi hình như cũng rộng và cao hơn nơi khác.

Buồn nhất là những khi đêm xuống, chỉ còn lại màn đêm tối tăm bao phủ, và cả tiếng ếch nhái, giun dế, tiếng những con thú rừng thỉnh thoảng lại hú lên rồi rơi tõm vào bóng đêm thăm thẳm. Nhưng tất cả những điều đó không làm cô y tá trẻ đầy nhiệt huyết nản lòng. Ngược lại, nó càng làm cho cô quyết tâm gắn bó với mảnh đất quê hương nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng cô thành người.

Qua câu chuyện kể và ánh mắt đầy trìu mến của chị khi nói về sự thay đổi của Trung tâm giáo dục số 2 từ khi thành lập tới nay, tôi nhìn thấy tình yêu và sự tận tâm của người phụ nữ nhỏ bé ấy đối với công việc. Nếu không có tình yêu, chắc hẳn chị đã rời bỏ công việc ở nơi mà nhiều người đàn ông cũng còn cảm thấy khiếp sợ.

Cũng phải nói thêm, Trung tâm giáo dục lao động số 2 là một trong những trung tâm ít người muốn đến nhất bởi bên cạnh những đối tượng ma túy, mại dâm giống như một số trung tâm khác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm 2 còn là nơi lưu trú của nhiều đối tượng có HIV.

Công việc hàng ngày của Nhàn ở Trung tâm này là khám bệnh cho những đối tượng mại dâm, ma túy. Nhàn kể, ban đầu chị cũng rất sợ hãi khi tiếp xúc với những đối tượng này, nhất là với những người có HIV. Nhàn bảo, chính những chàng trai, những cô gái lầm lạc ấy lại chính là “liều thuốc kích thích” giúp cho Nhàn có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình và gắn bó với Trung tâm này từ đó tới giờ.

Tiếp xúc với những bệnh nhân của mình, được lắng nghe những tâm sự về cuộc đời, về số phận, về con đường lầm lạc của họ giúp cho Nhàn có cái nhìn rộng lượng hơn, nhân văn hơn về cuộc sống. Chị bảo với tôi rằng, có những con người, những hoàn cảnh, những số phận ám ảnh chị cho đến tận bây giờ:

“Ngoài những người như hoa hậu HIV Lâm Bảo Nhi được nhiều người biết đến, Trung tâm này vẫn còn rất nhiều những số phận khác bi thiết hơn nhiều”. Quả thật, có sống trong môi trường ấy, trong hoàn cảnh ấy mới có thể thấu hiểu hết được.

Đó là số phận của một cô bé sinh viên Cao đẳng Y Hà Nội. Nhà cô bé này rất giàu có nhưng bố mẹ lại bỏ nhau từ khi cô còn rất nhỏ. Lớn lên trong nhung lụa nhưng lại cô độc, cô bé ấy đi làm gái mại dâm. Không phải vì tiền, mà chỉ là để lấp đi những khoảng trống cô đơn trong ngôi nhà lạnh lẽo.

Cô bé ấy dần trượt dốc với những đêm ăn chơi thác loạn với rượu mạnh và ma túy. Đến khi cha mẹ cô quan tâm đến con mình thì đã quá muộn, cô bé ấy đã có HIV. Chị Nhàn nói rằng, đó là cô bé thông minh, xinh đẹp và trong sáng nhất mà chị đã từng gặp.

Chị thấy tiếc cho cô bé ấy và bảo: Người ta thường sai lầm ở những ngã rẽ trên đường đời, và có những sự sai lầm phải trả giá bằng cả cuộc đời ấy. Chỉ đến khi biết mình không thể nào quay lại được nữa, họ mới thấy ân hận, xót xa, nuối tiếc.

Công việc khó khăn nhất với chị Nhàn chính là việc thông báo “án tử” cho những bệnh nhân tại Trung tâm này. Họ, dù bình thường có ngang tàn, ương ngạnh hay cứng rắn đến đâu đi chăng nữa thì đến khi được thông báo đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ thì đều suy sụp và tuyệt vọng.

Phàm đã là con người, có ai là không có đức hiếu sinh? Thế nên, trước khi thông báo cho bệnh nhân, chị thường phải tư vấn tâm lý và chuẩn bị tinh thần cho họ, tránh họ bị sốc hoặc phản ứng tiêu cực trước tin dữ. Chị kể, hầu như bệnh nhân nào cũng có phản ứng là buồn chán, tuyệt vọng, khóc lóc, nhịn ăn và không muốn cho gia đình biết.

