Nhà văn Sơn Tùng: Nghị lực tuyệt đỉnh, Tình yêu tuyệt diệu

08:05, Thứ sáu 22/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Ngày 14/7/2011, một tin vui loan nhanh trong giới văn nghệ: Nhà văn Sơn Tùng vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động! Sơn Tùng là nhà văn thứ 2 được phong danh hiệu Anh hùng (sau nhà văn Chu Cẩm Phong).

(Phunutoday) - Ngày 14/7/2011, một tin vui loan nhanh trong giới văn nghệ: Nhà văn Sơn Tùng vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động! Sơn Tùng là nhà văn thứ 2 được phong danh hiệu Anh hùng (sau nhà văn Chu Cẩm Phong).


Sáng chủ nhật, 17/8/2011, sau khi được chứng kiến những giờ phút cảm động Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm nhà văn Sơn Tùng tại nhà riêng, căn hộ rất đỗi chật hẹp của nhà văn trong ngõ nhỏ khu tập thể Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội), trong lòng tôi trào lên niềm xúc cảm mãnh liệt trước một người Anh hùng - nhà báo, nhà văn Sơn Tùng - một thương binh nặng đã mất 81% sức khỏe trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vậy mà suốt 40 năm qua đã không ngừng nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng sáng tác với hàng chục tiểu thuyết, ký…

 Con người ấy quả đúng là có một nghị lực tuyệt đỉnh! Nhưng con người ấy cũng đã may mắn có được một người vợ hiền, đã toàn tâm toàn ý, đã hy sinh gần suốt cuộc đời vì chồng, vì sự nghiệp văn chương của chồng, bà cùng Nhà văn dệt nên một thiên tình yêu tuyệt diệu và kỳ lạ…

 Nghị lực sống và viết tuyệt đỉnh

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, một xã ven biển huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông sớm tham gia cách mạng từ tuổi trẻ. Năm 1955 Sơn Tùng là 1 trong những thanh niên ưu tú của đất nước Việt Nam độc lập lần đầu tiên được vinh dự tham gia Liên hoan Thanh niên Sinh viên Quốc tế tại Ba Lan. Đầu những năm 1960, ông là phóng viên Báo Tiền Phong.

Năm 1968, Sơn Tùng được điều đi chiến trường miền Đông Nam Bộ phụ trách tờ báo Thanh niên giải phóng. Tại chiến trường ác liệt, Sơn Tùng (bút danh Sơn Phong), cùng đồng nghiệp bám sát các mặt trận, các đợt trinh sát của quân ta, dũng cảm đến nhiều địa điểm nóng bỏng của cuộc kháng chiến, gần gũi nhân dân để kịp thời phản ánh cuộc sống, chiến đấu của toàn dân tộc ta chống giặc Mỹ xâm lược.

 Năm 1971, tại căn cứ Tà Nốt chiến khu B (thuộc tỉnh Tây Ninh), khi ông cùng đồng đội đang chuẩn bị lên khuôn cho kỳ báo đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn TNCSHCM, thì máy bay Mỹ ào ạt tấn công với mưu đồ triệt phá cơ quan đầu não của Quân giải phóng. Sơn Tùng bị thương rất nặng, mảnh đạn M79 găm khắp thân thể ông, từ vỏ não tới các chi và lưng. Giữa bom đạn ác liệt ấy, có một thanh niên đã lao ra bất chấp mưa bom bão đạn, cõng Sơn Tùng đi cấp cứu, đó là nhà báo Sáu Phong (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày nay), người đồng chí và là đồng nghiệp của Sơn Tùng ở Báo Thanh niên giải phóng.

Với tình trạng bị thương quá nặng như vậy, Sơn Tùng phải cáng ra miền Bắc điều trị. Tay và chân đều trúng mảnh đạn, ông không đi lại được, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn 2 ngón (ngón cái và ngón trỏ), thị lực còn 1/10, tai bị rách phải vá lại. 3 mảnh đạn còn ghim trong đầu thường dội lên những cơn đau kinh hoàng. Sơn Tùng mất 81% sức khoẻ.

Ông được đưa sang Trung Quốc điều trị. Nhưng Sơn Tùng chỉ điều trị một thời gian ngắn, rồi ông từ chối việc điều trị dài hạn ở Trung Quốc, trở về Hà Nội năm 1972, Sơn Tùng hạn chế dùng thuốc tân dược, mà tự mình luyện tập hàng ngày, mỗi đêm ông chỉ ngủ vài ba tiếng, cứ 3 giờ sáng là ông dậy, tập thiền, rồi cột bút vào những ngón tay co quắp mà tập viết.

Nhiều năm sau khi bị thương, Sơn Tùng chưa cầm được bút, ông thường đọc cho vợ đánh máy hộ bản thảo, rồi chính vợ ông lại người đưa bản thảo các bài báo, các cuốn sách của ông đến các nhà xuất bản hoặc các báo để in… Sơn Tùng đã viết trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, mỗi lần có tiếng sấm chuyển mưa, ông lại bị động kinh, lên cơn co giật vật vã, nhưng những trang viết về Bác Hồ, về các danh nhân, về biết bao con người bình dị, những anh hùng đã xả thân hy sinh cho đất nước… lần lượt được hoàn thiện và ra mắt bạn đọc.

Nhà văn Sơn Tùng từng được ví là Pa-ven Cooc-sa-ghin của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã ca ngợi ông: “Một người chỉ còn 3 ngón tay mà bám được vào đời bằng nghề viết”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ôm lấy nhà văn Sơn Tùng và nói trước các nhà văn đến thăm Đại tướng trong dịp mừng thọ Đại tướng tuổi 90 rằng: “Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương về nghị lực phi thường mà tôi học được rất nhiều”.

Năm 1972, khi các vết thương đang hoành hành, vậy mà chứng kiến B52 Mỹ dội bom Hà Nội, ông vẫn xông pha vào những nơi ác liệt sớm nhất và viết nhiều bài báo xúc động, gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.
d
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tặng hoa cho nhà văn Sơn Tùng

Khi miền Nam vừa giải phóng, ngay trong những tháng ngày bề bộn sau 30/4/1975 đi lại còn khó khăn và đầy rẫy bất trắc, nhưng với ý thức của một người cầm bút, ý chí quả cảm của một thương binh nặng 1/4, tháng 9/1975 Sơn Tùng vẫn còn ốm yếu nhưng đã dựa vào sức khỏe và trái tim của vợ là bà Phan Hồng Mai lên đường đi vào Nam với khao khát cháy bỏng là tìm kiếm tư liệu quý về Bác Hồ và các nhà cách mạng lỗi lạc.

Ông cùng vợ đã có mặt ở Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Cao Lãnh, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) để lấy tư liệu về Bác Hồ, về cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông đi đến nhiều nơi khác của miền Nam để tìm tư liệu về Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - Trần Phú, về bà Lê Thị Huệ, về Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc, và nhiều danh nhân cách mạng khác… Ông đã không chỉ bỏ tiền túi, mà thậm chí còn phải bán cả những vật kỷ niệm để lấy tiền đi tìm tư liệu…


Khát vọng tìm hiểu và viết về Bác Hồ đã được Sơn Tùng ôm ấp từ thuở thanh niên. Sơn Tùng vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi khoa bảng, thân thiết với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, nên ngay từ tuổi thanh niên, sau cách mạng tháng Tám, khi còn công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ An, nhà văn Sơn Tùng đã thường xuyên đến xin cụ Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm, chị gái và anh trai ruột của Bác Hồ tư liệu về gia thế Bác Hồ và về tuổi thơ của Người.

Ôm ấp đề tài mà mình tâm đắc từ gần 30 năm trước, nên ngay khi miền Nam vừa giải phóng, mặc dù phải vật lộn với những cơn đau triền miên, với những vết thương thỉnh thoảng lại rỉ máu, nhưng Sơn Tùng vẫn quyết tâm đi tìm tư liệu và viết. Nhờ những tư liệu quý giá ấy mà Sơn Tùng đã sáng tạo nên tác phẩm tài hoa kỳ diệu “Búp Sen xanh” xuất bản năm 1981.

Tính từ khi ông bị thương đến nay, suốt 40 năm kiên trì, 40 năm phấn đấu không lúc nào ngơi nghỉ, hơn 20 tác phẩm đã ra đời và đã để lại những tiếng vang to lớn, làm xúc động nhiều tầng lớp độc giả cả trong và ngoài nước. Trong đó tiêu biểu là các tác phẩm như: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng Năm, Con người con đường, Người vẽ cờ tổ quốc, Trần Phú, Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ, Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Lõm, Hoa dâm bụt, Bác về, Vườn nắng, Dưới ánh tâm đăng Hồ Chí Minh…

Các tác phẩm của ông tồn tại với tư cách một tổng thể. Ở đó có một tư tưởng nhân văn nhất quán, một phương pháp sáng tác tái dựng lịch sử theo nguyên tắc chân - thiện - mỹ. Đề tài của ông trải dài từ thời Cần vương cho đến nay. Nhân vật của ông là những nhân vật có thật trong lịch sử. Đó là Bác Hồ và những danh nhân cách mạng, những người đã làm nên diện mạo Việt Nam thế kỷ XX.

Thể loại truyện chân dung lịch sử, Sơn Tùng đã đẩy cao lên một bước mới. Trong thể loại này, cho đến nay, ở ta, không ai kỳ công và có được thành tựu như ông. Theo nhà văn Sơn Tùng, viết là kết tinh lại những tinh hoa của dân tộc. Dưới ngòi bút của ông, đã sống động hình tượng các bậc anh hùng, liệt sĩ bị quên lãng vùi lấp trong lịch sử, đã sống động những tư tưởng nhân văn, tư tưởng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Từ mẹ Đặng Quỳnh Anh, một người làm những công việc bình thường nuôi các nhà cách mạng Việt Nam ở Thái Lan; từ Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ Quốc kỳ, sau 39 năm mất hút trong lịch sử nhờ cuốn sách của ông mà đã được trao bằng Tổ quốc ghi công.

Từ anh họa sĩ mù Lê Duy ứng, vẽ Bác Hồ bằng máu trên đôi mắt bị thương của mình trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn; rồi hình tượng đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Và đáng nói nhất, là về đề tài Bác Hồ. Cho đến nay, nhà văn Sơn Tùng là người đầu tiên và duy nhất viết nhiều tiểu thuyết và truyện về Bác Hồ. Với 9 đầu sách, trong đó Búp sen xanh được tái bản nhiều lần, đã được dịch ra tiếng Anh, lượng ấn hành xấp xỉ nửa triệu bản, khắc tạc một cách chân xác và sâu sắc hình tượng Bác Hồ từ tuổi thơ và ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời vĩ đại của Người.

Sơn Tùng dường như được sinh ra để viết truyện chân dung, để viết về các vĩ nhân. Có lẽ vậy chăng mà trời xe cho ông những cơ duyên hiếm ai có được. Khi còn làm báo, trước lúc vào chiến trường 1964, ông nhiều lần được đi theo Bác Hồ để viết bài. Có lần ông viết về Hoa Xuân Tứ, bị cụt cả 2 tay mà vẫn giàu nghị lực vươn lên. Sơn Tùng đã được Bác gọi lên gặp và khen ngợi.

Những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi còn là giảng viên ở Trường Đại học Nhân dân, ông đã có dịp được tiếp xúc, lấy tư liệu và chuẩn bị bài giảng cho một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mỗi khi về giảng ở Trường.

Sau khi ở chiến trường ra, ông được tiếp xúc thêm với nhiều nhân vật lớn của thời đại chúng ta. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người rất tín trọng ông. Nhiều nhân vật nổi tiếng của đất nước cũng quý mến ông. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên là một người bạn đầy kính trọng của ông.

Khi bị thương ở chiến trường trở về Hà Nội, nhà cũ đã trả cho Nhà nước trước khi đi B, không nhận lại được. Dù là người có cống hiến, có tiêu chuẩn được cấp nhà nhưng ông lại phải ở trong một căn phòng nhỏ dựa vào tiêu chuẩn của vợ.

Khi tiểu thuyết Búp sen xanh ra đời, sau những hiểu nhầm đáng tiếc và sự phê phán của một số nhà phê bình định kiến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc và rất xúc động, đích thân viết lời tựa cho Búp sen xanh tái bản lần thứ nhất, trong đó khẳng định: “Tiếng nói có trọng lượng nhất thuộc về nhân dân, về bạn đọc” và mời ông lên trò chuyện.
d
 

Quý mến tài năng và nghị lực của nhà văn Sơn Tùng, biết ông còn bị thiệt thòi nhiều, Thủ tướng có nhã ý sẽ cấp nhà cho ông, nhưng Sơn Tùng đã cám ơn Thủ tướng và nói rằng ông xin được không nhận, biết đâu lại có người hiểu nhầm ông viết sách về Bác Hồ rồi tìm đến Thủ tướng xin nhà. Đầu những năm 90, chính quyền địa phương quyết định cấp nhà tình nghĩa cho ông. Một lần nữa, nhà văn Sơn Tùng lại từ chối nhận nhà tình nghĩa mà nhường lại cho người khác khó khăn hơn.

Và suốt 40 năm qua, trong một căn phòng tập thể chật hẹp, cũ kỹ, không khép kín, của ku tập thể Văn Chương, nhà văn Sơn Tùng vẫn ngày ngày vượt lên trên thương tật, vượt lên trên những khó khăn về đời sống vật chất do đồng lương hưu ít ỏi, để viết về Bác Hồ, viết về các danh nhân cách mạng, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đấu tranh không mệt mỏi với những tha hoá, tiêu cực trong xã hội.

Nhà văn Sơn Tùng có một chữ ký rất đặc biệt, chữ ký đó giống như hình một cây tùng cây bách trên  đỉnh núi. Năm 1994, khi tiếp nhà văn Sơn Tùng tại Văn phòng, Tổng Bí thư Đỗ Mười tỏ ý muốn biết về ý nghĩa của chữ ký kỳ lạ ấy, Nhà văn Sơn Tùng đã thưa với Tổng Bí thư rằng: “Chữ ký của tôi là hình nén hương trên mộ những anh hùng liệt sĩ”.

Tổng Bí thư ngạc nhiên, hoá ra chữ ký đó không chỉ giống như một cây tùng trên núi, mà còn hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, mang tư tưởng của nhà văn… 

Suốt 40 năm qua, hàng ngày ông sống giữa tình yêu thương của người vợ hiền, anh chị em, con cái trong gia đình, giữa tình thân yêu của bè bạn, đồng nghiệp và lòng ngưỡng mộ của các tầng lớp độc giả. Chiếu văn tại căn nhà chật chội trong ngõ nhỏ của ông vẫn mở hàng tuần cho anh em bạn hữu đến gặp gỡ bình văn và chia ngọt sẻ bùi.

Và dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn cần mẫn, say sưa viết, quên mình cho sự nghiệp văn chương mà suốt đời ông tôn thờ. Bởi vì với ông, viết cũng là một cách để được đắm mình trong ánh hào quang rực rỡ của cái đẹp, được gần với các bậc vĩ nhân và làm cho độc giả được tiến gần hơn đến ánh sáng của lương tâm và chân lý. Tháng 6/2010, Nhà văn Sơn Tùng – cây Tùng trên núi sau 40 năm chống chọi thương tật với một nghị lực phi thường, bị xuất huyết não do vết thương tái phát, phải vào cấp cứu ở A9 Bạch Mai.

 Bao nhiêu đồng nghiệp, bạn hữu lo lắng cho ông, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, mong ông hồi phục trở lại. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã 2 lần đến thăm ông tại bệnh viện và đều bày tỏ mong muốn với các y bác sỹ cố gắng bằng mọi giá cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng.

 Hôm nay, Chủ tịch nước sau khi ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Nhà văn Sơn Tùng, thật cảm động khi Chủ tịch nước đã đến tận căn nhà tập thể cũ kỹ để thăm hỏi, động viên Nhà văn cho Nhà văn Sơn Tùng – một nhà văn, nhà báo thương binh nặng, một con người chân chính, một người học trò đã học và thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tình yêu tuyệt diệu

Có rất nhiều người biết đến tên tuổi của nhà văn Sơn Tùng, nhưng có điều rất ít người biết, đó là “bí mật” về người vợ hiền, thiên tình sử đẹp diệu kỳ của Sơn Tùng.

Đầu những năm 1960, nhà báo Sơn Tùng được tòa soạn phân công đi viết về lớp thanh niên tiên tiến xuất sắc xuất hiện trong phong trào Đoàn Thủ đô Hà Nội. Hôm ấy, như là duyên kỳ ngộ, Sơn Tùng gặp nhân vật của mình là cô gái Phan Thị Hồng Mai, tuổi đôi mươi xinh đẹp, duyên dáng và trong sáng, cô trò chuyện rất chân thành và cởi mở khiến nhà văn Sơn Tùng viết một bài báo khá hay…

 Và cũng chỉ có cuộc gặp ngắn ngủi như vậy với cô gái Hà Nội, rồi hai người chia tay nhau giống như hàng ngàn cuộc gặp gỡ nhân vật báo chí khác. Thế nhưng cuộc đời luôn ẩn chứa những bất ngờ thú vị, như có sự sắp đặt của số phận vậy.

 Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bắn phá ra miền Bắc, Sơn Tùng được cử vào tuyến lửa khu IV để phản ánh cuộc chiến đấu và sản xuất của bà con nơi đây, sau đó, với khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông lại xung phong vào miền Nam làm báo tại chiến trường miền Đông Nam Bộ để triển khai xây dựng tờ báo Thanh niên Giải phóng dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù.

 Năm 1971 Sơn Tùng bị thương nặng được chuyển ra miền Bắc để điều trị tại bệnh viện Việt Xô, Hà Nội… Biết bao ngày đêm ông bị chết đi sống lại, ngất lên ngất xuống, không thể tự mình làm bất cứ công việc gì, trí nhớ mất hết, thậm chí hỏi quê hương, bản quán cũng không còn biết điều gì…

Một thương binh được xếp hạng cao nhất chống Mỹ cứu nước như Sơn Tùng, đương nhiên ông được bệnh viện chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Người ta cử đến đấy một tốp y tá nữ tiên tiến nhất, giàu lòng hi sinh nhất để chăm sóc các thương binh nặng từ chiến trường ra.

Kỳ lạ thay, trong tốp y tá giàu đức hi sinh này có chị Phan Hồng Mai, một nhân vật mà Sơn Tùng đã gặp, viết trong bài báo hơn mười năm về trước. Cô gái ấy đã nhận ra ông, nhà báo Sơn Tùng xưa, nay đang là một thương binh nặng. Hẳn là lúc đó, một niềm cảm phục nghị lực phi thường của ông qua những cơn đau, một tình yêu thương không thể tả xiết trào dâng làm ngạt con tim của người y tá nữ.

 Cứ từng ngày, từng ngày, cứ từng tháng, từng tháng gian lao, khó khăn, đã gieo vào lòng chị một quyết định mang tính số phận. Còn ông, trong những cơn mê sảng, ông chỉ cảm nhận có một bàn tay nào đấy của phụ nữ chăm sóc tận tụy, yêu thương như người mẹ, mà không thể ngờ rằng, con người nết na ấy sau ngày vợ ông mất vì căn bệnh hiểm nghèo, đã tự nguyện gắn bó số phận mình với cuộc đời ông để hi sinh vì ông, làm bà đỡ cho cuộc đời đầy chông gai cũng như của những tác phẩm văn học không ít sóng gió của ông sau này….

Vậy rồi, nhờ nghị lực của Sơn Tùng, nhờ sự hi sinh lặng lẽ và quyết liệt của người vợ, nhà văn Sơn Tùng hồi phục dần trí nhớ, có thể đi lại được, ông rời cơ quan với tỷ lệ thương tật được xếp hạng thương binh cao nhất.

 Chị Phan Hồng Mai cũng bỏ việc bệnh viên, tự nguyện về chăm sóc, phục vụ người chồng thương tật đã mất 81% sức khỏe, dù bà không hề có con chung với ông, mà bà đã coi hạnh phúc của chồng và của các con chồng như hạnh phúc của bà. Mừng nhất là trong chuỗi những ngày đau đớn vượt lên thương tật ấy, nhà văn Sơn Tùng hồi phục dần trí nhớ.

Ông sử dụng trí tuệ để viết văn, viết báo trở lại, bà Hồng Mai trở thành thư ký riêng, như đôi tay của chồng, bà đánh máy các tác phẩm do ông đọc. Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà văn Sơn Tùng quyết định trở lại miền Nam để bắt đầu công cuộc sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Mai đã bán hết mọi của cải, suốt 3 tháng trời bà đưa ông đi hầu hết các tỉnh miền Nam để tìm kiếm tư liệu.
ư
 

Bà Phan Hồng Mai kể với tôi rằng, ngày ấy đưa ông vào Nam tìm kiếm tư liệu, lúc thì bà dìu ông đi bộ, lúc thì bà ngồi sau đỡ ông đi xe lai, lúc ngồi xe lam chở chung với cả lợn gà trên khắp các nẻo đường miền Nam. Lúc về Đồng Tháp sưu tầm về cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc, lúc về Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Vũng Tàu, để tìm hiểu tư liệu về bà Lê Thị Huệ, người bạn gái thủy chung của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành thuở trẻ.

 Nhưng ngày ấy, bà trở thành người thư ký cho ông, ghi chép đầy đủ, chi tiết hàng trăm các cuộc gặp gỡ nhân chứng, cất giữ hàng trăm kỷ vật, tài liệu vô giá mà ông bà sưu tầm được. Nhiều đêm, ông ngồi đọc cho bà ghi lại những suy nghĩ, ấn tượng và lời các nhân chứng mà bà không thể có mặt. Nhiều bữa làm việc quá căng thẳng, có lúc vết thương cũ tái phát, máu từ đầu nhà văn Sơn Tùng chảy đỏ cổ áo, bà lại bỏ bản thảo chạy lại cấp cứu ông. Ông tỉnh rồi cả hai lại lao vào việc chạy đua với bệnh tật và thời gian để hoàn thành công việc.

Sau này trở lại Hà Nội, với chiếc máy chữ cọc cạch, bà là người nối dài cánh tay của nhà văn Sơn Tùng để đánh máy hàng vạn trang viết của nhiều cuốn tiểu thuyết. Nhiều tờ báo đặt bài, ông cột bút vào tay phải để viết, thương ông, bà bảo ông cứ đọc để bà chép cho nhanh. Sau đó bà đi thuê đánh máy, thuê xe ôm đưa bản thảo đến các tòa soạn nộp cho người biên tập. Có nhuận bút, lúc thì bà đạp xe, lúc nhờ con chồng đèo, lúc thuê xe ôm đến tòa báo nhận.

Những lúc ấy, nhìn bà thấy sao mà thương thế, mồ hôi nhễ nhại, dáng đi tất tả, nhưng lúc nào cũng thấy bà tươi tỉnh, nét mặt hoan hỉ khi cầm trên tay những đồng nhuận bút của chồng. Tiền lẻ hay tiền chẵn, dù ít, dù nhiều, nhưng bà luôn thầm cám ơn tòa báo đã in bài của chồng bà. Bà hiểu hơn ai hết giá của từng đồng nhuận bút từ con chữ lao động của ông bà suốt một thời gian khó kéo dài suốt gần 35 năm nay, nên đã quý trọng đến từng đồng tiền lẻ dù khá cũ kỹ từ các tòa soạn, các nhà xuất bản.

Nhưng có một điều hẳn ít người biết, những năm cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 1980, khi những tiểu thuyết “Búp sen xanh”,  “Lõm”… của nhà văn Sơn Tùng do cách nhìn thiển cận hồi đó bị “ngâm” lại nhiều năm, nhà văn thương binh Sơn Tùng đã buồn như thế nào. Những ngày như thế, lúc nào bà cũng ở bên ông, cùng ông đi gặp một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng để trình bày.

Những lúc tranh luận như thế, bà hiểu chồng, hiểu tác phẩm của chồng như là “đồng tác giả”, vừa là vợ nhà văn, vừa đóng vai trò nhân chứng của những cuộc gặp có một không hai này. Và suốt nhiều năm sau đó, do những ý kiến thẳng thắn, quyết liệt của một ông “đồ Nghệ Sơn Tùng”, có lúc ông bị hiểu nhầm ở một vài đồng chí lãnh đạo các cấp, gia đình có lúc lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhiều bề, những lúc ấy, bà trở thành nơi tựa vịn cho ông…

Trong căn phòng chật hẹp trên tầng 2, ngõ nhỏ của khu tập thể Văn Chương cũ kỹ của Hà Nội, bao nhiêu năm qua từng được đón biết bao nhiêu các nhà hoạt động chính trị,  nhà ngoại giao,  nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ, nhà báo, những “tao nhân mặc khách” ở trong nước và nước ngoài. Nhà chật, chủ và khách đều “ngồi bệt” dưới nền nhà, nhưng đối đãi với nhau như những tri kỷ, tri âm ngoài đời.
 

Ông đón khách với sự thông tuệ về lịch sử và thời cuộc, trao đổi thông tin để bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc, học đạo Bác Hồ. Bà đón khách với lòng nhiệt thành, rót thêm ly rượu, chén nước đãi khách văn, có khi cả bữa cơm đạm bạc nếu khách không từ chối.

 Sinh thời, nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Đặng Đình Hưng và một số nhà văn khác… những lúc buồn nhất hay bơ vơ nhất đã đến nơi này và luôn nhận được từ ánh mắt của bà Phan Hồng Mai sự sẻ chia ân tình, sự đón tiếp chân tình hiếm thấy. Có cảm giác căn phòng nhỏ hẹp ấy trở thành nơi gặp nhau của những dòng sông nhỏ của tình yêu, của nhân cách và tình yêu nước. ..

Có lẽ bởi thế  mà ngày 17/7/2011, khi đến thăm nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khen ngợi bà Phan Hồng Mai: “Anh Sơn Tùng được như thế này, là nhờ công rất lớn của chị!”.

Trần Thu Hằng
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc