Những ngư phủ lặn tìm xác người trên dòng Hương Giang (II)

13:55, Thứ tư 01/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Công việc vớt xác người chết trên sông không hề đơn giản. Dưới nước đêm cũng như ngày, tất cả đều tối tăm, chỉ biết dùng tay quờ quạng mọi thứ, cảm nhận được vật thể lạ lùng thì dùng sức vớt lên.

Công việc “lặn” ma nhiều áp lực, trên bờ thân nhân người bị nạn thúc giục, kêu khóc vang trời, dưới nước nhiều cạm bẫy rình rập dẫn đến chết người như: xoáy nước sâu, chân dẫm phải mẻ chai, vật nhọn sắt thép rỉ sét cắm đáy sông… là chuyện bình thường như cơm bữa.
[links()]
Chữ tâm trong nghề “lặn” ma

Chẳng hiểu do duyên phận hay lương tâm lên tiếng, cái nghiệp “lặn” ma đầy hãi hùng vận vào mấy đời gia đình ông Chí, có muốn bỏ cũng chẳng được. “Nhà tui theo nghề “lặn” ma tính đến nay cũng đã bốn đời rồi, chắc hơn 100 năm đó.

Từ đời ông nội tới đời bố, đời anh em chúng tôi và bây giờ khi con chúng tôi lớn lên chúng nó cũng bén duyên với cái nghề này” – ông Sết tự hào khoe. Trước đây gia đình ông là cư dân vạn đò sống ở phường Vĩ Dạ, TP.Huế.

Suốt ngày làm bạn với con đò, mái chèo, tắm mình bằng nước sông Hương nên ba anh em ông có biệt tài bôi lội giỏi, quăng mình xuống sông nhanh nhẹn như con Rái Cá.

Ba anh em ngư phủ trong lần “tác nghiệp” vớt xác trên dòng Hương Giang
Ba anh em ngư phủ trong lần “tác nghiệp” vớt xác trên dòng Hương Giang

Dù thiếu cơm gạo, tiền bạc nhưng chỉ cần nhìn thấy nước sông là họ có thể sống tốt bằng cách đánh bắt con tôm, con cá trên dòng sông. Điều khá ngạc nhiên, con nước sâu đến 35 mét, dài mấy sải tay chắp lại, họ cũng có thể lặn tới trong vòng chỉ một hơi.

Khi chúng tôi hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp, ông Sết cho hay “làm nghề này phải có thể lực tốt, bơi lặn giỏi và phải có sự can đảm trước hiểm nguy của sông nước và trước lần đối diện với thi thể xác người đã chết”.

Công việc “lặn” ma nhiều áp lực, trên bờ thân nhân người bị nạn thúc giục, kêu khóc vang trời, dưới nước nhiều cạm bẫy rình rập dẫn đến chết người như: xoáy nước sâu, chân dẫm phải mẻ chai, vật nhọn sắt thép rỉ sét cắm đáy sông… là chuyện bình thường như cơm bữa.

Nói rồi ông Chí đưa bàn tay ra, kéo vạt quần dưới chân lên cho chúng tôi xem. Những vết sẹo ngang dọc, to nhỏ đếm không hết đã lành lặn nhưng in hằn kỷ niệm gian khổ, đầy máu và nước mắt của nghề.

Thế nhưng ông Chí và hai người em của ông luôn quyết tâm trong công việc “Mò được xác chết mới chịu nghỉ. Dù rét mướt hay lạnh cóng người dưới nước, anh em cũng chỉ uống vài chén nước mắm hoặc rượu để lặn tiếp.

Thà mình chịu khổ một tí còn hơn để người bị nạn nằm dưới nước cô đơn, lạnh lẽo” – ông Chí tâm sự

Công việc vớt xác người chết trên sông không hề đơn giản. Dưới nước đêm cũng như ngày, tất cả đều tối tăm, chỉ biết dùng tay quờ quạng mọi thứ, cảm nhận được vật thể lạ lùng thì dùng sức vớt lên. Mới đầu hành nghề, chưa quen, có lần mấy anh em ông vớt …trúng xác động vật đã phân hủy.

Qua nhiều năm theo kinh nghiệm của dân sông nước, ông đoán được xác nạn nhân trôi cách nơi tử nạn bao xa, nước sông nông hay sâu, có đá ngầm hay hang hốc…để có phương án lặn tìm tốt nhất.

Để có xác suất cao hơn mấy anh em thường nắm tay nhau dàn hàng ngang dưới đáy sông hoặc phân công nhau mỗi người một khu vực để tránh bỏ sót nơi nào, dưới từng mét sông. Không chỉ “lặn” ma ở Huế, ba anh em ông Chí, Sết, Nết còn tham gia vớt xác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai…

Hễ có người nhờ là anh em ông sẵn sàng xách ba lô lên đường bất kể nắng mưa, ngày hay đêm, mưa gió rét buốt.

Nhiều dân vạn đò ở những nơi khác rất kiêng cữ khi cứu vớt người gặp nạn trên sông nước; vì họ sợ liên lụy đến anh em, gia đình và vợ con của mình. Mỗi khi Hà Bá đã có ý định bắt ai thì người đó phải chịu tội, và cái nghiệp cứu người, vớt xác người chẳng khác gì đùa giỡn với tử thần.

Nói về chuyện này, ông Sết cười xuề xòa “mình làm việc thiện có chi mà sợ. Cái mình sợ là không vớt lên được khiến thân nhân người gặp nạn đau khổ, lương tâm mình lên tiếng”.

Có một điều lấy làm lạ là nghề “lặn” ma vất vả đôi khi trả giá bằng tính mạng nhưng mấy anh em ông Sết chưa bao giờ để ý tính chuyện tiền công. Họ làm một cách tự nguyện và không hề có sự thúc ép về tiền bạc.

Các ông đều có một suy nghĩ mình làm việc thiện, tích chút phúc đức cho con, cho cháu. Chắc có lẽ cũng vì thế mà những lần vớt xác đều thành công và gặp nhiều điều may mắn.

Ông Nết nhớ lại, cả đời vớt xác chỉ một lần ba anh em ông được thưởng tiền “công” lớn nhất là 500 ngàn đồng. Ngoài ra ai cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, khi thì chai rượu, lúc vài ba ngàn tiền lẻ mua thuốc hút, có khi chỉ là những cái bắt tay chia sẽ nỗi đau thân nhân người bị nạn.

Các ông không bao giờ than vãn sự bạc bẽo của nghề, sự vô tình của gia chủ. “Bởi vì người ta đang đau khổ khi mất người thân, tâm trí còn rối bời nên có thể quên, mình thông cảm cho họ không hết nữa là trách móc.

Sự ích kỷ và hèn nhát không thích hợp cho những ai coi cái nghiệp “lặn” ma nguy hiểm này là nghề” – ông Nết nói. Có nhiều trường hợp vớt lên là xác của người bị điên, tâm thần không có thân nhân đến nhận. Mấy ông còn phải tắm rửa, khâm liệm đường hoàng rồi về nhà bảo vợ con cầm tiền ra chợ mua nhang đèn, hoa quả về cúng bái cho họ.

Gặp gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, anh em ông còn lo lắng đủ thứ, mà theo ông Nết là để “miễn sao mình bước chân ra đi cảm thấy được thoải mái”.

Về nhà không đơn giản chuyện đã xong, vì là dân sông nước nên ba anh em ông luôn có chút tâm niệm linh thiêng, bảo vợ con mua tiền vàng mã chèo đò ra mặt sông trước nhà đốt cúng vái Thần sông, Thần nước...

Họ thường ít bàn tán về những chuyện gì đã xảy ra, ngay cả những hiểm nguy gặp phải trong ngày. Có lẽ họ đã quá quen với cảnh sống nguy hiểm hay tinh thần họ được tôi luyện bằng gang thép vậy.

Để thuận lợi cho công việc “lặn” ma, ba anh em ông Chí mày mò sáng tạo ra chiếc máy tạo khí phục vụ cho việc lặn ở những đoạn sông sâu. Họ tự bỏ tiền túi hơn 8 triệu đồng mua sắm máy nổ, mua dây dẫn khí, kính lặn và tự thiết kế bình hơi, chế tạo bộ phận tạo khí.

Ngồi bên cạnh chiếc máy, ông Sết gương mặt không giấu hết niềm vui, nói: “may nhờ có cái máy ni, tụi tui mới lặn lâu hàng giờ dưới nước để tìm kiếm. Máy có thể cung cấp khí cho hai người cùng lặn một lúc.

Nhờ đó công việc vớt xác người cũng diễn ra nhanh chóng hơn trước nhiều”. Tận mắt thấy công việc “lặn” ma cứu giúp người của chồng, của người thân là việc tốt đời đẹp đạo nhưng vô cùng hiểm nguy, gia đình các ông Chí, Sết, Nết đã ra sức ngăn can đủ điều.

“Nhiều khi thấy mình làm về không có tiền trao tay lại còn… tốn của nhà, tốn thời gian, bà vợ la mắng om sòm khiến mình khổ tâm. Nhưng trót dính vô nghiệp này rồi, mình đứng ra phân bua, tìm cách giải thích, vợ cũng hiểu cho đôi phần” – ông Chí thổ lộ.

Mưa dầm thấm lâu, những bà vợ của ba anh em ngư phủ cũng đành cam chịu, cố gắng giúp đỡ chồng khi có thể.

Nghề “lặn” ma lắm trần ai, nhiều chuyện dưới sông được kể qua chính lời của người trong cuộc mà người nghe cũng không thể ngờ. Không ngờ cho tấm lòng nghĩa hiệp hiếm có trong đời, không ngờ cho thời nay vẫn còn những ngư dân rộng lòng nhân ái như thế.

Nét mặt trầm ngâm, ông Sết hồi tưởng lại chuyện cũ. Đó là lần mấy ông vớt xác một người đàn bà trung niên bị chết đuối ở cầu Bạch Hổ năm 2009. Khi lặn xuống sát đáy ông Chí thấy người bị nạn nằm sấp dưới đáy sông, hai tay ôm trước ngực giữ chặt khư cái bọc được gói bằng túi nilon màu đen.

Khó khăn lắm các ông mới đưa được nạn nhân lên bờ, kiểm tra không có giấy tờ tùy thân gì trong người. Chẳng thể tin cái bọc màu đen chứa đựng đầy tiền.

Không một phút chần chừ, ái ngại, ông Sết quyết định cất giữ số tiền lớn đó để sáng mai tới cơ quan công an gần nhất bàn giao lại cho họ. “Người ta chết rồi, mình còn lấy tiền nữa thì chẳng khác gì không cứu mà còn làm việc thất đức.

Giữ gìn tấm lòng trong sạch trong nghề cũng là bài học đáng quý mỗi anh em cần phát huy, tránh việc vì ham đồng tiền đánh mất luôn mình, bôi nhọ nghề nghiệp tích đức này” – ông Chí cho hay.

Nghề chính của ông Chí, ông Sết, ông Nết là chèo đò chở khách sang sông ở bến chợ Cồn, công việc vất vả nhưng thu nhập chả đáng là bao. Mấy anh em ông đôi lúc chạy ăn từng bữa, đi vay mượn nhau từng lon gạo, vừa giúp bà con tiểu thương có phương tiện giao thông đi lại để bán buôn.

Nhưng kể từ khi UBND TP. Huế ra quyết định buộc bến đò ngừng hoạt động để chờ cấp giấy phép thì nguồn thu nhập ít ỏi đó của mấy ông cũng không còn. Vì kế sinh nhai, ban đêm mấy ông thường theo du thuyền Rồng trên sông Hương phụ giúp làm những công việc lặt vặt như: Sắp xếp bàn ghế, quét dọn vệ sinh…

Tuy nhiên, khách đông chủ yếu vào mùa hè còn mùa đông khách thưa thớt, có khi không ai kêu mấy ông đi làm “phụ” thuyền nữa. Sau bao năm vật lộn với sông nước, sức khỏe các ông suy giảm đi nhiều.

Nhưng ba anh em ngư phủ vẫn chưa bao giờ có ý định ngơi nghỉ nghề lặn vớt xác. Các ông vẫn muốn cống hiến hết sức mình để làm việc thiện. Ông Nguyễn Văn Nết tâm sự: “Mình còn sức là còn lặn thôi, khi nào già yếu quá rồi, lặn đuối sức thì mới nghỉ”.

Hiện nay đội “lặn” ma của ông có tất cả 7 người gồm 3 anh em ông là: anh cả Nguyễn Văn Chí (60 tuổi), ông Sết và người em trai út là Nguyễn Văn Nết (50 tuổi) cùng hai người con là Nguyễn Văn Thanh (29 tuổi), anh Nguyễn Văn Manh (26 tuổi), 3 đứa cháu trai làm công việc này nữa.

Tất cả đều bơi lội giỏi trên sông nước, người quanh vùng xem họ như những con Rái Cá trên dòng Hương Giang. Đôi lúc gặp “phi vụ” khó khăn về ban đêm, họ còn gọi thêm mấy người hàng xóm bên cạnh đi giúp sức cùng.

“Họ không lặn lâu được thì đứng trên bờ động viên tinh thần cho anh em. Công việc này càng có nhiều người thì mới có tinh thần tốt và làm việc nhanh được” – ông Chí nói. Hiện ba anh em ông Chí, Sết, Nết là “cộng tác viên” không lương cho Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, công an tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Khi được hỏi về mong ước lớn nhất của mình bây giờ là gì? ông Chí cho hay, ông chỉ mong các cơ quan thành phố, tỉnh quan tâm hỗ trợ, lập hẳn một đội chuyên nghiệp “lặn” ma, đầu tư trang thiết bị chuyên dụng cho họ để công tác tìm kiếm cứu nạn được tốt hơn.

Ông cũng như hai người em mong không còn tồn tại cái nghề này nữa, bởi chẳng ai muốn thấy xác người chết.

Nhưng nghĩ cũng thật khó cho cái mong ước của anh em ông Chí vì biết khi nào người ta mới thôi nghĩ đến chuyện gieo mình tự vẫn hay tai nạn ngoài ý muốn trên sông nước.

Do đó đến giờ, dù tuổi cao sức yếu, những Rái Cá vẫn đều đặn lặn ngụp trên dòng Hương Giang để tìm xác người, vì trót theo cái nghiệp, dù họ không hề hay muốn điều này.
 

Những ngư phủ lặn tìm xác người trên dòng Hương Giang )

  • Kiến Giang
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc