Chỉ 7 ngày nhưng có hàng loạt sự kiện về thực phẩm và sức khỏe đã diễn ra trong tuần qua, mở đầu bằng đề xuất cho nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh, sau đó là thịt thối nhập khẩu, biến thịt thối thành đạc sản, dán tem cho rau…
[links()]
Tiếp tay hại dân
Tuần qua, Bộ NN&PT-NT đã có Công văn số 79 do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh.
Chưa biết Phó thủ tướng ý kiến thế nào, nhưng rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối quyết định này, vì nghi ngại việc cho nhập nội tạng có thể phá vỡ chăn nuôi trong nước, nội tạng chứa nhiều hàm lượng cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn nữa, nội tạng ở các nước phát triển họ không dùng, chỉ bỏ đi, mình lại nhập về ăn.
Trước năm 2010, Việt Nam cũng từng cho nhập nội tạng động vật, nhưng do phát hiện một số lô hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên từ tháng 7/2010, Chính phủ đã phải ký văn bản yêu cầu tạm dừng nhập khẩu mặt hàng này.
Thịt được làm thịt sãn sau đó ngâm hóa chất và vận chuyển lậu vào Việt Nam. Ảnh TNO. |
Cùng thời điểm văn bản trên được gửi Chính phủ, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 300kg lòng lợn và gà đã giết thịt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Toàn bộ số lòng lợn và gà đã qua sơ chế và đóng vào các thùng xốp. Tất cả đều được chủ hàng ướp bằng dung dịch hoá chất chống phân hủy.
Còn tại TP. HCM, lực lượng chức năng cũng phát hiện một cơ sở “phù phép” thịt heo thành nai, lạc đà, nhím... để đưa vào nhà hàng, quán nhậu. Thịt heo trôi nổi trên thị trường được thu mua về sẽ được ngâm trong nước hóa chất, thịt ngâm nhanh sẽ có màu đỏ như thịt bò, ngâm lâu hơn biến màu sậm hơn giống thịt nai, đà điểu, thịt lạc đà… Sau đó đóng vào các bao bì ghi khống: “Sản phẩm từ thịt lạc đà”, “Sản phẩm từ thịt nai”, “Sản phẩm từ thịt đà điểu”… với giá trên dưới 200.000 đồng/kg.
Trong những ngày giáp Tết này, lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu hàng hóa, chủ yếu là nông sản, từ các loại củ, quả chưa được kiểm dịch đến gà thải, xúc xích hôi thối, nội tạng động vật, chả cá…
Để tuồn được hàng tiêu thụ sâu vào trong nội địa, các đối tượng thường giết mổ, chế biến trước, sau đó ướp vào các thùng xốp để vận chuyển bằng xe khách. xúc xích nhập lậu từ Trung Quốc thường được chế biến từ lợn chết, nên có mùi hôi thối, nhưng khi vận chuyển về xuôi sẽ được khử mùi bằng hoá chất và đóng nhãn mác giả đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thịt thối được ngâm hóa chất để biến thành đặc sản. |
Lâu nay nhiều người chắc sẽ thắc mắc, tại sao chúng ta “tung quân” vào để kiểm soát hàng nhập lậu, mà trên thị trường vẫn tràn lan hàng hóa không rõ nguồn gốc? Câu trả lời có thể là đây, khi tuần quan Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phát hiện ông Hà Văn Tiêm - Trạm phó Trạm Thú y Sơn La ký giấy kiểm dịch sai quy định cho một xe chở gà lậu trên địa bàn Sơn La, với số lượng hơn 2.300 con gà, nghi là gà thải loại của Trung Quốc.
Hết gà tới tem rau
Về câu chuyện Hà Nội ăn gà Bắc Giang, mới đầu khi hai tỉnh ký cam kết tiêu thụ - cung cấp gà, tỉnh Bắc Giang cam kết chắc nịch gà sẽ được gắn tem vào chân, để đảm bảo không bị trà trộn, gà giả… Nhưng giờ đây, khi gà bắt đầu được xuất bán ra thị trường, tỉnh này lại nói “việc tem gắn lên chân gà là không khả thi, vì tập quán chăn nuôi của người dân với số lượng lớn, rất khó để gắn tem cho từng con.
Vì vậy, để đơn giản, thuận lợi tỉnh này lựa chọn hướng dẫn cho người dân gắn tem lên xe vận chuyển và lên lồng gà.
Để phân biệt gà Bắc Giang, người nuôi gà đồi Yên Thế lâu năm tư vấn: Để phân biệt với gà Trung Quốc rất dễ. Gà đồi Yên Thế có lông bóng mượt, gà trống màu lông đỏ tươi và đuôi ngắn (gà trống của Trung Quốc đuôi cong vút); còn gà mái có màu lông vàng, xám (gà mái của Trung Quốc thường có màu lông vàng nhạt, lông thưa và đầu trọc).
Sau gà sạch dán tem, tới người dân Thủ đô sẽ được ăn rau sạch có tem. |
Không chỉ lo cho người dân ăn gà sạch, Hà Nội cũng có kết hoạch từ quý I/2013 sẽ dán tem rau sạch bán lẻ tại 300 cửa hàng bán rau an toàn tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Thế mới thấy, giờ đây chính quyền đang rất quan tâm tới sức khỏe người dân sau một thời gian dài phải “ăn bẩn”, làm sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, bệnh tật gia tăng…
Để ngăn chặn nạn thực phẩm bẩn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra một “sáng kiến” khá thú vị, đó là: “Cơ sở nào có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cứ nêu tên trên báo chí và phạt thật nặng. Lúc đó, người dân sẽ tự biết không dùng loại thực phẩm đó nữa”
“Cách làm này là hữu hiệu nhất, vì hiện người dân không biết thực phẩm nào là an toàn cả”, bà Tiến thừa nhận.
Biết vắc xin nguy hiểm vẫn phải dùng
Thời gian quan liên tục xảy ra các vụ việc trẻ gặp biến chứng sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, của Hàn Quốc sản xuất. Các chuyên gia và cán bộ y tế đều thừa nhận, vắc xin này dễ gây phản ứng phòng vệ hơn các loại vắc xin khác.
Tuy nhiên, việc tìm một nguồn vắc xin khác thay thế trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam là vô cùng khó khăn, bởi giá vắc xin Quinvaxem là 77.000 đồng/liều, trong khi các vắc xin “5 trong 1” tương tự nhưng có thành phần ho gà vô bào, tinh khiết hơn có giá bán lẻ lên đến 550.000 đồng/liều.
Trời lạnh giá, nhiều gia đình dùng than để sưởi ấm trong phòng ngủ, điều này rất nguy hiểm vì nguy cơ ngộ độc khi than. Mới đây, ngày 9/1, hai mẹ con ở Hà Tĩnh đã phải nhập viện trong tình trạng hôm mê sâu vì sử dụng than củi để sưởi ấm trong phòng ngủ và bị ngộ độc. Nên kiến nghị các gia đình khác không sưởi ấm theo cách này, nếu có sưởi cũng phải mở cửa để không khí được lưu thông.
- Phạm Thanh