Trong khi giới chuyên gia Trái đất yên chí lớn và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để quan sát cú tiếp cận đẹp như mơ của tiểu hành tinh 2012 DA14, một vụ nổ thiên thạch không ngờ đến đã xảy ra tại vùng Chelyabinsk của Nga, cách Moscow 1.500 km về hướng đông.
[links()]
Một thiên thạch bay xuyên tầng khí quyển, tạo ra cú nổ siêu thanh gây chấn động khu vực dân cư bên dưới và khiến cả ngàn người bị thương, phần lớn do áp lực từ vụ nổ siêu thanh khiến các kính cửa sổ bị nổ theo.
Để xác định được “sát thủ” không gian, đầu tiên cần phải phân loại được cấp bậc đá không gian, bao gồm meteor (sao băng), meteorite (thiên thạch), meteoroid (vân thạch) và asteroid (tiểu hành tinh).
Vân thạch và tiểu hành tinh là các vật thể trong không gian. Vân thạch có thể là một phần của tiểu hành tinh hoặc một phần sao chổi. Khi lao vào khí quyển Trái đất và bị đốt cháy, trong vài giây chúng được gọi là sao băng. Nếu phần nào còn duy trì được hình dạng sau cú lao trên, đá tìm thấy trên mặt đất gọi là thiên thạch.
Vệt sáng do vụ nổ sao băng trên bầu trời ở Nga. |
Dựa trên định nghĩa đó, sự kiện ở Nga được gọi là sao băng, theo Space.com dẫn lời giải thích của chuyên gia hành tinh học Richard Binzel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). “Chúng ta phải đợi để xác định liệu có thiên thạch trong vụ này hay không”, theo nhà khoa học này.
Kế đến, có thêm một vài yếu tố để phân biệt đâu là “sát thủ” đâu là hiện tượng thiên văn tuyệt đẹp, dựa vào: Khối lượng, kết cấu, đường đi và tốc độ.
Sao băng ở Nga có thể là một tảng đá nặng vài tấn và có kích thước cỡ 1 chiếc SUV, di chuyển với tốc độ 65.000 km/giờ, theo hướng bắc đến nam dọc theo bầu trời. Đây là sự kiện xảy ra với xác suất 10 năm mới có 1 lần.
Dựa trên tốc độ của nó, chuyên gia Binzel cho rằng đây chỉ là một tảng đá nhỏ, do các phần của sao chổi phải di chuyển nhanh hơn nhiều, và tạo ra cơn mưa sao băng.
Một tảng đá cỡ chiếc SUV nghe qua có vẻ nguy hiểm, nhưng với tốc độ xuyên qua tầng khí quyển Trái đất, bề mặt nó sẽ bị nung nóng và bắt đầu vỡ ra để không khí tràn vào và dẫn đến vụ nổ, theo K.T. Ramesh, chuyên gia hành tinh học ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Đó cũng là tiếng nổ có thể nghe được qua các đoạn clip tại Nga, và dư chấn từ vụ nổ đã làm vỡ kính cửa sổ khiến nhiều người bị thương.
Ngược lại, tiểu hành tinh DA14 có bề ngang khoảng 45m, tức to hơn nhiều, di chuyển từ hướng Nam đến Bắc và ngang qua Trái đất. Tất nhiên vụ nổ sao băng và tiểu hành tinh trên có điểm tương đồng: Chúng đều là thành viên đá của vùng trong hệ mặt trời, không như sao chổi có thể di chuyển bất kỳ nơi nào trong hệ mặt trời.
Để đánh giá mức độ nguy hiểm cho từng loại vật thể khác nhau, các nhà khoa học đặt ra thang Torino có cấp độ từ 0 đến 10. Zero có nghĩa là không có xác suất va chạm, trong khi 10 là thảm họa toàn cầu.
Tiểu hành tinh DA14, nếu tấn công Trái đất, có thể nằm ở cấp 8 theo thang Torino - theo chuyên gia Binzel - trong khi vụ nổ sao băng ở Nga không thuộc dạng có thể hủy hoại địa cầu.
Đây chỉ là một sự ngẫu nhiên, dù hiếm hoi, khi cả hai hiện tượng thiên văn xuất hiện cùng ngày, và không cần phải lo sợ, theo nhà thiên văn học Richard Henry của Đại học Johns Hopkins.
- (Theo TNO)