Người Việt ’dập’ nhan sắc người Việt, chớ ăn gia cầm TQ

06:29, Chủ nhật 07/04/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng từ hóa chất trôi nổi, điều tra vụ nho Việt dán cờ Trung Quốc, diễn biến mới vụ sữa dê Danlait, virus cúm H7N9 làm cả thế giới run sợ, sau tiêm vắc xin 5 trong 1 tiếp tục chết...

Bảo vệ người tiêu dùng) – Sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng từ hóa chất trôi nổi, siêu thị BigC đối mặt những cuộc điều tra sau vụ nho Việt dán cờ Trung Quốc, diễn biến mới vụ sữa dê Danlait, virus cúm gia cầm H7N9 làm cả thế giới run sợ, sau tiêm vắc xin 5 trong 1 tiếp tục chết… nóng nhất tuần qua.
[links()]
Dân ta “dập” nhan sắc người mình

Theo điều tra của tờ Tuổi trẻ TP. HCM, các chủ đầu nậu chuyên sản xuất mỹ phẩm giả hàng hiệu nhập khẩu đã dùng hàng loạt hóa chất mua trôi nổi trên thị trường như chất tạo bọt, nhũ tạo màu, chất kết dính, chất tạo hương... sau đó đổ vào thùng trộn đều, sau đó dùng hỗn hợp hóa chất này đổ vào các chai nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Rose, White Care… nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Đức... sau đó bỏ mối với giá 21.000 - 30.000 đồng/chai, và khi tới tay người tiêu dùng các loại mỹ phẩm giả này có giá 80.000-100.000 đồng/chai lớn.

Sản xuất mỹ phẩm giả hàng hiệu từ hóa chất trôi nổi.
Sản xuất mỹ phẩm giả hàng hiệu từ hóa chất trôi nổi. Ảnh TTO.

Theo PGS.TS. Phạm Thành Quân, Giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM, việc tự làm mỹ phẩm với các hóa chất mua trôi nổi là cực kỳ nguy hiểm. Do sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, lại pha trộn liều lượng, trình tự không đúng sẽ phát sinh nhiều phản ứng hóa học, tạo ra những độc tố hiện diện trong hóa chất gây hại cho người sử dụng. Người sử dụng có thể bị mẩn ngứa do tác động hóa chất, bít lỗ chân lông gây ra các bệnh về da…

Đấy là cách mà người Việt ta đang tự tay tàn phá nhan sắc, sức khỏe của dân tộc ta, sau hàng loạt các hành vi làm thực phẩm giả, nhái, rau phung thuốc, thịt ngâm hóa chất, chăn nuôi bằng kháng sinh…

Siêu thị BigC đối mặt hiểm nguy

Tuần qua có lẽ BigC là doanh nghiệp bán lẻ bận rộn nhất nước, họ phải căng sức để xử lý khủng hoảng, và có lẽ cũng đang “run” khi phải tiếp các đoàn kiểm tra, điều tra của cả công an để làm rõ nho Việt Nam nhưng lại dán cờ Trung Quốc bán tại siêu thị BigC The Garden (Hà Nội).

Sau khi phía BigC tuyên bố nho đó được trồng tại Ninh Thuận, lỗi chỉ là do nhân viên dán nhầm, thì ngày 3/4, ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, báo cáo vụ việc vì “vụ việc này đã ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của nho Ninh Thuận”.

nho-viet-dan-co-trung-quoc-Phunutoday.vn.jpg
Nho đề xuất xứ Việt Nam nhưng lại dán cờ Trung Quốc bán tại siêu thị BigC.

Trong động thái tương tự trước đó, bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo cấp dưới trao đổi với lực lượng an ninh kinh tế xem xét điều tra sâu vụ việc.

Kết quả vụ việc chúng ta sẽ còn phải chờ đợi, nhưng nhân viên dán nhầm cờ Trung Quốc đã bị đuổi việc, một sự nhầm lẫn tai hại có thể dẫn tới những kết quả tai hại cho siêu thị BigC, và biết đâu đấy, sẽ có những “sự thật” được phơi bày(?).

Sữa dê hay... đầu dê?

Trong cuối tuần vừa rồi, trong khi báo chí đang “hẻo” tin bài, thì vụ việc liên quan tới nghi vấn chất lượng sữa dê Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp lại xới tung lên, với những diễn biến đầy bất ngờ, và cũng rất đáng ngờ.

Đầu tiên, các bà mẹ dùng sữa này cho con đã lập một nhóm để tự hành động bảo vệ mình khi không thể ngồi yên trồng chờ các cơ quan chức năng đứng ra bảo vệ họ, họ đã làm một việc mà các cơ quan quản lý có lẽ không ngờ tới, khi gửi hộp sữa còn nguyên tem tới Viện Pasteur TP. HCM để kiểm nghiệm.

kiem-nghiem-sua-de-danlait-Phunutoday.vn.jpg
Kết quả kiểm nghiệm sữa dê Danlait tại Viện Pasteur TP. HCM.

Kết quả, tỷ lệ Protein (độ đạm) trong mẫu sữa này chỉ có 4% (trong khi công ty nhập khẩu lại công bố là 17%); hàm lượng Natri trên mẫu là 1606 mg/100g (công ty Mạnh Cầm công bố tỷ lệ này là từ 180-200 mg/100g); hàm lượng Kali là 3553 mg/100g (bông bố của Mạnh Cầm là từ 500-620mg/100g). Với kết quả này, hàm lượng Natri cao gấp 4 lần, Kali cao gấp 2,9 lần chỉ tiêu giới hạn của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex).

Bất ngờ hơn khi phía Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) lại một mực khẳng định, họ không quan tâm tới kết quả này, vì nó không đại diện cho cả lô, phương pháp thực hiện không đúng… còn ai thích làm gì thì làm, chất lượng sữa này vẫn đảm bảo. Về phía Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), dù đã phát hiện Công ty Mạnh Cầm có nhiều sai phạm, nhưng hiện tại đang xử lý, khi nào có kết quả sẽ thông báo. Người tiêu dùng tiếp tục chờ nhé, hồi sau sẽ rõ!

Virus gia cầm nguy hiểm chết người

Đi xa hơn một chút, ở bên Trung Quốc đang có dấu hiệu bùng phát dịch cúm virus H7N9, tới nay nước này đã có 3 người tử vong, nâng số người tử vong vì virus này trên toàn thế giới lên con số 6, trên tổng số 14 người mắc phải.

Về phản ứng của Việt Nam, Chính phủ đã có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các sân bay; Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh đặc biệt giám sát trên đại bàn, các bệnh viện lên phương án chuẩn bị sản sàng nếu có người mắc; Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc, kiểm soát chặt không để tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra, đồng thời cấm mọi hình thức buồn bán, trao, tặng gia cầm Trung Quốc… Còn người viết bài này khuyên độc giả chớ có ăn gia cầm Trung Quốc, đặc biệt là gà Trung Quốc đang bán đầy các chợ hiện nay, còn làm sao để phân biệt là gà nào, thì độc giả hãy là “những người tiêu dùng thông thái”. Còn người chăn nuôi, hãy tăng cường khả năng phòng bệnh cho gà của mình, còn làm sao thì tự tính, chỉ mong bà con chăn nuôi đừng áp dụng kiểu làm của nông dân Trung Quốc là trộn kháng sinh vào thức ăn hằng ngày là được, kẻo dân mình lại chết vì độc trước khi chết vì virus.

Liên quan tới vắc xin “tiêm cũng chết, không tiêm cũng chết”

Tuần qua cũng ghi nhận những diễn biến mới nhất liên quan tới trẻ tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Sau khi một trẻ ở Hải Dương tử vong sau tiêm loại vắc xin đã làm hơn chục trẻ tử vong cùng hàng chục trường hợp ghi nhận có “biểu hiện lạ” sau tiêm này, thì nguyên nhân được kết luận là “tử vong không rõ nguyên nhân”, ngoài 1 trường hợp tử vong tỉnh này còn ghi nhận thêm 5 trẻ phải cấp cứu sau tiêm vắc xin này.

vaccine
Thêm nhiều trẻ tử vong và có "biểu hiện lạ" sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.

Còn tại Lâm Đồng, sau khi tiêm loại vắc xin mà nhiều người nói vui với tôi là “tiêm cũng chết mà không tiêm cũng chết” này, cuối tháng 3 vừa qua cũng có 1 trưởng hợp trẻ tử vong và 14 trẻ có “biểu hiện lạ” sau tiêm.

Còn phản ứng của cơ quan y tế là, đình chỉ tiêm các lô vắc xin có liên quan tới những trẻ xấu số kể trên, còn tất nhiên chúng ta không thể dừng hẳn loại vắc xin này được, nên sẽ đổi lô vắc xin khác và tiếp tục tiêm. (Trong giới hạn một bài điểm tin không cho phép chúng tôi viết nhiều hơn, mong quý vị thông cảm, và đón đọc bài chi tiết vào ngày mai, cũng trong chuyên mục này của báo chúng tôi).

Trên đây là một vài thông tin liên quan tới ăn uống, sức khỏe của chúng ta tuần vừa rồi, còn nhiều vụ việc bắt bớ thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… tuần này xin phép không điểm, vì nó nhiều quá, tuần nào cũng có, dù chúng tôi cũng như quý vị đều quan ngại sâu sắc, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có mối lo ngại làm mất thời gian của quý vị nên xin phép được dừng phần điểm tin ở đây.

  • Phạm Thanh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc