Người vợ tảo tần hi sinh của nhà văn Nguyễn Tuân

07:27, Thứ bảy 24/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Nguyễn Tuân là một người sống phóng khoáng, nghệ sĩ, nhưng trong gia đình, ông rất nghiêm khắc, khắt khe trong việc giữ gìn nền nếp gia phong nên rất chú ý đến việc giáo dục con cái. Ông đã nói gì các con ông nhất nhất nghe theo.

Sinh thời, Nguyễn Tuân có lần bộc bạch với vợ: "Giữa tôi với bà thì ai nên "đi"trước". Bà bảo ngay: "Chỉ có tôi mới chăm sóc được ông trên đời. Ông ăn không nhiều nhưng ăn tinh. Giò mua của ai thì ông mới ăn, rượu mua của ai thì ông mới uống. Món ăn thế nào thì mới hợp khẩu vị ông, chỉ có tôi biết. Nên nếu tôi đi trước thì tôi thương ông lắm".

[links()]

Nguyễn Tuân và những câu chuyện về bạn bè

Nguyễn Tuân sinh ra ở phố Hàng Bạc, nhưng quê gốc của ông là vùng đất ngoại thành nổi tiếng: làng Nhân Mục (làng Mọc). Khi còn sống, nhà văn Nguyễn Tuân kể về làng Mọc quê mình rất tự hào và thường gọi mình và những người làng Mọc là Kẻ Mọc chúng tôi.

Lớn lên một chút, Nguyễn Tuân cùng gia đình đi “tha hương” ở nhiều nơi, Nam Định, Thanh Hoá và cả các tỉnh sâu vào trong nữa. Nhưng dù làm ăn ở đâu, năm nào bà cụ thân sinh ra ông cũng dẫn ông về Hà Nội ít ra là một lần, và thường vào dịp Tết.

Bố nhà văn Nguyễn Tuân  là Cụ tú Hải Văn, làm ký lục ở Tam Toà. Nhà ở Gia Hội. Cụ Tú Ký lục có mẹ là người Huế.  Như thế Nguyễn Tuân cũng  có  “dòng máu Huế”. Bởi lẽ ấy mà sau này, Nguyễn Tuân cũng rất yêu xứ Huế và ảnh hưởng nhiều tính cách của người Huế.

Nhưng có một nơi mà Nguyễn Tuân rất yêu, đó là Huế. Do công việc và tính  thích ngao du, cụ Tú ký lục hay đi đây đi đó và thường có dịp đến Huế. Mỗi lần vào Huế, cụ Tú ký lục đều đi dọc Sông Hương, lên Tuần, về Chợ Dinh.

Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân
Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân

Hầu như lần nào Nguyễn Tuân cũng được đi theo cha. Có quãng thời gian, cứ buồn là Nguyễn Tuân xách cặp da, chống ba toong lên tàu vào Nam. Hồi đó mua vé Hà Nội – Sài Gòn, tàu đến Huế, muốn xuống cứ xuống. Xuống rồi đưa cái vé vào ga đóng dấu.

Thế là khi đi tiếp thì cứ thế lên tàu mà đi. Có khi Nguyễn Tuân ghé Huế chơi hàng tháng. Vào Huế, Nguyễn Tuân bao giờ cũng rủ bạn xuống đò Sông Hương xuôi về rạp hát Bà Tuần tìm cô Ba Vĩnh, một đào hát hàng đầu Huế nghe hát. Tan buổi hát, ông lại rủ cô đào Ba Vĩnh xuống đò, dong ra giữa dòng Hương đàn hát…

Nguyễn Tuân là một người nổi tiếng với chủ nghĩa xê dịch. Cả đời ông là những chuyến đi khám phá, hết vùng đất này đến vùng đất khác. 2 lần Nguyễn Tuân bị vào tù (trước năm 1945) trong đó có một lần ông đã đi ra khỏi biên giới vì ham mê khám phá của mình.

Đi và đi, như là một căn bệnh của con người lãng tử Nguyễn Tuân. Năm 1937, khi Tết đến rồi mà ông vẫn theo đoàn phim sang Hương Cảng đóng phim “Cánh đồng ma”. Cụ Tú Hải Vân, thân sinh Nguyễn Tuân rất buồn vì Tết Mậu Dần ấy vắng người con trai lớn ở nhà.

Nhưng đổi lại sau chuyến đi đó, Nguyễn Tuân đã viết tùy bút “Một chuyến đi nổi tiếng”. Đi xa nhiều, xê dịch nhiều, nhưng Nguyễn Tuân rất yêu Hà Nội. Ngày bé, ông thường phải cùng gia đình đi khắp nơi sinh sống, làm ăn.

Nhưng năm nào, ông cũng được bố mẹ đưa về Hà Nội, chủ yếu là vào dịp Tết. Là người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch, nhưng cứ sau mỗi chuyến đi, viết được một cái ký hay, Nguyễn Tuân lại quay về Hà Nội, để tận hưởng bầu không khí quen thuộc nơi đây. Quãng thời gian kháng chiến chống Pháp phải tản cư, xa Hà Nội là những lúc vô cùng khó khăn với nhà văn.

Nguyễn Tuân bắt đầu viết văn từ sau khi bị đi tù về lần thứ nhất. Lần đó ông sang Xiêm, bị chính quyền thực dân phát hiện, bắt đưa về trong nước. Từ những năm 1930, Nguyễn Tuân đã trở thành một cây bút nổi tiếng, với những ký, tùy bút nổi tiếng mà độc giả yêu văn chương đều biết.

Nói về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân thì phải nói rất lâu, rất dày. Tuy nhiên trong bài viết này  chỉ xin phép kể những câu chuyện đời thường về nhà văn tài hoa này.

Có rất nhiều kỷ niệm về Nguyễn Tuân do bạn bè kể lại. Nhà văn Kim Lân khi còn sống từng rất khoái chí tiết lộ, Nguyễn Tuân là một người ương bướng, ngang tàng, cả đời lao theo những chuyến đi. Những tưởng những người như thế đều là những kẻ chẳng biết sợ là gì, nhưng không phải. Nguyễn Tuân hầu như chẳng sợ gì, chỉ sợ một thứ, đó là… ma.

Nhà văn Nguyễn Tuân (phải) và nhà thơ Lưu Quang Thuận
Nhà văn Nguyễn Tuân (phải) và nhà thơ Lưu Quang Thuận

Có lần Nguyễn Tuân cùng Kim Lân sang công tác ở Bulgaria, mỗi người được cấp một căn phòng riêng, nhưng Nguyễn Tuân sợ ma không dám ngủ một mình. Ông đòi Kim Lân sang ngủ chung một phòng với ông cho bằng được.

Nhưng cũng nhờ vậy, Kim Lân phát hiện ở Nguyễn Tuân một thứ bệnh rất lạ: suốt thời gian ở Bulgaria, đêm nào cũng như đêm nào, cứ đến độ 1 giờ sáng là Nguyễn Tuân thức dậy bật đèn sáng trưng, đi đi lại lại ngẫm nghĩ, giở sách ra đọc.

Sau đó, ông lại mở rượu ra uống, vừa uống vừa đọc sách. Rồi lại mở tất cả va-li quần áo ra nheo mắt ngắm nghía, xếp đi xếp lại cả chục lần. Mãi gần 4 giờ sáng, vừa tàn bữa rượu thì ông mới chịu đi ngủ.

Có nhiều người vẫn nhầm tưởng Nguyễn Tuân là một kẻ ngông và kiêu, nhưng kỳ thực, nhà văn là một người rất vui tính, gần gũi. Ông đi đến đâu là tiếng cười râm ran vỡ ra đến đấy.

Trong kháng chiến, buổi nói chuyện nào của ông cũng đông nghịt khán giả, từ chỉ huy đến anh lính binh nhì đều ngồi nghiêm chỉnh lắng nghe. Nhiều người từng được gặp ông, cũng chứng kiến ông cư xử rất hòa nhã, lịch sự.

Đầu tiên phải nói đến việc cụ đặc biệt yêu những người trẻ có tài. Người ta cứ nói cụ Nguyễn kênh kiệu, nhưng có lẽ chỉ kênh kiệu với những kẻ dốt nát mà cứ ra vẻ ta đây hay chữ, còn những người có thực tài, dù còn trẻ, ông đều rất trân trọng.

Có lần, Nguyễn Tuân gặp một số văn nghệ sĩ từ Huế ra như Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, lúc đó tất cả đều còn rất trẻ, chưa có tên tuổi, Nguyễn Tuân đã ân cần trò chuyện và yêu cầu mọi người gọi bằng anh cho thân mật và trò chuyện rất vui vẻ.

Nguyễn Tuân không giấu diếm sự yêu mến dành cho những người trẻ có tài năng, và cả những người gần gụi, "điếu đóm" xung quanh. Có lần nhà văn Đoàn Minh Tuấn ở Sài Gòn ra, khi về, cụ Nguyễn gửi quà chu đáo cho vợ con anh Tuấn, còn dặn dò rất kỹ lưỡng, ân cần nữa.

Có lần khác, có một cuộc triển lãm tranh của một số họa sĩ trẻ người Huế tại Hà Nội, Nguyễn Tuân đến xem và rất thích thú. Kết thúc triển lãm, các họa sĩ trẻ vì yêu mến nhà văn mà có nhã ý mời cụ ra quán nhậu một bữa.

Cụ gợi ý về nhà nhà văn Ngọc Trai và nhờ nhà văn Ngọc Trai một số món ăn (chẳng là cụ thích một vài món Huế mà nhà văn Ngọc Trai làm). Cả nhóm đồng ý và cụ hẹn cuối tuần gặp lại. Nhưng lần đó đến ngày thứ 6, cụ đi khám bác sĩ và được các bác sĩ cảnh báo tim cụ có vấn đề, phải nhập viện ngay.

Nhưng vì lời hẹn với các họa sĩ trẻ, cụ nói dối các bác sĩ là cho về nhà để chủ nhật cụ phải làm việc với Nhà xuất bản rồi thứ hai sẽ nhập viện. Chẳng ngờ rằng sau buổi gặp với các nghệ sĩ trẻ dịp cuối tuần đó, chiều thứ hai Nguyễn Tuân nhập viện, thì đến chiều thứ ba, ông đã ra đi mãi mãi.

Nhiều người vẫn tiếc vì nếu Nguyễn Tuân không chiều bạn như thế, có lẽ cụ đã sống được lâu hơn nữa. Nhưng nói đi nói lại, Nguyễn Tuân cũng rất được mọi người xung quanh chiều. Lúc còn sống, Nguyễn Tuân rất thân với nhà văn Ngọc Trai.

Có lần sau nhà nhà văn Ngọc Trai chơi, cụ Nguyễn sang chơi cả nhà ông hàng xóm của nhà văn Ngọc Trai nữa. Ông hàng xóm này trồng nhiều cây trong vườn, lúc nào cũng nâng niu từng cành, từng nhánh, tưởng chừng chẳng bao giờ ông cho ai đụng vào cây cối của mình.

Trong vườn nhà ông này có duy nhất một cây mai nhỏ, đang nở một cành hoa trắng rất đẹp. Cụ Nguyễn nhìn thấy cây mai thì ngỏ ý xin cành hoa đẹp nhất. Ông hàng xóm của nhà văn Ngọc Trai vội vàng đi lấy kéo, cắt cành hoa mai biếu cụ.

Nhà văn Ngọc Trai nói: "Hàng xóm nhà cháu phải chiều bác lắm mới biếu bác cành mai đấy, chứ xóm cháu chả ai xin ông ấy được đâu", cụ Nguyễn chỉ cười. Lần khác đến chơi nhà họa sĩ Sỹ Ngọc, thấy giò phong lan đang trổ một nhành hoa dài rất đẹp, Nguyễn Tuân cũng xin ngay.

Ông Sỹ Ngọc chiều cụ Nguyễn, bảo cụ cứ về nhà, sẽ bê cả cây sang biếu cụ. Đến các anh công an cũng rất chiều Nguyễn Tuân. Số là có lần Nguyễn Tuân đi uống rượu ở Đại sứ quán Pháp trên đường Trần Hưng Đạo, lúc về cụ say quá, đi bộ đến cổng trụ sở công an thành phố Hà Nội thì ngồi bệt ở vỉa hè.

Mấy anh công an nhận ra nhà văn Nguyễn Tuân, nên dìu cụ vào văn phòng, pha nước chanh cho cụ uống rồi đưa xe chở vụ về tận nhà.

Người phụ nữ phía sau nhà văn tài hoa

Không chỉ được bạn bè chiều, ở gia đình, Nguyễn Tuân cũng rất được vợ chiều. Vợ nhà văn Nguyễn Tuân là người phụ nữ rất tần tảo, chịu thương chịu khó. Lấy được bà, có lẽ là may mắn rất lớn với nhà văn Nguyễn Tuân.

Bà rất nhạy cảm với công việc của chồng nên thường xuyên ngấm ngầm giúp chồng theo cách của mình, nên khiến cụ Nguyễn không thể chê vợ được một lời nào. Không bao giờ bà để tâm đến những gì xảy ra bên ngoài, chỉ một mực thu vén gia đình để chồng toàn tâm với sáng tạo nghệ thuật.

Có những thời gian, cụ Nguyễn đi biền biệt, bà cũng ít khi nhận được đồng tiền nào của chồng. Nhưng bà vẫn xoay xở nuôi được các con khôn lớn.

Thời kháng chiến chống Pháp, cụ Nguyễn hoạt động trên chiến khu Việt Bắc, bà đưa các con vào Thanh Hóa tản cư. Cuộc sống tản cư rất vất vả. Bà cùng các con đã phải làm việc khá cực nhọc để duy trì cuộc sống từ việc đồng áng, mất mùa liên miên, đến việc đi chợ buôn bán.

Sau đó, bà cùng con cái mở một quán ăn nhỏ có tên là Giang Quyên tại cầu Thiều – Thanh Hóa, phục vụ từ cháo giò, bánh cuốn… cho đến giải khát, nhờ có quán mà việc duy trì cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Đó là sự hi sinh cho chồng. Còn về sự chiều chồng, có lẽ cũng hiếm ai bằng bà. Giai đoạn khó khăn khó khăn, bà vẫn chăm lo tốt cái ăn cái uống cho chồng, vì cụ Nguyễn Tuân là người rất khảnh ăn. Bữa ăn nào cũng phải có tí thịt, tí rau.

Vậy nên, mua được tí thịt nào, bà lọc ra cho chồng, cho con, còn mình thì chẳng cần gì hết. Nguyễn Tuân hay đi. Có đến 7 – 8 cái Tết, Nguyễn Tuân không có ở nhà, chỉ có mấy mẹ con cùng ông nội – cụ Tú Ký lục đón Tết.

Nguyễn Tuân là người rất coi trọng những gì đặc trưng của dân tộc bởi thế mà trên ban thờ ngày Tết không thể thiếu đi chiếc bánh chưng xanh, khúc giò lụa, con gà và mâm ngũ quả. Cụ là người cầu kỳ nên con gà nhất thiết phải là gà ri, bưởi cũng phải là loại bưởi Đoan Hùng. Những cái đó dù chồng có đi vắng hay ở nhà dịp Tết, vợ nhà văn Nguyễn Tuân vẫn lo đủ.

Ngày Tết là thế, bữa cơm ngày thường Nguyễn Tuân rất thích món thịt rim hoặc rán, món rau muống luộc với bát tương Bần. Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn đặc biệt thích món cá diếc om khế. Cái món cá diếc om khế, nó ngon đến đặc biệt, ngay cả một người ghét ăn cá khi ngửi thấy mùi thơm ấy cũng không thể cưỡng lại được.

Nhưng nấu để hợp khẩu vị với Nguyễn Tuân, có lẽ chỉ có riêng vợ nhà văn là làm được. Nhà văn Ngọc Trai chính là người được chứng kiến điều này. Bà kể: “Tôi nhớ một hôm, tôi đến nhà hầu chuyện Nguyễn Tuân. Nói chuyện với cụ được một lúc lâu thì cụ bà về.

Cụ Nguyễn bảo vợ: "Bà ngồi quạt một tí cho mát rồi đi mua cho tôi quả trứng gà". Tôi mới cắt lời cụ Nguyễn: "Bác buồn cười thật đấy, bác gái vừa đi về còn đang mệt. Có quả trứng gà thôi, cháu đến từ lâu, lại có xe đạp, sao bác không bảo cháu chạy ù đi mua cho bác. Hoặc là bác không sai cháu thì bác sai cô Giang con gái bác đi mua, đỡ vất vả bác gái".

Nhưng cụ Nguyễn thủng thẳng đáp: "Nếu là rượu hay giò thì tôi có thể sai cô, vì cô cứ đến những nhà mà tôi vẫn mua là có rượu ngon, giò ngon. Còn trứng gà thì chỉ có bà nhà tôi mới biết cách chọn trứng gà tươi thôi. Tôi chỉ ăn trứng gà bà ấy mua về".

Tôi rất phục cụ bà Nguyễn Tuân, đúng là chỉ có bà mới hiểu và chiều được ông chồng nhà văn cá tính độc đáo ấy mà thôi”.

Hiểu được sự hi sinh của vợ, nên nhà văn Nguyễn Tuân rất trân trọng vợ. Lúc sinh thời Nguyễn Tuân có lần bộc bạch với vợ: "Giữa tôi với bà thì ai nên "đi" trước". Bà bảo ngay: "Chỉ có tôi mới chăm sóc được ông trên đời. Ông ăn không nhiều nhưng ăn tinh.

Giò mua của ai thì ông mới ăn, rượu mua của ai thì ông mới uống. Món ăn thế nào thì mới hợp khẩu vị ông, chỉ có tôi biết. Nên nếu tôi đi trước thì tôi thương ông lắm". Nghe vợ nói vậy, Nguyễn Tuân xúc động lắm, nói:

"Nhưng nếu tôi đi trước thì tôi biết bà rất buồn! Hay là tôi với bà cùng "đi" một lần vậy...". Nhưng ước ao được chết cùng vợ của nhà văn Nguyễn Tuân  không thực hiện được, bởi Nguyễn Tuân đã mất trước vợ (năm 1987).

Nguyễn Tuân là một người sống phóng khoáng, nghệ sĩ, nhưng trong gia đình, ông rất nghiêm khắc, khắt khe trong việc giữ gìn nền nếp gia phong nên rất chú ý đến việc giáo dục con cái. Ông đã nói gì, đã yêu cầu gì, thì các con ông nhất nhất phải nghe theo.

Nhà văn Ngọc Trai kể, con trai Nguyễn Tuân khi đã lớn tuổi vẫn thường phải đảm nhiệm vai trò “người đưa thư” mỗi khi nhà văn Nguyễn Tuân cần gửi thư cho nhà văn Ngọc Trai, mà thư thường chỉ có vài dòng, có khi là một lời hẹn gặp, có khi là mượn cái xe, có khi là trao đổi vài ba ý văn chương.

Người con gái út của Nguyễn Tuân là họa sĩ Thu Giang từ nhỏ đã được cha giáo dục cách đối nhân xử thế, cách ăn mặc đi đứng. Hồi trẻ, họa sĩ Thu Giang thường thích những đồ quần áo màu mè, nhưng nhà văn Nguyễn Tuân nói với con:

“Con gái phải ăn mặc phù hợp với không gian, thời gian, trang điểm thì phải nhẹ nhàng, tươi tắn, vào chùa phải thật trang nhã”. Nhà văn cũng dạy con, con gái đi guốc thì phải kiễng chân sau lên, để mũi chân chạm đất trước rồi mới hạ gót xuống. Như thế mới không phát ra những âm thanh lọc cọc.

Nguyễn Tuân là người rất yêu cái đẹp. Câu chữ trong văn chương phải đẹp, đến cái ghế nhà văn ngồi cũng phải đẹp. Vì thế ông cũng rất chú ý cách dạy con làm đẹp. Ông bảo với con gái, trang điểm phải đẹp nhưng làm sao giữ được nét tự nhiên để người ta không biết là mình trang điểm.

Một lần con gái ông bôi trát mặt trắng phớ, má đỏ choét. Ông gọi con vào mắng rồi dặn: “Da con không trắng nên không được dùng phấn trắng, phải dùng phấn hợp với màu da”.

Nguyễn Tuân nghiêm khắc với cả nghề nghiệp của con. Là nhà văn nổi tiếng nghiêm khắc với con chữ, Nguyễn Tuân từng nói với con: “Đừng bao giờ chọn nghề văn”, bởi phàm đã vướng vào cái nghiệp này, một là ở trên đỉnh cao, hai là chẳng có gì. Như với họa sĩ Thu Giang, con gái ông, ông khuyến khích trở thành họa sĩ, không khuyến khích trở thành nhà văn.

Tuy nghiêm khắc, nhưng Nguyễn Tuân cũng rất thương con. Với các con, ông là một người cha nhân ái, độ lượng. Trong gia đình, con gái út Thu Giang được sống cạnh cha nhiều hơn cả và cũng là cô con gái được yêu thương hơn cả.

Họa sĩ Thu Giang giống cha ở cá tính mạnh, yêu ghét rõ ràng và rất quyết liệt. Hiểu tính cách đó của con gái, Nguyễn Tuân luôn dự cảm con gái mình sẽ lận đận chuyện tình duyên. Khi con gái về nhà chồng, ông nói với con: “Nếu có chuyện gì thì con cứ về nhà, ngôi nhà này luôn mở cửa đón con”.

Sau này khi cuộc sống của con gái vấp nhiều sóng gió, ông tâm sự với con: “Nếu không ổn thì thôi, đừng cố!”. Nhà văn Nguyễn Tuân trong mắt họa sĩ Thu Giang như một bóng tùng luôn rộng tán che chở cho con, kể cả khi họa sĩ Thu Giang đã 40 tuổi. Nên sự ra đi của nhà văn Nguyễn Tuân là một cú sốc rất lớn mà mãi một thời gian dài sau, họa sĩ Thu Giang mới thích nghi được.

  • Khánh Huyền
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc