Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 20/10

23:09, Thứ ba 10/10/2017

( PHUNUTODAY ) - Các bạn có biết nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam là gì hay không? Nếu các bạn vẫn còn đang băn khoăn thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay những thông tin dưới đây nhé!

Ngày Phụ nữ Việt Nam là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ, được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 hàng năm ở Việt Nam. Vào dịp này, phụ nữ ở Việt Nam, cũng như tại các nơi khác trên thế giới, được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến nhất vẫn là tặng hoa hồng, thiệp và kèm theo những lời chúc mừng.

Tại sao lại có ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 ?

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, nước ta luôn luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ.

2.nguon-goc-y-nghia-ngay-phu-nu-viet-nam-1-phunutoday.vn

 

Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Nguồn gốc hình thành nên ngày phụ nữ Việt Nam

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, không kể xiết những tấm gương phụ nữdũng cảm, kiên trung.

Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:

Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.

Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, dù chưa đủ 18 tuổi, nhưng đã dám quăng lựu đạn giết chết và làm bị thương 20 tên giặc. Không khai thác được gì từ người con gái ấy, giặc Pháp đã tử hình cô. Khi bị dẫn đi làm thủ tục trước khi hành quyết và trên pháp trường chị đã từ chối bịt mắt và giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng đến phút cuối cùng. Bọn giặc bắt cô quỳ xuống, cô nhìn thẳng vào chúng quát: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”. Rồi Nguyễn Thị Minh Khai, sau những ngón đòn tra tấn tàn bạo, bà đã lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/ Triệt để thực hành chết mới thôi”.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng ghi rõ: “Nam nữ bình quyền”. Đảng đã đề cao phụ nữ và coi phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng. Đảng đề ra nhiệm vụ phải giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng phụ nữ.

Đảng cũng đặt nhiệm vụ quan trọng là phải thành lập tổ chức riêng để các tầng lớp phụ nữ tham gia hoạt động. Chính vì thế, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam cũng được thành lập. Đảng Cộng sản cũng coi đây là ngày tôn vinh chị em phụ nữ.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, mà tiền thân là Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam. Vì vậy về sau quyết định lấy ngày 20/10 là ngày phụ nữ Việt Nam.

Ý nghĩa của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Đã hơn 85 mùa thu qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, người phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có tri thức, có sức khoẻ, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ.

2.nguon-goc-y-nghia-ngay-phu-nu-viet-nam-2-phunutoday.vn

 

Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện…Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ xứng đáng là những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Những truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó đã được các thế hệ phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy. Có thể nói, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng phụ nữ Việt Nam mà còn là một thứ tài sản quý báu của cả dân.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc