Người Việt kiêng kỵ hoa râm bụt trong khi chúng lại được cho là linh thiêng ở nhiều quốc gia, vì sao?

14:46, Thứ sáu 16/08/2024

( PHUNUTODAY ) - Hoa râm bụt là loại hoa phổ biến ở Việt Nam nhưng từ xưa tới nay chúng chỉ được làm hàng rào hoặc trồng ngoài công cộng mà không được xem là loài hoa đẹp để cúng hoặc để làm hoa phong thủy.

Hoa râm bụt ý nghĩa thiêng liêng ở nhiều vùng đất

Râm bụt là loại thực vật thuộc họ Cẩm quỳ. Cây hoa râm bụt có nguồn gốc Đông Nam Á., thuộc họ Hibiscus. Trong họ thực vật này có nhiều loại có dáng hoa hơi khác nhau và màu sắc cũng khác nhau một chút. Hoa râm bụt thuộc cây thân gỗ, lá viền răng cưa, trong lá và hoa có dịch nhớt. Hoa râm bụt phổ biến ở Việt Nam là màu đỏ và vàng cam, dáng hoa to. Râm bụt có nhiều loại nhưng hoa đều tương tự nhau. Ở nhiều quốc gia, những bông hoa râm bụt có những ý nghĩa thiêng liêng và được dùng nhiều trong nghi thức của đời sống:

Ở Trung Quốc, hoa râm bụt được xem là loại hoa biểu tượng cho sự kiêu kì và vẻ đẹp danh tiếng của phụ nữ.

Râm bụt là loài hoa đẹp và có ý nghĩa thiêng liêng ở nhiều nơi

Râm bụt là loài hoa đẹp và có ý nghĩa thiêng liêng ở nhiều nơi

Ở Bắc Mỹ, cây hoa râm bụt lại trở thành biểu tượng cho một người vợ hoặc một người phụ nữ hoàn hảo.

Hàn Quốc lấy một giống hoa râm bụt, tên gọi là Mugung là quốc hoa mang ý nghĩa thiêng liêng cho đất nước này. 

Dâm bụt cũng là quốc hoa của Malaysia.

Hoa râm bụt Hibiscus Brackenridgei được xem là nét biểu trưng đại diện cho đảo Hawaii, người dân ở các nước này quan niệm rằng hoa râm bụt trong phong thủy là loài hoa mang ký ức, hoài niệm, biểu tượng của những hồi ức tuổi thơ, trong sáng và êm đềm. Đồng thời, hoa râm bụt ở dây cũng được xem là mang lại sự may mắn, hạnh phúc tài lộc đến bên bạn.

Hoa râm bụt nhiều công dụng với sức khỏe

Cây hoa râm bụt không chỉ là một loại cây dại mà còn có thể làm rau ăn hoặc làm thuốc. Toàn thân, lá và hoa râm bụt có chất nhớt tương tự như cây rau đay, rau mồng tơi. Chính chất nhớt này giúp hoa râm bụt trở thành cây có tác dụng điều hòa và thanh lọc không khí, lọc bụi bẩn, mang lại không khí tươi mới, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra trong Đông y thì lá, thân, rễ, hoa râm bụt cũng được sử dụng làm nhiều bài thuốc để chữa đau nhức, tê mỏi chân tay, trị mụn nhọt, chống tóc bạc sớm, giúp giảm sốt... Lá hoa râm bụt còn được dùng trị mụn nhọt, trị táo bón.

Tại sao người Việt kiêng kỵ hoa râm bụt?

Hoa râm bụt có dáng vẻ bề ngoài khá xinh xắn nhưng là loại hoa không được dùng để thắp hương, ít khi được dùng để làm hoa trang trí cắm trong nhà. Hoa râm bụt thường được trồng ở hàng rào vì chúng không cần chăm sóc. Ngày nay người ta lai tạo nhiều giống râm bụt trồng làm cảnh ở công viên. 

Trong đời sống văn hóa Việt Nam, tặng ai đó hoa râm bụt sẽ bị xem là có ý khinh thường, chơi xấu.  Nếu trên mâm lễ cúng đón dâu mà gà ngậm hoa râm bụt thì sẽ bị cho là xúc phạm nhà cô dâu. Dân gian Việt Nam đã từng có những chuyện nhà trai không đồng ý cô dâu nhưng vì lý do gì đó phải chấp nhận cho cưới thì đã từng có chuyện "xỏ lá" không cắm hoa hồng vào miệng gà khi đi đón dâu mà dùng hoa râm bụt.

Tại Việt Nam, hoa râm bụt được đọc thành dâm bụt nên bị kiêng kỵ

Tại Việt Nam, hoa râm bụt được đọc thành dâm bụt nên bị kiêng kỵ

Hoa râm bụt trong quan niệm của người Việt là loại hoa không có ý nghĩa tốt lành, do đó chúng bị loại khỏi nhóm hoa trang trí, nhóm hoa tâm linh thờ cúng, nhóm hoa tặng. Chữ râm bụt có ý nghĩa bông hoa trông giống chiếc lọng che nắng, tạo bóng râm cho bụt. Nhưng trong dân gian chữ râm bụt phát âm như dâm bụt, thậm chí nhiều nơi, nhiều tài liệu cũng ghi tên loại hoa này là dâm bụt chứ không phải râm bụt. Chữ dâm trong tiếng Việt có ý nghĩa rất xấu nên loài hoa này bị kiêng kỵ vì cái tên. Hơn nữa hình dáng hoa râm bụt cũng cho là giống cơ quan sinh nở của những người phụ nữ nên không được cho là linh thiêng để cúng. Bởi thế hoa râm bụt bị kiêng kỵ không được xuất hiện trong đời sống xã giao, tâm linh của người Việt mà chỉ đứng làm hàng rào hoặc dùng làm vị thuốc dân gian. 

*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên