Được mệnh danh là "ông hoàng tơ lụa", thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh đồng thời sở hữu khối tài sản bạc tỷ, Hoàng Khải được coi là hình mẫu doanh nhân thành đạt, người truyền cảm hứng và tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.
Trong lúc không ít người phải cúi đầu thán phục và ngưỡng mộ thì những ngày vừa qua ông chủ Khaisilk bất ngờ vướng vào một vụ bê bối lớn chưa từng có trong quá trình kinh doanh của vị doanh nhân sinh năm 1964 này.
Nhắc đến lụa Khaisilk, người ta nghĩ ngay đến một thương hiệu "made in Việt Nam" sang trọng, đẳng cấp. Nhiều du khách tìm mua bằng được một chiếc khăn Khaisilk làm kỷ niệm, trong khi không ít người Việt cũng lựa chọn sản phẩm này làm quà tặng cho đối tác trong những sự kiện quan trọng.
Tự hào và đặt niềm tin vào Khaisilk bao nhiêu, người tiêu dùng càng thất vọng bấy nhiêu khi công ty bị tố bán khăn lụa tơ tằm xuất xứ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam.
Sau một thời gian giữ im lặng, ông Hoàng Khải cũng chính thức lên tiếng thừa nhận thông tin trên là sự thật, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Ông chủ Khaisilk cho biết đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.
Trong khi đó nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về. Khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.
Dù đã xin lỗi và chấp nhận bồi thường cho khách hàng, lời giải thích của "ông hoàng tơ lụa" xem ra vẫn chưa mấy thuyết phục. Không ít người tiêu dùng đã lên tiếng tẩy chay thương hiệu Khaisilk danh tiếng một thời.
Với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, bản thân doanh nhân 53 tuổi cũng nhận thức được rằng tập đoàn của ông đang đối mặt với khủng hoảng, và sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín, thương hiệu đã gây dựng.
Và tất nhiên, bên cạnh danh tiếng thương hiệu bị sụp đổ, sự tôn trọng và ngưỡng mộ của nhiều người dành cho bản thân ông Hoàng Khải sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng. Liệu ông có thể tiếp tục là người truyền cảm hứng cho start-up Việt khi dính bê bối thiếu trung thực trong kinh doanh?
Doanh nhân Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông là con trai cả trong một gia đình 3 anh em trai tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Tuổi thơ trong ký ức của ông là những ngày tháng cơ cực khi “chiều chiều lọc cọc đạp ngoáy mông trên chiếc xe đạp cà tàng đi học nhạc chỉ ước một que kem cốm Tràng Tiền".
Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ học tại Nhạc viện Hà Nội và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai, buôn bán các mặt hàng lụa cao cấp, được quảng cáo là sản xuất tại Việt Nam. Sự thành công của Khải Silk kéo theo sự phát triển nhộn nhịp của chuỗi các cửa hàng tơ lụa trên phố Hàng Gai, Hàng Bông.
Nhờ số vốn tích lũy từ hoạt động kinh doanh tơ lụa, Hoàng Khải bắt đầu “lấn sân” sang hoạt động kinh doanh bất động sản, nhà hàng cao cấp, trung tâm thương mại.
Trước thông tin thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bán hàng "giả Việt Nam", hôm nay (26.10), Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý Thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc.
Theo công văn do Chánh văn phòng Bộ Công Thương Trần Hữu Linh ký gửi Cục Quản lý thị trường, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã đề nghị:
"Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý".
Thời hạn báo cáo Bộ trưởng được đưa ra là trước ngày 28.10.
Việc thương hiệu Khaisilk vốn rất có uy tín dán tới 2 nhãn mác "Made in China" và "Made in Vietnam" lên sản phẩm lụa do mình kinh doanh và khẳng định là 100% lụa Việt Nam khiến người tiêu dùng đổ vỡ niềm tin.
Việc thay đổi xuất xứ từ "Trung Quốc" thành "Việt Nam" này đã được chính ông chủ Khaisilk là doanh nhân Hoàng Hải thừa nhận. Đồng thời, ông này ngụy biện rằng việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.
Hành vi này có biểu hiện rất rõ ràng của việc "làm giả xuất xứ nguồn gốc sản phẩm" được quy định cấm trong quy định của pháp luật.
Với chỉ đạo nhanh nhạy của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhiều khả năng Khaisilk không tránh khỏi bị xử lý. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất mà thương hiệu này phải gánh chịu - đó là niềm tin từ khách hàng đã bị đánh mất.
Chỉ thay một chữ "China" bằng hai chữ "Việt Nam", thương hiệu này đã kiếm bộn tiền suốt hàng chục năm qua. Nhưng cũng chỉ từ việc thay đổi này, nguy cơ thương hiệu này trở thành con số 0 tròn trĩnh chắc cũng không quá khó.
Dẫu sao đi nữa, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với dòng sản phẩm khăn lụa Khaisilk đã không còn như trước. Việc lợi dụng kiếm tiền trên niềm tin của người khác thực sự rất khó chấp nhận. Cuối cùng, người thiệt thòi nhất trong sự việc này cũng chính là người tiêu dùng. Khaisilk - "thần tượng" của hàng triệu khách hàng có lẽ đã sụp đổ.