Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Thèm khát thêm một lần được yêu

15:15, Thứ hai 12/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Ông biết quý trọng khoảng thời gian vợ chồng con cái sum vầy, biết cách bỏ bên ngoài cánh cửa nhà những mệt mỏi, khó nhọc của cuộc mưu sinh, biết người phụ nữ của mình cần gì.

Dù đã hai lần xây dựng gia đình và cả hai lần đều đổ vỡ nhưng mỗi khi nói về những người vợ cũ của mình, ông vẫn không giấu nổi xúc động. Tác giả tiểu thuyết “Quyên” chia sẻ về tình yêu vẫn say mê như khi ông bàn về văn học, điều này quả thật không nhiều người ở tầm tuổi ông.

[links()]

Trong các sáng tác truyện ngắn hay tạp bút từ trước tới nay của Nguyễn Văn Thọ, người phụ nữ hiện lên như là biểu tượng của cái đẹp và tình yêu. Người phụ nữ trong văn ông thường đẹp mặn mà và có nội tâm phức tạp, vừa dịu dàng lại vừa mạnh mẽ, thừa tình cảm nhưng đủ lý trí....

Cách viết ấy của ông có lẽ bắt đầu từ chính cuộc đời ông, nhất là sau khi cuộc hôn nhân thứ hai đổ vỡ. Điều đó dễ dàng nhận thấy ở tiểu thuyết “Quyên”.

Kinh nghiệm “chín bỏ làm mười”

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Khi ấy cả hai còn rất trẻ - một anh lính phục viên và một cô cử nhân Đại học Sinh hóa. Tình yêu của họ thật ngọt ngào và lãng mạn với ước mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Nhưng cuộc sống trong thời kỳ hậu chiến vô cùng khó khăn, chật vật. Hạnh phúc vốn đã mong manh vì cả hai người đều chưa có đủ kinh nghiệm sống khi đối mặt với khó khăn vật chất đã dễ dàng bị rạn nứt.

Ngày ấy, sau khi đứa con gái đầu lòng bị tật bẩm sinh ra đời, ông quyết định để vợ nghỉ ở nhà hẳn một năm để chăm sóc con, một mình bươn chải kiếm sống. Ông xoay xở đủ nghề, việc này nối tiếp việc kia, không lúc nào ngẩng đầu lên được.

Thậm chí có nhiều Tết, cứ ăn cơm trưa ngày mùng Một xong là ông lại tất tả đạp xe vài chục cây số để chụp ảnh kiếm thêm tiền.

Công việc ở cơ quan cũng bận túi bụi khiến ông càng ít thời gian tâm sự với vợ hay chia sẻ việc nhà, cuộc sống gia đình dần dần nặng nề. Bức xúc của hai vợ chồng cứ tăng lên, không khí trong nhà ngày càng ngột ngạt.

Sự đổ vỡ diễn ra là điều tất yếu khi mà cả hai đều còn thiếu kinh nghiệm sống, quá non nớt, thiếu sự từng trải để chiến thắng cái tôi cá nhân để chia sẻ, nhường nhịn người bạn đời của mình. Cả hai đều không biết, không hiểu cách giữ gìn hạnh phúc cho nhau để cuối cùng dẫn tới việc chia tay.

Ông chia sẻ: “May mắn là chúng tôi đều là con cái trong hai gia đình trí thức, có những nhận thức nhất định trách nhiệm làm cha làm mẹ nên tuy không còn yêu nhau nữa, cả hai đều biết kiềm chế mình, giữ quan hệ để cùng thương yêu đứa con gái độc nhất tật nguyền”.

Lúc bấy giờ chưa có Internet như hôm nay, sự liên lạc giữa Đức và Việt Nam xa xôi lắm nhưng ông vẫn tìm cách thường xuyên liên lạc về nhà. Ông muốn bàn bạc với vợ cũ mọi điều để cùng dạy dỗ đứa con gái ốm đau và tật bệnh.

Thế nên, suốt hơn 20 năm qua đi cho tới tận hôm nay, tuy quan hệ vợ chồng đã tan vỡ nhưng hai ông bà vẫn thường xuyên trò chuyện như những người bạn. Bởi với cả hai, đứa con vẫn là mối quan tâm chính của cuộc đời họ. Vì vậy, hai người ngày càng hiểu và tôn trọng nhau hơn.  

Bao năm sau lần đổ vỡ ấy, Nguyễn Văn Thọ viết hẳn một tạp bút thấm đẫm tình cảm về cuộc hôn nhân đầu tiên của mình. Một tạp bút mà riêng phần nói về người phụ nữ đầu tiên chung sống với ông có tới hơn ba ngàn từ ca ngợi.

Đến lúc này, nhắc tới người vợ cũ, ông trầm ngâm: “Giá như 30 năm trước tôi hiểu sâu sắc hơn, chín bỏ làm mười và thường nhường nhịn nhau, cuộc sống bao cấp không khó khăn như đã, vợ chồng tôi đã không chia lìa, để tình yêu không như con chim sẻ hoảng hốt bay đi. Khi người ta cố chấp, không thuộc câu chín bỏ làm mười, hiếu thắng, thì trước sau đều tan rã”.

Sống là không hận thù

Chính cách hành xử ngày ấy của hai người đã giúp ông nhìn vào bản thân mình rõ hơn. Ông ý thức được việc phải đi qua bản thân mình, vượt qua được những ham muốn đời thường thì mới có được sự thanh thản.

Và như Phật dạy: “Kẻ thù lớn nhất đời mình là chính mình”, chiến thắng ham muốn trong con người mình khó hơn rất nhiều so với việc chiến thắng khó khăn bên ngoài. Từ đó ông thương hơn người đàn bà không đi bước nữa để thay mình nuôi dạy đứa con chung.

Với sự chia tay không thù hận và ý thức luôn có trách nhiệm với đứa con chung giúp cả hai bớt đau khổ. Ông biết ơn và trân trọng bà hơn, còn bà cũng không còn trách móc người chồng cũ.

Hơn thế nữa, chính điều ấy đã tác động đến con gái ông. Ông hiểu, con gái ông có được cuộc sống như vậy là nhờ mẹ cô đã hết lòng với con, dạy con biết cách sống, biết yêu thương người cha đang ở nơi xa.

Trong câu chuyện về người vợ cũ, nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng viết: “Sau tai nạn của bà ấy xảy ra vì chăm con và chăm cháu quá sức. Khi ấy vừa đau khổ vừa thương, cảm phục, tôi viết như tự cắt vào da thịt mình, những suy nghĩ hết sức chân thực, đau đớn nên nhận được sự chia sẻ của nhiều độc giả.

Trong cuộc sống, người ta có thể sai lầm, hoàn cảnh cũng có khi đưa đẩy, song đã là người biết suy nghĩ, thì phải biết tự phê phán mình và nhìn nhận ra cái tốt đẹp của người khác, quên điều người khác làm cho mình đau khổ thì bản thân cũng đỡ khổ đau giằng xé hơn”.

Gia đình cần sự đồng điệu của hai tâm hồn

Cuộc hôn nhân thứ hai của ông được 16 năm thì tan vỡ. Đôi khi nhìn lại những tấm ảnh chụp vợ buôn bán dưới tuyết băng, đọc lại vài bài thơ làm tặng khi còn yêu, ông không sao kìm được nước mắt, chua xót và đau đớn.

Ông nhận ra sự tan nát của gia đình mình, cái gia đình mà chính ông đã xây dựng từ đôi bàn tay trắng trong cuộc mưu sinh dưới tuyết giá ở nước Đức xa xôi. Nguyễn Văn Thọ viết tiểu thuyết “Quyên” trong hoàn cảnh như vậy.

Khi đó ông chợt nhận ra rằng, tổ ấm của con người - gia đình là cái quan trọng nhất trong xã hội loài người, nó phải được chăm sóc và bảo vệ nó và nhiều khi quan trọng hơn cả tiền  bạc. Đó là khát vọng gửi gắm ở “Quyên” được thể hiện qua suy nghĩ về tình yêu và gia đình của nhiều nhân vật trong tiểu thuyết này.

Cả hai lần xây dựng gia đình rồi đều tan vỡ, nhưng trong suy nghĩ và hành động của mình, ông chưa bao giờ sa vào các quan hệ tay ba, tay tư thiếu tính thủy chung.

Nếu lần thứ nhất nguyên nhân chính tạo nên sự đổ vỡ là từ việc cả hai đều thiếu kĩ năng sống, thì ở lần thứ hai lại là sự khác biệt trong việc ứng xử với con riêng, khi mà gia đình là sự chắp nối từ những đổ vỡ khác biệt.

Nói rõ ràng hơn là, ông cảm thấy hai vợ chồng luôn có những bất đồng về quan điểm trong cách giáo dục con cái. Ông không nhận ra rằng, chính sự khác biệt này, đã một lần nữa đẩy tình cảm vợ chồng đến chỗ không còn tin cậy nhau.

Nói về cuộc hôn nhân thứ hai của mình, tác giả của “Quyên“ tâm sự: “Sau nhiều năm lăn lộn mưu sinh nơi xứ lạ, cuộc sống đơn độc của người đàn ông trung niên tưởng như đã khiến trái tim tôi không còn rộn rã thì chính ở thời điểm đó, trái tim lại đập rộn ràng bởi tình yêu.

Mối tình thứ hai của tôi được xây dựng trong hoàn cảnh cả hai người đều đã qua một lần vấp ngã. Hai con người đơn lẻ gặp nhau trong cuộc mưu sinh nơi đất lạ để rồi có một cơ hội đến với nhau”.

Ông còn nhớ, hơn 10 năm chia sẻ trong cuộc sống vợ chồng, những vần thơ đẹp nhất trong đời văn chương của mình ông đều dành cho người vợ thứ hai. Có lần, vào dịp gần Tết, bà chợt nhớ cảm giác ấm cúng quê nhà, bà thèm sắc thắm hoa đào ngày Tết.

Ông đã cất công kiếm bằng được một cành đào về giấu dưới tầng hầm, hàng ngày mang nước ấm tưới cho đến ngày đào nở. Đúng đêm ba mươi Tết, ông mang cành đào tặng vợ trước sự ngỡ ngàng, ngập tràn niềm hạnh phúc của bà.

Tình yêu và cuộc sống gia đình của mỗi con người thường chẳng giống nhau. Cái làm nên hạnh phúc cũng có thể tạo ra sự đau khổ, đó có lẽ là điểm chung của hai mối tình lớn trong cuộc đời Nguyễn Văn Thọ.

Ông vẫn mơ một lần được yêu, một lần được làm lại để kiếm tìm sự an bằng, để được nâng niu từng giây từng phút trong mái ấm gia đình.

Ông biết quý trọng khoảng thời gian vợ chồng con cái sum vầy, biết cách bỏ bên ngoài cánh cửa nhà những mệt mỏi, khó nhọc của cuộc mưu sinh, biết người phụ nữ của mình cần gì. Ông tâm sự:

“Cuộc sống đầy bất ngờ, nhiều khi cáu giận biến cá nhân tôi như hỏa ngục và thậm chí trở nên có thể thù hằn. Nếu như trên mặt tuyết trắng phau, ta bình tâm cho cơn hỏa ngục qua đi, để nhìn mà tìm và nhìn thấy có những gì còn lại của hơi nóng mặt trời, những mầm hoa và những đọt cỏ xanh trong mắt…”.

Ông bảo rằng nếu viết tiếp về phụ nữ thì ông vẫn luôn bênh vực, ưu ái họ. Với ông, đàn ông và đàn bà đều như nhau, có kẻ xấu, người tốt, không ai hoàn thiện cả nên chẳng nói chuyện đúng sai, xấu tốt ở đây.

Ông “thiên vị” cho phụ nữ vì ông thấy phụ nữ yếu đuối và thiệt thòi nhiều hơn. Đặc biệt là phụ nữ Việt Nam, sinh ra trong một đất nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, nhiều người còn có suy nghĩ trọng nam khinh nữ, nên họ chịu nhiều thua thiệt.

Và ông cũng thẳng thắn cho rằng: “Vợ chồng ăn ở với nhau mà không còn tình yêu nữa, nằm bên nhau không còn thèm khát yêu nhau nữa, để tới mức, chả còn có thể chia sẻ, thì tốt nhất là nên chia tay để hai bên đỡ khổ đau. Bởi nền tảng của quan hệ gia đình là hạnh phúc lứa đôi. Sống với nhau mà thiếu tình yêu hạnh phúc thì khác gì là địa ngục” .
 

  • Vân Trà
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc