Nguyễn Lương Bằng– “Anh cả Sao Đỏ” của Cách mạng (Kỳ 1)

22:59, Chủ nhật 22/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Khi tiếp nhận việc phụ trách tài chính của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa, là Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng bộ Việt Minh, nhưng Nguyễn Lương Bằng đã phải cùng anh em đi làm đủ nghề để kiếm tiền gây quỹ cho Đảng.

(Phunutoday) - Có một câu chuyện đã trở thành giai thoại về cuộc đời của “Anh cả Sao Đỏ”: Vào những dịp cuối tuần cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, có một người đàn ông trung niên ăn mặc giản dị thỉnh thoảng lại ra bến xe để bắt xe khách lên vùng sơ tán thăm con gái. Rất nhiều lần, ông đi trên những chuyến xe đông người chen lấn, đôi khi đến chỗ đứng còn khó khăn, nhưng không một ai để ý đến ông, không một ai biết ông là ai.

[links()]

Ông quá bình thường và giản dị giữa bao hành khách trên xe. Ông cũng như mọi ông bố bình thường khác. Nhưng có một ngày, người phụ xe thảng thốt nhận ra ông không phải một hành khách bình thường, mà chính là Phó Chủ tịch nước đương chức Nguyễn Lương Bằng.

Việc Phó Chủ tịch nước xuất hiện thường xuyên trên một chuyến xe khách chật chội đông đúc vừa mới phát hiện đã trở thành đề tài bàn tán của các bến xe thời đấy rồi vô tình được một nhà báo nghe được, viết lại trên báo chí. Nhưng đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong những giai thoại về sự giản dị và liêm khiết của Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.

Gia đình Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp năm 1972)
Gia đình Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp năm 1972)

Đi chở xe mật mía, ăn bánh đúc lót dạ để gây quỹ cho Đảng

Căn nhà của gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nằm trong một con ngõ của phố Đội Cấn. Vợ ông – bà Thục Trinh và các con gái của ông bà đã chuyển về đây từ đầu những năm 1990, sau khi Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng qua đời, và bà Thục Trinh quyết định trả lại ngôi nhà số 5 Thiền Quang cho Nhà nước.

Bà Thục Trinh được xem là người đầu tiên trả lại biệt thự công vụ cho Nhà nước thời đó. Ngày ra đi, bà chỉ mang theo tất cả cả vật dụng từ bàn ghế, giường tủ, chạn bát – những thứ vẫn gắn với gia đình Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng khi ông còn sống.

Bao nhiêu năm trôi qua, ngay cả khi bà Thục Trinh đã qua đời, dù bàn ghế, sập gụ đã bị mối mọt cắn, những người con gái của ông bà vẫn giữ nguyên những vật dụng trong nhà và cách sắp xếp nó, như một cách tưởng nhớ cha mẹ mình.

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng) huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước. Ông là một trong những lão thành Cách mạng thời kỳ đầu của Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ thuở thiếu thời, Nguyễn Lương Bằng đã phải xa gia đình đi lao động kiếm tiền. Từ một công nhân yêu nước, năm 1925, Nguyễn Lương Bằng được gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu và Bác Hồ và được chính Bác Hồ giác ngộ Cách mạng.

Sau này, ông trở thành một học trò ưu tú của Bác Hồ tại lớp học của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, Trung Quốc, và cũng là một người học trò của Bác về tác phong, lối sống, về tinh thần cống hiến, hi sinh vô tư và hết mình cho đất nước, cho dân tộc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thường sử dụng bí danh Anh cả và Sao Đỏ. Vì thế sau này mọi người vẫn thường gọi ông là Anh cả Sao Đỏ của Cách mạng Việt Nam, một con người mà khi nhắc tới, ai cũng nói là một người học trò thực sự của Bác Hồ về sự giản dị, liêm khiết.

Chị Nguyễn Việt Liên – con gái của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng kể rằng, trước khi kết hôn với bà Hà Thục Trinh – mẹ chị, ông từng lập gia đình và có một người con trai với một người phụ nữ ở quê Thanh Miện, Hải Dương.

Đó là cuộc hôn nhân do gia đình sắp xếp. Nhưng sau này, trong những năm ông đi hoạt động, vợ và con trai ông lần lượt qua đời. Vì mải hoạt động Cách mạng nên nhiều năm sau đó, khi đã suýt soát 40 tuổi, duyên phận mới đưa ông đến với người vợ hiền sau này – bà Hà Thục Trinh.

