Theo thống kê năm 2011, doanh thu từ dịch vụ tin nhắn giải trí của mạng di động Viettel là 4.376 tỉ đồng, Mobifone là 1.475 tỉ đồng, Vinaphone là 1.222 tỉ đồng.
[links()]
Đề ngăn chặn tin nhắn rác đang quấy rầy người dùng điện thoại di động, 13/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hẳng một Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Hàng ngàn tỉ đồng bỏ túi doanh nghiệp
Theo báo SGTT, hiện Việt Nam có sáu doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động, với tổng số thuê bao là 120,7 triệu. Cả nước có gần 350 công ty chuyên cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CSP), mỗi CSP lại ký kết với vài chục công ty vệ tinh khác (CP) để sử dụng các USB 3G có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác tới các thuê bao di động trả trước, với tốc độ lên tới 10.000 tin/giờ.
Các nhà mạng đang thu lợi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhờ tin nhắn rác. |
Nội dung các tin nhắn rác thường hướng dẫn người sử dụng tải game, lừa đảo trúng thưởng, tặng quà, mạo danh các doanh nghiệp viễn thông, thậm chí cung cấp cả những chuyện đồi truỵ…
Nguyên nhân bùng phát tin nhắn rác được lý giải bởi đây là kênh quảng cáo cực kỳ rẻ, chi phí để gửi tin nhắn rác chỉ vào khoảng 20 - 30 đồng/tin, trong khi lợi nhuận thu về rất lớn.
Việc “ăn chia” không đều giữa doanh nghiệp di động và CSP cũng được cho là tác nhân. Trên thế giới, CSP hưởng tỷ lệ lợi nhuận từ 70 - 90%, doanh nghiệp di động hưởng 10 - 30%.
Tại Việt Nam, CSP phải bỏ ra chi phí cao để sản xuất sản phẩm, dịch vụ nội dung, mua bản quyền phần mềm… nhưng chỉ được hưởng tỷ lệ lợi nhuận thấp, từ 55 - 79% đối với đầu bốn số xxxx và 58 - 66% đối với đầu 1900xxxx.
Các công ty di động quy định tổng doanh thu tối thiểu trên toàn bộ các số truy nhập của CSP là 30 triệu đồng/tháng. Do vậy, để không bị chấm dứt hợp đồng, các CSP buộc phải phát tán tin nhắn rác để đạt mức doanh thu tối thiểu.
Như vậy, doanh nghiệp di động được hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhờ tin nhắn rác.
Doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm
“Theo báo cáo từ chính các doanh nghiệp di động, hàng năm có tới hàng chục tỉ tin nhắn quảng cáo (chiếm 10% tổng lượng tin nhắn), phần lớn được gửi đi từ các doanh nghiệp di động. Do đó, doanh nghiệp di động phải có trách nhiệm trong việc phòng chống tin nhắn rác, bởi họ đang được hưởng nguồn lợi nhuận khổng lồ mỗi năm”, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) nhấn mạnh.
Theo LS. Trần Đình Triển, có thể khởi tố theo điều 139 của Bộ luật Hình sự về sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. |
Từng trả lời về vấn nạn tin nhắn rác, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom khẳng định: “Không thể có giải pháp nào triệt để cho việc ngăn chặn tin nhắn rác vì đây là dạng tin nhắn chủ động”.
Tuy nhiên, tại Hội nghị này, một số biện pháp hữu hiệu mà doanh nghiệp di động có thể triển khai để ngăn chặn tin nhắn rác đã được đề cập, như: Ngăn chặn, thu hồi các số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác; Cung cấp các công cụ để tiếp nhận thông báo tin nhắn rác từ người sử dụng; Xây dựng hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác từ nguồn gửi; Giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi…
Luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng, đây chính là hành vi gian dối, thu nhập bất hợp pháp từ chính việc đưa thông tin không có thật nhưng thu phí thật để lừa đảo, chiếm đoạt tiền phí tin nhắn của khách hàng. Điều đáng nói là có địa chỉ cụ thể, ai nhắn tin đó, ai sử dụng dịch vụ đó.
Theo quy định của pháp luật, chỉ cần lừa đảo, chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng là đã đủ yếu tố để khởi tố hình sự. Trong trường hợp này hoàn toàn có thể khởi tố theo điều 139 của Bộ luật Hình sự về sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.
“Cơ quan chức năng cần phải xử lý công khai nhà mạng. Nếu phát hiện có sự thỏa thuận cung cấp thông tin để cùng chia lợi nhuận thì cần phải xử lý các nhà mạng về hành vi đồng phạm về tội lừa đảo. Nếu không cũng phải xử lý dưới góc độ quản lý nhà nước. Tịch thu những khoản thu bất hợp pháp, gian dối để xung công quỹ nhà nước”, LS. Triển nhấn mạnh.
Theo Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung tin nhắn phải đăng ký mã số quản lý, cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông; công khai đầy đủ thông tin về dịch vụ tới người sử dụng; nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán thông tin cá nhân… Đối với các sai phạm nghiêm trọng có thể bị thu hồi mã số quản lý, buộc hoàn trả số tiền chiếm dụng, thậm chí đình chỉ vĩnh viễn hoạt động cung cấp dịch vụ. Cũng theo nghị định này, mức xử phạt với hành vi thu sai cước, không hoàn lại cước, giả mạo khi gửi tin nhắn… có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. Được biết, trong thời gian qua đã có 47 CSP bị thanh tra, xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng, tịch thu hơn 761 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với 3 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác. |
- P.V (tổng hợp)