Và tất cả họ đều có chung một cảm giác: Ân hận vì đã trót làm nghề mại dâm hoặc dính vào ma túy. Chị Nhàn và nhiều người khác vẫn thiết tha mong muốn một điều, có một bác sĩ chuyên về tâm lý để tư vấn cho các bệnh nhân có HIV và cả các em nhỏ có HIV được nuôi dưỡng trong Trung tâm này.

Nhắc đến những em bé có HIV, chị Nhàn nói đây mới là những số phận đáng thương nhất ở nơi này. Bởi, các em là những người phải gánh chịu lỗi lầm của những người lớn. Hầu hết các em đều bị bỏ rơi ở bệnh viện hoặc bị vứt ra ngoài đường ngay từ khi mới sinh.

Có những em khi tìm thấy vẫn chưa được cắt rốn phải đưa vào chăm sóc đặc biệt. Như trường hợp của bé Phương Anh, ngày mới được đưa về Trung tâm, cô bé giống như một bức vẽ chứ không phải hình hài của một con người. Da bé hoàn toàn bị nhiễm trùng, không ăn uống được gì.

Nhìn Phương Anh lúc đó, những người cứng rắn nhất cũng phải rơi nước mắt, xót thương cho một phận người. Chị nói rằng, có lẽ khát vọng sống, khát vọng làm người đã giúp cho Phương Anh vượt qua được giai đoạn đó, bởi hầu hết mọi người đều nghĩ đến tình huống xấu nhất, chuẩn bị nơi an táng bé.

Đến bây giờ, Phương Anh đã được 10 tuổi và khỏe mạnh hơn rất nhiều. Theo lời chị Nhàn, trước đây mọi người trong bộ phận y tế thường phân công nhau để chăm sóc các em. Hiện nay, Trung tâm đã có một bộ phận chuyên chăm sóc và điều trị y tế cho nhóm trẻ có HIV.

Điều mà không một ai trong số những nhân viên y tế làm việc ở Trung tâm muốn nhưng vẫn phải làm đấy là việc đưa các bé đi bệnh viện khi trang thiết bị ở Trung tâm không đáp ứng được yêu cầu chữa trị cho các em.

Bởi theo như lời chị Nhàn, đó là lúc nguy cơ các em bé bị trả về rất cao và công việc tiếp theo là chuẩn bị hậu sự cho những sinh linh bé bỏng ấy. Trong chúng ta, chắc ai cũng đã từng trải qua cảm giác khi mất đi người thân của mình hoặc chứng kiến sự ra đi của một con người.

Người già ra đi còn để lại rất nhiều sự tiếc thương nữa là những đứa trẻ đang lớn. Đau xót hơn, những đứa trẻ ấy ra đi không có người thân bên cạnh, chỉ có những cán bộ của Trung tâm này. Những đám ma không kèn không trống, không cả tiếng khóc than.

Chỉ có những người lớn rớt nước mắt tiễn đưa những linh hồn cô độc, bơ vơ. Khi sống, chúng bị cha mẹ bỏ rơi, bị người đời hắt hủi. Đến khi chết đi rồi, việc tìm được một nơi chôn cất các em cũng là điều khó khăn khi ngay trong cộng đồng dân cư cũng hoảng sợ và kỳ thị.

Khi tôi hỏi chị về gia đình, về cuộc sống cá nhân của mình chị bảo, gia đình chị cũng bình thường giống như bao nhiêu gia đình khác không có gì để nói. Thế nhưng, chị may mắn khi được những người thân trong nhà hết sức ủng hộ, may mắn khi có một người chồng biết thương yêu, thông cảm với công việc của vợ, may mắn khi có hai đứa con ngoan ngoãn, hiền lành.

Chính những số phận, những mảnh đời mà chị đã tiếp xúc trong Trung tâm cũng giúp chị thêm yêu quý, thêm trân trọng cuộc sống mà mình đang có, trân trọng gia đình nhỏ bé của chính mình.

Đó cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Nhàn muốn nhờ tôi gửi gắm đến những độc giả đọc được bài báo này: Hãy quan tâm, chăm sóc những gia đình của mình, hạnh phúc của mình và những đứa con của mình để không bao giờ phải hối tiếc.

Chị hy vọng, cứ mỗi năm chị ít phải đón tiếp những mảnh đời lầm lạc đến với nơi này hơn, ít phải đón những đứa trẻ bị bỏ rơi hơn và sẽ không bao giờ còn phải tiễn đưa những sinh linh bé nhỏ vô tội ấy trong những đám ma buồn bã nhất thế giới nữa.

Ước vọng của chị Nhàn, âu cũng là ước vọng của rất nhiều người trong thời khắc thiêng liêng nhất, thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Ngoài kia, xuân đang về trên đỉnh Ba Vì!

  • Đông Dương
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc