Anh Trương Đăng Khoa – Trưởng ban Tư tưởng văn hóa tỉnh đoàn Kiên Giang cho biết nhóm Sao Biển ở Kiên Giang chính là tên gọi của một nhóm đồng đẳng chuyên đi tuyên truyền tác hại và cách phòng chống đại dịch HIV-AIDS.
Mặc dù nhóm chỉ mới hoạt động trong vài năm trở lại đây nhưng đã có những tác động khá tích cực đến nhiều nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV-AIDS cao trong xã hội. Đa số các thành viên trong nhóm đều thuộc những tổ chức hoặc những dự án phòng chống HIV-AIDS khác nhau nhưng vẫn cùng nhau tụ lại chung “mái nhà” Sao Biển để cùng nhau làm những điều gì đó tốt đẹp nhất còn có thể cho cuộc đời này.
Theo anh Khoa, hoạt động sôi nổi nhất trong nhóm là hai chị nông dân cùng ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Trong đó, một chị bị lây HIV từ chồng khoảng chục năm nay, chị còn lại có chồng đã chuyển sang giai đoạn AIDS trong khi bản thân chị vẫn khỏe mạnh bình thường.
Hoa đời thường
Không ai có thể tin rằng người phụ nữ tên Nguyễn Thị Tuyết, năm nay 30 tuổi, trông thật mạnh khỏe, tươi tắn đã bị nhiễm HIV từ năm 1999. Suốt 12 năm mang căn bệnh thế kỷ trong người, chị Tuyết vẫn lạc quan yêu đời và… coi thường thần chết.
Chị Tuyết kể lại, năm 1999 chị lập gia đình khi mới 19 tuổi. Chồng chị là một thanh niên hiền lành tử tế, chỉ biết lo làm ăn chứ không hề rượu chè trai gái. Cưới nhau được một năm, anh chị có một bé trai đặt tên Nguyễn Quốc Hòa. Hàng ngày chị ở nhà nội trợ còn chồng làm ruộng kiếm tiền nuôi con.
Cuộc sống dù không dư dả nhưng đầy ắp tiếng cười vì anh là người rất yêu vợ. Năm 2002, chị có thai một bé gái. Lúc này, anh Đ chồng chị bỗng dưng hay sốt về chiều, sau đó thì giảm cân và ho dữ dội. Nhiều lần đang ăn cơm, anh Đ phải buông chén giữa chừng và ho như muốn long phổi. Sức khỏe anh suy kiệt nhanh chóng, không còn làm được những công việc nặng nhọc.
Từ một thanh niên lực điền, anh Đ trở nên co ro và ốm yếu như ông già 70 tuổi. Nghi bị lao, gia đình đưa anh Đ Vào bệnh viện để điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy đúng là anh bị nhiễm lao khá nặng. Sau khi nằm viện một thời gian, bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm mà có chiều hướng nặng thêm.
Mỗi cơn ho, anh phải đưa tay ôm ngực và ho ra máu. Nghi ngờ anh nhiễm HIV, bệnh viện tiến hành xét nghiệm và cho ra một kết quả làm mọi người trong gia đình rụng rời: anh dương tính với HIV, bệnh đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối.
Lúc này, cả hai vợ chồng anh Đ – chị Tuyết như ngã gục. Điều mà họ lo lắng nhất là cả nhà cùng nhiễm HIV và cái kết thúc bi thảm nhất là những đứa con vộ tội sẽ chết vì căn bệnh thế kỷ. Đau đớn nhất là chị Tuyết đang mang thai. Sau nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng, chị Tuyết vội vàng đi làm xét nghiệm và phát hiện mình cũng bị nhiễm HIV.
Lúc này, cái thai trong bụng chị Tuyết đã 7 tháng, không thể phá bỏ. Cả gia đình chị như suy sụp hoàn toàn. Nhiều người nói rằng con đường lây truyền HIV nhanh nhất chính là truyền từ mẹ sang con. Khả năng chị lây nhiễm cho con lên đến 99% càng làm cho chị thêm suy sụp. Nhiều lần chị chỉ nghĩ đến cai chết với suy nghĩ trước sau gì cũng phải chết, thà chết khi còn mạnh khỏe để không phải chịu những đau đơn do căn bệnh mang lại.
Cả hai vợ chồng đều không thể nào lý giải vì sao mình mắc phải căn bệnh thế kỷ này. Trong xóm, anh Đ nổi tiếng là người hiền lành, không hề ăn chơi quậy phá. Từ nhỏ tới lớn, anh chỉ quen đúng một mình chị Tuyết và cưới chị làm vợ chứ chưa từng quen cô nào.
Đối với chị Tuyết, anh Đ cũng là người đàn ông đầu đời và duy nhất. Tìm hiểu các con đường lây lan, cả hai lại càng không hiểu lý do tại sao mình nhiễm bệnh khi chị và anh đều không tiếp xúc với bất kỳ nguồn nguy cơ lây nhiễm nào. Đến những ngày cuối đời, anh Đ mới nhớ ra và thều thào kể lại cho chị Tuyết hay cớ sự.
Thì ra, hơn mười năm về trước khi còn ở tuổi thiếu niên anh Đ cùng một người bạn trong xóm cùng nhau đi chơi trên tỉnh. Vừa xong vụ thu hoạch lúa nên trong túi người nào cũng rủng rỉnh chút tiền.
Tối hôm đó, sau khi đã uống rượu cùng bạn bè, cả hai người quyết định tìm một cô gái đứng đường để “thử cho biết”. Kết quả của lần “thử” duy nhất này là anh Đ bị dính HIV. Anh Đ nhớ lại cô gái mà anh và người bạn quan hệ tình dục rất đẹp, nhiệt tình và không đòi hỏi nhiều về tiền bạc.
Mẹ con chị Tuyết vui đùa bên nhau |
Thời điểm này người bạn của anh Đ có mua mấy cái bao cao su mang theo nhưng cô gái trẻ bảo rằng đeo bao cao su sẽ mất hết cảm giác. Tuổi trẻ bồng bột, cả hai đồng ý quan hệ với cô gái mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào. Sau cuộc mây mưa, cả hai trở về quê nhà, lao đầu vào công việc đồng áng và không còn thời gian đề nghĩ về cô gái ăn sương có thân hình rất chuẩn kia.
Sau khi chồng mất, chị Tuyết phát hiện người bạn mà chồng chị kể cũng đang vật lộn với căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Đau đớn đến cùng cực, chị có lúc nghĩ liều cả ba mẹ con dù gì cũng phải chết, thôi thì tự tử cho xong. Nghĩ là vậy nhưng những người thân bên gia đình chồng ra sức khuyên can nên chị cũng nguôi ngoai phần nào. Lúc mới sinh bé Nguyễn Thị Bích Ly (năm 2002), chị nghĩ cháu chắc chắn bị dính HIV nên định bỏ liều, cho con bú sữa mẹ rồi ra sao thì ra.
Thế nhưng, bà mẹ chồng nói “còn nước còn tát”, khó khăn thế nào cũng phải có tiền để mua sữa bột cho cháu bé. Nhà chị nghèo, gia đình chồng cũng nghèo nên dành dụm được bao nhiêu tiền đều phải trút cho hai cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi lớn. Cháu bé con chị đủ sữa nên lớn nhanh như thổi. Bé trai lớn hơn một chút cũng đã biết chăm em phụ mẹ, biết dỗ em mỗi khi em khóc. Những người trong gia đình chồng cũng yêu thương chị hết lòng, như để bù đắp những thiệt thòi mà chồng chị đã gây ra cho chị.
Nhìn các con ngày càng lớn mà lòng chị Tuyết như có lửa đốt bên trong. Bé nào cũng kháu khỉnh dễ thương, giống cha như đúc càng làm chị nhớ chồng, nhiều lúc nghĩ quẩn. Một ngày mùa đông năm 2004, chị tay bế tay bồng hai con, nửa đêm bắt xe lên bệnh viện Nhi đồng I xét nghiệm cho con. Các bác sĩ ở đây đã cho ra một kết quả xét nghiệm hoàn toàn bất ngờ: Cả hai đứa con của chị đều âm tính với HIV. Nghĩa là, cả hai bé đều khỏe mạnh và không bị lây từ mẹ. Đến lúc này, chị Tuyết như được sống lại lần thứ hai!
Cuộc sống ở nông thôn vẫn còn những định kiến đối với căn bệnh thế kỷ. Mọi người thường ngại tiếp xúc với người bệnh vì sợ bị lây nhiễm. Nhiều lúc, chị Tuyết phải cố nén để không phải bật khóc khi người ta có thái độ kỳ thị đối với mẹ con chị. Khi bé trai con chị đến tuổi đi học, chị đã rất băn khoăn không biết bé có gặp trở ngại gì hay không.
Đúng như chị suy nghĩ, học được 3 ngày thì bé nằng nặc đòi nghỉ học vì các bạn trong lớp không cho bé chơi chung, bảo rằng gia đình của bé bị “Si đa”, đụng vào là chết. Sau khi cô giáo biết chuyện, cô đã gọi các bạn trong lớp lên để giải thích cho các bạn hiểu. Nhờ vậy, con chị không còn đòi nghỉ học nữa. Đến năm 2006, một bước ngoặt đã xảy ra khi chị được gặp bác sĩ Nguyễn Văn Bình – Trung tâm y tế dự phòng huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).
Vị bác sĩ “từ mẫu” này – theo cách gọi của chị, rất gần gũi với người bệnh và chăm sóc họ như người thân. Không chỉ điều trị cho bệnh nhân bằng các loại thuốc đặc trị, bác sĩ Bình còn là trị liệu cho họ về mặt tâm lý, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho người nhiễm HIV/AIDS.
Chị Tuyết nói: “Bác sĩ Bình nói tôi nên tham gia các hoạt động xã hội của nhóm đồng đẳng, để thấy mình không phải là người duy nhất bị bệnh. Vào nhóm rồi tôi mới thấy có nhiều người hoàn cảnh còn bi đát hơn mình. Vào nhóm, chúng tôi có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và chăm sóc lẫn nhau để thấy mình không đơn độc…”.
Hiện nay, chị Tuyết là một trong những người tiếp cận được với rất nhiều người trong các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Chị kể: “Ban đầu, tiếp xúc với các đối tượng này rất khó. Người bình thường ngồi nghe còn cảm thấy ngại, huống chi là những chị em làm nghề mại dâm”.
Người dân Tân Hiệp quá quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ thường đi bộ vào các khu nhà nghỉ, quán ôm, quán cà phê, một vai mang một giỏ đầy… bao cao su, vai kia mang một giỏ tài liệu, tờ rơi để tuyên truyền. Nhiều chị em làm nghề mại dâm trá hình rất ngại khi phải ra nhà thuốc để mua bao cao su. Vì vậy, thấy bóng chị Tuyết là nhiều chị em xúm lại, ngồi “ôn” lại kiến thức phòng chống HIV/AIDS rồi nhận bao cao su để sử dụng.
Chị Tuyết kể, mỗi khi đi kiểm tra tủ đụng bao cao su treo ở các nhà nghỉ, thấy bao cao su hết là chị rất mừng. “Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều người được bảo vệ khỏi HIV.”, chị Tuyết nói. Chị Tuyết cho biết, nhiều chị em làm nghề mại dâm lưu số điện thoại của chị. Có khi họ hết bao cao su mà chưa thấy chị đến thì họ cũng chủ động gọi điện hỏi xin.
Ngoài thời gian đi tuyên truyền và phát bao cao su, hể nghe tin ở đâu có người nhiễm HIV là chị Tuyết lại tìm tới, ban đầu là chia sẻ, an ủi, sau là hướng dẫn người nhà cách chăm sóc người bệnh. Nhiều lúc, chị còn là người trực tiếp chăm sóc cho họ.
Khi làm những công việc này, chị luôn tâm niệm rằng, chỉ cần thêm một người biết cách tự bảo vệ là có thêm một người tránh được HIV. “Ngày xưa, chỉ cần có một cái bao cao su là chồng tôi không phải chết”, chị Tuyết tâm sự.
Một điều lạ là mặc dù nhiễm HIV từ chồng hơn 10 năm nay nhưng đến giờ chị Tuyết vẫn chưa cần phải uống một viên thuốc nào theo phác đồ điều trị. Chỉ số CD4 (chỉ số kháng thể) của chị trong vài năm trở lại đây luôn ổn định ở mức trên dưới 500! Đây là chỉ số của một người đang khỏe mạnh, không cần phải dùng thuốc.
Theo chị Tuyết, người nhiễm HIV đủ dinh dưỡng, sống lành mạnh, lạc quan và vui tươi cũng là một cách tăng cường kháng thể. Chị Tuyết “bật mí”: “Tôi vẫn là một nông dân thứ thiệt. Ngoài việc chăm sóc mảnh ruộng ở nhà, tôi còn làm thuê cho những chủ ruộng khác để có thêm thu nhập. Mấy năm nay, tôi vẫn lao động bình thường và biết rằng cơ thể của mình vẫn còn rất khỏe”. Bé Quốc Hòa con chị năm nay 8 tuổi lém lỉnh: “Mẹ ráng sống để sau này… cưới vợ cho con!”.
Anh Trương Đăng Khoa – Trưởng ban Tư tưởng văn hóa tỉnh đoàn Kiên Giang cho biết, chị Tuyết là người nhận được nhiều bằng khen của từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Nhiều lần, chị được tỉnh đoàn biểu dương. Năm ngoái, chị Tuyết là một trong hơn 10 người nhận được giải thưởng “Hoa cuộc sống” khu vực phía Nam tổ chức tại TP. HCM. Trong số những người được vinh danh, chị là người duy nhất bị nhiễm HIV.
Vẫn quyết cưới dù người yêu nhiễm HIV
Trong nhóm Sao Biển ở Kiên Giang, chị Ngọc Hằng(tên nhân vật đã thay đổi) là một trường hợp đặc biệt. Chị sinh năm 1977, gương mặt đẹp, nước da trắng ngần. Sau gần 7 năm yêu nhau mà không chịu cưới, anh Phú (sinh năm 1975, chồng chị bây giờ) mới chịu nói thật với chị rằng anh là người nghiện ma túy, lại nhiễm HIV nên không muốn làm khổ chị. Sau khi hai người khóc hết nước mắt, anh để lại cho chi một lá thư, bảo rằng chị hãy yêu người nào xứng đáng hơn rồi anh bỏ đi biệt tích.
Không cam tâm bỏ mặc người yêu, năm 2003, chị tìm được anh đem về. Lúc này, anh đã thân tàn ma dại, cao 1,7m nhưng chỉ nặng đúng 39 kg! Nhận ra tấm lòng của chị, nhận ra mình vẫn còn có ý nghĩa đối với cuộc đời, với ít nhất là một người, anh thề từ bỏ ma túy.
Cả gia đình anh không tin vào điều kỳ diệu. Không ai có thể tin một con nghiện bị nhiễm AIDS chỉ còn da bọc xương có thể sống được, nói chi đến việc cai nghiện! Gần 3 tháng trời, anh một mình trong phòng, “cấm cửa” tất cả mọi người, kể cả người yêu. Chị cứ ngày ngày làm thức ăn, gõ cửa năn nỉ anh ăn cho có sức nhưng anh hầu như chỉ uống nước cầm hơi, mỗi ngày ăn không quá 2 chén cơm. Mỗi khi cố ăn để vừa lòng người yêu thì lại nôn thốc nôn tháo. Những lúc ấy, chị chỉ biết len lén ra ngoài khóc một mình vì sợ anh biết.
Ba tháng sau, anh bất ngờ tuyên bố đã đoạn tuyệt với ma túy. Rồi anh …đòi ăn đủ thứ, ăn như cọp bị bỏ đói lâu ngày. Cả nhà anh đều bất ngờ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một mặt, anh tập thể dục thể thao, ăn uống bồi bổ, mặt khác, anh và chị liên hệ các nguồn cung cấp thuốc điều trị HIV/AIDS, tích cực điều trị.
Anh lên cân vù vù, từ 39kg năm 2003 lên đến hơn 60kg năm 2004. Lúc này, chị mới dẫn anh về ra mắt gia đình. Không một ai ở nhà chị biết rằng chàng rể tương lai từng là con nghiện hạng nặng và đang mang trong người căn bệnh thế kỷ. Một đám cưới đơn sơ nhưng đầm ấm đã diễn ra vào năm 2004 là một kết quả đẹp mà cả anh và chị cùng chung tay gầy dựng.
Chị cho biết: “Căn bệnh này chỉ cần biết cách phòng chống thì rất khó lây”. Quả thật, cho đến nay, chị vẫn khỏe mạnh bình thường và luôn hạnh phúc bên anh. Hàng ngày, chị may gia công, còn anh thì sửa chữa đồ điện để có tiền sinh sống.
Năm 2006, cùng với chị Tuyết, vợ chồng chị Hằng có cơ hội gặp bác sĩ Nguyễn Văn Bình – trung tâm y tế dự phòng huyện Tân Hiệp. Sau vài lần tiếp xúc với bác sĩ Bình, cả hai vợ chồng chị Hằng bàn với nhau xâm nhập vào thế giới của những người nghiện ma túy và mại dâm để góp phần làm các đối tượng này hiểu rõ hơn về tác hại và cách phòng chống sự lây nhiễm của HIV/AIDS.
Chị hằng kể, thời gian đầu, khi anh Phú thâm nhập vào giới nghiện ma túy, lúc nào tôi cũng kè kè đi theo vì sợ ảnh tái nghiện. Các đối tượng hút chích khu vực này biết quá rành về quá khứ của “đại ca” Phú nên không ai có ý định rủ rê, lôi kéo anh sa vào con đường cũ.
Thậm chí, có đối tượng còn tâm sự với Phú là muốn dứt bỏ ma túy nhưng ý chí vẫn chưa thắng được nhu cầu bản thân. Có người con xin số điện thoại của anh chị, mỗi lần có chuyện gì đó không giải quyết được thì gọi để tâm sự, xin ý kiến…
Chị Hằng cho biết, ngoài những đối tượng mại dâm núp bóng tiếp viên nhà hàng, quán cà phê, địa bàn huyện Tân Hiệp còn có thêm gần 40 đối tượng là người bán dâm chuyên nghiệp. “Thỉnh thoảng, các anh công an cũng có hỏi thăm về các đối tượng này nhưng tôi và chị Tuyết không bao giờ cung cấp. Mình làm vậy là tự mình cắt bỏ con đường của mình đến với họ. Khi họ không còn tin mình nữa, họ hoạt động lén lút mà không có bao cao su thì tình hình càng tệ hơn.
Lâu dần, các anh công an nhìn thấy nhóm đồng đẳng đi làm việc cũng chỉ gật đầu chào chứ không còn quan tâm đến công việc của chúng tôi nữa.”, chị Hằng nói.
Thời gian đầu, chị Hằng không hiểu vì sao khi đang họp nhóm ngon trớn thì tự dưng các đối tượng vùng dậy bỏ chạy tán loạn. Hôm sau, họp với nhóm khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều lần như vậy, chị mới phát hiện thì ra các đối tượng này “sợ” chiếc xe gắn máy biển số xanh của bác sĩ Thiện - trung tâm y tế dự phòng.
Thì ra, do bác sĩ Thiện là người có nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ hoạt động của các đồng đẳng viên nên phải thường xuyên “tình cờ” ghé thăm các điểm đang họp nhóm theo lịch. Các đối tượng thấy biển số xanh cứ tưởng bác sĩ Thiện là công an nên bỏ chạy hết.
Thế là, bác sĩ Thiện bị “buộc” phải sử dụng xe biển số trắng. Đó là thời gian đầu. Hiện nay, các đối tượng này đã quá quen với công việc của nhóm đồng đẳng cũng như các bác sĩ của trung tâm y tế dự phòng nên không còn sợ cái biển số nữa.
Chị Tuyết tâm sự, với các đối tượng mại dâm, chị bây giờ giống như một người bạn. Thậm chí, nhiều lần nữa đêm, có chị bị bệnh đột xuất không biết gọi cho ai đành phải gọi luôn cho chị. Còn chuyện lấy xe nhà để chở các chị em đến chỗ họp nhóm xảy ra như cơm bữa.
Có lần, họp nhóm trong một quán nước trên con đường nhỏ, chị làm liều “tống ba” cho kịp thời gian không ngờ bị mấy anh cảnh sát giao thông tuýt còi. Xuống xe, chị bắt đầu… năn nỉ. Nhìn thấy chị mặc đồng phục, trên xe lỉnh kỉnh “đồ nghề” tuyên truyền, rồi còn một giỏ chất đầy bao cao su, mấy anh cảnh sát giao thông cố nhịn cười, khoát tay không phạt, nhưng chỉ chở được một chị rồi quay lại rước tiếp.
Lần đó, “bệnh nghề nghiệp”, chị cũng giở ra một mớ tài liệu ấn vào tay anh cảnh sát mặt mũi trẻ măng, không quên kèm theo mấy cái OK bắt anh phải bỏ vô bóp… phòng thân! Chị Hằng kể, nhiều khi trong túi không có tiền mà vẫn làm cương, ra vẻ đàn chị giành trả tiền ăn sáng khi tình cờ ngồi chung quán với các chị em.
Sau này, nhiều chị em ghé nhà, biết chị Hằng cũng phải lao động vất vả để kiếm tiền nên họ áp dụng chiêu “tiền ai nấy trả, tình bạn vững bền”. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình chị Hằng, có cảm giác ngôi nhà nhỏ của anh chị giống như một… trung tâm tư vấn. Anh Phú và các “bạn nghiện” ra quán cà phê, nhường hẳn căn phòng nhỏ cho chị em phụ nữ. Trong phòng, tài liệu các loại nằm la liệt.
Một “tài liệu tuyên truyền” làm bằng gỗ đã đeo bao cao su đúng cách đang nằm chỏng chơ trên sàn nhà. Thấy người lạ, mấy chị còn trẻ đỏ mặt, giấu vội “tài liệu” vào giỏ. Một số chị sau khi lấy xong bao cao su thì kiếu từ ra về, hẹn hôm sau họp nhóm tâm sự tiếp. Một chị còn lại có người thân bị AIDS thì đang ngồi nghe tư vấn cách chăm sóc…
Chị Hằng tâm sự, điều làm chị băn khoăn nhất là cho đến nay vẫn không biết làm sao để có thể nói rõ tình trạng bệnh của chồng cho gia đình mình biết. Mấy lần chị cũng nói xa nói gần để thử cha mẹ nhưng xem ra họ vẫn còn rất sợ căn bệnh này nên vợ chồng chị đành tiếp tục giấu. Ông bà cứ hỏi bao giờ thì có con, vợ chồng chị đành phải nói chắc tại hiếm muộn cho qua chuyện, bởi chi phí “lọc” tinh trùng không nhiễm