Nguyễn Lương Bằng quen biết với bà Hà Thục Trinh khi ông đang làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đóng ở chiến khu Việt Bắc, còn bà Thục Trinh là nhân viên công tác tại Ngân hàng Quốc gia. Duyên phận và sự mai mối của đồng đội, đồng chí đã đưa ông bà đến với nhau, gắn bó với nhau cho đến tận những năm cuối đời.

Chị Nguyễn Việt Liên kể rằng, nếu có điều gì khiến cho bố mẹ chị gắn bó với nhau nhiều nhất, thì chính là sự thấu hiểu, thông cảm và sự giống nhau đến kỳ lại ở tính cách giản dị, trong sạch, liêm khiết, không bao giờ vụ lợi cá nhân.

Không chỉ có 4 người con gái của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, mà ngay cả những người từng sống và làm việc bên cạnh ông cũng từng lưu giữ rất nhiều câu chuyện đã trở thành giai thoại về vị Phó Chủ tịch nước có lối sống giản dị đến khó tin này.

Thời đi hoạt động Cách mạng, cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng từng bị bắt và bị giam giữ ở nhà tù Sơn La suốt 10 năm trời (từ năm 1933 – 1943) và là người tù lâu nhất trong nhà tù của thực dân Pháp ở Tây Bắc.

Năm 1943, sau khi vượt ngục thành công, ông trở về Hà Nội nhận nhiệm vụ phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận của Đảng. Thời đó, tình hình tài chính của Đảng rất khó khăn. Khi Nguyễn Lương Bằng tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng bộ Việt Minh, quỹ của Đảng còn 24 đồng Đông Dương.

Những ngày tháng khó khăn gian khổ thời kỳ tiền khởi nghĩa, các cán bộ cao cấp của Đảng cũng chỉ được cấp tiền ăn 2 bữa tối thiểu một ngày. Cơm thì chỉ có một phần gạo, hai phần ba còn lại là rau, là ngô.

Khi tiếp nhận việc phụ trách tài chính của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa, là Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng bộ Việt Minh, nhưng Nguyễn Lương Bằng đã phải cùng anh em đi làm đủ nghề để kiếm tiền gây quỹ cho Đảng hoạt động.

Có lần, ông kéo xe mật mía từ Hà Đông ra Hà Nội, bán được một món tiền khá lớn, nhưng ông chỉ dám mua 2 xu khoai và 1 xu nước uống cho mình và người đồng chí đi cùng.

Chính nhờ sự cần kiệm hết mình và sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, mà chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, quỹ Đảng đã có đủ tiền để mua cho Đảng 9 ngôi nhà (trong đó có biệt thự số 5 Thiền Quang – nơi sau này từng gắn bó với gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng trong một thời gian rất dài).

“Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống”

Thời Kháng chiến chống Pháp, có lần, cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng được lãnh đạo Đảng cử sang Trung Quốc công tác. Trong buổi gặp mặt với nước bạn Trung Quốc, ông mặc một chiếc áo đại cán dày. Nhưng không may hôm đó, thời tiết nước bạn khá nóng, nhiều quan chức nước bạn đều cởi áo đại cán ra, chỉ riêng Nguyễn Lương Bằng vẫn kiên quyết mặc áo trên người.

Các quan chức nước bạn nhiều lần đề nghị ông cởi áo, nhưng ông đều chối từ mà không nói lý do, dù lúc đó mồ hôi trên mặt ông vã ra như tắm.

Mãi sau này quan chức nước bạn trong buổi tiếp đón đoàn Việt Nam hôm đó mới biết lý do thực sự của việc Nguyễn Lương Bằng nhất định mặc chiếc áo đại cán đó là vì ở bên trong ông mặc một chiếc áo sơ mi rách cho tiết kiệm, nên đành bấm bụng mặc chiếc áo đại cán bất chấp thời tiết để giữ gìn thể diện đất nước. Các cán bộ, quan chức nước bạn nghe xong ai cũng cảm động rơm rớm nước mắt về sự liêm khiết của ông.

Bất cứ ai từng đi công tác với cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cũng từng chứng kiến sự tiết kiệm, kỹ càng của ông. Có lần đi công tác, đường vừa xa vừa nắng, nhưng đến giữa trưa, ông chỉ dám tạt vào chợ quê, ăn một bát bánh đúc chấm tương (là món rẻ nhất nhưng no lâu nhất) và uống một cốc nước vối.

Khi làm tài chính cho Đảng, vì quỹ Đảng khó khăn, nên lúc nào, ông cũng phải tính từng xu và quản lý rất minh bạch. Là người quản lý quỹ của Đảng, Anh cả Sao Đỏ luôn đề cao kỷ luật tài chính, mọi chi tiêu tiết kiệm, tính toán để đạt hiệu quả cao nhất.

Mỗi lần diễn ra các cuộc họp, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đều tiến hành kiểm tra tài chính của nhau. Một xu tiền đò, một chinh tiền nước, cũng được ghi lại rõ ràng. Thế nhưng, ông luôn chu đáo trong việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ. Việc đáng tiêu ông không ngại tiêu. Nhưng việc không đáng thì một xu cũng không bỏ ra.

Thời còn ở nhà tù Sơn La, ông ở tù cùng đồng chí Tô Hiệu và nhiều anh em khác. Khi đó đồng chí Tô Hiệu bị ho lao, được ông chăm sóc rất chu đáo. Có bất cứ cái gì ngon nhất, bổ nhất, ông đều hô hào anh em bạn tù nhường cho đồng chí Tô Hiệu. Các anh em tù bị ốm đau khác cũng được ông nhường nhịn, chăm sóc như thế.

Nguyễn Lương Bằng kết hôn với bà Thục Trinh năm 1952. Ngay sau đó ông được cử sang Liên bang Xô Viết, trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô. Thời đó đang là giai đoạn kháng chiến chống Pháp căng thẳng nhất, mọi sức người, sức của đều dồn cho cuộc kháng chiến nên nước ta vô cùng nghèo. Đoàn Đại sứ Việt Nam sang Liên Xô cũng nghèo.

Thời đó, Đại sứ quán Việt nam ở Liên Xô đóng tại một căn nhà cũ kỹ, thấp lè tè, trên một con đường nhỏ, mưa xuống là lầy lội. Đại sứ Nguyễn Lương Bằng ở và sinh hoạt trong một căn phòng xép rộng khoảng 15 mét vuông.

Sau này, nước bạn đề nghị tìm cho Đại sứ quán Việt Nam một trụ sở lớn hơn, rộng hơn, nhưng Nguyễn Lương Bằng từ chối. Ông vẫn luôn quán triệt với anh em trong cơ quan:

“Chúng ta đang kháng chiến. Các đồng chí trong nước đang sống và làm việc trong điều kiện rất thiếu thốn, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cũng sống và làm việc trong điều kiện như vậy. Chúng ta không có quyền hưởng thụ, không có quyền sống phong lưu. Chúng ta phải sống và làm việc cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ trong nước…”.

Khi nói ra câu đó, chính Đại sứ Nguyễn Lương Bằng là người thực hiện điều đó triệt để nhất. Suốt những năm làm Đại sứ ở Liên Xô, Nguyễn Lương Bằng không hề có một chiếc đồng hồ đeo tay nào. Cứ mỗi lần đi đâu, ông cũng phải nhờ anh em hỏi giờ để biết giờ giấc làm việc.

Có người khuyên ông nên mua 1 chiếc đồng hồ để tiện xem giờ giấc, ông thật thà thừa nhận, đồng hồ thì rất cần, nhưng nghĩ đến số tiền mua 1 cái đồng hồ có thể đổi bao nhiêu bữa cơm cho đồng bào, đồng chí ở quê nhà, thì ông lại không dám mua nữa. Nên ông vẫn đùa với nhân viên trong Đại sứ quán:

“Giờ giấc thì đến đâu xem đồng hồ ở đó cho tiện”. Sự chân thành, giản dị, liêm khiết của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng trong thời kỳ làm Đại sứ ở Liên Xô (cũ) đã khiến nước bạn vô cùng quý mến ông.

Qua ông, họ hiểu hơn về con người Việt Nam yêu nước và luôn hy sinh hết mình cho mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau này các Đại sứ của ta ở Nga cũng luôn lấy Nguyễn Lương Bằng làm tấm gương cho suốt nhiệm kỳ Đại sứ của mình.

Không chỉ khi đất nước còn trong cuộc kháng chiến chống Pháp khó khăn, mà sau này khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nước ta tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đời sống tuy vẫn khó khăn nhưng đã có phần nào đỡ hơn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng vẫn giữ tác phong giản dị quen thuộc đó.

(Kỳ 2: Nguyễn Lương Bằng– “Anh cả Sao Đỏ” của Cách mạng )

  • Hương Thảo Nguyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc